Lộ bí mật,dự thi của Nguyễn Đông Thành

Ngày đăng: 07:02 20/09/2018 Lượt xem: 621
Dự thi Hào khí Trường Sơn


                                        LỘ BÍ MẬT


( Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An)


 


Nhân vật Nguyễn Quang Thắng

 

          Cuối mùa mưa năm 1968. Tôi được tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 7 công binh phân công dẫn một đội năm người đi khảo sát để mở một con đường mới gần trạm 31 đến bản Xì Ne mang tên là Đ18. Con đường này tuy nằm trên đất bạn Lào nhưng máy bay của Mỹ vẫn kiểm soát gắt gao và đánh phá ác liệt. Thời gian này các cứ điểm của quân đội Mỹ như Khe Sanh, Làng Vây, A Sầu, A Dơi, A Lưới đã rút nhưng chúng thường dùng chiến thuật : “ Trực thăng vận” để đổ quân chớp nhoáng vào các cao điểm để thăm dò lực lượng của ta. Những chiếc cán gáo bắn phá dữ dội xung quanh mục tiêu đã định rồi dùng rọ lợn tha những lô cốt đã đúc sẵn đồng thời dùng cá lẹp chở quân đổ xuống. Chiến thuật này chúng tôi gọi là:“ Mèo tha con”.
          Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là phải tìm nơi ở cố định. Cũng may có một căn nhà hầm chỉ huy của một đơn vị ém quân cho chiến dịch vây lấn trước đây còn chắc chắn nên chúng tôi quyết định ở đó. Ngày đầu tiên chúng tôi dọn dẹp và củng cố lại nơi mắc võng, sửa lại cái bàn tre, tu bổ lại cái bếp Hoàng Cầm, che lại giàn mướp bằng cành khô... Khu rừng này bị bom đạn tàn phá ngổn ngang nhưng qua một mùa mưa cây cối bắt đầu tái sinh. Chúng tôi đưa hàng trăm hom sắn xin được ở trạm 31 vùi xuống bất cứ nơi nào đất xốp, tra hạt bầu, bí, mướp quanh nơi ở để làm thức ăn sau này và có thêm màu xanh để nguỵ trang.
          Sang ngày thứ hai tôi thấy đã gần hết lương thực liền cùng Kỷ đến trạm 31 để xin lấy gạo. Còn Vi, Quân, Ngọc ở nhà củng cố nơi ở và đi hái rau tàu bay và măng le. Từ nơi ở của chúng tôi sang trạm đi bộ hơn một tiếng đồng hồ. Ở trạm giao liên này nữ nhiều hơn nam. Trạm trưởng đi công tác còn nữ trạm phó tên là Cầm, quê ở Hà Tĩnh xem giấy giới thiệu của tôi rồi viết phiếu xuất kho 7kg gạo và nói rằng tiêu chuẩn một tuần lễ của các anh đó. Tôi trố mắt ngạc nhiên, hỏi: 
          - Đội của tui năm người mà mỗi ngày chỉ được ăn một cân gạo à? Rứa thì sống răng được. O có lầm không?
          Cầm cười:   
          - Răng mà lầm được. Khó khăn chung vì mùa mưa ô tô không chở hàng vô được. Ngay ở trạm ni anh chị em ngày nào cũng hát bài: “ Một ngày hương lại cổ nga” đó à.
          Kỷ lấy làm lạ, hỏi:
          - Lạ hề! Bài hát nớ tui chưa nghe khi mô.
          Cầm lại cười vang:
          - Thì dừ không những nghe mà còn phải hát nữa. Hát khi mô đến mùa khô thì thôi. Hai anh cũng quê choa mà không biết nói lái à? Hương lại là hai lượng. Cổ nga là cả ngô. Nói cho tròn câu là: “ Một ngày hai lượng cả ngô”.Khách như các anh còn được hai lạng gạo mỗi ngày chớ anh chị em ở trạm thì chỉ được một lạng còn một lạng ngô do trạm tăng gia tự túc. Em cấp thêm cho các anh một ít muối để ăn với rau tàu bay và măng rừng. Dù thương các anh nhưng tiêu chuẩn là tiêu chuẩn. Xin các anh thông cảm.
          Bây giờ tôi nhìn Cầm mà thấy thương cho cô. Mái tóc mới mọc lại chấm tai do
một cơn sốt rét ác tính gây ra. Nước da còn xanh xao nhưng trong đôi mắt đượm buồn
 
