" Ngẫu hứng bên dòng Sa Lung" - Thơ Hoàng Đại Nhân Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
NGẪU HỨNG BÊN DÒNG SA LUNG*
Trên cầu nhìn xuống xuôi dòng
Làng Hưng phía dưới hiện trong tầm nhìn
Những hình ảnh đọng trong tim
Về dòng sông ấy khỏi tìm đâu xa
Nhớ màu nước đậm phù sa
Từ dòng sông Luộc chảy qua làng mình
Hai bờ thôn xóm đẹp xinh
In hình sóng nước lung linh mây trời
Một thời ghi đậm tình người
Bạch Đằng** thơ mộng bao lời ngợi khen
Xóm thôn trên bến dưới thuyền
Hai bờ gắn kết nên thiên chuyện tình
Một thời gắn bó hết mình
Bỗng đâu “sét đánh...” dứt tình muôn sau
Chẳng còn thôn xóm đẹp giàu
Chỉ trơ bãi trống nhuốm màu cỏ hoang
Người dân đau xót ngỡ ngàng
Lên vùng đồi núi lập làng... khai hoang.
Hơn chục năm trở về làng
Dòng sông dơ bẩn, bèo hoang phủ dầy
Chiều ra thăm bến sông này
Nước không còn chảy, rác đầy mặt sông
Nhìn sông mà xót xa lòng
Hai bờ hiu quạnh bởi không bóng người
Chẳng còn đàn trẻ đùa bơi
Bâng khuâng nhớ lại khoảng trời... mà thương.
Qua rồi năm tháng nhiễu nhương
Bây giờ nhìn lại vấn vương... một thời
Xóm Bạch Đằng nhỏ của tôi
Đâu còn dấu tích một thời... ngày xưa.
Sài Gòn, 24/6/2018
Hoàng Đại Nhân
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Sông Sa Lung là con sông đào thuộc tỉnh Thái Bình, dài gần 40 km, bắt nguồn từ cống Đào Thành, xã Canh Tân huyện Hưng Hà. Sông chảy qua huyện Đông Hưng, tại xã Đông Phong thì nối vào sông Hoài rồi đổ vào sông Trà Lý. Sông được đào từ 1896- 1900, do cụ Thượng Hưng nghỉ hưu Lương Quy Chính tổ chức, thiết kế, chỉ huy thực hiện.
Sông có nhiều tên gọi như: Sa Lung, Sa Lũng, Sa Lông (là tên một kỹ sư thiết kế người Pháp), sông Trực Giang (sông đi thẳng), sông Thái Sư hay sông đào Thái Sư, sông Thượng Hưng (do cụ Thượng thư làng Hưng chỉ huy đào).
Nguồn từ Wikipedia tiếng Việt và Lịch sử sông ngòi Thái Bình.
** Bạch Đằng: là tên một xóm thuộc thôn Vân Đài nằm 2 bên bờ sông Sa Lung, phía thượng nguồn giáp thôn Ngận xã Văn Lang, phía hạ nguồn giáp làng Hưng, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng.
Ảnh minh họa: ĐẠI NHÂN 24-6