SỢI DÂY CHUYỀN VÀNG
Truyện ngắn của Xuân Tuynh
Cha mẹ quy tiên, để lại cho anh chị em Trọc thừa kế cả một gia tài lớn của tổ tiên để lại. Một ngôi nhà từ đường năm gian làm bằng gỗ quý, lim, gụ... Chồng rường hạ kẻ, các vì kèo, cột trạm trổ rồng phượng, hoành phi câu đối sơn son thếp bạc hoành tráng. Theo các vị cao niên trong làng kể: Thời cụ Trịnh Văn Đảng, ông nội của Trọc làm ngôi nhà mất cả ba bốn tháng trời ròng rã. Có cả vài chục người thợ ở tận Bắc Ninh về làm. Tiếng cưa, tiếng đục đẽo vang cả xóm làng.
Ngoài ngôi nhà ra còn cả hàng trăm sào ruộng đất màu mỡ. Cùng với hàng chục sào đất đồi xum xuê cây trái đủ loại mít, xoài, cam chanh, bòng bưởi... mùa nào hoa trái ấy.Thời cải cách ruộng đất, năm một ngàn chín trăm năm lăm, năm sáu ở miền Bắc, ông Trịnh Văn Đảng được quy vào thành phần địa chủ. Nhưng gia đình ông có công đóng góp cho kháng chiến, các con ông đều theo cụ Hồ đánh Tây; gia đình ông cũng ủng hộ cả ngàn lượng vàng cho Chính phủ. Vì vậy mà ông Trịnh Văn Đảng không phải đi tù, chỉ phải tịch thu một phần ruộng vườn chia cho bà con nông dân trong làng.Hai người em trai và ba cô em gái của Trọc đều có gia đình, đi làm ăn sinh sống xa quê. Người ở Sài Gòn, người trong Tây Nguyên, Đà Nẵng, cô em út đi xuất khẩu lao động bên Đức, lấy chồng, định cư ở Đức luôn. Nghe nói làm ăn khá giả.Tất cả nhà cửa, ruộng vườn, đất đai anh chị em nhất trí để cho Trọc quản, làm ăn canh tác và thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhưng Trọc không được phép chuyển nhượng, bán mua khi chưa có ý kiến của anh chị em trong gia đình và dòng họ Trịnh.
Trịnh Văn Trọc là anh cả trong gia đình, nhưng ngay từ nhỏ không chịu học hành, ỷ vào gia đình giàu có. Học hết lớp bốn đã bỏ. Suốt ngày ăn chơi lêu lổng với bạn bè. Khi còn ở độ tuổi mười bốn, mười lăm, Trọc là đứa trẻ nghịch ngợm, lếu láo nhất làng Đông. Năm tròn mười tám tuổi, cùng lứa tuổi với Trọc ở trong làng, bạn bè tình nguyện nhập ngũ lên đường đi đánh Mỹ, Trọc sợ đi bộ đội gian khổ, hy sinh. Trọc chốn nhà đi công nhân nông trường chè tận trên rừng núi Thái Nguyên xa xôi. Lên nông trường, Trọc lao động không siêng năng, bị mọi người xa lánh. Hình ảnh Trịnh Văn Trọc, da đen nhẻm, cái đầu hói, lộ ra cái trán bướng bỉnh, đôi môi trề ra, nhe hàm răng “chín sáu, ba không” ai nhìn cũng mất cảm tình. Ít học, lười biếng, nhưng đổi lại, Trọc rất có tài ăn nói nên ở nông trường cũng có những cô gái yêu Trọc. Sau năm lăm làm ở nông trường, Trọc đã kết hôn với Nga, cô công nhân của nông trường. Nga là cô gái không đẹp nhưng có duyên. Đôi má lúm đồng tiền, ăn nói dịu dàng. Quê Nga ở Hà Nam cùng tỉnh với Trọc. Từ khi lấy Nga, được nông trường phân cho nhà riêng, Trọc thay đổi tâm tính, chịu khó lao động, đối xử hòa nhã với mọi người.
