Dự thi “Hào khí Trường Sơn”:
ĐẠI BÀNG TRƯỜNG SƠN
Truyện ký về Anh hùng Phạm Văn Sức
Tháng 11 năm 2016, tôi may mắn được đi cùng đoàn với các anh hùng dũng sỹ, chiến sỹ thi đua thời chống Mỹ của Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Thái Bình, hành hương dọc theo đất nước. Đoàn viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viếng Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, thăm huyện A Lưới, chiến trường xưa, về với Trường Sơn và đến tận mũi Cà Mau địa đầu Tổ quốc.
Ngay từ ngày đầu tôi đã được nghe tiết mục “Tự giới thiệu” của từng bác và cô chú. Ôi ! Sao mà - mỗi người cứ như một nhân vật trong pho tiểu thuyết hay, tôi cứ há miệng nghe và vỗ tay cổ vũ. Đến bác Phạm Văn Sức tự kể cái giọng âm ấm khàn khàn, kể được một câu thì cả xe lại xôn xao hỏi tiếp. - Sao bác lấy vợ sớm thế; còn đi học đã lấy vợ à? - Chắc là bác gái đẹp, sợ người ta lấy mất !?... - Ừ, bố mẹ thấy cô ấy ngoan, chăm làm, da cũng trắng, mình cũng ưng. May mà cô ấy làm ruộng giỏi cho mình đi học cấp 2 ở dưới Diêm Điền. Nhưng ngày ấy phong trào “3 sẵn sàng” sôi nổi lắm anh nào đoàn viên cũng viết đơn. Mình cũng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Nhờ làm ruộng khỏe nên trúng tuyển ngay. Có cậu viết đơn bằng máu nhưng nhà con một chưa được gọi. Thế là tháng 2 năm 1965, mình với 42 anh em ở Quỳnh Côi cùng với hơn trăm anh em ở thị xã và các nơi được về trường 255 ở Sơn Tây học lái xe…
Bác phó xe: Hôm nay cơ bản là “trích ngang”. Hỏi sâu, kể rõ xin để ngày khác. Đã đến lượt người khác “tự giới thiệu” nhưng mấy chú, mấy cô còn cứ hỏi thêm bác Sức. Từ hôm đó tôi cố ghi nhớ câu chuyện của bác Sức.
Ngồi cách bác 2 hàng ghế nên tôi nghe bác nói không sót câu nào. Tôi ý định sau chuyến đi này tôi sẽ kể cho cả nhà nghe về bác Sức.
Hai tuổi nữa là bác tròn 80. Nước da ngăm ngăm nhưng toát lên sự hồng hào, bác không đeo nhiều nhưng những chiếc Huân chương trên ngực: Huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu Đảng, Huân chương Độc lập, Huy hiệu CCB, Huy hiệu Trường Sơn đủ toát lên những chiến công hào hùng của Bác. Có ai tưởng tượng nổi có 48 ngày học lái xe, khi ngồi phải gấp chiếc chăn chiên để ngồi cho vừa tầm ôm tay lái, thế mà bác đã lái xe đi khắp các tuyến đường từ Bắc vào Nam sang Lào - Campuchia chở: gạo, súng đạn, thực phẩm, chở quân vào, thương binh ra và đặc biệt được giao chở những chuyến hàng đặc biệt (Z). Sau này mới biết là có cả tiền, vàng, cờ trong hòm kẽm. Đặc biệt hơn là chuyến xe chở thi hài đồng đội hy sinh từ mặt trận Lào về nước. Năm 1972 đến năm 1974 nhiều chuyến chở hàng vượt cung ra sớm, được giao chở anh em thương binh. Cái xe Zin của Liên Xô mang biển số CA5456 gắn bó với bác trên khắp tuyến đường. Xe cũ nhất nhưng bác chăm sóc tốt nhất lại còn tiết kiệm xăng dầu. Bác quý nó như con. Vì đã 5, 6 lần cùng bác đưa liệt sỹ về đất mẹ, có hôm 3, lần 10 liệt sỹ. Riêng lần nhận 7 liệt sỹ lên xe đã