Gặp mặt đầu xuân,ký dự thi Hào Khí Trường Sơn của Nguyễn Duẩn

Ngày đăng: 02:34 25/06/2018 Lượt xem: 529
Dự thi Hào khí Trường Sơn


                                                        G
ẶP MẶT ĐẦU XUÂN
                           
                                                                   Ký của Nguyễn Duẩn

         
        Tuy đã qua Tết Nguyên tiêu nhưng trời còn se se lạnh. Ngọn gió thoảng qua, những cánh hoa mai lả tả như đàn bướm xinh dập dìu trước sân.Tôi được các anh chị đội văn nghệ BLL TS thị trấn Quán Hàu - Quảng Bình mời dự gặp mặt đầu xuân.Gặp tôi đầu ngõ, chị Chiến đon đả:
- Tưởng cậu không đến!
- Dạ! Em đang loanh quanh tìm nhà, may gặp anh Duy.

        Anh Duy là chủ nhà của bữa “tiệc” hôm nay. Người anh đen choắt nhưng nhanh nhẹn. Căn nhà chật, được bàn tay chủ nhà sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. Mấy chậu hoa cúc đặt trước bậu cửa nở xòe thơm ngát.Mâm cỗ được bày ra. Mùi thơm thịt gà bóp chanh lan tỏa, mùi rau cần gợi lên khung cảnh đầm ấm gia đình.Anh Thành - Trưởng BLL TS -  lên tiếng:
 - Thưa các đồng chí! Hôm nay đội văn nghệ chúng ta gặp mặt để anh em hội ngộ, giao lưu đầu xuân, đồng thời bàn bạc kế hoạch của đội, chuẩn bị cho Ngày truyền thống Hội TS (19-5) sắp đến.

         Tiếng vỗ tay lộp bộp, tiếng cụng ly lách cách, tiếng người lao xao. Những lời tốt đẹp chúc mừng năm mới được cất lên. Ai nấy hăm hở kể chuyện tết của gia đình.Mừng nhất là anh Duy(chủ nhà), có đứa con bị di chứng chất độc da cam, gia đình chạy chữa mãi nay lành, đã đi làm việc.Không khí bỗng nhiên trầm lắng. Hầu như mọi người đang hồi tưởng điều gì xa xăm...!Chị Chiến - phụ trách nữ TS thị trấn - cất tiếng:
- Nhìn mâm cỗ mà lòng cứ bùi ngùi nhớ lại những năm tháng ở đường 20 Quyết Thắng.

          Chị kể, năm 1969  tốt nghiệp lớp Y sĩ, chị được điều động về Ban 67 của Bộ GTVT, công tác tại km37, đường 20.Có ngày, máy bay địch oanh tạc liên tục, các anh đi tuyến hết, không có lương thực, còn một bơ gạo ba chị em nhai sống qua bữa. Chờ khi hết bom, đi hái rau rừng về nấu ăn. Rồi giọng chị trầm xuống nghèn nghẹn. Chị nói: “Chị nhớ mãi về người bạn của chị đã hy sinh, hình ảnh  ấy cứ ám ảnh mãi đến bây giờ”. Ngày đó, hai chị em nhận thuốc về, kiểm kê xong rủ nhau ra suối tắm. Máy bay địch nhào xuống cắt bom. Hai chị em nấp vào hang đá gần đó. Một quả bom rất gần nổ vang, đá trên đầu rơi rào rào, tai ù đi. Quay lại, thấy Huệ đã bị một mảnh bom cắm vào cổ gục xuống. Bò qua người Huệ, chị băng bó, cấp cứu. Nhưng không kịp nữa rồi, Huệ đã tắt thở. Một con rắn ở đâu chui ra, chị hoảng quá chạy ra cửa hang. Một quả bom chậm phát nổ, sức ép làm chị ngất đi. Các anh trong trạm quân y chạy đi tìm, thấy chị máu loang lổ tưởng chị bị thương, tĩnh lại chị nói cho các anh biết,  Huệ đã hi sinh đang ở trong hang đá. Tôi chen ngang:
- Nếu lúc đó có em thì....!Như hiểu ý tôi, chị cắt lời: - Khi đó cậu đang còn trẻ con. Mà cái dáng cậu có đi bộ đội chắc đào ngũ sớm, người ẻo lả thư sinh làm sao chịu nổi.Tôi lườm chị.