ấy đang giấu kín một nỗi khát khao của tuổi xuân thì. Hết chịu đạn bom, muỗi vắt ở rừng rồi lại chịu đói như thế này thì thật là tội. Tôi nói:
- Dù không thông cũng phải cảm. Bọn ni là con trai nên không cực bằng các o.
          Cầm lưỡng lự một lúc rồi nói:
          - Thôi! Trong kho chỉ còn một ít hộp thịt và mấy gói ruốc bông. Các anh mới đến nên chưa quen cực khổ nên em phá lệ, cấp cho các anh thêm một gói ruốc, một hộp thịt và hai cân ngô. Tình đồng hương nơi chiến trận cũng chỉ có rứa .
          Một cô gái đứng cạnh cười rồi nói:
          - Chị Cầm của em có cảm tình với các anh rồi đó. Anh mô muốn làm rể trạm ni thì đăng ký liền đi.
          Tôi cũng đùa:
          - Được làm rể Hà Tĩnh thì sướng biết mấy.Anh em tui thường nhớ câu hát:“ Hà
Tĩnh năm xưa thì đôồng chua nác mặn. Hà Tĩnh năm ni thì gạo trắng nác troong. Theo em về Hà Tĩnh cho thoong doong con ngài”.
          Chúng tôi cùng cười vui vẻ.
          Nhận hàng xong chúng tôi chia tay. Trong lòng tôi biết ơn Cầm lắm vì: “ Một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà.
          Phải nói rằng mùa mưa đã làm cho rừng hồi sinh nhanh chóng trong đó có rau tàu bay ở cạnh miệng hố bom lên xanh mơn mởn. Măng le, măng nứa cũng dồi dào. Nhưng măng rừng, rau dại tuy nhiều nhưng cũng không thay thế được cơm. Ai cũng thèm một bữa ăn cho đúng nghĩa. Hàng ngày chúng tôi mang bản đồ cùng địa bàn xuyên rừng, lội suối đi khảo sát thực địa, phát và đánh dấu những đoạn đường mình đi qua. Mỗi ngày chúng tôi đi được khoảng vài ba cây số, ghi chép, tính toán cẩn thận, cố gắng chọn địa hình để thi công thuận lợi và giữ được bí mật. Thi thoảng chúng tôi gặp bà con người Lào đi qua đây. Chúng tôi hỏi những người đàn ông đã lớn tuổi về địa hình và đường đến các điểm trên bản đồ cho gần và dễ đi. Họ vui vẻ hướng dẫn rất nhiệt tình.  
          Đến ngày thứ 6. Lương thực theo tiêu chuẩn của chúng sắp hết. Bốn giờ chúng tôi phải dậy ăn sáng để làm công việc khi trời đang còn tối. Tôi cử Quân và Ngọc sang trạm để lấy gạo. Còn tôi, Kỷ và Vi tiếp tục đi khảo sát. Tôi nói với hai đồng đội:
          - Nơi ta sắp đến là đầu nguồn sông Sê Băng Hiêng. Theo tài liệu thì đầu nguồn sông này sẽ cạn vào mùa khô. Mùa mưa cũng có chỗ lội qua được. Ta đến sông trước để tìm chỗ cạn rồi từ đó ngắm đường ra hai phía.
          Hai người nhất trí. Chúng tôi phải đi nhanh hơn bởi từ nơi ở đến nơi khảo sát càng ngày càng xa. Đi được hai tiếng rưỡi thì đến một trống do bom phát quang của địch trước đây. Tôi mừng rỡ thấy một bãi nấm mối mọc trắng dưới đất. Tôi cúi xuống hái và bảo anh em cùng hái. Kỷ hỏi:
         - Tui sợ đây là nấm độc.
         - Mần răng mà độc được. Mình sống với người dân tộc Thổ ở Nghĩa Đàn ba năm nên khá rành các loại nấm. Cứ hái đi. Loại nấm này ngon lắm đó.
         Chúng tôi đang lom khom hái nấm.Tự nhiên Vi đứng thẳng dậy nói trong sợ hãi:
          - Chết rồi! Máy bay.
          Hai chiếc trực thăng cán gáo thẳng hướng bay đến chỗ chúng tôi. Tuy rất xa nhưng biết chúng đã phát hiện được mình, nên tôi liền hô to:
 
