Tâm nguyện của người nữ anh hùng đã trở thành hiện thực

Ngày đăng: 07:02 11/07/2018 Lượt xem: 620
Dự thi Hào khí Trường Sơn
 

 
      Tâm nguyện của người nữ anh hùng đã trở thành hiện thực
 
               
     (Viết về nữ anh hùng Hồ Thị Thu Hiền,
Đại đội trưởng C202 TNXP Nghệ An  )
 
         Tháng 3 năm 1969 chị Hồ Thị Thu Hiền, sinh năm 1947 đang là bí thư Đoàn xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, được tỉnh Nghệ An điều động lên làm đại đội trưởng Đại đội C202 - N241- P31TNXP . Đơn vị chị có 150 người, tuyển chọn từ 11 huyện thị trong tỉnh, tuổi đời từ 17 đến 20, trong đó có 57 nam,  93 nữ. Nhiệm vụ của Đại đội là bốc dỡ, gùi hàng lương thực, thuốc men cho mặt trận, vận chuyển cứu chữa thương bệnh binh, phá bom mìn, vừa mở đường, vừa chống trả các cuộc đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ nhằm chặn đứng con đường tiếp tế vào Nam của quân và dân ta.
        Thời gian này đế quốc Mỹ buộc phải hạn chế ném bom miền Bắc, chúng tập trung đánh phá quyết liệt vào các trọng điểm thuộc khu IV cũ. Ngay sau khi thành lập, ngày 1/5/1969, cả đơn vị đã được lệnh hành quân ngay vào tỉnh  Quảng Bình và Vĩnh Linh tuyến lửa. Chưa quen với những cuộc hành quân cấp tốc, vai mang ba lô đi bộ đường dài gần 300km, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, vừa đi vừa huấn luyện, vừa học tập điều lệ, nội quy của tổng đội TNXP,  nhưng chỉ sau 5 ngày đơn vị đã đến nơi tập kết.
        Vừa đến điểm công tác, đơn vị đã lao ngay vào làm nhiệm vụ gùi 90 tấn hàng hóa lương thực, thực phẩm từ A Dơi, A Sóc đến A Sầu, A Lưới. Bình quân mỗi chiến sỹ gùi trên lưng từ 40-50kg, mỗi ngày đi bộ 50km qua các địa bàn hiểm trở, thường xuyên đối mặt với bom đạn, thám báo, biệt kích của địch, cùng với những cơn mưa rừng tầm tả, sên vắt, muỗi vàng. Tuy vậy khó khăn gian khổ cũng không lay chuyển được ý chí, tinh thần quyết tâm của các chiến sỹ. Nhiều chị em đau yếu vẫn không chịu nghỉ. Nhiều người gùi hàng đến mức lưng chảy máu, chân tay sưng tấy nhưng vẫn không rời vị trí và nhiệm vụ. Vượt lên khó khăn ác liệt cùng với nổi nhớ nhà, nhớ quê hương của những ngày mới ra đi, trong lần chuyển hàng đó đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cấp trên giao trước 30 ngày.
          Sau khi hoàn thành chiến dịch gùi hàng tải đạn, Đại đội C202 lại chuyển sang xẻ núi lam đường. Các chiến sỹ vào rừng chặt nứa, làm quang gánh, học cách đánh mìn, mở đường san lấp hố bom. Từ tháng 1-1970 đến tháng 2 - 1971 Đại đội C202 trở ra tỉnh Quảng Bình nhận nhiệm vụ làm nền đường rải nhựa tháo giỡ bom nổ chậm trên cung đường từ Cổng Bình Quan đi Cổn.
           Từ tháng 2 năm 1971đến tháng 10 năm 1971 đơn vị được lệnh cấp tốc trở vào Quảng Trị trực tiếp phục vụ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Với nhiệm vụ đào hầm, cất dấu hàng và vào sâu trong trận địa đưa thương binh ra tuyến sau. Đường vào trận địa rất hiểm nguy, phải băng qua hàng rào bom đạn của địch, tuy vậy toàn đơn vị 150 chiến sỹ đều viết quyết tâm thư bằng máu. Cấp trên giao nhiệm vụ cứ 8 người đưa một thương binh ra, nhưng Đại đội 202 đã có sáng kiến chọn một đội cảm tử quân tìm một con đường ngắn nhất, an toàn nhất, chỉ cần 3 đến 4 người đưa được một thương binh. Với cách làm đó trong chiến dịch đường 9 đơn vị đã đưa được hàng ngàn thương binh ra tuyến sau, không để một chiến sỹ nào bị hy sinh hoặc bị thương lần thứ hai dọc đường.
