Lính mới,hồi ký dự thi của Nguyễn Đại Duẩn

Ngày đăng: 09:06 12/07/2018 Lượt xem: 763
          Dự thi Hào khí Trường Sơn

                                          LÍNH MỚI

                                                                   
                                                                   Hồi ký của Nguyễn Đại Duẩn
 

              Đã là lính mới thì cái gì cũng mới. Ba lô, mũ , đôi dép lốp cao su…mọi thứ đều thơm nức mùi… mới.  Trong lòng tôi tràn ngập niềm vui mới, bạn bè mới, cuộc sống mới.

             Từ thị xã Đông Hà, chiếc xe đò ọc ạch chở chúng tôi trên chặng đường dài hơn trăm rưỡi cây số. Đường uốn lượn quanh co chữ chi, chữ Z làm xe cứ lắc lư như đang bềnh bồng trên mây.  Nhiều đoạn ổ voi, ổ gà làm người bật ra khỏi thành ghế, bụi cuốn mù mịt. Đến bản Cha Ki (huyện Sê Pôn - Lào) thì ông mặt trời cũng vừa gác núi.

             Nơi chúng tôi đến là tiểu đoàn huấn luyện của sư 384. Thế là thành “lính mới”!

            Ngày đầu tiên, chúng tôi tập trung về hội trường tiểu đoàn để làm công tác tư tưởng và chỉnh đốn tác phong quân nhân. Những mái tóc mượt mà, tóc dài quá tai,  …được các tay thợ của tiểu đoàn cắt tỉa cẩn thận, ngắn gọn trong mạnh mẽ khác thường. Mái đầu rẽ ngôi óng mượt, tôi đã “ nuôi” cho hợp thời nay bị những nhát kéo cắt phứt xuống từng mảng…Công việc trong ngày rồi cũng kết thúc. Chúng tôi ra sông Sê Pôn tắm gội, thay tư trang. Dòng sông Sê Pôn mát rượi, làn nước trong xanh đang lững lờ trôi. Chúng tôi trong bộ quân phục màu cỏ úa mới, được đóng thùng gọn gàng tôn thêm vẻ đẹp nghiêm trang của người lính, ai cũng thấy mình như đang đứng trong đội ngũ chỉnh tề chuẩn bị bước vào trận .

             Những ngày tiếp theo, chúng tôi vào rừng chặt gỗ, nứa, bứt tranh …làm doanh trại. Tuy mảnh khảnh nhưng tôi chọn những cây gỗ thẳng đẹp vừa kích thước nên sản phẩm của tôi luôn được  thủ trưởng khen. Ngày thứ ba, đang bứt tranh, người tôi nóng bừng lên cơn sốt. Tôi gắng gánh tranh về, cứ đi được vài trăm mét lại nghỉ. Mấy đứa trong tiểu đội bảo tôi bỏ gánh tranh đi, nhưng tôi không chịu. Về đến doanh trại tôi lên cơn sốt, người nóng hầm hập, đắp mấy chăn cũng không đỡ rét. Mọi người ai cũng thấy lo lắng đi gọi y tá. Tôi được đưa sang bệnh xá Sư đoàn gần đó.

              Được uống thuốc và chăm sóc vài ba ngày, cơn sốt đã cắt. Tôi về lại đơn vị sau một tuần nằm bệnh xá. Tôi xuống bếp giúp anh chị  nuôi nhặt rau, tôi làm quen với chị Vân.
- Chị Vân ! Tôi hỏi điều này, nếu không phải thì chị bỏ qua nhé!
- Gì vậy anh Đại! Là đồng đội, có gì mà ngần ngại kia chứ.
- Anh em lính mới họ cứ phàn nàn, sao tiêu chuẩn gạo một tháng hai mốt ki lô mà ăn vẫn đói ? Một số anh em họ bán ni long, áo lót, xà bông…để mua đồ ăn thêm! Anh em trong tiểu đội tôi phần đông là giáo viên, họ cố chịu, nhưng cứ thắc mắc…

            Vân nhìn tôi ái ngại, sẻ chia: - Anh Đại này! Mọi người thắc mắc cũng đúng thôi. Gạo từ Trung Quốc viện trợ, chuyển sang đây, một thời gian bị mốc, mọt. Mùa này đang mùa khô nên rau không có, chỉ lèo tèo mấy hoa chuối, măng rừng, cá khô… anh em đói cũng đúng thôi.  Rồi trích một phần gạo để nuôi mấy con lợn, chờ khi tân binh mãn khóa huấn luyện về đơn vị mới còn có cái để chia tay, chứ ở cái xứ sở “khỉ ho cò gáy” này lấy gì để chung vui một bữa. Có khi, thương mấy đứa “sức dài vai rộng”, chúng em phải san sẻ suất ăn của mình.