          Nhấp một ngụm rượu, anh Duy cất tiếng:

          Năm 1974, tôi vào bộ đội, đi một mạch vào các chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh, An Giang tham gia trực tiếp đánh năm  trận. Năm 1975, hòa bình, tưởng được về với vợ con, mừng lắm, nhưng năm 1977 lại tiếp tục sang Cămpuchia giúp nước bạn. Rồi năm 1979, được điều động về Vị Xuyên – Hà Giang thuộc Binh đoàn 12 . Công việc khảo sát đường nay đây mai đó, đi bộ hàng trăm cây số giữa mịt mù rừng núi.Về mùa mưa lũ, lương thực không chuyển lên chốt được có khi nhịn đói cả tuần. Anh em chốt liều mạng đi “trộm” sắn của dân bản.  Có anh đói quá ăn cả sắn sống về bị say, nôn, sốt, nói sảng. Sau đó phải xuống dân xin lỗi và nhờ dân cứu giúp. May mà được dân bản thương tình bỏ qua, rồi còn cho gạo về nấu ăn.

         Chắp vào câu chuyện, chị Võ Thị Lan - phụ trách nữ TS huyện - nói:   - Các anh là con trai còn đỡ,  bọn em con gái phức tạp, nhất là việc sinh hoạt cá nhân.  Chị vào TNXP năm 1974 thuộc BT 19, Quảng Trị . Công việc của đơn vị là phát  tuyến, chuyển hàng sang Lào, Cămpuchia. Lán trại tạm bợ đơn sơ, một bên là nữ, một bên là nam cách nhau cái phên nứa. Anh em con trai thì nghịch như quĩ sứ, thấy chị em sơ hở thì trêu chọc đến phát khóc.Chị nhớ lại, một hôm cả tiểu đội đang phát tuyến,  anh Ngọc tiểu đội trưởng vung cây dao rựa phát mạnh, một quả bom bi dứa vàng chóe lăn ra. Anh hét lớn: - Có bom! Cả tiểu đội nằm rạp xuống. Tưởng  mình sẽ chết hoặc bị thương vì quả bom chỉ cách hai bước chân. Hú vía! May bom không nổ, anh em chạy lùi lại và nhờ đơn vị công binh gần đó đến giải quyết.Có lần, tiểu đội chuyển hàng. Đói và khát, tiểu đội trưởng cho nghỉ và lên đồi hái sim ăn. Bỗng có chị thét lên: “Có xác người”. Đó là xác một tên lính ngụy đã bị mối đùn lên gần kín người. Thế là phải lấy ni lông gói gém và chôn cất. Càng đi sâu vào trong, xác xe tăng, xe M113, đạn pháo, đạn cối nằm la liệt. Mọi người hoảng quá nên đành quay lui.

         Anh Thắng - phó BLL TS - cắt lời:
 - Thôi! chúng ta hãy nâng li chúc mừng những người đã sống sót chiến thắng trở về, mừng xuân, mừng sự hội ngộ.Tiếng nâng li, tiếng chúc mừng lại rộn rã vang lên.Anh Thành - trưởng BLL - nói: - Ôn lại những kí ức Trường Sơn cũng là chuyện nên làm, các đồng chí cứ thoải mái tâm sự.Được đà, anh Trị góp vào: - Tôi chắc là người lính “sướng nhất”, lính xế mà. Tuy địch thường xuyên bám đánh, nhưng “ xe ta bon bon trên dặm đường” cứ vi vu thật thích. Anh là cựu TNXP (69-75) lái xe trên trục đường 15 A. Anh kể, có những lúc xe trúng bom bị cháy, chúng tôi chuyển hàng xuống rồi làm lán cất tạm, chờ xe sau đến chuyển tiếp. Những lúc như thế không có gì ăn, chỉ ăn toàn lương khô, thịt hộp đến phát ngấy. Khổ nhất là những lúc đang chạy, xe hỏng hóc xoay xở cả ngày mới xong, rồi phải bị hứng những trận bom tọa độ, chờ cứu viện. Những ngày mưa lũ, không biết làm gì mấy anh em nghêu ngao hát cho qua ngày. Buồn và nhớ nhà lắm.

           Anh Quí, anh Thắng, anh Giáo cũng góp vào làm câu chuyện chiến trường thêm rôm rả. Nhớ nhất là những năm đóng quân tại Xiêng Khoảng (Lào), có anh bị thương, anh thì bị sốt được dân bản Lào bồi dưỡng món ăn “ nhái ôm măng”. Không ăn thì đói, ăn vào thì ọe suốt ngày mà không nôn ra được. Nhưng vài ngày sau thấy khỏe lại, rồi ăn quen , sinh nghiện.Xua tan không khí lắng động của kí ức Trường Sơn, tôi xin phép được ngâm bài thơ “Người lính trở về” cho anh chị em nghe.Chị chiến nói vui:
- Ngày xưa cậu vào bộ đội chắc có nhiều đề tài để cậu thể hiện thơ phú!
- Em có tài cán gì đâu, chẳng qua không có chuyện  để kể thôi!

