Một gia đình hội viên làm kinh tế giỏi,ghi chép dự thi Hào khí Trường Sơn của Nguyễn Đại Duẩn

Ngày đăng: 07:07 10/08/2018 Lượt xem: 819

Dự thi HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN
 
              
      MỘT GIA ĐÌNH H
ỘI VIÊN TRƯỜNG SƠN LÀM KINH TẾ GIỎI
                                           
                                                 Ghi chép của Nguyễn Đại Duẫn


            Được BLL TT TS xã giới thiệu, tôi cùng chị Võ Thị Lan - phụ trách Ban công tác nữ TS huyện - tìm đến nhà anh Lê Mậu Nhu hội viên Hội CCB, hội viên BLL TT TS xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu về “ một gia đình hội viên TT Trường Sơn làm kinh tế giỏi có tấm lòng hảo tâm”.

            Căn nhà hai tầng khang trang. Sân rộng, với những hàng cây lộc vừng tỏa bóng làm căn nhà nổi bật giữa miền quê đầy gió Lào. Cổng đóng. Trong lúc chờ chủ  nhà ra mở cổng, chị Lan giới thiệu: “ Anh Nhu không những là hội viên làm  kinh tế giỏi  mà còn là một “cây” văn nghệ có tiếng nữa đấy”. Anh ra mở cổng, cất tiếng chào, rồi nhắc ghế mời chúng tôi ngồi. Bên giàn hoa phong lan đang nở thắm, chúng tôi ngồi uống nước nghe anh kể chuyện. Mùi trà nhài bốc lên nghi ngút như đưa chúng tôi trở về những năm tháng Trường Sơn với mùi hương chạc chìu thơm nức.

            Khi biết mục đích của chuyến thăm, anh nói: “ Tôi già rôì. Việc làm ăn kinh tế giờ đã chuyển giao cho con nối nghiệp chứ mình còn làm  được gì nữa  đâu mà kể”. Biết tôi cũng là bộ đội Trường Sơn, đã từng công tác tại đất bạn Lào, như có sự đồng cảm, chất lính trong anh trỗi dậy, anh hào hứng kể về cuộc đời binh nghiệp của anh.
 
          Anh là Lê Mậu Nhu, năm nay trên 70 tuổi. Nhìn khuôn mặt hồng hào, bắp cơ đang cuồn cuộn, người không biết đoán anh tầm 65 tuổi. Nhập ngũ năm 1965, anh được biên chế vào đoàn xe vận tải D871, E17, F541. Anh thuộc sư đoàn xe vận tải hàng quân sự. Đoàn xe  của đơn vị anh có đến hàng trăm chiếc. Địa bàn hoạt động từ Bản Đông (Lào) đến A Sầu, A Lưới, Kon Tum, Tây Ninh, ngã ba Đông Dương... Anh nói, hồi đó lái xe vất vả lắm. Tiếng là vi vu đây đó, nhưng thường xuyên bị máy bay Mỹ tọa độ, rượt đuổi thả bom. Đường rừng rú lắm dốc đèo, mù mịt bụi đường, khói bom. Nhiều khi xe chạy đêm, chỉ bật đèn gầm không biết đường nào mà lần. Có những lúc xe hỏng hóc dọc đường không có phụ tùng thay thế phải đợi xe đồng đội đến cứu trợ, nhiều lúc bị dính bom tọa độ. Có lúc, xe bị cháy dọc đường phải hì hục bốc hàng cất giữ đợi xe sau đến nhận. Những lúc như vậy chỉ ăn lương khô, thịt hộp, nước suối qua ngày. Trong quảng đời lái xe của anh đã có hai lần suýt chết. Anh kể, đó là năm 1968, khi chở hàng qua thị trấn  Sê Pôn(Savanakhet – Lào). Bị B52 oanh tạc,  đoàn xe bị dính bom, nhiều chiếc bốc cháy, có chiếc bị hất tung bên vệ đường.  Lái xe tử vong và bị thương nhiều. Anh dừng xe lại để cứu đồng đội, nhưng chỉ huy bảo phải vượt qua đưa hàng về đích cho kịp chiến dịch, việc cứu thương đã có đơn vị bạn. Xe của anh và những chiếc xe còn lại vừa mới  đi qua một lúc thì một trận bom khác dội xuống, thùng xăng xe  nổ bốc cháy ngùn ngụt, xác đồng đội bị xé nát, thật kinh hoàng. Vừa lái xe vừa khóc, thương xót những ngươì đồng đội. Mới hôm qua cùng nhau ăn cơm, cùng nằm chung võng kể chuyện người yêu, vậy mà... Kể đến đây giọng anh trầm lại. Như để lòng mình lắng xuống, anh mờì chúng tôi uống nước. Rồi không để chúng tôi  đợi lâu, anh kể tiếp. Năm 1969 khi chở hàng sang bản Đông (Lào), bị F105 phát hiện, tôi cho xe dừng và cắm thêm lá ngụy trang. Anh em vượt lên trước xe bị dính bom, bị cháy và hư hỏng nặng  chừng 35 chiếc.  Số anh em còn lại vượt qua “hàng rào lửa” mà tiến, đã có đơn vị TNXP khác làm nhiệm vụ thương binh, dọn chiến trường. Chúng tôi đau lắm. Đau vì thấy đồng đội hoạn nạn mà không thể giúp gì được. Rồi chuyện cũng dần vơi đi. Anh nói, đời mình thế mà cũng gặp may.  Chiến tranh bom đạn ác liệt thế mà ông trời đã xe duyên cho mình gặp được chị đây. Anh nhìn vợ, nhìn chúng tôi tủm tĩm cười. Chị Lan thêm vào. Anh có nhiều tài vặt, ăn nói có duyên thế thì chị nào chả mê. Chị là Phạm Thị Bé, sinh năm 1945. Chị ở đơn vị TNXP - binh trạm 16,  thuộc đội xe đạp thồ. Sau một thời gian thồ hàng, chị chuyển sang làm công tác giao liên, dẫn đường cho bộ đội hành quân, dẫn cán bộ miền Nam ra Bắc học tập. Tình cờ cô giao liên cho anh lái xe mượn chiếc khăn dù đắp trong khi lên cơn sốt, hai người bén duyên và thành đôi từ đó (1969). Miền Nam giải phóng, cuối năm 1975, anh chị phục viên về quê.
 
            Phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, trở về quê anh tham gia công tác ở địa phương. Năm 1978 - 1980, làm Chánh văn phòng UBND  xã. Năm 1981 - 1983, phụ trách Xã đội trưởng. Năm 1984 - 1985, làm Chủ nhiệm HTX. Dù quần quật với ruộng đồng, với nhiều cương vị nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Anh suy nghĩ tìm con đường làm giàu để cho cuộc sống được nâng cao, con cái được học hành. Anh đấu thầu 2 mẫu ruộng hoang trồng lúa. Với sự cần cù, biết vận dụng khoa học ruộng của anh luôn được mùa. Hằng năm thu hoạch trên chục tấn lúa. Vườn nhà rộng, anh cùng với vợ làm chuồng chăn nuôi gà vịt, rồi đi phụ hồ. Gà vịt gia đình anh phát triển mạnh, có khi  lên  đến hàng trăm con. Anh đào ao quanh nhà nuôi cá, nuôi rùa, ba ba. Đấu thầu đầm hồ khoảng 200m2  nuôi tôm, cá. Thu nhập hàng năm cũng trên dưới trăm triệu. Từ khi làm ăn phát triển, anh đầu tư cho con cái học hành. Các con của anh chăm học nên đậu đại học và có việc làm ổn định.
 
             Năm 2008 , nhân chuyến đi Cha Lo về chiến trường xưa, anh thấy đất  này có thể làm ăn được. Cửa khẩu Cha Lo đang phát triển về kinh tế, du lịch. Nắm bắt được điều đó, anh về bàn bạc với vợ con, dồn tất cả vốn liếng, vay ngân hàng và mượn anh em đồng đội mở “chiến dịch làm kinh tế”. Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Việt Hưng được ra đời. Sau khi thành lập anh đưa con trai là Lê Mậu Vinh, tốt nghiệp Đại học xây dựng , đã từng làm ở Công ty xuất nhập khẩu Quảng Bình, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư về phụ trách, rồi làm Giám đốc. Doanh nghiệp của anh  phục vụ nhà nghỉ, khách sạn. Lúc đầu, công ty mới đi vào hoạt động, làm ăn nhỏ, hơn nữa bấy giờ khách du lịch đang thưa thớt,  nhà nghỉ ít khách nên thường thua lổ. Không nản chí, anh cùng với các con nghiên cứu cách thức làm ăn, đầu tư thêm nội thất, mở thêm dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu, cho con đi học hỏi các nơi làm ăn phát triển. Rồi ông trời không phụ công. Từ khi thay đổi phương thức làm ăn phù hợp, Công ty của anh ngày càng đông khách, các mặt kinh doanh đều đảm bảo uy tín, thu nhập cao. Làm ăn được, anh cùng con mở mang Công ty khang trang hơn, qui mô hơn. Hàng năm Công ty  thu nhập hàng chục tỉ, tạo điều kiện cho nhiều công nhân có việc làm,  thu nhập ổn định.