        Từ tháng 11 năm 1971 đến tháng 9 năm 1972, Đại đội C202 lại được lệnh quay ra Quảng Bình và nhận nhiệm vụ đảm bảo giao thông cung đường trọng điểm từ sân bay Đồng Hới ra phà Quán Hàu. Đơn vị đã vượt qua mưa bom bão đạn, trụ vững trên tuyến lửa, giữ vững mạch máu giao thông và còn ứng cứu khi kho hàng bị cháy, cứu chữa cho nhân dân khi bị bom mìn
           Chị Hồ thị Thu Hiền người Đại đội trưởng của C202 - N41- P31, Tổng đội TNXP Nghệ An, với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thông minh, quyết đoán trong công việc, chị đã trở thành người chỉ huy, người chị cả của toàn đại đội, là tấm gương sáng cho toàn đồng đội học tập. Hơn 3 năm bám trụ trên tuyến lửa đường Trường Sơn, đơn vị của chị trong kháng chiến chống Mỹ đã trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ở đâu khó khăn nhất, gùi hàng nào nặng nhất, xe hàng nào cần được bốc dỡ nhanh nhất, cáng thương nào ít người áp tải và bảo đảm cho thương bệnh binh an toàn nhất đều có mặt của người đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền  và các đồng đội của chị. Bất cứ nhiệm vụ nào được cấp trên giao, đơn vị của chị cũng không sợ hy sinh, không ngại gian khổ. Rất nhiều người, nhiều đơn vị trên tuyến đường Trường Sơn năm ấy biết đến Đại đội C202 Thanh niên xung phong Nghệ An và người nữ chỉ huy thông minh dũng cảm Hồ Thị Thu Hiền. Tên của chị đã gắn với tên đơn vị. Do vậy trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ người ta đã không gọi theo phiên hiệu đơn vị mà chỉ gọi theo một cách trìu mến là "Đại đội o Hiền- Đơn vị o Hiền, chiến sỹ của chị Hiền". Cho đến nay sách báo đã nói nhiều về việc làm của chị, những chiến công vang lừng của đơn vị chị, nhưng ít người biết đến chị là người nữ thanh niên xung phong đã 3 lần được đơn vị truy điệu sống và 3 lần đều hoàn thành xuất sắc trở về.
      Lần thứ nhất: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vận tải hàng phục vụ chiến dịch trị Thiên Huế, cuối năm 1970 đơn vị của chị được điều động ra Quảng Bình nhận  nhiệm vụ rải đá chống lầy từ Đồng Hới đến Cổn. Đây là cung đường chịu sự đánh phá rất ác liệt, đế quốc Mỹ cả ngày lẫn đêm đã rải xuống cung đường này không biết bao nhiêu bom từ trường, bom bi, bom lá nhằm ngăn chặn con đường chiến lược vào nam của ta. Để  san lấp thông đường, nhiệm vụ phá bom được đặt lên hàng đầu và phải hòan thành khẩn cấp. Thời kỳ ấy phương tiện thô sơ, đơn vị lại chỉ quen gùi thồ chưa có kinh nghiệm rà phá bom, sự sống và cái chết cách nhau gang tấc. Xác định được trách nhiệm của mình, đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền xung phong nhận nhiệm vụ cùng với 2 chiến sỹ khác. Trước khi đi cả đơn vị tổ chức làm lễ truy điệu sống cho 3 cảm tử quân ra trận. Bước ra mặt đường với thanh cảm ứng từ trường,  vài ba trăm mét  cuộn dây thừng và các rọc tời thô sơ, 3 chiến sỹ với tâm thế bình thản, nhẹ nhàng không một chút đắn đo. Ngày thứ nhất, thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4,  tiếng nổ của bom từ trường ngoài mặt đường cứ chát chúa vang lên. Mỗi lần nghe tiếng nổ, khói bom tỏa kín một vùng, đất đá  mù  mịt tung lên. Trên đài quan sát, cả đại đội  nín thở trông theo, sau tiếng nổ thấy 3 người cảm tử quân lại lóp ngóp bò dậy. Cung đường nhanh chóng được giải tóa hết bom mìn, cả đại đội ùa ra reo hò ăn mừng rồi nhanh chóng ra san lấp các hố bom để các đoàn xe rầm rập tiến ra mặt trận.
