Tấm áo năm xưa,hồi ký dự thi của Đỗ Nam Dẻo

Ngày đăng: 03:00 15/07/2018 Lượt xem: 642

                 Dự thi Hào khí Trường Sơn
                                            

                                              TẤM ÁO NĂM XƯA

  
                                                                Hồi ức của Đỗ Nam Dẻo


            Mỗi độ nắng mới lên!
            Người lính già lại mang chiếc áo quân phục cũ ra giặt – ra phơi. Mấy mươi năm giặt, mấy mươi năm phơi áo ông đã phai càng thêm bạc.
 
                        Sớm nay!

            Đứng bên rào phơi áo chờ nắng, ông chờ mùa nắng thứ bốn mươi tám qua đây, nhìn áo phơi cổ áo rách to hơn, vai áo rách rộng thêm, chỉ bỏ tà bay tông tuênh trước gió… Sợ áo nát, mỗi lần giặt phơi ông thận trọng nâng niu, mỗi lần cầm kỷ vật ông vẫn thấy ấm như lúc ông đang mặc ở Trường Sơn.   Nơi kẻ thù không tiếc bom tiếc đạn, ta không tiếc của tiếc người. Quyết sẻ núi bạt rừng, ngăn sông, vượt suối mở đường bước tiếp chặng đường lớn của con đường Chủ Nghĩa Xã Hội, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng Miền Nam. Thống nhất tổ quốc. Nam Bắc một nhà.
            Là người chiến sĩ thuộc đơn vị đặc nhiệm kỹ thuật trắc đạc được giao nhiệm vụ trên điểm cao quan sát, kiểm soát xác định vị trí rơi và vị trí nổ chậm của các loại bom, bảo vệ cầu ngầm LONG ĐẠI, một con đường lửa trên nước, nối hai đầu Trường Sơn cho xe vận tải hang hóa ra phía trước, cho bộ đội ta hành quân ra chiến trường. Mỗi mùa mưa, ngầm tràn lũ quét, đường ngầm sạt lở, lại bị bom kẻ thù bắn phá, nào là bom phá, bom phạt, bom đào, bom xiên, bom chấn, bom rung, bom bi mẹ, bom bi con, bom nổ, bom chờ, bom Napan, bom từ trường trôi vấp nổ… đe dọa ngày đêm!    Để cứu ngầm, người ôm đá, đá ôm người, đá nằm trong rọ sắt đá còn ngót như rau. Người trôi đá trôi, tìm được đá không tìm được người giữa vực sâu nước cuốn…  Người ôm bom, bom ôm người nhiều khi cũng chỉ  còn quầng khói đen ôm vành nước bạc tơi tả sóng đôi bờ.   Ngầm in bóng nước trăng treo, nước in bóng ngầm mây ngàn tỏa sóng. In bóng những cô thanh niên xung phong hỏa tuyến, tay cờ đỏ thân làm cọc sống dựng hàng rào che chắn, dẫn đường cho người cho xe không bị trôi xuống vực.   Giờ này!... Vẫn còn nhiều cô gái ở lại đứng phất cờ mãi với sông sâu.
            Được ngày sạch trời lũ thần sấm con ma không gầm rú vẩn đục. Lũ trinh sát OV10 không lè vè nhòm ngó… Lính trẻ đồi cao anh em lại chân thấp chân cao truyền tay điếu thuốc hát nghêu ngao bài ca năm tháng, tranh nhau kể chuyện về mẹ, rối rít khoe ảnh người yêu, cười cười nói nói vô tư như bẻ củi… Tiếng cười tiếng nói của họ xô vào đá núi    vang vọng vực sâu    lan vào cây vào lá… Xua đi nỗi nhọc nhằn.
            Mỏm đồi vây quanh là trận địa, nóc hầm kèo vươn ra kiêu hãnh nhìn trời xa, đêm nhớ trăng nhìn lên khung cửa lại thấy trời vuông. Cái nóc nhà nhọn hoắt chống trời, ôm cánh võng chao hai đầu nỗi nhớ, ru giấc mơ chiến sĩ đong đưa, đưa họ về… về buổi liên hoan đêm nào, ngày mai lên đường được làm anh bộ đội, còn lập loè ánh sáng ngọn đèn dầu trong mái lá có tiếng cô gái sụt xịt mãi không thôi ???     Bờ tre ngõ xóm đêm nay đom đóm có về giăng lửa tụ hội cho các em thơ bụm vào lá khoai chớp đèn đi rước Trung thu…     Hè về ve sôi,  sân trường cũ cô cậu mới lớn có còn bâng khuâng nhặt cánh phượng hồng, ép vào trang sách nhau mang hè đi…
            Nắng núi mưa ngàn hầm sâu sâu nước, giấc mơ lính trẻ như cũng lặn lội mà leo, trèo như ngày nào chống chiếc gậy Trường Sơn đạp lên đầu cây lá đi lên cổng trời… Trên cổng trời người lính ai cũng nhìn thấy quê nhà. Thấy cha mình lặn lội cày lên những thá đất nâu – nâu sòng như chiếc áo ông mặc gieo hạt lúa vàng gửi ra. Thấy mẹ ta, chị ta khom lưng cõng nắng cấy nhánh mạ xanh vào đồng vào ruộng như vá như khâu, khâu tấm áo gửi đi, vá lại lũy tre làng bị bom máy bay Mĩ thả xé rách mỗi ngày!