            Do tuổi già, anh bàn giao toàn bộ Công ty cho con quản lý. Anh về quê để hưởng phúc tuổi già. Thu nhập hiện tại của anh là hồ 200m2  nuôi cá; ao trong nhà nuôi ba ba, rùa. Tôi hỏi. Vậy hiện nay ai chăm sóc ao hồ nuôi cá, ba ba ..?Anh cười , giờ thì nuôi cho vui thôi chứ không đầu tư. Con cháu, bà con làng xóm ai ghé chơi thì cho đánh bắt chứ không mua bán. Anh còn hẹn tôi, chị Lan khi nào rảnh mời thêm mấy người bạn xuống đánh cá nhậu chơi.

             Chị Lan chắp lời. Vậy gia đình anh vừa rồi nghe nói làm công tác từ thiện cũng khá.  Anh cười vui. Nói thật, khi làm ăn được tôi bảo các con nên có lòng hảo tâm làm công tác từ thiện cho người hoạn nạn. Các con tôi chăm chỉ làm ăn, cũng hiếu thảo vâng lời. Năm 2016, sau trận bão lụt , đã hổ trợ 400 suất quà cho các hộ ở các xã vùng núi huyện Minh Hóa bị hoạn nạn do bão lụt gây ra , trị giá 200 triệu đồng. Cơn bão năm 2017, hổ trợ 100 suất quà trị giá 50 triệu đồng. Tết Mậu Tuất (2018), đã hỗ trợ cho 10 hộ ở xã Tân Hóa, Minh Hóa 10 ti vi, trị giá 80 triệu đồng. Ở nhà, tôi cũng hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà văn hóa thôn 3 (Lương Yến), 10 triệu đồng tu sửa lại cây đa, giếng nước của làng. Trong dịp tới  sẽ hỗ trợ để tu sửa Đình làng, đường  đi của xóm. Với bà con làng xóm, anh chị luôn gần gủi giúp đỡ, thân ái nên được mọi người mến phục…Anh nói, việc làm của gia đình còn nhỏ nhưng cũng góp phần nào vào sự phát triển của XH, giáo dục cho các con lòng nhân ái với mọi người.

            Với công việc của Hội, với đồng đội thì anh chị chu đáo tận tình, hàng năm nhân Ngày truyền thống của đơn vị (BT 16),  Ngày TT TS (19/5) anh chị tham gia đầy đủ nhiệt tình. Anh là cây văn nghệ được mọi người yêu mến. Anh chị luôn thực hiện tốt đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương. Chia tay anh chị ra về khi cơn gió Lào phả vào mặt nóng rát. Nhưng trong lòng chúng tôi thấy mát mẻ vì tấm lòng cao cả của người đồng đội, đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Anh còn mời chúng tôi và đội văn nghệ BLL TS huyện một ngày sắp đến về nhà anh để cùng tập luyện ca hát, tạo khí thế “âm vang tiếng hát Trường Sơn”, góp phần làm cho Hội Trường Sơn ngày càng phát triển, đa dạng các hoạt động.
 
              Tấm gương gia đình anh Lê Mậu Nhu, hội viên BLL TT TS xã Lương Ninh thật sự là một gia đình làm ăn kinh tế giỏi có tấm lòng hảo tâm cao cả. Xứng đáng bản chất anh bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến cũng như thời bình để mọi người học tập.
 
Quán Hàu, tháng 6 năm 2018
Nguyễn Đại Duẫn
(Quảng B
ình,Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)


 


                                              Vợ chồng anh Lê Mậu Nhu


 


Công ty gia đình của anh Nhu




Ao nuôi cá



Hồ nuôi rùa

 
tin tức liên quan