          Lần thứ 2: Năm 1971 Đại đội được lệnh phục vụ chiến dịch đường 9 Nam Lào tại Quảng Trị. Lúc đánh vào cứ điểm Bản Đông hàng tháng trời, quân ta bị thương vong nhiều. Đơn vị của chị Hiền được nhận nhiệm vụ tải thương phục vụ sư đoàn 308 từ mặt trận chuyển về tuyến sau. Đường đi vào trận địa  rất xa, ác liệt, địch phát hiện bắn đạn như xối. Thương binh thì đông, không thể để cho thương  binh nằm lại lâu trong trận địa, phải chuyển ra nhanh. Trước sự cấp bách đó cấp trên  quyết định  phải tìm cách mở một con đường ngắn nhất, an toàn, chỉ 2-3 người khiêng một cáng để tải hết thương binh ra. Bước đầu chỉ chọn 8 đồng chí gan dạ, có nhiều kinh nghiệm, trong đó có đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền xung phong đi tiền trạm mở đường. Trước khi ra đi cả đại đội lại tổ chức truy điệu sống cho đội cảm tử. Vào sát trận địa chiến đấu, gần với các ổ đề kháng của địch, với vô vàn bom từ trường, bom bi, mìn lá, hàng rào dây kẽm gai. Nhưng chỉ mỗi người một chiếc đèn pin, đội cảm tử đã tìm được một con đường ngắn, bí mật, an toàn, giảm thương vong cho cả thương binh lẫn những người tải thương. Những ngày đó chiến công của đại đội chị đã kết hợp với quân chủ lực bắt sống tên đại tá lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ của  ngụy quân, ngụy quyền đưa về cứ.
             Lần thứ 3: Kết thúc chiến dịch Nam Lào, Đại đội 202 lại được điều về sửa đường từ sân bay thị xã Đồng Hới đến Cổng Trời. Đây cũng là một cung đường bị đánh phá khốc liệt cả ngày lẫn đêm. Một chiều có đoàn xe vận tải dài dằng dặc đang đợi đến đêm tiến ra tuyến lửa thì mặt đường bị 3 quả bom từ trường đang nằm ềnh giữa tim đường do máy bay Mỹ rải xuống trước đó mấy tiếng đồng hồ. Lệnh trên xuống phải khai thông đường trong buổi chiều hoàng hôn. Nếu sử dụng biện pháp phá bom thông thường, mặt đường sẻ bị bóc đi khối lượng đất đá rất lớn, mất nhiều thời gian san lấp. Sau khi bàn bạc, cả đại đội quyết định thay vì nổ mìn phá bom ngay tại chổ, sẻ tập trung đẩy bom xuống ta luy âm, nhưng làm như vậy 3 quả bom bất ngờ sẻ nổ, những người đẩy bom rất dễ bị hy sinh. Lần này Đại đội lại tiếp tục tổ chức truy điệu sống cho đội phá bom. Sau lễ truy điệu uy nghi, 15 chàng trai, cô gái 20 tuổi trong đó có đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền ôm đồng đội lần cuối cùng rồi vác đòn tre, đòn gỗ ra đẩy bom. Một không khí căng thẳng bao trùm lên cả cung đường, cả đoàn xe và đơn vị nín thở dõi theo . Trên mặt đường cả tổ cảm tử thanh niên xung phong mồ hôi đầm đìa gắng sức bẩy những quả bom lên cho lao xuống. Ba quả bom phát nổ khi đã được đẫy xuống vực sâu, mặt đường được giải phóng, mọi người vỡ òa sung sướng. Đêm đó cả đoàn xe lại rầm rập ra chiến trường, Đại đội C202 TNXP Nghệ An lại trở về với công việc san đường bạt núi.

