Dự cuộc thi viết “ Hào khí Trường Sơn
ĐỜI LÍNH TRÁNG VÀ...HẬU LÍNH
Viết đơn xin nhập ngũ bằng máu năm 17 tuổi
Bạch Hồng Khâm là bạn CCB cùng tham gia công tác Hội CCB các cấp và Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình với tôi.
Anh là người Mường, bố mẹ đã cố gắng lo cho đi học đến lớp 7/10. Do học giỏi, ngoan, văn nghệ và thể thao sôi nổi nên Khâm được trường tặng nhiều giấy khen “học sinh xuất sắc”. Anh quê xóm Sòng, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Rất thích khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; “ Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang”. Ngày ấy, phong trào công nhân “tay búa, tay súng”; nông dân “tay cày, tay súng” được hưởng ứng sôi nổi. Các bài hát “Giải phóng miền Nam” ; “Trai anh hùng, gái đảm đang”...đã thôi thúc các bạn đoàn viên thanh niên “tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu” như Khâm sẵn sàng vào bộ đội. Bác Hồ kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Anh hùng Nguyễn Viết Xuân hô : “ Ngẩng đầu lên, nhằm thẳng quân thù mà bắn!” đã tác động đến Khâm viết đơn xin nhập ngũ vào ngày thành lập Đảng 3/2. Rất tiếc, xã không duyệt. Khâm viết đơn lần thứ 2 đề ngày 20/4/1967 bằng máu trích ở 4 đầu ngón tay làm mực được xã duyệt “đăng lính”ngày17/10/1967. Với cờ dong, trống mở, cồng chiêng, khẩu hiệu, hát hò vui như hội. Các mẹ, các chị em gái bịn rịn lau nước mắt, tạm biệt các con cháu, trai làng đi đánh giặc. Khâm và các bạn mặc bộ quân phục mới tinh, dép cao xu, đeo ba lô con cóc, súng AK, sao trên mũ.. Đúng là hình tượng : “Vui gì hơn làm người lính đi đầu / Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa” như nhà thơ Tố Hữu viết trong bài thơ “Chào Xuân 67”.
Khâm và một số bạn được biên chế vào tiểu đoàn kho vũ khí, đạn dược K9005 (thuộc Cục vũ khí, khí tài). Đơn vị này có nhiệm vụ sản xuất và sửa chữa các loại bao bì để bảo quản súng ống, đạn dược các loại để vượt Trường Sơn cung cấp ra chiến trường đánh giặc. Đơn vị anh ở bí mật trong hang núi đá sâu thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Qua vài ba tháng học chính trị cơ bản, kỹ thuật bắn súng, ném lựu đạn, đâm lê, lăn lê, bò toài, công sự, ngụy trang, phòng hóa, đào bếp Hoàng Cầm, các bài chiến thuật bộ binh....Học xong môn nào là kiểm tra, sát hạch môn đó, bắn súng AK, ném lựu đạn, đánh bộc phá...Rồi các tình huống giả định, truy lùng biệt kích, gián điệp, bắt giặc lái máy bay Mỹ, đánh địch nhảy dù đổ bộ...Khâm tiếp thu nhanh, rèn luyện tốt, kỷ luật nghiêm nên các bài kiểm tra, sát hạch đều được đạt điểm khá, giỏi....
Tiếp đến, Khâm và các bạn được học kỹ về cấu tạo, tính năng, tác dụng, cách bảo quản súng bộ binh, đóng mới và sửa lại các loại hòm bao bì cũ bị hỏng bằng gỗ thông để đựng súng, đạn..Đơn vị phát động các trạm, các tổ sản xuất thi đua nhau làm với năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn mọi mặt, đạt và vượt chỉ tiêu giao khoán. Khâm được trên bổ nhiệm làm tổ phó sản xuất bao bì, sau “lên chức” làm tổ trưởng xẻ gỗ. Khâm và các bạn không nhớ hết biết bao nhiêu cây gỗ tròn đã được xẻ bằng tay và bằng máy để thành các tấm ván mỏng đóng bao bì hòm đạn. Tổ của anh luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt nên được cấp trên và cá nhân tổ trưởng được khen thưởng.Đơn vị ở cách nhà không xa, nhưng không ai “mã tạt” tranh thủ ghé thăm. Mệnh lệnh sản xuất và sẵn sáng chiến đấu luôn đẩy lên cao độ. Việc sinh hoạt quân chính, đoàn thanh niên, văn nghệ, thể thao, tăng gia trồng rau...kín lịch, bài bản, nghiêm túc, quân sự hóa.