            Nghe Vân nói mà lòng tôi nghèn nghẹn. Ai thấu được nỗi niềm của những  người nuôi quân...? Rồi đây tôi sẽ tâm sự với anh em tân binh để họ biết, còn thông cảm.

             Sau hơn 10 ngày vật lộn với nắng , gió oi bức trên đất Lào, doanh trại cũng được hoàn thành.

            Đơn vị đi vào huấn luyện. Vất vả nhất là tập đội hình đội ngũ. Giữa cái nắng như thiêu như đốt , chúng tôi cứ một, hai,  mốt… đều đặn. Khát cũng phải gắng chịu. Kỉ luật “sắt” mà!

           Có đêm, giấc ngũ đang yên, bỗng tiếng còi báo động vang lên. Tất cả vùng dậy, mắt nhắm mắt mở, dép xỏ lộn chân, ba lô, áo quần nai nịt gọn gàng, sẵn sàng hành quân dã ngoại. Có đứa quên áo quần, xà bông, giày… phải lên tiểu đoàn bộ để xin lại. Rồi  chuyển sang khoa mục xạ kích, lăn lê bò toài.  Một bữa tập trận giả. Tôi, Sư và Vượng (cũng là giáo viên nhập ngũ), được phân công làm quân đỏ. Sau khi nghe đồng chí trung đội trưởng phân công nhiệm vụ, chúng tôi bí mật nấp vào mô đất có bụi cây che khuất, chờ quân xanh đi qua là tổ chức phản công. Trong lúc chờ đợi, ba đứa kể chuyện nhà, chuyện trường, chuyện người yêu  cho nhau nghe. Những kỉ niệm cứ ùa về làm cho chúng tôi thêm nhớ nhà. Một lúc, không thấy động tĩnh gì, thằng Sư nói:
- Đại này! tao thấy đói  quá, tao với Vượng vào bản mua mấy quả chuối, còn mày ở lại tự lo nhé!
Hai đứa đi một chốc, tôi nằm trên vạt cỏ, nghĩ ngợi miên man, rồi ngủ lúc nào không biết. Đến khi nghe tiếng còi kết thúc trận đánh, tôi hoảng hốt giật mình tỉnh dậy, chạy vào bản để gọi hai đứa về. Chợt,  mấy “tay” cảnh vệ, vai khoác súng, tay đeo băng đỏ đang đi về phía chúng tôi. Thế là cả ba anh em bị  áp giải về tiểu đoàn bộ.
         
                Ba chúng tôi được các anh chỉ huy tiểu đoàn “lên lớp” một hồi lâu. Lòng chúng tôi thấy hổ thẹn.  Dù sao mình cũng đã từng là giáo viên, đã từng dạy về đức tính kỉ luật. Thôi! Chuyện gì đến nó cũng đến rồi. Chúng tôi nhận khuyết điểm và hứa không tái phạm nữa, âu đây cũng là bài học, là kỉ niệm  đời lính.
         
                Sau hai tháng huấn luyện tích cực, vất vả, ngày bắn đạn thật cũng đến. Đơn vị chuẩn bị bia, cơm nắm, súng đạn…đi bộ chục cây số mới đến trường bắn. Đêm trước ngày biên chế về đơn vị mới là một đêm liên hoan văn nghệ do Sư đoàn biểu diễn. Các tiết mục đặc sắc được các diễn viên thể hiện hoành tráng, những lời hát ngân nga hòa quyện trong tiếng trống, tiếng  đàn làm rộn rã cả một góc rừng.
         
                Rồi ngày chia tay biên chế về các đơn vị, ai nấy đều bùi ngùi xúc động. Những lời chào, những lời hẹn gặp lại lắng động trên những đôi mắt ngấn lệ.
                   