          - Chạy nhanh vô cánh rừng đàng trước.
          Rừng ở đây bị bom đạn cày đi phát lại nên cây rất thưa. Không để cho chúng tôi kịp chạy vào rừng rậm trước mặt, máy bay địch đã phát hoả.
          Oành oành. Hai quả rốc két nổ làm chúng tôi phải nằm rạp xuống, đất đá rơi lên người rào rào. tôi hô:
          - Lợi dụng các cây to để ẩn rồi rút vào sâu trong rừng.
          Từng loạt đạn 20ly xối xả bắn xuống: Ùng ùng ùng ùng.
          Chúng tôi thoắt từ gốc cây to này sang gốc cây to khác mà hai chiếc cán gáo như những con thú săn cố bám theo con mồi. Rốc két và 20ly chúng trút xuống không thương tiếc. Chạy được một lúc chúng tôi gặp một cái rãnh do bị nước xói mòn sâu lút đầu người. Cả ba chúng tôi nhảy xuống đó rồi đi dần xuống phía dưới sâu hơn. Chúng tôi đã đỡ lo mặc dù máy bay vẫn bắn xuống xối xả. Kỷ đi trước bỗng lùi lại vì cuối rãnh là một cái vũng nước to trống trãi. Tôi nói:
          - Tìm chỗ thích hợp để ẩn thôi. Hết đường rồi.
          Bùm! Một quả rốc két bắn xuống vũng làm cột nước dựng lên cao chục mét rồi rơi xuống rào rào ướt cả áo chúng tôi. Chúng tôi lùi lại rồi nép người vào nơi vách đá của rãnh. Hai chiếc máy bay quần đảo độ mười lăm phút sau không thấy động tĩnh gì dưới đất liền bỏ đi. Tôi bám vào rễ cây trèo lên khỏi rãnh trước rồi đưa tay kéo hai người lên sau. Bỗng Kỷ reo lên:
          - Anh em ơi! Coi tề. Cá. Cá.
          Dưới vũng, cá nổi trắng cả mặt nước do quả đạn rốc két vừa rồi. Chúng tôi thích quá chạy đến. Vũng này vào mùa mưa nước dâng lên thông với sông Sê Băng Hiêng. Các loài cá theo dòng nước ngược lên để đẻ trứng. Khi nước rút chúng mắc kẹt ở đây một lượng tương đối dày. Tôi nói với hai đồng đội:
          - Tôi với Kỷ xuống vớt cá quăng lên.Vi ở trên bờ cảnh giới máy bay và gom cá lại. Cứ cởi hết quần áo ra đi. Chỗ ni không có ma mô dòm mà sợ.
          Cá nhiều quá. Tôi và Kỷ ném tới tấp lên bờ, Vi nhặt rồi ném vào một bụi rậm đề phòng máy bay phát hiện. Khi trên mặt nước chỉ còn cá nhỏ, tôi nói với Kỷ:
         - Cá to thường chìm ở dưới đáy. Ta lặn xuống coi thử.
          Đúng như vậy. Những con cá lấu, cá bọp to hơn chiếc dép nằm trắng dưới đáy. Vì độ sâu của vũng này hơn ba mét nên chúng tôi lặn vớt một lúc thì mệt nhoài đành phải lên bờ. Tôi bảo Vi vào rừng chặt dây để xâu và ba khúc cây làm đòn gánh. Tôi với Kỷ đang tồng ngồng nhưng thấy một cây bứa nằm nghiêng lá non mọc tua tủa liền đứng hái. Bỗng có tiếng con gái cười khanh khách và reo lên:
          - Ồ! Của bộ đội to hung.
          Tôi và Kỷ lập tức nhảy ngay xuống vũng nước để trốn và chỉ kịp nhìn thấy hai cô gái vai trần mang hai chiếc gùi đầy măng đi khuất vào rừng. Một lúc sau hai chúng tôi lên bờ mặc quần áo và tự an ủi nhau:
          - Chắc là đồng bào ở bản Tà Khống gần đây. Ta không gặp lại họ nữa mô.
          Ba gánh cá khá nặng được đưa về nơi ở. Lúc này Quân và Ngọc cũng đã về ai cũng trố mắt nhìn. Tôi nói:
          - Ta phải sấy khô để ăn dần thôi. Mà đội ta dùng cũng nỏ hết. Hay là ta cho trạm 31 một ít rồi nhờ mấy chị em đến làm hộ cho mình để kịp sấy đêm nay.
          Quân nói:
 