Sự kiện đáng nhớ vào hồi 20 giờ đêm 17/12/1971. Trời rét như cắt ruột, mưa phùn, gió bấc, tối đen như mực. Kẻng báo động của đơn vị vang lên, hối thúc, sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị cử Khâm làm tiểu đội trưởng phụ trách 10 chiến sĩ cùng với bộ đội địa phương huyện, tỉnh và dân quân du kích xã truy lùng bắt sống tên địch. Số là, máy bay của nó đánh bom ở Hà Nội bị máy bay Mic 17 của ta tiêm kích bắn tên lửa trúng rơi ở Hòa Bình. Tên giặc lái máy bay Mỹ nhảy dù xuống rừng núi đá cao trong đêm. Tiểu đội Khâm được đơn vị bạn K850 dùng ô tô đưa đến chân dốc Mùn (thuộc xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc) rồi đi bộ đến nơi tập trung lúc 23 giờ nghe cấp trên phổ biến tình hình. Đêm đông lạnh buốt trên núi đá thuộc chân dãy Trường Sơn, có độ cao khoảng 1000 m so với mặt nước biển. Tỉnh đội Hòa Bình, huyện đội Tân Lạc và dân quân xã Lũng Vân cùng tiểu đội của Khâm phối hợp gồm 5 mũi giáp công vây bắt tên địch. Xác định xem nơi tên địch lẩn trốn ở đâu trong rừng có hang sâu, rậm rạp, núi đá cao vút và lạnh buốt thấu xương là việc khó. Từ 23 giờ đêm hôm trước 17/12 đến 8 giờ sáng hôm sau (18/12/1971) thì tên địch đã bị tiểu đội của Khâm bắt sống. Khâm là người đầu tiên phát hiện ra tên địch trong hang núi đá và hô to “stop”, sau đó bắn chỉ thiên 1 băng AK 30 viên để báo hiệu cho các cánh quân, các mũi khác biết phối hợp cùng bắn chỉ thiên uy hiếp. Tên địch khoảng 35 tuổi, thiếu tá, run rẩy bị ta bắt sống làm tù binh. Chỉ 10 ngày sau, cấp trên đã tổ chức liên hoan mừng công, biểu dương, khen thường xuất sắc (trong đó có Khâm).
Sau sự kiện trên, ngày 20/01/1972, Khâm được trên cho đi học lớp võ thuật bắn súng vài tháng để làm nhiệm vụ tham mưu, trợ lý, cần vụ, bảo vệ đoàn cán bộ cấp cao tướng, tá của Cục Quân khí vào chiến trường ABCK thị sát, kiểm tra tình hình vũ khí. Đoàn này đi bằng ô tô vào Nam, ra Bắc nhiều lần; qua nhiều tỉnh thuộc các Quân khu 3, 4, 5, 7, 9, ngoài ra qua cả các tỉnh thuộc biên giới nước bạn Lào và Campuchia. Khâm không nhớ hết có biết bao binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn đã được đoàn đi ban ngày, đi chập tối hoặc ban đêm để tránh các giờ cao điểm, trọng điểm, các tọa độ lửa mà máy bay Mỹ thường đánh bom bi, bom tọa độ, bom từ trường, bom rải thảm,...Mục đích của đoàn qua để thăm hỏi thị sát, kiểm tra kho tàng cất giữ và bảo quản vũ khí súng đạn đánh địch. Có vài làn bị đạn nổ, bom rơi, bị mìn nổ, pháo kích của địch trên đường đi, nhưng đoàn cán bộ và xe ô tô tránh được nên vẫn an toàn
Khâm nhớ vào đêm 19/3/1973, đoàn xe quân sự 25 chiếc đến vùng giáp danh Việt Nam- Campuchia phía tây sông Xe San thì bị máy bay Mỹ C130 phát hiện ra rồi bay lượn bắn tên lửa, rốc két, đánh bom. Thấy 1cây khọp rất to ven đường có hõm lớn ở bụng thân cây, Khâm nhanh chí đẩy vội các vị lãnh đạo đứng nấp vào trong còn mình đứng ngoài làm lá chắn bảo vệ. Bom nổ gần vang trời, may mà “bom đạn tránh người” nên tất cả quan chức và lính tráng đều an toàn.
