30 Tết trên điểm cao 670,dự thi của Nguyễn Đông Thành

Ngày đăng: 07:13 20/09/2018 Lượt xem: 649
Bài dự thi Hào khí Trường Sơn
                                   

  30 TẾT TRÊN ĐIỂM CAO 670

(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hinh , Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh,huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An )





 

                                                          Nhân vật Nguyễn Đức Hinh

          Trạm thông tin dây trần T29 của chúng tôi có 5 người, vừa khôi phục lại từ tháng 4 năm 1969 được đặt trong một cái hang mang tên Động Tiên Công ở lưng chừng điểm cao 670. Hang này đủ cho một trung đội tránh trú, có một mạch nước nhỏ cuối hang chảy ra. Đây là Trạm dây trần cuối cùng của Đoàn 559 dài 9 km theo hướng đi Thừa Thiên. Điểm ranh giới với trạm 28 là chân dốc Hùng Trung. Bên kia dốc Hùng Trung là bệnh viện 94 của Quân khu Trị Thiên.    
          Một cánh rừng bạt ngàn từ chân dốc Hùng Trung qua sông A Pơ Lin, động Tiên Công đến dốc Chè của đường 12 đã chết trắng bởi ngày 26 tháng 12 năm 1967 máy bay Mỹ đã rải chất độc hoá học xuống đây. Cũng vào năm 1967, kế tiếp trạm 29 còn có trạm 30 nhưng sau tết Mậu Thân 1968 địch đã đổ quân xuống đây phá nát cả Trạm lẫn đường dây trần. Nay khôi phục lại chỉ có Trạm 29 nên đường dây phải đảm nhiệm dài gấp đôi, thêm cô quạnh bởi rất xa binh trạm và lâu lâu mới gặp một vài người dân. Anh em chúng tôi cũng đã thực hiện hậu cần tại chỗ theo nghị quyết của Đoàn 559 như cắm hom sắn, vùi dây khoai lang, tra hạt bầu bí mướp và gieo hạt các loại rau nhưng chúng chỉ lên khỏi mặt đất rồi héo quắt vì đất ở đây cũng đã chết.
          Ngày 30 tết năm Canh Tuất ( 1970 ) là một kỷ niệm khó quên của anh em trong Trạm chúng tôi. Mới 6 giờ sáng, nắng lên sớm hơn mọi ngày cộng thêm gió hanh khô rát làm cho những chồi cây, mầm cỏ và côn trùng không thể hồi sinh. Sáng hôm đó vừa rửa mặt xong, tôi nói với hai đồng đội là Thi và Ước:
          - Hôm nay đã ba mươi tết rồi. Gạo chỉ còn hơn nửa bát dành cho bữa trưa nên phải nhịn bữa sáng mà thực phẩm cũng không còn. Không biết trạm trưởng Bài và cậu Tạn ở Binh trạm về có gạo và quà cáp gì không? Hai người mang một phần ba cuộn dây đi kiểm tra tuyến. Tiện thể đi dọc suối tìm xem có thấy rau cỏ gì thì hái về để cải thiện chứ xoong nồi của ta sắp làm sân bóng cho chuột đá rồi rồi đó. Nhớ cẩn thận với máy bay đấy. Mình ở nhà trực máy, sửa cái dàn mướp và lo cơm nước. Nói là lo cơm nước cho có bữa chứ gần hai tháng nay khẩu phần của chúng tôi mỗi người mỗi ngày chỉ được hai lạng gạo. Thực phẩm chẳng có gì ngoài muối và một ít bột ngọt. Mỗi khi nấu thì cho nước gần đầy cái xoong B5. Khi nước sôi thì đóng đầy mấy cái bi đông mới đổ gạo vào. Cơm sôi một lúc thì chắt bớt nước ra ăng gô cho muối và bột ngọt vào làm canh. Muốn tìm rau rừng thì phải đi ra ngoài khu rừng chết may mới có.
          Hai người mang súng, dây và máy ra đi, tôi cũng ra khỏi hang sửa lại cái giàn nguỵ trang làm bằng những cành cây và lá khô để che hai cái nửa vỏ bom bi mẹ chứa nước dự phòng và quần áo phơi phía dưới khỏi lộ màu xanh chúng tôi gọi là giàn mướp. Vì trong hang không thoát được khói nên dưới giàn mướp sát với cửa hang, chúng tôi làm một gian bếp nhỏ.  Gió mùa Đông Bắc hun hút thổi lạnh như cắt da. Tiếng bom đạn vẫn rền vang không ngớt. Tôi lẩm bẩm: “ Mẹ cha chúng nó chứ, nói đình chiến để ăn tết mà không thực hiện. Hay phải chờ đến giao thừa”. Tôi nhớ lại những ngày đón tết ở quê nhà trước chiến tranh phá hoại của Mỹ. Mẹ bảo tôi đun lửa luộc bánh chưng, các em ngồi sưởi xung quanh. Bố tôi luôn tay băm giã thịt lợn làm
 