         Trong số các anh chị đây còn có anh Nông Thái Quốc, quê Cao Bằng. Anh thuộc C16 anh hùng , lái phà bến Long Đại. Thành tích của anh đã được báo QĐND đăng tải, được phỏng vấn trên truyền hình.  Nhiều lần bị máy bay địch đánh phá ác liêt, nhưng anh bình tĩnh mưu trí  lái phà an toàn. Có lần máy bay địch hạ thấp chuẩn bị cắt bom, anh cho phà quay lại. Những quả bom trút xuống thì phà của anh đã lùi xa nên không bị dính bom, được anh em thán phục.Cũng không thể quên được mối tình của chị Trịnh Thị Láng, chị là Y sĩ Bệnh viện Suối Tre(Đồng Nai). Cứ mỗi đêm sau ca trực, ra suối tắm giặt, nghe tiếng sáo của anh Thành bên đơn vị Quân y gần đó thì chị ngẩn ngơ, đêm về không ngủ được. Trong một dịp, hai đơn vị tổ chức giao lưu văn nghệ, tiếng sáo của anh hòa quyện trong tiếng hát giọng xứ Thanh êm ấm của chị, đã gắn kết hai anh chị từ đó.Chuyện kể về chiến tranh chắc không thể nào hết trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi này. Mâm cỗ cũng vơi dần. Rượu đã làm cho không khí phấn chấn hơn. Mọi người gõ bát đũa, cùng hát bài “ Hát mãi khúc quân hành”. Những hình ảnh về Trường Sơn hiện lên ngân nga trong câu hát, gợi lại khí thế hào hùng một thời ra trận.

               Rồi tiệc cũng tàn.

             Đội văn nghệ dự kiến công việc sắp tới. Ai nấy sôi nổi bàn bạc về các tiết mục sẽ tập luyện, những việc sẽ làm chuẩn bị cho Ngày truyền thống của Hội TS (19 - 5) sắp đến.Chị Xuân – Đội trưởng văn nghệ – phân công rạch ròi công việc, ai cũng vui vẻ nhận lời.Tôi nhìn chị. Chị hiểu cái nhìn, chị không muốn kể về mình, vì anh em đồng đội đã biết qua các tờ báo đăng bài viết về chị, kể ra sợ “thừa”.Tôi cũng là người lính, người lính của thời bình, giúp bạn Lào xây dựng cầu đường. Tuy không tham gia trận mạc, nhưng qua lời kể của các anh chị tôi cũng hình dung ra một thời “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phới phới dậy tương lai” của họ. Những trận đánh ác liệt, những đợt bom tọa độ, những cơn sốt rừng, những thiếu thốn về vật chất tinh thần...không quật ngã họ mà còn là động lực để làm nên chiến thắng.Thật tự hào về những người lính Trường Sơn năm xưa, nay trở lại đời thường với bao vất vả về cuộc sống. Có người đang mang trong mình những vết thương để rồi những lúc trở trời lại lên cơn đau nhức nhối. Có chị đang còn căn bệnh sốt, viêm khớp kinh niên…bỏ lại một thời tuổi thanh xuân nơi chiến trường...! Nhưng, những thiệt thòi về thể xác, vật chất không làm nao núng mà làm cho họ càng tin tưởng lạc quan vào Hội TS, vào sự đổi mới của đất nước. Tâm hồn họ luôn tươi vui,  tình đồng đội ngày càng gắn bó.
 
              Rồi chúng tôi chia tay nhau. Ai cũng bịn rịn không muốn ra về. Trên khuôn mặt mọi người có những suy tư khác nhau, nhưng lòng ai cũng chung một ý nghĩ là làm sao đưa hoạt động của Hội TS thị trấn Quán Hàu nói riêng và Hội TT TS nói chung ngày càng phát triển đi lên. Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn, không lùi bước trước khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Ngoài trời sương giăng giăng, những chiếc lá lộc vừng rơi nghiêng nhè nhè trong đêm.
 

Quán Hàu, tháng 10 năm 2017
 
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
 
 
 
                                                       
 
tin tức liên quan