Người chiến sĩ quân y thời máu lửa,bút ký dự thi của Vương Văn Kiểm
Dự thi “Hào Khí Trường Sơn
Người chiến sĩ quân y thời máu lửa
Bút ký của Vương Văn Kiểm, Hội viên VHNT Trường Sơn
Trong căn nhà ấm cúng, hai anh chị Đoàn Hồng Đăng và Trần Thị Thanh - đều là quân nhân - tiếp đón chúng tôi vui vẻ. Biết tôi là cựu chiến binh, cần một số tư liệu trong chiến đấu thời chống Mỹ cứu nước mà các anh chị rất ngại nói về mình, tôi khẩn khoản yêu cầu: “ Nếu không ghi lại những chiến tích, sau này sẽ mai một đi…” Anh Đăng chia sẻ:
Học xong Phổ Thông Trung Học, tháng 12/1967, tôi được học lớp y tá 6 tháng tại Sư 312B, sau đó vào mặt trận 7. Trận đầu tiên cuối năm 1968, tôi đi xuống giáp ranh phục vụ chiến dịch, dọc theo đường rừng, người nọ cách người kia từ 5 đến 10 mét, men theo bờ suối mà đi. Gần đến ven đồì, chúng tôi bị địch phục kích. Thấy người đi trước quay lại, tôi cũng đi theo, liền bị một viên đạn xuyên vào sau lưng dưới xương chép và hai mảnh vào đùi. May sao không bị gẫy chân. Bất chấp đau đớn, tôi chạy ngược lại vòng theo sườn đồi. Năm phút sau, máy bay cán gáo Mỹ đến ụp bắt thì tôi và anh em đã ở sườn đồi bên kia.
Đoàn Hồng Đăng kể tiếp câu chuyện thật như đùa:
Một hôm, “ Hoài Hương”(đài tâm lý chiến của địch) loan tin : Đoàn Hồng Đăng và một số chiến binh Cộng sản bị bắt ở mặt trận Quảng Trị. Bố mẹ ở nhà và các em ở quê nghe tin sững sờ, đau đớn, lo lắng: Liệu tôi có bị chúng tra tấn dã man? Liệu tôi còn sống mà trở về ? Trong khi đó, ngoài mặt trận, máy bay trực thăng của địch chao đi chao lại trên bầu trời, bắc loa, lải nhải : “Đoàn Hồng Đăng và đồng đội bị bắt rồi, các chiến hữu hãy chiêu hồi... chánh phủ quốc gia”. Tôi và anh em ở dưới hầm nghe mà buồn cười cho cái trò lố bịch của kẻ địch. Sự việc thế này:
Nhiệm vụ của tôi là tổ chức phẫu thuật, cứu chữa thương binh khi mở chiến dịch. Một lần, mổ xong hai chiến sĩ bị thương vào phần mềm, chúng tôi để hai người nằm nghỉ trên bàn mổ dã chiến. Đội phẫu xuống bờ suối ăn cơm. Vừa ăn được mấy miếng thì chợt phát hiện quân thám báo ngụy tập kích.
1
Chúng tôi khẩn trương rút về căn cứ trên rừng. Trong trận tập kích đó, chúng vớ được tài liệu có tên tuổi quê quán từng người. Vì thế chúng mới có cớ, hí hửng tuyên truyền lếu láo.
Thời gian sau, Ban hậu cần tỉnh đội Quảng Trị (Cục Quân y Thừa Thiên Huế) giao nhiệm vụ cho tôi sang Sa Va Na Khét, với thực phẩm mang theo là gạo, ruốc cá, mì chính. Buổi sáng, tôi chuẩn bị một hăng gô cơm dùng cho ăn trưa, ăn chiều. Tối ngủ ngon lành trên võng. Tôi cứ theo đường rừng, đi hết chặng giao liên này đến chặng giao liên khác. Sau bảy ngày bảy đêm, tới Sa Va Na Khét, tôi nhận bản kê thuốc chuyển ngược về Quảng Trị để phục vụ chiến dịch Đường chín Nam Lào.”