           Nhớ! Nhớ… quả bom tọa độ trên chốt hôm ấy đã cướp đi người đồng hương người đồng đội tổ ba người của ông, ông cởi áo lành của mình mặc vào niệm cho bạn, nhận lại tấm áo bom toạc đầm đìa máu tươi về mình, đôi tay ngập ngừng ông vuốt cho người đi đôi mắt sáng trong còn chưa muốn khép lại. Trong tiếng gió reo, trong hơi thở chập chờn… lời người đi:
-“Cha anh ta mở đường, chúng ta giữ đường. Dù một chiếc áo mặc cho ba bốn đời người ở đây, cũng là sự kế tiếp nhau làm ấm thêm tình đồng đội, tăng lên sức mạnh căm thù… tin vào thắng lợi nhưng chờ được người thắng trận trở về chắc còn xa… Cho dù xa,  gian khổ ác liệt hi sinh… Chúng ta quyết truyền tay nhau giữ lại mang bằng được chiếc áo thắng trận về quê hương, báo công cho mẹ…”

             Giờ đây!

          Trên quê hương đổi mới. Cuộc sống hối hả dựng xây. Những mái ấm vươn cao. Những cây cầu lớn vươn tới vươn xa rộng dài nối đường cao tốc đi vào tương lai đất nước. No cơm ấm áo nhà nhà. Người lính trẻ khi xưa giờ thì con con cháu cháu vây quanh ông mỗi độ tết đến xuân về rực rỡ cờ hoa… Ngồi với hoa trong nhà, ông nhớ rừng nhớ núi, bên kia trên non trên ngàn,  chắc bạn ta giờ này cũng cùng các anh các chị những anh hùng liệt sỹ Trường Sơn nắng mới về họ lại rủ nhau ra tắm mát bên ngầm cầu LONG ĐẠI. Những bàn tay chiến công của họ, họ lại bụm từng bụm nước đầu mùa của con sông đầu nguồn nơi ngàn năm vẫn chảy mang phù sa về xuôi… Rũ đi bụi bom khói đạn ngày qua!   Xóa đi vết hằn đau ngày trước!   Rửa sạch những bàn chân vạn dặm còn lấm láp đất đỏ một con đường. Trong bộ quân phục màu lá mới, bên nhau lên cổng trời chơi với sao, ngắm lại những vì sao ngày trước đã treo vào đầu súng của họ đã đậu nóc ba lô theo họ ra chiến trường…Nghe lại bước chân mình rộn rã hàng quân như lúc chúng ta vừa đi vừa hát… Bài ca ra trận.   Đêm Trường Sơn nhớ Bác.   Bác đang cùng chúng cháu hành quân.   Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây Bên nắng đốt bên mưa quây… Hết rau rồi anh có lấy măng không…
            Tiếng hát át tiếng bom, Trường Sơn hào hùng những ngày cả nước ra trận.
                        Nắng đã tươi.
                        Áo đã khô.
                        Gỡ áo trên rào ông gấp lại kỷ vật hành trang một tài sản đời lính ông gấp đi cả vết đạn quân thù… Tay cầm áo cũ – lòng nhớ người xưa nước ở đâu rưng rưng lại ra… lại chảy… chảy vào mắt ông những giọt yêu thương con người! Vợ ông thấy ông vịn rào tay dụi mắt bà ngỡ ông khóc!
             Bà bảo:
            - Thôi

      Áo nó cũ nó rách.
 …Chứ tôi có thấy bờ rào nhà ta có cái gai nào cào ông đâu mà ông đau !!!


 
ĐỖ NAM DẺO
 (CCB.Hội truyền thống đường Trường Sơn Q.Lê Chân TP.Hải Phòng.ĐTDĐ: 0912.030645)
 
tin tức liên quan