Ký ức người lính trên "hai con đường Hồ Chí Minh'lịch sử ,dự thi của Nguyễn Bá Thuyết

Ngày đăng: 07:09 07/08/2018 Lượt xem: 1.217
Bài dự thi “Hào khí Trường Sơn”


   KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH TRÊN “HAI CON ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH” LỊCH SỬ

 
           Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta dành thắng lợi trọn vẹn thể hiện nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng ta, thể hiện tài thao lược của các tướng lĩnh Việt Nam trong chiến tranh, thể hiện lòng trung thành, sự hi sinh quả cảm, khả năng chịu đựng can trường của những người lính trực tiếp cầm súng trên mặt trận. Như lời dạy của Bác Hồ kính Yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, viết nên những trang huyền thoại vĩ đại và đẹp đẽ nhất của lịch sử chiến tranh Việt Nam, như: “Đường mòn Hồ Chí Minh”, “Đường Hồ Chí Minh trên Biển”… Một trong những người lính như thế đó chính là trung tá Hồ Đắc Thạnh, anh hùng LLVT nhân dân, một trong những hình mẫu vẹn nguyên của “Bộ đội Cụ Hồ”, người đã trải qua cuộc chiến trên “Hai con đường mang tên Hồ Chí Minh” Lịch sử.  

 
  1. Những kỳ tích trên “Hai con đường Hồ Chí Minh”

        Tôi được gặp ông (Trung tá Hồ Đắc Thạnh) lần đầu trong một dịp khá đặc biệt vào năm 2002. Lần đó, tôi còn là chỉ huy Tiểu đoàn 85, phụ trách đơn vị tham gia đóng phim 6 tập “Những người lính biển” của đạo diễn Trần Vịnh, nhân vật thuyền trưởng trong bộ phim ấy là nguyên mẫu thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh. Những lần gặp ông đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp, sự tiếp đón niềm nở, tự nhiên, đậm chất người lính. Và lần này cũng vậy, một chiều đầu thu, trong gió Tuy Hòa phóng khoáng, tôi gặp ông ở nhà riêng tại Phú Yên, hai chú - cháu hàn huyên suốt cả buổi chiều.

         Ông nói: Mình sắp đi dự Lễ công bố Quyết định công nhận tàu 671 (tiền thân là tàu 41, tàu 641) là “Bảo vật quốc gia”, con tàu này mình làm thuyền trưởng mấy năm, tàu được tuyên dương anh hùng đơn vị LLVT hai lần với 8 cá nhân anh hùng LLVT. Tôi hỏi: Trong cuộc đời quân ngũ nhiều chiến công của chú chắc cũng có những kỷ niệm không thể nào quên phải không ạ?. Ông trả lời: Kỷ niệm thì nhiều nhưng kỷ niệm khắc cốt, ghi xương như là những cái mốc dấu ấn của cuộc đời thì cũng xoay quanh nhiệm vụ của người lính. Ông kể:

         Thứ nhất, là thời đánh Pháp mình là chiến sĩ, rồi tiểu đội trưởng, đại đội 3, tiểu đoàn 375; còn rất trẻ (16 tuổi) được tham gia chiến đấu trên chính mảnh đất quê hương của mình nên tự hào lắm. Chiến đấu hăng hái, dũng cảm nhiều trận ta quân ít, vũ khí thô sơ nhưng đánh thắng lớn, diệt nhiều quân địch. Mình còn nhớ khoảng năm 1952, trận phục kích trên đường Chí Thạnh - La Hai, tiêu diệt 34 xe của quân Pháp. Những trận quần nhau với giặc ở làng Quang Quang, Minh Đức trong chiến dịch Át Lăng, nhiều đêm không ngủ. Đặc biệt, trận diễn ra đêm 25/2/1954, tiểu đoàn 375 do Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng và Chính trị viên Nguyễn Lầu chỉ huy, tấn công làm tan rã trung đoàn địch, ta bắt được tên Nguyễn Khánh, Trung đoàn trưởng Ngự Lâm Quân, do sơ suất để Khánh trốn thoát, sau này Khánh leo lên giữ chức Thủ tướng Chính phủ chính quyền Sài Gòn. Trong điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ và công dân liên khu 5 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 2/2/1954 viết: “Tôi… khen ngợi cán bộ, chiến sĩ ở Tuy Hòa và địch hậu liên khu 5 đã tích cực hoạt động, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân…”. Thời gian sau đó mình tham gia bảo vệ tập kết 300 ngày ở Bình Định rồi ra Bắc năm 1955.