* * *
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước bước sang một trang sử mới, cha mẹ Trọc lúc này cũng già rồi, cha mẹ gọi vợ chồng Trọc về quê làm ăn sinh sống, chăm sóc cha mẹ và cũng để ông bà gần gũi cháu nội. Nghe lời cha mẹ, vợ chồng, con cái Trọc rời bỏ nông trường dắt nhau về sống với cha mẹ. Hai người em trai của Trọc, từ trong quân đội trở về đi học tiếp Đại học, ba cô em gái lập gia đình, mỗi người ở một nơi. Gia đình Trọc độc quyền ở trong từ đường năm gian nhà, sở hữu toàn bộ đất đai, ruộng vườn.
Lúc này hai vợ chồng Trọc cũng vào tuổi ngoài bốn chục, sức khỏe không còn như thời xưa. Đồng ruộng, vườn tược rộng làm không xuể, để hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Trọc giao lại một phần cho hợp tác xã, chỉ giữ lại một phần nhỏ ruộng đất ở quanh nhà canh tác.Đầu thập niên chín mươi, khi ấy có chính sách đổi mới của Nhà nước, cho phép kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích mọi người, nhà nhà làm kinh tế; mời gọi các doanh nhân nước ngoài vào đầu tư.Nhà đất của Trọc nằm ở một nơi đắc địa, phía đông gần với sông Đáy, phía tây giáp với đường Quốc lộ số 1, phía nam tiếp giáp với phố huyện, thuận tiện cho việc giao thương buôn bán. Nói tóm lại khu nhà và đất của Trọc là nơi lý tưởng cho các nhà doanh nghiệp có hướng đầu tư vào làm ăn ở làng Đông.
Ở cùng làng với Trọc, có Lý Quốc Trung, một doanh nhân vốn có ba đời làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải nổi tiếng trong vùng. Lý Quốc Trung là người Việt gốc Hoa. Ông nội Trung người Quảng Đông. Từ năm một ngàn chín trăm ba mươi sang định cư ở Việt Nam làm ăn buôn bán và lấy vợ người làng Đông. Trung cùng tuổi với Trọc. Từ bé đã học hành giỏi giang, là kỹ sư trồng trọt. Trung vóc người cao to, gương mặt chữ điền lịch lãm. Có điểm giống Trọc, ăn nói rất ráo hoạt. Từ ngày có chính sách kinh tế cởi mở của Nhà nước, Trung cùng vợ lao vào thương trường làm ăn.Từ lâu, Trung đã nhắm đến khu nhà đất của gia đình Trọc. Trung có ý định thâu tóm khu đất này để trồng dâu, nuôi tằm và xây dựng một xí nghiệp dệt hoành tráng. Trung biết rất rõ hoàn cảnh của vợ chồng Trọc, hai vợ chồng không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn định, nhà lại đông con. Trọc có cả thảy năm con, hai trai, ba gái. Trọc lại thích ăn diện, thấy hàng xóm láng giềng ai có thứ gì thì nhà mình cũng phải có. Chẳng hạn như thấy nhà bên cạnh có dàn máy nghe nhạc xập xình, Trọc cũng muốn nhà mình cũng phải có máy nghe nhạc, không có tiền thì đi vay mượn để mua cho bằng được. Nhà nghèo nhưng muốn xài sang.Hiểu được sở thích của Trọc, Trung bàn với vợ làm một bữa tiệc mời vợ chồng Trọc để hai gia đình gặp nhau bàn tính công việc hợp tác làm ăn lâu dài.
Một buổi chiều đầu đông, trời se lạnh, Trung nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để gặp gỡ vợ chồng Trọc. Trung nghĩ ra lý do để hai gia đình gặp nhau là kỷ niệm ngày sinh nhật Trung và cũng gần tới ngày sinh nhật Trọc, bởi hai người sinh cùng tháng, Trung sinh ngày một tháng tám, còn Trọc sinh ngày hai mươi tháng tám năm một ngàn chín trăm bốn tám. Trung đích thân đi xe con bóng nhoáng sang nhà Trọc mời vợ chồng Trọc, mặc dù hai nhà chỉ cách nhau chừng vài cây số.Thấy Trung đi xe xịn sang nhà mình, Trọc ngạc nhiên, ra tận đầu ngõ đón. Thấy Trung ăn mặc sang trọng, cổ đeo một sợi dây chuyền vàng óng ánh, Trọc nhìn hoa cả mắt, nét mặt gã hân hoan:
- Trời ơi! Có chuyện gì mà rồng lại đến nhà tôm thế này?
