Người chiến sĩ lái xe Trường Sơn và mô hình “khoán chui vận tải” những năm đầu đổi mới,bài dự thi Hào khí Trường Sơn

Ngày đăng: 06:51 03/07/2018 Lượt xem: 676

Bài tham dự Cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”



Người chiến sĩ lái xe Trường Sơn và mô hình “khoán chui vận tải” những năm đầu đổi mới
 

                                                      
                                                                            Ghi chép của
Nguyễn Thị Hạnh
 

 
Tình cờ, trong một chuyến công tác, tôi được các đồng nghiệp ở ngành giao thông vận tải hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên kể về một mô hình “khoán xe chui” trong ngành giao thông vận tải Hải Hưng thời kỳ hậu bao cấp, một mô hình nổi tiếng không kém mô hình khoán hộ trong nông nghiệp của ông Kim Ngọc.
Tác giả của mô hình “khoán xe” ngày ấy là Cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa, nguyên chiến sĩ lái xe Trường Sơn thuộc Đại đội 1 (Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 11, Sư đoàn 571). Từ chiến sĩ lái xe Trường Sơn, trở thành công nhân lái xe khách, rồi được giao cương vị giám đốc xí nghiệp khi đang ở “tuổi băm”, trong suốt thập niên 1980-1990, Hoàng Chính Hòa đã được đồng nghiệp ở tỉnh Hải Hưng (cũ) gọi bằng những cái tên thân mật là: “Hòa khoán xe”, “Hòa mở tuyến”…
 


                    Sau 7 năm ở tuyến lửa Trường Sơn (1971-1978), hết chiến tranh, Hoàng Chính Hòa chuyển ngành, tiếp tục về cầm vô lăng, làm công nhân lái xe ở Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng. Ở tuổi ngoài đôi mươi, anh không nghĩ đấy chính là cơ duyên để sau này mình dấn thân vào chốn thương trường và tiếp tục gắn bó với những cung đường, những tuyến xe, rồi góp phần “mở lối”, mở tuyến, khoán xe “phá rào” và làm thay đổi tư duy “ngăn sông cấm chợ” trong cung cách quản lý quan liêu bao cấp của ngành giao thông vận tải những năm đầu đổi mới.

                    Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về “một thời cầm lái” của anh ở Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng, cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa liền cười, bảo: “Có gì đâu, cũng giống như khoán hộ thôi, khoán nông nghiệp thì dưới ruộng, khoán xe thì trên đường. Nói vậy chứ cái gì cũng có sự phức tạp riêng, hồi đó mình mạnh tay làm, nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy sợ, nhiều lúc tôi đã tự hỏi sao hồi đó mình… liều thế!”.

                    Hoàng Chính Hòa kể rằng, nhận chức giám đốc ở thời buổi cạnh tranh, phải lo bảo toàn và phát triển vốn, lo cho hơn 300 con người trong xí nghiệp, nhiều khi lo đến mất ăn mất ngủ. Ngày ấy, việc có mặt từ 8-10 giờ ở xí nghiệp với anh là chuyện bình thường. Bởi lẽ xí nghiệp khi ấy như một vườn cây sau bão. “Tôi đã từng lái xe nên hiểu người lái xe nghĩ và làm như thế nào, nguyện vọng của họ muốn gì. Hồi còn là lái xe, tôi đã từng nghĩ giá như mình được làm chủ một cái xe. Khi làm giám đốc, tôi cũng nghĩ đến nguyện vọng ấy của người lái. Tôi giao xe cho họ nhưng phải có những ràng buộc chặt chẽ. Từ đó, tôi bắt đầu bằng cơ chế khoán, mới đầu là khoán vật tư, xăng dầu, sau tiến dần lên khoán đầu xe, khoán chuyến, khoán tuyến. Mức khoán hợp lý thì sẽ có xe tốt, xí nghiệp có tích lũy và đời sống người lái xe thêm khấm khá”. Nói rồi Hoàng Chính Hòa đưa tôi tập tài liệu đánh máy với những con số cô đọng mà Xí nghiệp xe khách Hải Hưng làm được trong những năm anh làm giám đốc. Anh bảo tôi: “Hãy chịu khó đọc nó, những con số ấy không khô khan đâu, nó biết nói, nó có tình cảm đấy!”.