được khâm liệm bằng tăng võng, đơn vị bàn giao liệt sỹ cử nữ đồng chí quân y cùng đi kết hợp nhận thuốc. Gần 10 giờ đêm xe quay về. Hai người ngồi trong buồng lái ai cũng nghĩ thương đồng đội. Người nữ y tá thỉnh thoảng lại gạt nước mắt. Sức thì cố tập trung cho xe đỡ sóc để các anh đỡ đau, rồi buột miệng hỏi: - Cô quê ở đâu? Nữ quân y trả lời: - Em quê Thanh Hóa. - Có lương khô ở cốp đấy cô ăn đi. - Em không đói. Rồi hai người chẳng biết nói gì nữa chỉ mong 4-5 giờ sáng xe về đến biên giới. Nhưng tự nhiên xe không sao tăng ga được, rồi lịm dần. Sức xách hòm đồ nghề, đưa cho nữ quân y chiếc đèn pin. Sức nằm ngửa dưới gầm xe sửa chữa, chạy lên nổ máy, chạy xuống tháo vặn, hướng dẫn o quân y soi đèn, lòng mong liệt sỹ phù hộ cho. Đột nhiên anh thấy những tiếng nước rơi lộp bộp rồi mát vào da. Sức, cảm nhận được mùi đặc biệt. Biết là một phần đồng đội, o quân y cũng linh cảm biết. Cô lầm rầm khấn: - Cố chịu đựng các anh ạ, mai về bên mình có sông, bọn em sẽ tắm rửa cho các anh… Hơn một tiếng sửa chữa, Sức bò ra lên ca bin nổ máy. Tiếng động cơ nổ rền. Bây giờ qua ánh đèn Sức thấy mắt em cười. Sức bảo mới quá nửa đêm vẫn kịp, ai ngờ xe chạy chưa đến 4 giờ sáng thì phía trước báo tắc đường (bằng 3 phát súng). Sức như điên lên. Đêm nay không đưa được liệt sỹ về, mai ban ngày OV1O nó phát hiện gọi bọn F4 đến đánh thì còn gì! Các anh hy sinh lần 2 sao? O y tá hỏi sức: - Làm sao bây giờ anh? Sức cầm đèn pin đi lên xem đường khi nào thông, mãi mới gặp một cô gác trực cho biết: Khả năng tới sáng đường vẫn chưa thông. Sức chạy về xe, anh mở lắp thùng sau. Sức vái đồng đội. - O y tá cũng vái: - Bây giờ đường tắc chưa đi được, xin các anh cho được chuyển xuống tiếp đất cho mát và an toàn. Tối lại mời các anh về. Hai người gạt nước mắt, Sức bảo: - Anh em mình chuyển các đồng chí lại sát sau xe. Rồi tôi ở dưới đỡ vác, o chuyển xuống vai cho tôi. Cứ thế hai anh em chuyển được 7 liệt sỹ xuống nằm sát tà luy dương, đặt theo chiều dài rãnh thoát nước nhưng khô, nên các anh không phải nằm trên mặt đất, lấy cành cây che mát, rồi anh lùi xe lại vài chục mét dấu vào trong rừng. Khi anh em công binh khắc phục đường tắc về gặp, biết chuyện, họ cùng nhau ngụy trang cho các liệt sỹ đợi đến tối cả đơn vị đưa tiễn các anh lên xe về nước…
Có hôm tôi hỏi bác Sức. - Hôm qua cháu nghe bác ba lần bị thương, mà sao bác khỏe thế? Nụ cười hiền hậu và cái giọng khàn khàn bác bảo: - Liệt sỹ phù hộ bác đấy. Cái lần ở Xiêng Khoảng bị AC130 nó săn. Xe chở gạo lại kèm phi xăng, thế là dính 20 ly. Xe bùng cháy bác bị bỏng nặng. Cháy đầu, tai trái cháy đen quăn như mộc nhĩ. Công binh cáng về Viện 111 Thanh Hóa điều trị. Ra viện bác lại về tiếp tục ôm vô lăng xe. Lần ở Đèo Ngang hai anh em đang dẫn đầu, vượt được 2/3 đèo thì chỉ nghe rầm một cái và ánh chớp sáng lòa. Bom nổ gần hất xe lăn lông lốc (như rang cà phê) xuống vực. Lúc ấy bác chỉ còn biết ôm đầu. Người lăn đến tận đáy vực. Xe dừng lại. May mà không ai chết. Mắt phải của bác gần như bị mù. Thế mà vài tháng sau đỡ lại nhận xe đi…