Sau chuyến công tác dài ngày đó vào chiến trường, qua rừng Trường Sơn. Đến tháng 4/1974, Khâm xin phép cấp trên chuyển về tỉnh đội Hòa Bình công tác quân khí và được nghỉ hưu trí lúc mới 38 tuổi vào tháng 10/1988 (do giải trừ quân bị).Từ lính binh nhì, Khâm đã lần lượt lên tới đại úy, có lần được lên sao trước niên hạn. Từ lính trơn, Khâm đã phấn đấu lên chức tiểu đội phó, tiểu đội trưởng, trung đội phó, trung đội trưởng, đại đội trưởng và trợ lý tiểu đoàn. Khâm từ đoàn viên, thành đảng viên, cấp ủy viên và được khen thưởng nhiều giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương các loại. Bạn đời của anh là Trần Thị Thim, kém 3 tuổi, cũng là quân nhân ở Trường Sơn nghỉ hưu trí, trước đây cùng đơn vị kho quân khí , nay là hội viên phụ nứ, CCB. Vợ chồng anh, chị thường trú tại khu 5 thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc. Anh chị có 5 cháu gái ngoan ngoãn có gia đình riêng hạnh phúc và công ăn việc làm ổn định.
Hậu lính, “vác tù và...hàng tổng”
Về hưu khi tuổi đời còn tương đối trẻ, sức khỏe tốt, sốc vác, miệng nói tay làm. Khâm được coi là “hạt giống đỏ” tham gia sinh hoạt chi bộ Đảng, các đoàn thể; các hội quần chúng, gánh vác các công việc ở xóm, xã, khu dân cư.
Trước đây, anh làm các việc ở xã Mãn Đức, trong vai trò làm công tác quân sự địa phương (xã đội ) và an ninh nhân dân (trưởng công an xã) được cấp trên biểu dương, khen thưởng. Vụ việc ba cháu nhỏ ở địa phương bị bọn xấu bắt cóc, anh đã góp phần tích cực giải thoát, bọn người xấu bị pháp luật “điều trị”
Tình trạng bọn người xấu buôn lậu, móc túi khách trên ô tô dừng đỗ ở ngã ba Mãn Đức (nay là thị trấn Mường Khến) được ngăn chặn, xử lý, trong sạch địa bàn, có phần đóng góp tích cực của những cán bộ như Bạch Hồng Khâm từng nhiều năm ngồi ghế Thường vụ Đảng ủy , Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã.
Khi hội CCB địa phương được thành lập, anh là người tích cực tham gia tuyên truyền, thuyets phục, vận động các bạn vào Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với các phong trào thiết thực xóa đói, giảm nghèo, giáo dục thế hệ trẻ, bảo vệ an ninh trật tự. văn nghệ, thể thao. Anh được bầu làm Phó Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Hội CCB xã Mãn Đức rồi thị trấn Mường Khến và Ủy viên Ban Thường vụ Hội CCB huyện Tân Lạc hai khóa.
Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Tân Lạc được thành lập năm ngoái đã chọn anh làm “thủ lĩnh”. Trước đó anh làm trưởng ban liên lạc rồi trưởng ban vận động thành lập Hội Trưởng Sơn. Khi công tác chuẩn bị đã “hòm hòm” về nhân sự, văn kiện, kinh phí....Anh xin phép cấp ủy, chính quyền, huyện tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Tân Lạc đã thành công tốt đẹp. Hiện anh làm Ủy viên BCH Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình trực tiếp làm Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Tân Lạc.
Hai năm nữa đảng viên 45 tuổi Đảng Bạch Hồng Khâm sẽ được “lên lão” là “người thọ 70 xưa nay hiếm” được mừng thọ, nghĩ mà vui ./.
Bài và ảnh dự thi : NGUYỄN CÔNG HUÂN
Hội viên danh dự Hội truyền thống Trường Sơn, tỉnh Hòa Bình
(A15, Lạc Long Quân, tổ 14 phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình,tỉnh Hòa Bình - ĐT 0982 195232 - Email : conghuan52@gmail.com)
Ghi theo lời kể của đồng chí Đại úy CCB Bạch Hồng Khâm
Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình,phát biểu tham luận tại Đại hội II của Hội truyền thống Trường Sơn, tỉnh Hòa Bình ngày 17/4/2018
Đồng chí Bạch Hồng Khâm ( số 1 từ trái qua phải ) nhận bằng khen của Phó Chủ tịch thường trực TW Hội Trường Sơn Hoàng Anh Tuấn trao tặng tại Đại hội
BCH Hội Trường Sơn tỉnh Hòa Bình khóa II (2018-2023) ra mắt Đại hội
(Đồng chí Bạch Hồng Khâm hàng thứ 2 số 4 từ trái qua phải )