                   Quả thực, qua những con số ấy, tôi hình dung được rằng trước đó xí nghiệp này là một đơn vị yếu kém. Đường xấu, xe cũ nát, vốn thiếu, đời sống cán bộ, công nhân viên gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu việc làm, trong khi các thành phần kinh tế khác được phép bung ra. Từ cái khó ấy, anh đã có những bước đi táo bạo, không giẫm đạp lên ai.  
“Muốn tìm hiểu kỹ hơn về mô hình “khoán chui” ngày ấy, cứ tới hỏi chuyện ông Bùi Văn Sướng. Hồi ấy, tôi “làm chui” nhưng ông Sướng… biết hết đấy!”, anh Hòa vui vẻ bảo. Nghe theo lời khuyên ấy, tôi đã tìm gặp nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Văn Sướng.

                   Là người có hơn 20 năm phụ trách lĩnh vực vận tải (1974-1998) nên ông Bùi Văn Sướng hiểu rất rõ những thăng trầm mà ngành vận tải phải trải qua. “Tôi nhớ, trước thập niên 1980, có tới cả chục năm, vào mỗi dịp lễ, Tết, các bến xe luôn diễn ra tình cảnh người dân phải ăn chực nằm chờ, trong khi “đợi mỏi cổ” chẳng thấy xe khách ở các tỉnh tới chở… Xảy ra tình trạng trên là do xe của tỉnh nào thì chỉ được phép chạy trong phạm vi tỉnh ấy, hễ ra khỏi địa giới tỉnh là Bộ Giao thông vận tải “tuýt còi”.

               Là người làm công tác quản lý, ông Sướng và lãnh đạo các doanh nghiệp đều nhận thấy cần phải đổi mới khoán trong vận tải để “giải phóng” tài xế, “giải phóng” chủ xe thoát khỏi cơ chế bao cấp. Và thực tế đã có doanh nghiệp vận tải tự tiến hành đổi mới cơ chế quản lý, áp dụng mô hình khoán cho cá nhân như ở Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng.

              Nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Sướng kể: “Khi biết Hòa “xé rào”, áp dụng mô hình khoán xe cho xí nghiệp, tôi thường làm ngơ, coi như… không biết, cũng chẳng báo cáo lên trên. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương, nhất là Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông thì nhiệt tình ủng hộ ý tưởng và cách làm của người giám đốc trẻ này”.
 
              Từ mô hình được coi là “khoán 10” trong ngành vận tải, Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình “khoán xe” cho cá nhân, trở thành mô hình tiêu biểu của Bộ Giao thông vận tải trong những năm đổi mới, tập thể xí nghiệp được tặng cờ luân lưu của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Riêng Giám đốc Hoàng Chính Hòa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba nhờ thành tích mà ông Sướng nói vui là “khoán xe chui” để giải phóng xe, giải phóng chủ xe khỏi cơ chế bao cấp. Vị giám đốc “tuổi băm” ngày ấy trở thành một trong những người đầu tiên “mở lối”, “phá rào”, khắc phục tình trạng trì trệ trong ngành vận tải.

                Với mô hình khoán xe của Hoàng Chính Hòa cộng với việc xóa bỏ “công tư hợp doanh” ở một số địa phương, Thứ trưởng Bùi Văn Sướng đã báo cáo cấp trên chính thức chấm dứt việc cấp phép trong vận tải đường bộ, xóa ngăn sông cấm chợ để các doanh nghiệp vận tải nhiều thành phần kinh tế, hoạt động vận tải theo cơ chế thị trường bắt đầu xuất hiện như “nấm mọc sau mưa” trong các năm 1988-1995…

               Ngoài mô hình “khoán xe chui”, Hoàng Chính Hòa còn đưa ra một quyết định “liều lĩnh”, để rồi sau đó tự ghi tên mình vào một lĩnh vực “đầu tiên” khác. Năm 1988, Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng là doanh nghiệp vận tải đầu tiên trong nước mở tuyến vận tải hành khách đi Gia Lai-Kon Tum-Đắc Lắc để phục vụ việc đi lại cho gần 30.000 người dân Hải Hưng đang đi xây dựng vùng kinh tế mới.