Sau chiến dịch, Đoàn Hồng Đăng và hai đồng chí nữa từ Gio Linh về Đông Hà, lấy dụng cụ phẫu thuật. Dọc đường đi, mỗi người cách nhau năm đến mười mét. Xuống hết dốc, tới đường mòn, B52 ào đến ném bom. Ba người lăn xuống rãnh ta luy. Hết ba loạt bom nổ, (mỗi loạt 10 phút), mọi người ngỏm dậy. Anh thấy miệng hố bom chỉ cách mình vài mét (bom loại nhỏ 250kg). May quá. Nếu bom phá vỡ ta luy thì không biết chuyện gì sảy ra. Tuy vậy, do bị sức ép tai anh vẫn bị chảy máu. Trong thời gian này, khó khăn, gian khổ luôn luôn rình rập: Kẻ thù có thể tấn công bất cứ lúc nào, thiếu ăn, thiếu mặc, 20 ngày không có hạt muối. Khi mở đường xuống đồng bằng, quân ta nhận được thực phẩm, nhưng phải ăn uống khem khổ, hết sức tiết kiệm để tồn tại...mà chiến đấu.
Quân ta dồn dập chiếm đóng Quảng Trị, đẩy giặc qua sông Mỹ Chánh, tiếp quản Quảng Trị (kể cả Thành Cổ). Bộ chỉ huy nằm dưới tầng ngầm của tòa tỉnh trưởng. Đồng chí Thúy - trung đoàn trưởng trung đoàn 48 - ra lệnh đánh sập nhà ba tầng để mất mục tiêu của địch, tạo vỏ hầm dầy, che chở cho hầm phía dưới. Sau mười ngày, đội phẫu thuật vào. Quân giặc bắn phá liên tục trong 15 phút, rồi nghỉ, rồi lại bắn. Cứ thế. Mỗi lần ngớt tiếng pháo, lính ta từ trong hầm lại chạy vội ra lấy nước. Hai mươi hôm như vậy. Một đồng chí vệ binh bộ Tư lệnh nhìn thấy hai cái xác đối phương kẹt vào hai cột xi măng cạnh bến nước, liền đẩy ra. Từ đấy, mọi người không phải uống nước có mỹ vị “đặc biệt” ấy nữa. Ai cũng giật mình, phát nôn, nhưng nôn làm sao được!
Trong tình hình ấy, đội phẫu thuật tiền phương làm việc căng thẳng. Một lần có đồng chí chiến sĩ tiểu đoàn 14, bộ đội Quảng Trị, bị mảnh đạn B79 , thủng 11 lỗ ruột, hai lỗ dạ dầy, thủng lá lách. Tình thế rất cấp bách. Ca mổ
2
làm việc khẩn trương từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng mới xong. Những người quân y chăm chú đứng thao tác, dán mắt vào bụng thương binh, thỉnh thoảng, anh nuôi đưa ống vào môi để hút một ít sữa cho đỡ mệt. Ca mổ thành công, người thương binh được chuyển ra Bắc. Qua liên lạc mọi người được biết đồng chí ấy vẫn khỏe mạnh. Những trận chiến đấu càng ác liệt bao nhiêu, đội phẫu thuật càng vất vả bấy nhiêu. Có những đêm cao điểm, đội phải phẫu thuật 200 ca còn thường xuyên từ 50 ca đến 100 ca. Mỗi khi hoàn tất một ca, các anh đều cài giấy vào ngực thương binh, chuyển ngay về hậu cứ.