                                       ***
                                 
           
            Tôi được biên chế về đại đội 1, tiểu đoàn 37, trung đoàn 509. Đại đội tôi được biên chế đợt này khoảng 15 lính mới. Tôi, Soải - cậu tôi - là giáo viên, Liên là y tá ở một bệnh viện Thừa Thiên, còn lại là những thanh niên mới lớn ở nông thôn, tuổi 18 sung sức. Những ngày đầu về đơn vị, chúng tôi bỡ ngỡ với cuộc sống mới. Làm quen với sinh hoạt nếp sống và công việc mới.
         
            Đại đội tôi là đại đội làm cầu, đóng ở gần bản Đông. Công việc chủ yếu là chặt gỗ, cưa ván,  gép cốp pha, đỗ trụ và mặt cầu. Hễ đổ xong cầu này là chuyễn đi làm cầu khác, phần hoàn thiện có đơn vị bạn.
         
            Sau một thời gian, cuộc sống, công việc cũng quen dần. Tôi, cậu tôi, anh bạn Liên cùng trang lứa, đã kinh qua cuộc sống tập thể nên có phần gần gủi, có những tâm sự hòa hợp hơn. Trong đơn vị , những anh chị lính cũ họ cũng thông cảm và hòa nhập cùng chúng tôi. Lính cũ, mới dần hiểu nhau, gần gũi nhau hơn.
         
            Rồi Soải  được chuyển về Tiểu đoàn bộ, phụ trách vật tư. Liên chuyển về bệnh xá Trung đoàn. Vậy là bộ ba chúng tôi lại phải xa nhau. Tôi cảm thấy mình hẫng hụt, chông chênh. Một tuần sau, tôi được phong quân hàm Binh  nhất và đề bạt làm tiểu đội phó. Trong lòng tôi trào dâng niềm vui khó tả. Tuy là lính mới, nhưng tuổi đời tôi cũng loại cứng trong số anh em đơn vị, hơn nữa tôi đang là đối tượng cảm tình của đảng, nên làm tiểu đội phó cũng hợp lý thôi.
         
               Từ khi làm tiểu đội phó, công việc phải gương mẫu hơn. Anh Nhượng, tiểu đội trưởng về phép , tôi phải tạm thời thay anh quản lý tiểu đội. Ở tiểu đội tôi có mấy cậu tân binh trẻ, người Triệu Hải. Họ rất khó tính, ương ngạnh. Họ đã từng sống dưới thời Mĩ, ngụy nên ít nhiều nhiễm lối sống tự do, buông thả. Một lần, tiểu đội tôi được phân công đốn gỗ về cưa cốp pha. Những cây gỗ lớn bằng hai người ôm nên chặt cả tuần mới đổ. Công việc nặng nhọc,  vất vả, cơm ăn không đủ sức trai nên lúc nào cũng đói. Một hôm nghỉ giải lao, anh em tiểu đội mời tôi ăn sung luộc. Tôi ăn cùng với anh em. Nào ngờ, phía trên nồi là sung, còn phía dưới là chuối xanh. Tôi hỏi thì mấy anh em bảo là xin dân bản. Với bản tính thật thà, tôi tin.
         
              Một hôm, trưởng bản dẫn mấy người dân ra báo với BCH đại đội là họ mất  chuối, nghi là bộ đội hái trộm, khi đó tôi mới vỡ lẽ ra mọi điều. BCH đại đội họp để kiểm điểm, tìm hiểu sự việc. Tôi kể lại hết sự tình.  Anh Thỉ, đại đội trưởng mặt bừng bừng, nổi nóng, quát: - Cậu làm ăn thế à! Không làm được thì nghỉ. Tại sao không báo với đại đội để uốn nắn tư tưởng và việc làm của anh em. Anh người Hà Tây, trắng trẻo, khỏe mạnh, năng động  nhưng tính nóng nảy . Anh mới là đối tượng đảng. Có lẻ cái tính nóng nảy đã hạn chế một phần sự phấn đấu của anh. Cái hôm đưa sự việc ra ở đại đội, mấy cậu trong tiểu đội tôi hăm dọa: “Anh mà báo đại đội do bọn em chủ mưu là anh bị uống no nước suối đó”.  Tôi không sợ lời đe dọa, nhưng tôi thương họ, vì đói quá nên nông nổi. Tôi  nhận khuyết điểm trước đại đội và xin tha cho anh em trong tiểu đội, rút kinh nghiệm là chính.
         
