" Người hát rong trên Trường Sơn" - Tác giả: Nguyễn Xuân Tuynh ( Ủy viên BCH Hội Trường Sơn TP Nha Trang - Khánh Hòa)

Ngày đăng: 09:03 04/09/2018 Lượt xem: 720
NGƯỜI HÁT RONG TRÊN TRƯỜNG SƠN
Xuân Tuynh
 
         “Chiều nay ta đứng trên Trường Sơn lòng tràn đầy vui sướng mùa lúa lúa thơm ngọt ngào. Dòng sông đưa nước về xuôi mang bóng nương ngô cùng bồng con phất cờ...
         Giữa thập niên sáu mươi của thế kỷ hai mươi, ở chiến trường Khu 5 nói riêng và cả miền Nam nói chung chiến tranh diễn ra cam go, quyết liệt. Bộ đội thiếu thốn, đói khổ phải ăn rau rừng, uống nước suối cầm hơi. Lương thực ở hậu phương không đưa vào được, dưới đồng bằng địch càn quét, bao vây tứ phía. Chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức lùng sục bắt bớ Cán bộ ta. Chúng dồn dân lập ấp, không cho đồng bào ta tiếp xúc với Cộng sản. Lương thực, thực phẩm không vận chuyển lên chiến khu được. Trong hoàn cảnh như vậy nhưng Cán bộ, Bộ đội và Chiến sĩ ta vẫn sống đầy niềm tin, lạc quan mơ đến ngày vui chiến thắng. Đúng vào thời điểm này thì ca khúc “Vui mùa chiến thắng” của Văn Chừng và Nam Nương ra đời. Giai điệu bài hát vui tươi, đầy lạc quan đã cổ vũ tinh thần hăng say chiến đầu, tăng gia sản xuất của Bộ đội ta trên dải Trường Sơn hùng vĩ. Bài hát vừa ra đời đã được Đài phát thanh Giải phóng phát đi lan truyền rất nhanh, được nhiều các Cán bộ, Chiến sĩ quân giải phóng miền Nam hào hứng đón nhận. Bài hát là một giấy thông hành đưa Văn Chừng từ một ca sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng Trung Trung bộ trở thành Nhạc sĩ sáng tác.
         Bài hát “Vui mùa chiến thắng” được trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965).
         Nói về ca khúc này Nhạc sĩ Văn Chừng chia sẻ: “Đầu năm một ngàn chín trăm sáu mươi, trong khi đang say xưa ngồi ca hát với mấy anh em trong đơn vị, Nam Nương một Chiến sĩ nuôi quân của đơn vị, yêu ca hát nói với Văn Chừng, bởi nhẽ trong Đoàn Nam Nương rất yêu mến giọng hát của Văn Chừng: Nam Nương hát cho Văn Chừng nghe mấy câu hát ngẫu hứng anh chàng nghĩ ra khi vào rừng hái măng. Qua mấy câu hát của Nam Nương trong đầu đã gợi lên một giai điệu đầy hứng khởi. Sau đó chỉ sau mấy giờ đồng hồ cùng với cây đờn Măng đô lin, Văn Chừng đã viết xong ca khúc “Vui mùa chiến thắng” ký tên Văn Chừng - Nam Nương.
* * *