Chiến dịch thành cổ bước vào giai đoạn cuối. Giặc liên tục bắn pháo vào thành cổ Quảng Trị, pháo 175 ly phá hoại như bom tấn cả ngày lẫn đêm. Khắp nơi tan hoang. Một lần khoảng 4 giờ chiều, làm xong nhiệm vụ, Đăng đang ngồi ở góc tường hầm, bị bom dù ném, hất sang góc kia. Sau 10 phút, phát hiện tia sáng le lói, sáu anh em ào đến, móc cái lỗ có ánh sáng, gọi công binh moi cửa hầm đến cứu. Một hôm, Đăng lên cơn sốt cao. Đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần hỏi đội trưởng phẫu thuật: “Tình hình anh em thế nào?”. Đội trưởng trả lời: “Cho Đăng nó ra, sốt cao chẳng làm được gì.” Hôm sau, Đăng đi bộ suốt đêm trên quãng đường 4 km mới về đến hậu cứ. Sáng hôm sau Đăng nghe tin ta rút lui khỏi thành Quảng Trị trở về bờ bắc sông Thạch Hãn. Đội phẫu về Ái Tử, đóng quân trong rừng, đồng chí Tư lệnh trưởng hỏi:
-Các đồng chí thích gì?
Bộ đội trả lời:
-Chúng tôi chỉ thích miếng rau luộc để tiêu chất độc trong người.
Mơ ước rất đơn giản thành sự thật. Lính ta được xơi một rổ rau rừng ngon lành. Sau đó Đăng được lệnh về Bắc công tác. Thời gian này, anh được đi phép hơn một tuần nên phải hết sức tranh thủ thời gian. Anh kể lại những giờ phút cảm động khi về nhà: “ Mười một giờ đêm, tôi gõ cửa: “Bố mẹ ơi, con Đăng của bố mẹ về đây”. Bố tôi bàng hoàng “Con đã bị bắt rồi cơ mà! Đăng... sao thế này?” Mẹ tôi nghẹn ngào: “Nó to béo cơ mà, sao bây giờ nhỏ thế này? Mặt mũi nó đầy đặn chứ teo tóp thế này đâu!” Bố tôi giơ cao đèn chai nhìn tôi. Mẹ sờ tay chân, nắn xoa mặt mũi tôi, rồi ôm chặt tôi khóc nức nở. Mười hai giờ đêm, bà con, xóm làng đến đầy nhà. Hôm sau cả nhà mổ con lợn ăn mừng.
Năm 1973, Đăng đến Khe Sanh học trường Quân y Quân khu Trị Thiên 3 năm. Chiều 28 tháng 4 năm 1975, anh lên xe Gát 63, cùng bộ đội mang theo
3
quân trang quân dụng, vào tới lăng Minh Mạng mới biết tiếp quản Huế. Vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quân đoàn 1 Ngụy) anh nhận nhiệm vụ quản lý bệnh viện, giải quyết hậu quả thương binh ngụy, xử lý 200 xác chết ngụy trong quan tài kẽm, đưa đi chôn cất. Sau đó anh về cơ quan Vệ sinh Phòng dịch quân khu Trị Thiên Huế. Năm ấy sẩy ra trận lụt, mưa 21 ngày đêm liên tục, thành phố Huế hầu như chìm trong biển nước. Bộ đội đi xuồng cao xu chuyển bánh mì, lương khô cho dân. Các cụ già đầu râu tóc bạc cúi rạp lạy quân Giải phóng. Đồng chí chính trị viên giải thích: “Chúng con là bộ đội về giải phóng đồng bào, giúp đỡ bà con chống bão lụt. Xin bà con nhận tấm lòng chân thành của chúng con”. Từ đó, nhân dân thêm hiểu, thêm tin yêu bộ đội, trái với lời đồn đại của bọn tâm lý chiến xuyên tạc.