              Nhớ lại thời kỳ ấy, anh Hòa bảo rằng, việc mở tuyến vào Tây Nguyên là vấn đề lớn, anh đã làm văn bản đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Hưng xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải, song đây là lĩnh vực quan trọng, trong khi hệ thống văn bản Nhà nước chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, Bộ Giao thông vận tải không dám “quyết” mà phải tới xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt. Trước quyết tâm táo bạo của vị giám đốc trẻ, tháng 11-1988, đồng chí Võ Văn Kiệt đã ghi vào văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải: “Đồng ý cho làm thử, Nhà nước không bù lỗ”. Đồng chí Võ Văn Kiệt còn cho gọi Hoàng Chính Hòa tới và dặn: “Mở hai tuyến đường này, cậu phải trực tiếp chỉ đạo anh em làm cho tốt, nếu xảy ra tai nạn, cậu sẽ bị mất chức, kể cả ngồi tù đấy!”.
Anh Hòa còn nhắc tới một lần “mở lối” khác của doanh nghiệp mình, đó là năm 1998, khi Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các đơn vị doanh nghiệp vận tải, Hoàng Chính Hòa lại tiếp tục đưa Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng trở thành đơn vị cổ phần hóa điểm của tỉnh Hải Dương với việc cổ phần hóa 100%, không có vốn chi phối của Nhà nước…

               Trước lúc chia tay, tôi hỏi thêm về cuộc sống riêng tư của anh, về những năm tháng cầm lái ngang dọc Trường Sơn trong những năm quân ngũ. Anh bảo, khí chất ngang tàng của anh có lẽ bị “nhiễm” từ những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn ấy, để rồi từ khi rời chiến trường, lao vào thương trường, vẫn còn vẹn nguyên trong anh sự táo bạo, kiên gan trước mọi khó khăn, thử thách. Ngoài ra, như anh tâm sự, có lẽ tính cách của anh phần nào được thừa hưởng từ hai cụ thân sinh, hai bậc lão thành cách mạng, nhất là từ thân mẫu của anh, cụ Trần Thị Dự, nguyên Cán sự Huyện đội Kim Động (tỉnh Hưng Yên), người chỉ huy nữ du kích Hoàng Ngân đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân…

                  Ít ai biết rằng, trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, tác giả của mô hình “khoán xe chui”, vị giám đốc “tuổi băm” ngày ấy đã được Bộ Giao thông vận tải hiệp thương giới thiệu tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội và tham gia Tỉnh ủy Hải Hưng khóa VI. Thành tích khoán xe, mở tuyến, xóa ngăn sông cấm chợ, cổ phần hóa doanh nghiệp chuyển doanh nghiệp sang hoạt động theo cơ chế thị trường đã được lịch sử ngành Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương giai đoạn 1945-2015 ghi nhận; thành tích của anh cũng đã được phản ánh trong nhiều ấn phẩm văn học, báo chí, lưu giữ hình ảnh, hiện vật trong các bảo tàng... Ngày 4-1-2018, UBND tỉnh Hải Dương đã có Công văn số 30-UBND-VP xác nhận thành tích và đề nghị các cơ quan chức năng làm thủ tục đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nguyên Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng Hoàng Chính Hòa.
Giờ đây, về nghỉ hưu sau hàng chục năm công tác, với nụ cười lạc quan cùng giọng nói hào sảng, vẫn thấy ở anh sự thanh thản, tự hào về “một thời cầm lái”, về những năm tháng “mở lối”, góp phần giúp ngành vận tải thoát khỏi cơ chế bao cấp và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 

 
         

Hoàng Chính Hòa thời “khoán chui”.




Giám đốc Hoàng Chính Hòa (thứ hai, từ phải sang) báo cáo hiệu quả từ mô hình “khoán xe” với Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 1991).





 
 Giám đốc Hoàng Chính Hòa (đứng hàng đầu, bên trái Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cùng một số cựu chiến binh là doanh nhân, điển hình tiên tiến tỉnh Hải Hưng tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1990).




Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng Hoàng Chính Hòa phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Hải Dương (tháng 5-1999).



 Hoàng Chính Hòa (bên trái) và nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Sướng ôn lại thời kỳ thực hiện mô hình “khoán xe chui”.



   (Nguyễn Thị Hạnh, Phòng 608, N9, Khu tập thể 212, Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. ĐT: 0912402315)
 
 
 
tin tức liên quan