Chân dung Nhạc sĩ Văn Chừng
(1938 - 2006)
         Văn Chừng, tên khai sinh Trần Văn Chừng cùng với các bút danh khác: Hoài Minh, Trần Anh Văn, Lê Hoài Mỹ, Lê Hoài Việt. Sinh ngày 4 tháng 1 năm 1938, quê Bình Định, cái nôi của hát Bội.
         Năm 1957, Văn Chừng vào Bộ đội, do có năng khiếu về ca hát, có giọng hát nam cao trong trẻo, anh được Đoàn Văn công Trung Trung bộ (Đoàn Văn công Khu 5) tuyển về làm diễn viên ca của Đoàn. Từ những năm 1962 ở Khu 5, tiếng hát của ba ca sĩ được rất nhiều Cán bộ, Chiến sĩ biết đến đó là: Thanh Đính, Phan Ngạn và Văn Chừng. Các anh say sưa ca hát, hát phục vụ Bộ đội không biết mệt mỏi. Thanh Đính và Văn Chừng tự nhận mình là: “Người hát rong trên Trường Sơn”. Mãi đến giờ lớp Cán bộ, Chiến sĩ thời ấy sống chiến đấu ở chiến trường Khu 5, ở Trường Sơn vẫn còn nhớ hình ảnh Thanh Đính, Văn Chừng với cây đờn Ghi ta thùng đứng ở triền dốc cheo leo, hát cho Bộ đội nghe. Nhiều khi chỉ có vài ba người yêu cầu Thanh Đính và Văn Chừng vẫn say sưa hát.
Từ thập kỷ sáu mươi đến giữa bảy mươi của thế kỷ trước, ở chiến trường Khu 5, nói về thơ có Thu Bồn và Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly); nói về âm nhạc phải kể đến Thuận Yến, Phan Ngạn và Văn Chừng.
         Ngoài ca khúc tiêu biểu: “Vui mùa chiến thắng”, những năm ở Đoàn Văn công Quân khu 5 Văn Chừng còn sáng tác các ca khúc: “Khúc hát em bay xa”; “Voi đã về buôn”; “Xuân Tây Nguyên”...
        Năm 1969, Văn Chừng chuyển ra Bắc học Đại học Âm nhạc (khoa sáng tác) ở Nhạc viện Hà Nội. Ra trường, anh về công tác ở Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn. Ở đây Nhạc sĩ Văn Chừng đã tìm thấy người bạn đời là Lê Minh, một cô gái đất Hà Thành, nghệ sĩ của Đoàn.
         Sau ngày giải phóng miền Nam, 1976 Văn Chừng cùng gia đình được Bộ Văn hóa - Thông tin điều vào công tác ở Ty Văn hóa - Thông tin Gia Lai rồi về Phú Khánh (cũ) công tác.
        Từ năm 1979, nhạc sĩ Văn Chừng về làm việc ở Ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật Phú Khánh. Gia đình Văn Chừng ở chung trong khu tập thể với gia đình tôi (số 6 Phan Đình Phùng, thành phố Nha Trang). Tôi có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với Nhạc sĩ Văn Chừng. Một người vóc dáng cao to, lịch lãm. Anh là người đam mê âm nhạc, ngoại trừ những lúc đi công tác xa, về đến nhà lúc nào cũng có mặt bên cây đàn Piano sáng tác. Với anh ngoài âm nhạc ra thì không còn thứ đam mê nào khác.
         Anh thường xuyên cộng tác với Ban âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, anh đã xây dựng lên một nhóm Nhạc sĩ chuyên sáng tác về vùng đất Nam Trung bộ và Tây Nguyên gồm có các Nhạc sĩ: Văn Dung, Thế Song, Nguyễn Cường, Tuấn Kiệt, Huy Cường... do Văn Chừng làm trưởng nhóm. Các anh đã đi điền giã nhiều tháng trời ở Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên... và viết nhiều ca khúc hay về những vùng đất này, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người nghe.
        Văn Chừng ngoài sáng tác ca khúc anh còn viết nhạc khí, năm 2006, anh đang viết dở hợp xướng giao hưởng: “Hồ Chí Minh tên người sáng mãi”. Dự kiến viết năm chương, nhưng đang viết dở chương II thì anh mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và qua đời, bỏ dở công trình.
         Quá trình tham gia kháng chiến và hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nghệ thuật, nhạc sĩ Văn Chừng đã được tặng thưởng: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Quân giải phóng; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Về sáng tác: Giải B Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1994 - 1996. Năm 2016 nhạc sĩ Văn Chừng được truy tặng Giải thưởng cao quý: “Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật” gồm năm ca khúc: “Vui mùa chiến thắng”; “Bác Hồ với Tây Nguyên”; “Khúc hát em bay xa”; “Bài ca 23/10” và bài “Voi đã về buôn”.
         Mặc dù nhạc sĩ Văn Chừng đã đi xa hơn chục năm, nhưng thính khán giả khắp mọi miền đất nước vẫn không quên “Vui mùa chiến thắng”, một sáng tác tiêu biểu của anh. Bài hát “Vui mùa chiến thắng” đã trở thành: “Bài ca đi cùng năm tháng”; các Cựu chiến binh Khu 5 và Trường Sơn còn nhớ mãi hình ảnh “Người hát rong trên Trường Sơn” năm xưa.

 
Giữa cung đường hát cho nhau nghe (ảnh minh họa)
Thu - 2018    
Nguyễn Xuân Tuynh
( Ủy viên BCH Hội Trường Sơn TP Nha Trang - Khánh Hòa)
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang                      
DĐ: 0908.625.369

tin tức liên quan