Dự thi: Hào khí Trường Sơn
Người vợ chiến sỹ Trường Sơn
vượt lên chính mình tỏa sáng
Nhân tháng tri ân đồng đội, chúng tôi cùng Chủ tịch Hội Trường Sơn huyện Gia Bình – Bắc Ninh về thăm mô hình VAC của vợ chồng chiến sỹ Trường Sơn: Nguyễn Văn Đục - Chủ tịch Hội Trường Sơn xã Quỳnh Phú ở thôn Đổng Lâm.
Trò chuyện cùng vợ chồng ông trong căn nhà ông làm cho cô con gái bị nhiễm da cam mới biết: Sự hi sinh thầm lặng của người vợ chiến sỹ Trường Sơn ân nghĩa biết nhường nào. Có thể nói không giấy bút nào tả hết. Bà Nguyễn Thị Liên – vợ ông Đục năm nay đã ngoài 70 tuổi. Bà là cán bộ nhà nước nghỉ hưu nhưng trông bà như một nông dân lam lũ thực sự. Nỗi đau da cam của chồng truyền sang con bà dấu kín trong lòng.
Những năm 60 của thế kỷ trước, ông bà cùng quê Đổng Lâm, yêu nhau rồi ông nhập ngũ vào Trường Sơn chiến đấu. Bà cũng đi thoát ly, làm chị nuôi ở công an huyện. Một thời gian sau bà lại chuyển sang công ty Bách hóa Tổng hợp huyện làm mậu dịch viên. Thế rồi sau Hiệp định Pari ký kết, đơn vị cho ông Đục ra bắc tập huấn chiến thuật tác chiến pháo phòng không. Một tuần nghỉ phép thăm nhà, gặp lại người yêu, ông bà nên vợ nên chồng. Sau tuần trăng mật ông Đục lại về trường học tiếp. Ra trường, ông lại về đơn vị ở Trường Sơn, để lại cho bà những trống vắng hàng đêm, thao thức dõi theo tin thắng trận ở chiến trường. Năm 1974, cậu con trai đầu lòng sinh hạ, là kết quả của tình yêu đẹp, tình yêu thời chiến. Bà vượt cạn một mình mẹ tròn con vuông. Sau năm 1975, đơn vị ông ra Bắc, ông được về thăm vợ con, hạnh phúc cứ thế đơm hoa kết trái. 3 người con tiếp theo lần lượt ra đời, cô con gái thứ hai, cậu ba, cậu tư. Con gái càng lớn ông bà càng thót tim vì thần kinh của cháu có vấn đề mà bây giờ chúng ta mới biết cháu bị nhiễm chất độc da cam truyền từ bố. Ông Đục bị nhiễm chất độc hóa học khi ở Trường Sơn. Một nách 4 con, khi chồng còn trong quân ngũ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Lúc con nóng con ươn, một mình bà lo toan, cùng sự giúp đỡ của ông bà nội ngoại. Ngoài thời gian 8 giờ bán hàng theo lệnh của thời bao cấp, buổi trưa đến nghỉ ngơi bà chăm con, tranh thủ làm kinh tế gia đình bằng VAC, nuôi lợn nái, gột gà con để có tiền nuôi các con ăn học. Năm 1985, ông Đục nghỉ hưu, phụ giúp bà Liên phát triển kinh tế gia đình cũng bằng mô hình VAC và thêm nghề nấu rượu, lấy phụ phẩm của rượu để chăn nuôi. Thương bố mẹ vất vả, 3 cậu con trai học hành chăm ngoan, nay đều là Đảng viên, có gia đình riêng và có công việc ổn định. Cậu cả kinh doanh trên thị trấn Gia Bình. Cậu ba và cậu tư là sỹ quan phục vụ lâu dài trong quân đội đã có nhà ở Hà Nội, bố mẹ không phải lo. Chỉ còn cô hai sinh năm 1977 nhiễm chất độc da cam hiện là mẹ đơn thân. Ông bà hàng ngày phải bù trì cho mẹ con của cháu. Ở tuổi xưa nay hiếm, lương hưu, trợ cấp da cam của ông và lương hưu của bà xấp xỉ 10 triệu/ tháng nhưng bà với ông vẫn hay lam hay làm. Bà Liên chia sẻ rằng: “Nếu trai không lấy vợ, gái lớn gả chồng thì hạnh phúc biết nhường nào, đằng này vợ chồng tôi hàng ngày phải giúp con, giúp cháu từ việc ăn ở, lao động…để nhỡ ra sau này mẹ con cháu còn biết làm.” Từ suy nghĩ này, sau khi ông bà nghỉ hưu dồn hết sức lực vào cho con gái thứ 2. Còn sức còn giúp con, còn sức còn hướng dẫn cho con lao động, cùng đồng hành với con cháu. Ruộng có 6 sào, xin thêm 6 sào nữa để cấy, công đoạn nào ông bà làm được thì hướng dẫn con gái cùng làm, công đoạn không làm được thì thuê dịch vụ; cùng với đó ông bà còn nuôi 2 lợn nái sinh sản gồm: lợn đại bạch và lợn mán, đẻ ra bao nhiêu lợn con đều để nuôi hết. Ông bà còn nuôi thêm gà đẻ vườn 40 con/ lứa; nuôi chim bồ câu sinh sản 10 đôi; làm dịch vụ máy sát gạo, nấu rượu. Tất cả các công việc ấy hàng ngày bà đảm đương quán xuyến, cùng ông chăm lo VAC hàng hóa của mình để giúp cho con gái biết được các công việc của nhà nông và có thêm thu nhập. Ngoài ra mỗi ngày ông nấu 15 kg gạo rượu rồi đạp xe đi giao hàng. Tính ra VAC hàng hóa cộng với dịch vụ máy sát, nấu rượu bán, mỗi năm vợ chồng bà thu lãi tới 70-80 triệu đồng. Cái lãi lớn nhất là hàng ngày hướng dẫn được cho cô con gái nhiễm chất độc da cam biết được công việc. Ông bà cầu mong thông qua lao động hàng ngày con sẽ hồi tỉnh trí nhớ để hòa nhập sau khi ông bà khuất núi.
Trò chuyện cùng bà Liên – vợ chiến sỹ Trường Sơn, chúng tôi càng khâm phục tấm lòng của bà, suốt đời vì chồng, vì con. Bà vượt cạn một mình, vừa công tác vừa nuôi con để cho chồng yên tâm đánh giặc. Cuối đời tưởng được bù đắp, lại tiếp tục hy sinh thầm lặng vì con. Thế mới biết phong trào thi đua còn sức còn làm của Hội Trường Sơn thật ích nước lợi nhà. Tấm gương vượt lên chính mình của bà Liên luôn tỏa sáng. Hai đảng viên già gần 50 năm tuổi Đảng còn sức còn làm thật đáng trân trọng./.
Lê Ba
Phó Chủ tịch Thường trực Hội TS huyện Gia Bình, Bắc Ninh.
ĐT: 0945753183