Trung, nhoẻn miệng cười:
- Bạn bè cùng tuổi, cùng làng với nhau, đến thăm nhau không được sao. Có điều lâu nay bận bịu công việc quá nên hôm nay mới sang thăm nhà ông được.
Trọc vồn vã mời Trung vào nhà. Hai người ngồi trong phòng khách trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm thời niên thiếu, cái thời cùng tắm sông với nhau... Hai người tâm sự với nhau chừng vài phút, Trung mới trịnh trọng mời vợ chồng Trọc đến nhà mình. Trung nói:
- Hôm nay tôi sang đây là để mời vợ chồng ông, tối nay, đúng bảy giờ đến nhà tôi dự tiệc sinh nhật lần thứ năm lăm của tôi. Nếu vợ chồng ông không có xe thì tôi cho thằng con trai mang xe hơi sang đón ông bà.
Nghe Trung mời sang dự tiệc sinh nhật, Trọc ngạc nhiên, bởi đời Trọc từ nhỏ đến lớn có bao giờ biết đến ngày sinh nhật. Trọc xoa xoa hai bàn tay vào nhau, tỏ vẻ rụt rè nói:
- Ông bày vẽ ra làm gì cho tốn kém. Lại còn mời cả vợ chồng tôi nữa!
Trung, hoan hỉ nói:
- Tốn kém là bao. Hơn nữa tôi còn có câu chuyện muốn thưa với vợ chồng ông...
- Lại có chuyện bàn việc làm ăn với nhau à. Vậy thì vợ chồng tôi sẽ đến. Ông không cần phải đón. Vợ chồng tôi đi bộ sang. Đây qua đó gần ấy mà.
Trung cúi đầu chào Trọc rồi mở cửa xe vào lái xe từ từ lăn bánh ra ngoài cổng. Trọc nhìn theo lòng đầy ngưỡng mộ.
Buổi tối ở nhà Trung, vợ chồng Trung tiếp vợ chồng Trọc trong phòng ăn sang trọng, tiệc bày ra trên chiếc bàn bầu dục gỗ hương bóng loáng. Các thức ăn gà xé phay, vịt tiềm, cá chép rán, thịt lợn quay và còn có cả món thịt cầy nấu rựa mận, một món khoái khẩu của Trọc. Tất cả được bầy biện ra kín cả bàn. Bốn người ngồi vào bàn tiệc, dưới ánh sáng của giàn đèn chùm ấm cúng cùng với tiếng nhạc từ hai chiếc loa thùng treo trên tường phát ra êm dịu.Trung, mở chai rượu làng Bân thơm phức, rót ra bốn ly, mời mọi người nâng cốc. Hai người phụ nữ chỉ nâng ly rượu lên nhấp môi rồi để ly rượu xuống bàn. Trung và Trọc cụng ly, uống cạn. Trung lại cầm chai rượu rót đầy vào ly của Trọc và ly của mình, Trung vui vẻ nói với Trọc:
- Ly thứ nhất, mừng cho buổi gặp gỡ sau bao năm bận bịu không đến được với nhau; ly thứ hai, mừng cho tình bạn, tình làng xóm của chúng ta.