Lần không dính bom đạn nhưng nhớ mãi đến giờ. Đấy là cái đạn rét cuối năm 1968. Thủ trưởng của tôi bảo: - Chiến trường cần đạn như con khát sữa. Được tin tưởng giao phụ trách 5 xe từ Thanh Hóa chở đạn vào đi đường 217 qua phà Mục Sơn ở sông Chu. Đèn dù pháo sáng chập chờn phía đường 1. Đến lượt xe Trần Đình Xuy đi phía xuống phà. Có lẽ do xe chở nặng Xuy phải rú ga, làm xe lao thẳng xuống sông. Cả xe 84 hòm đạn cùng Xuy chìm ngỉm. Phải cứu Xuy, cứu đạn, tôi chỉ kịp hô Lệ và anh em ở trên, rồi tôi lao xuống. May quá trúng bên cửa buồng lái kính không còn. Xuy đang còn choáng, lôi được Xuy ra đưa lên, trao đổi với mấy anh em phải cứu đạn, vớt đạn lên, tuy nước sâu hơn chục mét nhưng xe đứng, dễ móc từng hòm đạn. Do từ bé bơi lặn giỏi nên mỗi lần lặn xuống lại đưa được 1 hòm đạn 50kg lên, anh em ở mép phà đỡ, chuyển lên bờ. Vì rét và mệt có lúc phải nằm thở rồi nhai thanh lương khô, lại lặn tiếp đưa đủ 84 hòm đạn lên 4 xe nhưng còn cái xe của Xuy chịu mất sao? Không - phải cứu xe lên. Tôi gọi xe gạt tới. Chúng tôi thả tời. Mấy anh em lặn xuống chưa tới được xe đã phải nhoi lên. Tuy mệt nhưng Sức lại quyết tâm xuống móc được cáp vào cuối xe. Xe của Xuy được kéo lên vào giao cho cậu Xuy đưa đi sửa chữa. Anh em chúng tôi lại vui vẻ lên xe, qua phà. Đêm ấy chúng tôi vẫn đến kịp được điểm giao hàng. Anh em đùa, gọi tôi là “Sức - Yết Kiêu”. Anh Trần Đình Xuy giờ ở xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình. Lâu nay lần thì anh qua chơi, lần thì anh cho con đèo qua biếu tôi quả mít. Từ cái đêm gặp nạn ở phà Mục Sơn, hai nhà như là anh em ruột vậy. Năm ngoái anh Lệ ở Hải Dương vào sân bay Sao Vàng thăm con ra thăm bến phà Mục Sơn về kể ở đó có tấm bia ghi: Nơi đây anh hùng Phạm Văn Sức nặn sâu 15m trong đêm đông rét 84 lần cứu 4 tấn 2 đạn. Nhớ lại, lúc đó tôi chỉ nhớ lời thủ trưởng dặng: “Miền Nam cần đạn như con thơ khát sữa”.
Bác Sức kể: Khi xưa bố mẹ bác dạy: “Phải biết tiết kiệm, biết tiếc của” nên khi vào bộ đội được quản lý điều khiển cả chiếc ô tô, cả những xe hàng đặc biệt, tôi thấy vinh dự lắm. Nên xe lúc nào cũng giữ gìn cẩn thận, tự bảo quản, sửa chữa, xe cũ trở thành xe tốt. Xót xa nhất là qua những trọng điểm thấy xác xe bị trúng bom đạn, không biết đồng đội bị thương hay đã hy sinh, phải làm gì, tiếp phần việc của đồng đội. Thế là “năng nhặt chặt bị”, tôi tranh thủ ở mọi nơi, cái nào còn dùng được là tháo, gom lại. Thế mà 8 năm trực tiếp lái xe vận chuyển ở chiến trường Trường Sơn tôi đã khôi phục được 5 xe vận tải (1 gát, 2 Zin 57, 2 Zin 130), đặc biệt có lần trả hàng ở Xưởng Giấy, đường B71 xuống Huế thấy chiếc xe DMC của địch bỏ bên đường chắc chúng hoảng sợ bỏ chạy. Tôi xuống kiểm tra kỹ thuật thấy chỉ hết xăng. Thế là tôi đề nghị điều xe đến đổ xăng lái về, giao cho Tiểu đoàn 55 xe BT42 sử dụng.