          - Thế thì để tôi và Ngọc đi cho. Chúng tôi biết đường tắt đi nhanh hơn.
          Tôi đồng ý để Quân và Ngọc mang một nửa số cá gánh sang biếu trạm.
          Tôi mài mấy con dao để chuẩn bị làm cá và nói với hai đồng đội:
          - Nhịn lâu rồi. Giờ cậu Kỷ nấu một nồi cơm nhiều nhiều vào để ăn. Ở sông ngon nhất là cá bọp. Chọn mấy con to nấu với nấm và lá bứa ăn cho đã thèm. Còn Vi lấy lá cây và vỏ chăn che kín bếp không cho ánh lửa lọt ra ngoài để tối nay ta sấy cá.
          Gần hai giờ chiều thì Quân và Ngọc về dẫn theo ba cô gái ở trạm giao liên. Cô nào mặt cũng đỏ lựng cười chào chúng tôi. Một cô cao gầy tên là Nhạn nói:
          - Trạm không cho các anh mượn đêm đâu. Các anh phải dẫn chúng em đi trả  trước lúc trời tối.
          Cả ba cô gái cùng cười to. Tôi nói:
          - Công việc tạm gác lại đó. Ăn cái đã.
          Kỷ dọn cơm ra một tấm tăng. Mùi cá bốc lên thơm ngào ngạt làm ai cũng chảy nước bọt. Đã lâu lắm rồi chưa được bữa ăn nào có nhiều cá tươi ngon đến thế. Thiếu bát chúng tôi phải lấy thêm ba cái nắp ăng gô và chẻ khúc cây con vót vội ba đôi đũa. Ba cô gái cũng không khách sáo gì cả ngồi ngay xuống gắp những khúc cá to đặt vào bát cho chúng tôi nhưng chúng tôi gắp lại đặt vào bát cho các cô ấy. Tôi nói:
          - Con trai chúng tôi thích nhất là ăn đầu.
          Rồi chúng tôi cũng gắp những đầu cá lên gặm rất ngon lành. Ở Trường Sơn được bữa ăn như thế này chẳng khác gì đại yến. Canh cá nấu với nấm mối và lá bứa vị chua ngọt hấp dẫn lạ thường nhưng ai cũng thấy cơm quá ít nên nhường nhau. Ba cô gái vừa ăn vừa cười ngặt nghẽo. Một cô tên là Cảnh hỏi chúng tôi:
           - Người ta thường nói: “ Đàn ông cười hoa, đàn bà cười nụ”. Cười thả phanh như chúng em là vô duyên lắm phải không các anh?
          Tôi nói ngay:
          - Ở nơi đại ngàn heo hút này mà nghe được con gái cười là phúc lắm. Nên mới có câu: “ Em trao anh một nụ cười. Quý hơn khi đói cho mười bát cơm”. đó à.
          Các cô nghe liền cùng nhau cười chúng tôi thấy vui lạ. Bỗng một cô tên là Thìn chỉ tay vào các tấm vỏ chăn che quanh cái bếp Hoàng Cầm, hỏi:
          - Các anh che chi rứa.
          - Che để túi ni sấy cá khỏi lọt ánh lửa ra ngoài.
          Nghe Quân giải thích thì các cô lại cười, hỏi:
          - Có chắc giữ được bí mật không?
          - Nếu không chắc thì máy bay Mỹ đến hỏi thăm gây thêm phiền phức.
          Ba cô gái lại phá lên cười rồi đấm vào lưng nhau thùm thụp. Chúng tôi lấy làm lạ thì một cô hình như không nhịn được nữa cười đến sặc phum cả cơm:
          - Bí mật của riêng mình các anh còn để lộ nữa là... hai chị này lãi to rồi. Ha ha!
          Bây giờ chúng tôi mới ngớ ra. Chính hai trong ba cô gái ở đây đã gặp chúng tôi bên vũng nước.
          Tôi và Kỷ đưa mắt nhìn nhau xấu hổ đỏ cả mặt: “ Thế là Lộ bí mật rồi”./.
                                                 
                                                                      Ngày 02 tháng 7 năm 2018
                                               
                                         Nguyễn Đông Thành
  ( Thôn 1. xã Quỳnh Mỹ - Quỳnh Lưu - Nghệ An   ĐT: 0904766650)
tin tức liên quan