 


Các đồng chí trong ban chỉ huy đại đội 202 về họp chuẩn bị đón nhận danh hiệu anh hùng
 
 
      Năm 1974 Đại đội C202 của chị Hiền được lệnh trở về Nghệ An tham gia làm đường 34, đường Quốc lộ 7 sang Lào. Tổng kết chiến dịch đơn vị chị được Nhà nước tặng thưởng 5 huân chương, trong đó có 2 huân chương chiến công hạng nhất  và hạng ba. Riêng chị Hiền được cử đi dự Đại hội Đoàn Thanh niên công sản Hồ Chí Minh toàn quốc, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương đoàn, có mắt trong Đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam tham dự festival Quốc tế tại Trung Quốc. Chị được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất và hạng 3, được ra miền Bắc báo cáo điểm hình. Tại Đại hội thi đua toàn quân, chị cùng với tập thể Đại đội C202 TNXP Nghệ An.được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
          Đất nước được thống nhất, Đại đội C202 TNXP Nghệ An của chị được chuyển ra Bắc an dưỡng và giải quyết chế độ chính sách. Người chuyển ngành đi học, người trở về địa phương sinh sống. Ngày 30 /10 /1975, bản thân chị Hồ Thị Thu Hiền được chuyển về công tác tại Tỉnh đoàn, rồi Sở Xây dựng Nghệ An và đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Ban chấp hành TNXP, Ban chấp hành Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Nghệ An. Chi  lập gia đình với quân nhân Hoàng Văn Cự. Anh chị sinh được 3 người con. Năm 1993 chị được cấp trên cho nghỉ hưu do nhiều vết thương cũ tái phát.
         Thời gian cứ thế qua đi, thủ tục đề nghi phong tặng Anh hùng cho chị và đơn vị của chị cũng bị rơi dần vào quên lãng do nhiều nguyên  nhân. Năm 1995, Pháp lệnh người có công được ban hành, Nhà nước có chủ trương tiếp tục phong tặng và truy tặng danh hiêu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vào đầu năm 2009. trong danh sách phong tặng Anh hùng, chị Hiền là một trong 6 người đang còn sống có tên trong danh sách đó. Với công lao, cống hiến to lớn trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn, mất 14 năm sau chị Hồ Thị Hiền mới được tôn vinh nữ Anh hùng.
       Được nhận danh hiệu ấy, chị Hiền rất vinh dự và tự hào, nhưng trong sâu  thẳm lòng chị vẫn băn khoăn day dứt, bởi chiến công những năm tháng ở Trường Sơn không riêng gì của chị mà của tập thể toàn Đại đội C202 mà chị làm đại đội trưởng vẫn chưa được tuyên dương công trạng, dù thủ tục đề nghị khen thưởng cho chị và đơn vị được tiến hành cùng đợt năm 1995. Thời gian sau đó tại ngôi nhà số 8  ngõ 174  đường Hồng Bàng, phường Lê Mao, thành phố Vinh,  những đồng đội  đơn vị cũ của chị cùng nhau họp lại làm tiếp các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn mới của các ngành các cấp. Chị Hiền lại không quản vất vả khó khăn, mặc dù sức khỏe không còn tốt và tuổi tác đã xế chiều, hàng ngày  chị Hiền đi lục tìm hồ sơ lữu trử, làm các thủ tục của đơn vị C20 TNXP Nghệ An đã được các cấp các ngành đề nghị khen thưởng, để chuẩn bị cho những chuyến đi " gõ cửa" các cơ quan, tổ chức có tránh nhiệm giải quyết. Chị Hiền lại lặn lội ra Hà Nội đến Trung ương Đoàn, Viện Thi đua khen thưởng và vòng đi vòng lại nhiều lần vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, quay về địa phương nơi cư trú xoay cho đủ thủ tục theo quy định để cả đơn vị của chi được phong tặng Anh hùng, làm tròn lời hứa với đồng đội.
      Thật hạnh phúc cho chị và đồng đội của chị, ngày 26 tháng 4 năm 2018 Chủ tịch Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩ Việt Nam Trần Đại Quang đã ký quyết định số 623/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 202 thuộc lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An. Khi chúng tôi đến gặp chị, chị và các đồng đội đang họp để xúc tiến cho việc đón nhận quyết định Anh hùng do tỉnh Nghệ An tổ chức vào dịp tháng 7 sắp tới. Chị trao cho tôi xem tờ quyết định, trào nước mắt và xúc động nói:" Tôi đã lo xong được việc này cho đồng đội, lòng bây giờ mới thật sự thanh thản".
        71 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng chị Hồ Thị Thu Hiền  tự hào đã cống hiến tuổi trẻ, sức lực của mình cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tâm nguyện của người Đại đội trưởng - người 3 lần đơn vị truy điệu sống- người nữ anh hùng hôm nay đã thành hiện thực./.
 
                                                                                              Xuân Bách
                                                                                        ( ĐT : 0912591362 )
tin tức liên quan