               BCH đại đội và tôi  vào xin lỗi dân bản. Nếu họ làm to chuyện này thì ảnh hưởng đến tình Quốc tế giữa hai nước Việt - Lào. Nhưng dân bản họ thật thà và cũng mến bộ đội lắm. Họ tha  lỗi cho chúng tôi, còn gửi về cho đơn vị vài buống chuối, mấy chục quả đu đủ. Họ vẫn hiểu rằng bộ đội đang xây dựng giúp đất nước của họ hàn gắn vết thương chiến tranh.
         
             Tôi ngày càng gần gũi anh em hơn, thĩnh thoảng có chuyện gì họ cũng tâm sự với tôi. Cậu Thăng cho tôi biết, số ván cốp pha của đơn vị hao hụt, số lượng không đảm bảo chỉ tiêu là do thủ kho móc nối bán cho lái xe quá cảnh. Một hôm, Thăng cho hay sẽ có xe đến bốc gỗ (cậu này quen thủ kho). Tối đến, tôi cùng tiểu đội ra suối ngồi đợi. Đợi mãi, chẳng thấy gì đành quay về. Nghe đâu xe bị hỏng dọc đường nên không đến đúng hẹn. Anh Kế, chính trị viên đại đội thấy tâm trạng của tôi có biểu hiện khác thường . Anh gặp gỡ tôi và thăm dò. Tôi giấu. Rồi một hôm, cả đại đội về tiểu đoàn bộ xem phim. Tôi báo với BCH đại đội tối nay, lợi dụng có phim,  thủ kho và mấy tay xe quá cảnh sẽ lấy cắp ván cốp pha. Mọi việc được săp xếp bí mật do đại trưởng chỉ huy. Như dự đoán, gần 10 giờ đêm, chúng  gồm hai lái xe và hai thủ kho tiến hành việc lấy cắp. Khi tấm ván thứ ba được chuyển lên xe thì ánh đèn pin của đại trưởng chiếu thẳng vào bọn chúng. Anh ra lệnh: - Tất cả đứng im! Mọi người đã bị bắt. Bọn chúng sợ quá định bỏ chạy, nhưng thấy bộ đội ta đông  nên đành đưa tay chịu trói giải về tiểu đoàn bộ xử lý.
         
            Công việc đổ cầu ngày càng cấp bách vì chuẩn bị sang mùa mưa. Nếu không đổ trụ kịp thì cốp pha sẽ bị lũ cuốn trôi. Nhưng tiến độ cũng không khá lên. Một phần anh em mệt mõi, một phần trời đang chuyển mùa nên sốt rét nhiều và phần nữa do phương tiện kĩ thuật (những năm 80) quá thô sơ, lạc hậu. BCH đại đội họp mở rộng yêu cầu các tiểu đội tăng cường động viên tinh thần làm việc của chiến sĩ và cho phép nuôi quân tăng thêm khẩu phần ăn  để anh em có thêm sức khỏe. Ngoài ra, BCH đại đội còn yêu cầu mọi người đề xuất sáng kiến tăng năng suất lao động. Ở đơn vị, ngoài mấy chiếc xe cải tiến, xẻng, và máy trộn thì chẳng có phương tiện gì hơn. Chủ yếu lấy sức người là chính. Đồng chí Thắng tổ kĩ thuật đề xuất phải đóng máng đổ bê tông thay vì hắt từng xẻng, vừa lâu vừa tốn sức. Suy nghĩ mãi, tôi cũng mạnh dạn đề xuất dùng gàu xúc dá dăm thay bằng xúc xẽng, tuy xúc gàu phải mất hai người nhưng năng suất sẽ tăng hơn. Mọi ý kiến đề bạt được bộ phận kĩ thuật tiểu đoàn chấp nhận chon làm thử. Việc đóng máng thì dễ vì có ván cốp pha chưa sử dụng hết, còn  gàu xúc đá dăm thì  không biết lấy đâu ra  sắt tấm hay tôn để làm. Tôi đề xuất BCH đại đội vào bản mua ít mảnh nhôm máy bay. Những ngày đi chặt gỗ tôi thấy trong bản nhiều lắm. BCH đại đội đồng ý và cử tôi cùng đi. Với tài ăn nói của đồng chí chính trị viên đại đội (anh biết nói tiếng Lào), đồng bào nhất trí cho bộ đội đưa về sử dụng mà không lấy tiền. Ông trưởng bản còn nói: “ Phò (bố) giúp bộ đội là giúp bản đó mà”.
         