          Những dấu ấn thứ hai là thời chống Mỹ, mình là lính đoàn tàu “không số” tham gia chi viện chiến trường miền Nam 12 chuyến, có 3 chuyến mình là thuyền trưởng chỉ huy tàu vào vũng Rô, Phú Yên là quê hương của mình. Chuyến thứ nhất, đêm 28/11/1964 tàu vào bãi Chùa, gặp được người Phú Yên cảm xúc trào dâng vô bờ bến. Chuyến này cũng gặp chút khó khăn, vì không thể bốc hết hàng trong đêm. Là thuyền trưởng mình quyết định để tàu ở lại, đây là quyết định hết sức khó khăn vì nếu để lộ bến Vũng Rô và cả con đường trở thành mục tiêu đánh phá và đặc biệt là sự chi viện của miền Bắc theo đường biển sẽ trở nên muôn vàn khó khăn. Mình chỉ huy dùng lưới và cành cây khéo léo ngụy trang núi Vũng Chùa nối với tàu thành một dải tự nhiên, nhờ đó địch không phát hiện được, ta bốc hết vũ khí, tàu rời bến an toàn. Hai 2 chuyến sau vào Vũ Rô ngày 25/12/1964 và 01/2/1965 với kỳ tích là vòng quay nhanh nhất và lượng vũ khí lớn nhất, ba chuyến 180 tấn, chưa đầy 2 tháng, đó là kỳ tích chưa tàu nào làm được. Có lần mình chỉ huy tàu 41 đưa hàng vào Nam bộ, đến khu vực Hoàng Sa, tàu bị mắc cạn. Đây là lần thứ ba tàu của Đoàn mắc cạn, những lần trước đều phải phá tàu để bảo đảm bí mật. Lần này mình quyết định bằng mọi cách khắc phục sự cố, thủy thủ giãi nắng, dầm nước da cháy sém, bong tróc, ngày thứ 3 thì cứu được tàu, tiếp tục hành trình.

 


Anh hùng lực lượng vũ trang,Trung tá Hồ Đắc Thạnh

          Ký ức không quên thứ ba là: “Phá tàu” - Vượt Trường Sơn theo “Đường mòn Hồ Chí Minh” ra Bắc. Đêm 27/11/1966, mình chỉ huy tàu 41 đến Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi, cho hết hàng xuống xong thì tàu hỏng chân vịt. Địch phát hiện tàu ta chúng bao vây, trên trời máy bay, trên biển tàu chiến hòng bắt sống thủy thủ ta. Mình cho anh em bơi vào bờ trước, còn mình và máy trưởng Phạm Nhạn chuẩn bị bộc phá phá tàu, bơi vào sau. Khi mình và máy trưởng bơi được 30 phút, khối thuốc 1 tấn phát nổ long trời, mình bị sóng xung kích hất văng lên tận bãi dương. Trấn tỉnh, kiểm tra thì Thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Văn Nhợ hi sinh. Được nhân dân dấu vào hầm bí mật, hai ngày sau mình chỉ huy 18 chiến sĩ tàu 41 vượt Trường Sơn theo đường 559. Điểm xuất phát vượt Trường Sơn của anh em mình là trạm Giá Vụt (Quãng Ngải). Trải qua gần 100 ngày lội rừng, băng suối, vượt qua bom đạn địch, đến đầu tháng 2/1967 thì về đến Viện quân y 112 Vạn Ninh, Quảng Bình. Nói thì đơn giản như vậy nhưng để vượt qua Trường Sơn thì người lính phải trải qua không biết bao nhiêu là cam go thử thách. Với lính bộ binh đã gian lao, với lính thủy thủ như bọn mình thì sự gian lao càng lớn hơn nhiều, vì đây là sở đoản của các thủy thủ. Mỗi ngày bình quân chỉ được một loong gạo và nhúm muối, sống chủ yếu nhờ rau rừng và ngô sắn, củ chuối của dân cho. Lính biển không quen hành quân bộ, dép nhựa rất khó đi rừng, không đèn pin, không dầu chống muỗi, chống vắt… Ông Thạnh nói vui: “Đúng là chưa quen cung ngựa mà lại đến trường nhung…”. Sốt rét, vết thương tái phát, quần áo rách tả tơi, lạc đường, vắt, muỗi, rệp hoành hành. Về đến viện 112 ở Quảng Bình, bọn mình xuống sức trầm trọng, mình một anh lính cường tráng 72 kg còn 50 kg, máy trưởng Phạm Nhạn vết thương tái phát quá nặng phải ở lại điều trị. Đến lúc này mình vẫn còn những cảm giác ớn lạnh mỗi khi nghĩ về cuộc hành quân 100 ngày vượt Trường Sơn năm xưa. Mình thấu hiểu hơn bao giờ hết giá trị to lớn của sự hi sinh vì đồng đội của Bộ đội Trường Sơn, nghĩa nặng sâu của nhân dân giúp người lính vượt lên tất cả để giành chiến thắng.
Ra Bắc được ít tháng, cưới vợ xong mình tiếp tục chỉ huy nhiều chuyến tàu tiếp tế cho miền Nam. Sau giải phóng công tác ở vùng 4 Hải quân, năm 1984 về hưu.