Hai người lại cụng ly. Cạn.Bữa tiệc diễn ra trong bầu không khí chan hòa tình anh em, bạn bè. Những câu chuyện từ quá khứ của Trung và Trọc nở ra không ngớt. Từ chuyện mót khoai, hái rau khúc rồi cả đến chuyện hai thằng tán một cô bạn gái trong làng... Làm cho hai bà vợ chỉ biết nhìn hai ông chồng tủm tỉm cười.Trong bữa tiệc, vợ chồng Trung luôn miệng kể ra những câu chuyện về công việc làm ăn của bạn bè, của xã hội và của vợ chồng Trung. Cốt yếu nhằm lôi kéo bằng được vợ chồng Trọc vào cái kế hoạch làm ăn lâu dài của vợ chồng Trung sau này.Khi bữa tiệc đã dần đi vào những phút cuối, Trọc đã ngà ngà say, giọng nói có hơi ngọng. Riêng Trung vẫn tỉnh táo. Trung lúc này mới đi vào nội dung chính của buổi gặp gỡ vợ chồng Trọc. Trung giọng nhỏ nhẹ nói:
- Hôm nay mời vợ chồng ông sang đây, ăn sinh nhật tôi và sau có công việc làm ăn muốn ông bà hợp tác.
Nga, vợ Trọc ngồi chăm chú lắng nghe, còn Trọc đầu gật gật, tay gõ gõ xuồng mặt bàn một cách vô thức. Giọng nói ngắt quãng:
- Làm... ăn hở?... Hợp tác... hở?... Làm chi... ông... cứ... chỉ... bảo. Vợ chồng... tôi thấy... có... lợi... là... Mần liền...
Trung bóc một quả cam sành, đưa cho Trọc. Ông xơi cam đi. Cam Bố Hạ đấy. Rồi nói tiếp:
- Cái nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ của gia đình tôi, vợ chồng ông biết đấy. Cần phải có đất để trồng dâu, có đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất. Cái kẹt của gia đình tôi hiện nay không có nhiều đất để thực hiện kế hoạch. Cái khu trồng dâu ở bên kia sông giờ đất cũng bạc màu rồi. Chẳng những vậy lại cách trở đò giang phức tạp lắm. Làm nhiều mà lời chẳng được mấy. Hơn nữa, nghe nói tới đây Nhà nước sẽ xây dựng nhà máy xi măng. Khói của nhà máy tỏa ra cùng với bụi đá, bụi xi măng thì không thể trồng dâu được.
Trung nói đến đây tạm ngưng. Quay sang nói với vợ: “Em cho người lên dọn bàn và pha cho anh một ấm trà Thái nghe”.Chỉ chừng vài phút sau chị người làm trong nhà đã dọn xong bàn ăn và bưng trà ra. Trung rót trà ra tách mời Trọc, Trọc đỡ lấy tách trà uống một hớp, mồi thuốc kéo một hơi dài, khoan khoái nhả khói bay lên cao, giọng nói có phần tỉnh táo hơn:
- Kế hoạch ra sao ông nói đi...
Trung cũng uống một hớp trà rồi nói tiếp:
- Tôi thấy nhà ông bên đó, đất đai rộng, ông bà lại bỏ hoang. Mỗi bận đi ngang qua, nhìn thấy tiếc đứt ruột. Vợ chồng tôi nhiều đêm nằm tâm sự với nhau: Giá như vợ chồng mình được bác Trọc bán hoặc cho thuê khu đất quanh nhà bác ấy mà trồng dâu thì hay biết mấy. Đất tốt lại gần nhà thì còn gì bằng. Vì vậy tôi muốn bàn bạc với vợ chồng ông, chẳng gì cũng là bạn bè đồng niên, lại là hàng xóm láng giềng với nhau. Ông có thể bán hoặc cho tôi thuê lâu dài khu đất ruộng và vườn nhà ông. Giá cả ta thỏa thuận với nhau theo giá thị trường, cốt sao cho đôi bên cùng có lợi.
Nói đến đây, Trung ngưng lại thăm dò phản ứng của Trọc. Trọc đưa hai tay vò vò lên cái đầu hói tỏ vẻ trầm ngâm suy tính. Một lát sau mới lên tiếng:
- Bán thì khó. Bởi đây là đất hương hỏa của tổ tiên để lại. Muốn bán phải được sự đồng thuận của cả dòng họ và anh chị em trong gia đình. Tôi chẳng có quyền quyết định. Nhưng ông thuê thì được. Thuê một vài năm khi tôi cần lấy lại, không sao.