Đời tôi có nhiều cái may. May được làm lái xe chiến trường Trường Sơn - được tham gia chiến dịch Cù Kiệt rất ác liệt ở Lào. Trước yêu cầu cần kíp, tôi chỉ huy đội hình 6 xe đạn - gạo từ Sầm Nưa đi bản Ban đúng hẹn. Nhờ có đạn, có gạo cánh quân của Đại tá Thế Bôn và quân đội Pa thét Lào đánh tan quân giặc giải phóng đến Long Chẹng.
Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tôi được giao chỉ huy Đại đội chủ công chở đạn pháo vào tại trận địa cả đêm và ngày thỏa mãn yêu cầu, rồi chở thương binh và cả tù binh ra, trong đó có đại tá ngụy quyền Nguyễn Văn Thọ. Thọ bảo: - Ông không là sỹ quan, ông không đeo quân hàm?. Tôi bảo: - Tôi chỉ huy đại đội - yêu cầu anh vào xe!.
Chiến dịch xuân 1975, cùng với các Sư đoàn ô tô vận tải của Bộ đội Trường Sơn, Tiểu đoàn xe 472, E510 được trao nhiệm vụ cơ động quân đoàn I từ Đồng Giao, Thanh Hóa. Cơ động “Thần tốc” theo đường 15, tiến về Đồng Xoài, vừa cơ động, vừa chiến đấu, bọn địch tháo chạy hoảng loạn. Các mũi tấn công từ Tây Nguyên xuống và từ đường 1 vào. Từ các tuyến đường Hồ Chí Minh và từ Đồng bằng sông Cửu Long lên tiến đánh như vũ bão về Sài Gòn, tới dinh Độc Lập, Dương Văn Minh Tổng thống ngụy quyền phải xin đầu hàng vô điều kiện…
Ngày cuối của chuyến hành hương, tôi hỏi bác Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh: - Bác có thể nói cho chúng cháu hiểu thêm về bác Sức và bộ đội Trường Sơn được không?. Bác Vũ Hồng Thái vui vẻ nói: - Trước hết bác và các bác cảm ơn cháu. Bác cũng thấy cháu gần gũi, gợi chuyện để bác Sức kể. Tốt lắm, cháu nên ghi lại cho bạn trẻ và mọi người hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ trong đó có bộ đội và các lực lượng ở chiến trường Trường Sơn. Nói về bộ đội Trường Sơn thì dài lắm. Hẹn cháu dịp sau bác kể. Còn với bác Sức bác chỉ nói thêm: Đây là một tấm gương tự lực học hỏi, vượt qua mọi khó khăn, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc. 48 ngày học lái xe, mà dưới bom đạn giặc, cả khi đói khát và khắc nghiệt thời tiết đã lái hơn 15 vạn cây số an toàn, luôn vượt cung tăng chuyến, đi khắp mọi nẻo đường cam go ác liệt, không chỉ ở Việt Nam và cả Lào - Campuchia. Hội nghị lái xe giỏi toàn quân năm 1969, bác Sức được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tuyên dương là : “Đại bàng Trường Sơn”, là thợ giỏi toàn quân. Bác được đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trao Huy hiệu của Bác Hồ. Hiện bác Sức là hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn tiêu biểu và đã 10 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đồng Tiến, 12 năm làm Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đấy. Người bạn đời bác Sức là Nguyễn Thị Ngọc kém bác trai 1 tuổi vẫn khỏe mạnh. Các con gái đều thành đạt. Anh con út là sỹ quan cấp tá, giảng viên trường Lục quân I. Hai bác đã có 3 chắt. Tôi thật ngưỡng mộ bác Phạm Văn Sức, người Anh hùng của thời kỳ chống Mỹ, một Đại bàng của chiến trường Trường Sơn.
|
LINH CHI |
* Địa chỉ: Vũ Hồng Thái
- Hội viên hội VHNT Trường Sơn Việt Nam;
- Ủy viên TW - Chủ tịch Hội TT Trường Sơn tỉnh Thái Bình.
Đ/c: SN 35/70, tổ 5, phường Bồ Xuyên,
TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
ĐT: 0913.291.342
Email: vuhongthaits@gmail.com |
|