          Từ ngày cải tiến công cụ lao động, động viên vật chất, tinh thần cho anh em chiến sĩ, năng suất đổ bê tông tăng lên rõ rệt. Đại đội chúng tôi luôn đạt và vượt kế hoạch của tiểu đoàn giao cho. Mỗi lần, BCH đại đội giao ban về, thấy bếp ăn có thêm thịt hộp, cá khô …là anh em biết đơn vị được khen.
         
         Công việc đổ bê tông kết thúc thì mùa mưa cũng đến. Đại đội  được tiểu đoàn khen về tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ của các chiến sĩ, biết  cải tiến công cụ, đã vượt năng suất lao động.
         
          Đại đội tổ chức mừng công. Hai con lợn được anh chị nuôi quân chăm sóc cũng đủ lớn để cho đơn vị được một bữa vui vẻ. Thằng Thăng láu cá, chạy vào bản mua mấy chai “cay” về tăng thêm phần rôm rả. Anh Kế, chính trị viên đứng dậy tuyên bố dõng dạc: - Kính thưa các đồng chi! Có được niềm vui hôm nay là nhờ sự đoàn kết, chung lưng gánh vác của cán bộ, chiến sĩ đại đội 1 chúng ta. Chúng ta đã vượt qua được cái vất vả của thời tiết nắng nóng, cái thiếu thốn vật chất đời thường để đưa lại thành tích hôm nay. Coi như buổi liên hoan này là một cuộc họp không văn bản, thay mặt BCH đại đội tuyên dương tất cả các đồng chí đã mang thành tích về cho đại đội. Tiếng vỗ tay rào rào.
         
            Anh nói tiếp: - Trong niềm vui này, tôi xin thông báo cho các đồng chí, đơn vị chúng ta sẽ có hai sự kiện quan trọng. Rồi không để cho mọi người kịp phán đoán,  anh tuyên bố: - Sự kiện thứ nhất là đồng chí đại đội trưởng đã được đảng ủy ra nghị quyết chuẩn y kết nạp đảng, và sự kiện thứ hai…Để tăng phần hấp dẫn chính trị viên dừng lại dây lát. Sự kiện thứ hai là …đồng chí Đại được phong quân hàm hạ sĩ trước niên hạn và điều động về công tác tại bộ phận hậu cần của tiểu đoàn bộ.
         
             Tiếng vỗ tay rào rào, tiếng chúc mừng rộn ràng, vui vẻ. Rượu vào làm cho bửa tiệc có phần ồn ào. Mấy anh hưng phấn dùng bát đũa thay nhạc đệm, cùng nhau hát vang những bài hát về Trường Sơn . Những lời hát ngân nga vang rộn dội vào vách đá nghe vui tai.
         
            Tôi được phong quân hàm Hạ sĩ trước niên hạn và điều động về công tác tại bộ phận hầu cần của tiểu đoàn bộ. Lòng tôi vô cùng phấn khởi. Tôi cảm ơn các anh BCH đại đội, BCH tiểu đoàn đã quan tâm, cảm ơn  đồng đội đã san sẻ công việc giúp đỡ tôi tiến bộ. Ngày chia tay về đơn vị mới thật bùi ngùi, xúc động. Những cái bắt tay, những lời chúc, câu chào sao thân thiết đến thế.  Tôi lại trở thành một “lính mới” của tiểu đoàn bộ.

 
                              ***

            Vậy mà đã ba mươi sáu năm đã trôi qua. Những kí ức năm tháng quân ngũ trên đất bạn Lào đã theo tôi đi vào từng trang giáo án, từng lời giảng. Gieo vào lòng học sinh tình yêu đất nước, về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ tuyệt đẹp biết bao trong chiến đấu cũng như trong xây dựng. Kỉ niệm về người “lính mới” năm nào đang còn mãi mãi trong kí ức tôi. Không biết thủ trưởng của tôi, những đồng đội của tôi  khi đọc được những dòng hồi ký này có còn nhớ đến một thời đã từng là chiến sĩ của đại đội 1, tiểu đoàn 37, còn nhớ đến đại đội luôn dẫn đầu về năng suất lao động , để cho những nhịp cầu nối liền tình hữu nghị hai nước Việt – Lào mãi mãi bền vững.
 
                                                                 

                                                          Nguyễn Đại Duẫn

(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn,Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, H: Quảng Ninh, T: Quảng Bình
DĐ: 0977194533)
 

 
        
tin tức liên quan