Nghe Trọc nói vậy, Trung mừng lắm, nét mặt rạng rỡ nói:
- Vâng. Vợ chồng ông đồng ý cho tôi thuê là tốt lắm rồi. Vậy để ngày mai tôi lên huyện nhờ phòng Địa chính cho người về đo đạc, xem diện tích là bao nhiêu khi ấy hai bên làm giấy tờ hợp đồng. Tôi xin nói trước, tiền hợp đồng tôi sẽ trả trước cho ông bà hẳn năm năm.Trọc đang trong thời kỳ túng bấn, nghe Trung nói trả trước tiền thuê đất năm năm, trong bụng Trọc mừng vui khôn xiết. Trọc nói:
- Thế ngày mai ông cho người tới đo đạc ngay nhé. Ngày mai vợ chồng tôi ở nhà tiếp ông.
Lúc này đêm cũng đã khuya, hai vợ chồng Trọc đứng dậy cáo lỗi ra về. Vợ chồng Trung tiễn đưa vợ chồng Trọc ra một đoạn đường xa, cách nhà cả vài trăm mét. Vợ Trung nói:
- Hai bác về. Chúc hai bác đêm nay ngủ ngon ạ.
Vợ Trọc cười đáp lại:
- Vâng. Cảm ơn hai bác, hai bác đã dành cho vợ chồng em một buổi tối vui vẻ.
Hai vợ chồng Trọc nắm tay nhau trong đêm đông gió rét giống như cái thời còn trẻ sống ở nông trường mà trong lòng thấy ấm áp lạ thường.
Sáng hôm sau Trung phóng xe lên huyện mời được hai nhân viên đo đạc của phòng Địa chính mang máy về đo đạc. Bởi phòng Địa chính huyện với Trung là chỗ làm ăn quen biết nhau từ lâu nay.
Chín giờ, trời còn u ám, Trung và hai nhân viên của phòng Địa chính đã có mặt ở nhà Trọc. Công việc đo đạc diễn ra nhanh chóng. Chỉ sau hai giờ đồng hồ là đã đo đạc xong. Tổng diện tích là ba nghìn mét vuông. Trong đó có một nghìn mét đất ruộng và hai nghìn mét đất đồi. Bản hợp đồng được Trung về nhà thảo ngay trong buổi sáng, buổi chiều mang sang cho Trọc xem và ký vào.Nội dung bản hợp đồng ghi: Tổng diện tích cho thuê là ba nghìn mét đất nông nghiệp, gồm một nghìn mét đất ruộng và hai nghìn mét đất đồi. Thỏa thuận giá thuê là hai triệu đồng một mét vuông. Thời hạn thuê mười năm. Bên thuê đất (bên B) trả trước cho bên có đất cho thuê (bên A) năm năm. Số tiền trả trước là:…….Sau khi hai bên nhất trí với bản hợp đồng, Trung mời Trọc ngồi vào xe, hai người đưa nhau ra Ủy ban xã, xin Chủ tịch xã ký xác nhận vào biên bản hợp đồng đóng dấu đỏ chót. Trung đưa Trọc về lại nhà Trọc và giao tiền. Giao nhận tiền xong, nhưng thấy Trọc vẫn cứ ngồi tần ngần, nhìn vào cổ Trung không chớp mắt. Trung hiểu ý Trọc thích cái dây chuyền vàng đeo óng ánh ở cổ mình, bởi ngay bữa Trung đến nhà mời vợ chồng Trọc sang dự tiệc sinh nhật, Trọc đã để ý tới sợi dây chuyền của Trung. Trung tháo sợi dây chuyền ra khỏi cổ, đưa cho Trọc và nói:
- Ông thích sợi dây chuyền này của tôi đúng không. Vậy tôi đưa cho ông sợi dây chuyền này làm vật thế chấp để củng cố niềm tin giữa tôi và ông. Hết thời hạn thuê đất, ông trả lại nó cho tôi. Đây là sợi dây chuyền bằng vàng ròng chín số chín đấy. Nó trị giá một lượng vàng. Tôi đặt làm ở một tiệm vàng có tên tuổi tận trên Hà Nội đấy. Có giấy chứng nhận hẳn hoi.