Tháng 6/1977 anh ra Bắc, chuyển ngành về Sở Y tế Hà Nam Ninh, công tác tại phòng khám Năng Tĩnh, tiếp tục học Đại học Y, rồi học cao học, trung cấp quản lý, trung cấp chính trị. Sau đó, anh làm trưởng phòng khám đa khoa khu vực Hoàng Ngân (Nam Định)
Nhớ lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh mở phòng khám bệnh riêng, vừa ổn định kinh tế gia đình, vừa đóng góp với xã hội. Có một cháu nhỏ bị bỏng (khu vực Xưởng Gỗ đường Giải phóng Nam Định), hoàn cảnh gia đình nghèo khó, anh cứu chữa, không nhận tiền công. Năm 2009, hai vợ chồng anh vận động một số bác sĩ đồng nghiệp tổ chức đoàn khám chữa bệnh miễn phí cho 300 Cựu chiến binh, nữ chiến sĩ Trường Sơn ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), xã Nam Hồng (Nam Trực). Hàng năm, khi đoàn cựu chiến binh, nữ chiến sĩ Trường Sơn thăm lại chiến trường xưa, thăm căn cứ cách mạng Việt Bắc, Điện Biên Phủ, Tây Bắc anh đều tham gia để chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Bên cạnh đó, việc khám tư vấn cho thương bệnh binh, hộ nghèo, hộ chính sách và đồng bào khó khăn là việc làm thường xuyên của anh.
Ngồi nói chuyện với anh, không hiểu sao, trong tôi cứ hiện lên từng lời trong bài thơ của Lê Bá Dương:“ Đò lên Thạch Hãn, xin chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi hai mươi thành sóng nước / Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Chia tay hai anh chị, hai quân nhân quả cảm trong thời chiến, nghĩa tình trọn vẹn trong thời bình, tôi cứ nhớ mãi lời anh: “Anh em mình may mắn được trở về, được có ngày hôm nay là nhờ máu xương của bao người. Vậy phải làm hết sức mình để xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội”.
V.V.K
1- Đoàn Hồng Đăng và bạn đời Trần Thị Thanh
2-Chứng nhận dũng sĩ diệt Mỹ của đồng chí Đăng
3-Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng
Tác giả Vương Văn Kiểm, 47 Tràng Thi, phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định.
ĐT:01277230806.Email:dola1927@gmail.com
Nhân vật trong bút ký: Đoàn Hồng Đăng, số nhà 47 Nguyễn Thế Rục,Phường Văn Miếu, tp Nam Định . Đt : 091. 338. 4704
Nhận xét thêm của đồng chí Bùi Ngọc Lại,Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Nam Định
Đồng chí thương binh Đoàn Hồng Đăng cùng vợ là Trần Thị Thanh, hai đồng chí đều là Cựu Chiến binh, về đời thường sống nghĩa tình, hết lòng vì đồng đội, cùng chung ý nguyện giúp đỡ đồng đội nghèo khó, bị phơi nhiễm chất độc da cam, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các bà mẹ có con liệt sĩ.
Năm 2009, hai đồng chí đã đứng ra tổ chức và vận động một số bấc sĩ đồng nghiệp, thành đoàn khám chữa bệnh miễn phí cho Cựu Chiến Binh , nữ chiến sĩ Trường Sơn Xã Mỹ Tân (ngoại thành Nam Định) và xã Nam Hồng (Nam Trực), số lượng trên 300 trường hợp.
Hàng năm bác sĩ Đoàn Hồng Đăng tự nguyện tham gia đi cùng, quản lý chăm sóc sức khỏe cho Đoàn Cựu Chiến Binh, nữ chiến sĩ Trường Sơn, thăm chiến trường Trường Sơn,thăm căn cứ cách mạng Việt Bắc, Tây Bắc, ĐiệnBiên Phủ, đều bảo đảm an toàn những chuyến đi. Thăm khám tư vấn thương bệnh binh, hộ nghèo, hộ chính sách và đồng bào khó khăn
Ngày 27/5/2017
Chủ tịch Hội Trường Sơn,tỉnh Nam Định
Bùi Ngọc Lại đã ký và đóng dấu