 
  1. Đẹp mãi tấm gương “Bộ đội Cụ Hồ”

         Trong hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông đã ghi: “Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, ở cương vị nào đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Là thuyền trưởng trong đoàn tàu không số, đồng chí đã đi được 12 chuyến, một trong những thuyền trưởng tham gia nhiều chuyến nhất. Khi chỉ huy thì bình tỉnh, sáng suốt, mưu trí, sáng tạo, đã nêu tấm gương sáng mẫu mực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đức hi sinh, sự tài giỏi và vững vàng trong mọi tình huống, để đưa hàng đến bến an toàn…”. Ông Thạnh tâm sự: Khi chúng ta được vinh danh trên tượng đài thì dưới tượng đài không biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống để chúng ta có ngày hôm nay. Nhiều đồng đội hi sinh, bị thương, thậm chí bị rối loạn thần kinh khùng, điên… họ thiệt thòi nhiều lắm. Hi sinh rồi thân thể không nguyên vẹn, nằm lại ở biển khơi, rừng sâu… họ chẳng được thứ gì, còn để lại sự đau thương, mất mát cho người thân. Có đồng chí còn phải chịu hậu quả chất độc da cam sinh con, đẻ cháu chẳng được đứa nào nên con người… Mình được sống như hôm nay là quý giá lắm rồi, cố gắng sống cho tốt, hãy cố gắng đóng góp cái gì đó cho đất nước, cho xã hội khi còn có thể. Thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu, cựu chiến sĩ đại đội K60 bến Vũng Rô, Ngô Văn Định, thường trú ở 37 Lê Lợi, thành phố Tuy Hòa nhận xét: “Bác Thạnh là người đức độ, sống có tình thương sâu sắc với đồng chí, đồng đội, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, với đồng đội…”.

           Từ ngày về hưu đến nay, ông tích cực hoạt động ở hội cựu chiến binh, tích cực tham gia tìm kiếm, qui tập mộ liệt sĩ, vận động quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa cho những đồng đội gia đình chính sách khó khăn. Thường xuyên tham gia nói chuyện truyền thống cho thanh niên địa phương và các đơn vị quân đội. Ở tuổi 84, Hồ Đắc Thạnh sống cùng người vợ tuổi “thất thập cổ lai hi” ở phường 5 thành phố Tuy Hòa. Sống giản dị gương mẫu, chăm lo rèn luyện sức khỏe, giáo dục con cháu. Gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu, con cháu hiền ngoan, hiếu thảo. Ông Huỳnh Văn Phúc, Chủ tịch UBND phường 5, thành phố Tuy Hòa cho biết: “Bác Thạnh là người luôn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất trong sáng của “Bộ đội Cụ Hồ”, bản thân và gia đình bác Thạnh là gương sáng trong phong trào của địa phương.”./.

                                                                                              Nguyễn Bá Thuyết



………………………………
Tác giả: Nguyễn Bá Thuyết
Sinh ngày 27 tháng 9 năm 1963
ĐC: 67 Nguyễn Văn Cừ, phường 7, Tp Tuy Hòa, Phú Yên
ĐT: 0944 258 548, gmail: thuyetminh63@gmail.com

        
tin tức liên quan