Trọc hai tay run run cầm sợi dây chuyền vàng, xúc động nói:
- Vâng, vâng tôi sẽ giữ nó cẩn trọng. Đây được coi sự cam kết của chúng ta bảo đảm bằng vàng.
Lần đầu tiên Trọc được sở hữu vàng trong tay, gã mừng lắm! Đeo sợi dây chuyền vào cổ vẻ hãnh diện đi khoe với bà con trong xóm, ngoài làng. Trọc mặc chiếc áo thun cổ rộng cố ý để lộ ra sợi dây chuyền cho mọi người thấy.
* * *
Thuê được đất nhà Trọc, vợ chồng Trung khẩn trương thuê công nhân, đưa máy cày, máy xúc vào cày bừa, san lấp trồng dâu ngay. Sau một năm đã biến vườn ruộng hoang vu xưa kia thành cánh đồng dâu xanh non mơn mởn. Trung đưa khá đông anh em bà con tận bên Tàu sang làm thuê cho Trung; xây dựng nên một Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất dâu tằm tơ có tên là Thanh Trung. Tên của hai vợ chồng ghép lại.
Tin vợ chồng Trọc bán đất của tổ tiên, hương hỏa cho người ngoài lan truyền đi khắp nơi. Anh em ruột thịt, bà con trong dòng họ gần xa, có người ở Mỹ, Đức... cũng biết. Họ đồng loạt gọi điện về cho Trọc phản đối, buộc Trọc phải thu hồi đất đai về bằng mọi giá. Nếu không họ sẽ kiện ra tòa. Bởi theo di chúc của cha mẹ, toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn năm anh em, kể cả nam lẫn nữ được quyền thừa kế.Trước sự phản đối gay gắt của anh em họ hàng, của bà con làng xóm. Làm cho Trọc rất căng thẳng, đầu óc lúc nào cũng rối bời chẳng biết giải quyết ra sao. Bởi trong hợp đồng đã ký với Trung cả mười năm, tiền đã lấy trước cả năm năm, lại còn giữ của Trung một sợi dây chuyền vàng trị giá cả lượng vàng. Bây giờ hủy hợp đồng thì lấy tiền đâu ra mà trả cho Trung, sợi dây chuyền bỗng dưng biến khỏi cổ thì tiếc lắm, lại còn bị bẽ mặt với bạn bè.Người phản đối quyết liệt trong vụ Trọc bán đất là Trẹ, người em kế của Trọc. Trẹ, hiện sinh sống ở Ban Mê Thuột. Bởi từ nhỏ hai anh em đã không hợp nhau. Trẹ là đứa con ngoan, chăm học, chăm làm được cha mẹ, họ hàng quý mến. Ngược lại, Trọc, một gã học dốt lại làm biếng, luôn bị cha mẹ chửi mắng; họ hàng không có thiện cảm.
Từ khi bị anh chị em trong nhà và bà con chú bác trong dòng họ phản đối gay gắt việc cho thuê đất hương hỏa, Trọc phát ra bệnh đau đầu dữ dội. Đau như có người lấy búa bổ mạnh vào đầu, đau không đi lại được, suốt ngày nằm trong buồng rên rỉ. Trọc rất sợ tiếng động từ bên ngoài dội vào. Tiếng người nói lớn, cả tiếng chó sủa cũng sợ. Sợ ngay cả tiếng vợ con nói to: Đã vậy thằng con út tối nào cũng mang cái bài văn di chúc của Hoàng đế Trần Nhân Tông ra đọc: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Ta cũng để lại lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.Mỗi lần nghe tiếng thằng con ê a đọc ngoài phòng khách, Trọc nằm trong nhà chịu không thấu, lớn tiếng quát nạt:
- Thằng nghịch tử kia. Mày có câm cái mồm đi không. Để cho tao yên. Mày không biết cha mày đang đau đầu về chuyện đất đai, nhà cửa sao mà đọc lên cái bài văn ấy!
Thằng con nhăn mặt cãi lại:
- Đây là di chúc của Hoàng đế Trần Nhân Tông, cô giáo bắt phải học thuộc lòng. Cha chẳng hiểu gì cả?
- Hiểu, hiểu cái tổ cha mày.
Ngày đau đầu nằm kêu la, tối ngủ mê sảng. Trong giấc mơ Trọc thấy ông bà nội, bố mẹ hiện về đứng vây quanh giường Trọc. Giọng ông nội giận dữ: “Thằng cháu bất hiếu kia. Sao mày bán đất của tổ tiên cho người ngoài?”. Tiếng nói của cha mẹ thì chua cay hơn: “Thằng Trọc, mày không còn phải là con của tao nữa. Vợ chồng tao đã vô phúc sinh ra một thằng con bất hiếu như mày. Tao giết mày, xiết cổ mày, mang mày đi theo dạy dỗ...”. Dứt lời ông nội và lời đay nghiến của cha mẹ, Trọc thấy sợi dây chuyền ở cổ bỗng biến thành một sợi dây thừng màu đen xiết chặt vào cổ đến nghẹt thở, Trọc cố gắng dùng hai tay dứt nó ra mà không được. Hai tay cứ cứng đờ, mồm ngọng không kêu lên thành tiếng, cứ rú lên như con thú bị thương. Vợ nằm bên cạnh phải đấm mạnh vào lưng chồng, nói lớn: “Anh Trọc, sao lại cứ rú lên, làm em sợ quá! Anh tỉnh lại đi. Có làm sao không?”. Trọc tỉnh giấc, mồ hôi toát ra ướt đầm lưng áo. Trọc hốt hoảng nói: “Có... Có ma hiện... Hiện về... về... nói”. “Ma. Hồn ma ai hiện về?” Nga hỏi: Trọc không trả lời, ngồi dậy, xuống giường, bật điện sáng, bước ra nhà ngoài, đến bên bàn thờ, thắp đèn nhang khấn vái, giọng thống thiết: “Con cắn răng, cắn cỏ trăm lạy, ngàn lậy tổ tiên, ông bà, cha mẹ tha cho con, con biết tội của mình rồi. Con sẽ lấy lại đất đai của tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại. Mô a di đà Phật, Mô a di đà Phật!”.
Khấn vái xong, Trọc lần lượt cắm những nén nhang lên bát nhang thờ tổ, bát nhang thờ ông bà và bát nhang thờ cha mẹ. Cắm xong, quay ra ngoài vườn đi tiểu, vừa bước ra khỏi cửa bỗng bát nhang trên bàn thờ tổ bùng cháy sáng rực, rồi bất chợt nhìn thấy một con mèo đen ở đâu lao vào cửa sổ, hai mắt đỏ lừ như hai hòn máu nhìn thẳng vào mắt Trọc, kêu ré lên mấy tiếng: “Meo!... Meo!...”. Nghe tiếng mèo kêu rùng rợn làm cho Trọc chỉ kịp kêu lên một tiếng lớn: “Trời...!” rồi ngã vật xuống hiên nhà, bọt mép sủi ra, nằm bất động. Nga nghe tiếng chồng kêu vội chạy ra, thấy chồng nằm như chết, liền gọi các con thức dậy, kêu bà con lối xóm đến giúp, đưa đi bệnh viện. Vào phòng cấp cứu được mươi phút thì Trọc tắt thở. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị đột tử do xuất huyết não. Mọi người đưa Trọc về nhà làm mai táng. Trước lúc nhập quan, Trung vội vàng mở sợi dây chuyền đeo trên cổ Trọc ra, đút vội vào túi quần rồi lặng lẽ ra về.
Vợ và con Trọc òa lên khóc nức nở. Ngoài trời đã hửng sáng, một con quạ đen bay vụt ngang qua nóc nhà kêu một tiếng: “Quạ!” Bỗng có một cơn lốc thổi mạnh làm vườn dâu trước nhà xào xạc.
Nha Trang, tháng 6-2018
X.T
Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang
DĐ: 0908.625.369