dò, chả. Mẹ tôi thì rang cốm phổng rồi xay thành bột để bố tôi đóng chè lam, làm bánh bác. Đêm giao thừa có xôi gấc, bánh trôi, bánh ngào... Bây giờ trong hang này mong có một bữa cơm đủ no dù là gạo hẩm cũng là xa xỉ. Tôi cũng nóng lòng mong hai đồng chí từ binh trạm về để có quà tết từ hậu phương gửi vào ít ra thì cũng có một bữa cơm no trong ba ngày tết.
          Chợt nghe tiếng máy bay. Một chiếc trinh sát L19, và một chiếc trực thăng cán gáo ( HU ti ti ) bay sát ngọn cây của khu rừng chết để truy tìm sự sống.
          Tôi chạy vội vào hang nhấc máy:
          - Xê 2 trinh sát. Anh Huỳnh đó à?
          - Hinh hả? Tôi đây. - Đầu dây kia trả lời.
          C2 là một tiểu đội trinh sát của Quân khu 5. Họ lập đài quan sát trên đỉnh của điểm cao 670 cách chỗ chúng tôi 30 phút leo dốc. Lúc rảnh rỗi chúng tôi thường leo lên chơi với họ. Đứng trên đài quan sát này nhìn xuống sân bay Tà Cơn bằng ống nhòm thấy rõ mồm một. Hôm nào trời quang mây còn thấy cả mấy ả Thiên Nga đang bông đùa với bọn lính Nguỵ.
  • Chú ý nhé anh Huỳnh. Có một con đầm già và một thằng cán gáo đến đấy.
          -    Mặc cha nó! Mình nguỵ trang tốt thì nó cũng mù thôi.
          Tôi lại quay máy sang Trạm 28:
          - Trạm 28! Anh Thế đó à.
          - Chào anh Hinh! Tôi đây.
          - Có máy bay đấy. Các anh cẩn thận.
          - Tôi nghe rồi. Cám ơn anh.
          Chợt nghĩ đến Thi và Ước chưa về. Tôi chạy ra ngoài hang nhìn lên thì thấy thêm một chiếc cán gáo nữa đang lượn trên cao. Tiếng phành phạch của hai chiếc trực thăng vang động cả khu rừng chết. Vòng lượn của chúng quanh nơi ở của chúng tôi mỗi lúc một hẹp dần. Tim tôi rộn lên, nghĩ: “ Thôi chết! Hai cậu đã bị chúng phát hiện rồi”. Một vệt khói trắng từ trên chiếc L19 phóng xuống kèm theo tiếng nổ bụp. Một cột khói trắng dựng thẳng lên ở mép sông APơ Lin cách chỗ tôi 23 khoảng dây ( gần 100m ). Lập tức chiếc trực thăng bay thấp phóng liền hai phát rốc két xuống cột khói. Oành oành. Rồi từng tràng 20 ly xối xả trút xuống. Ùng ùng ùng ùng... không ngớt. Tôi đang vô cùng lo lắng ngồi bệt xuống cổ nghẹn lại thì bỗng con tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Hai cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện quanh những gốc cây khô như hai con sóc chỉ cách tôi sáu bảy chục mét. Hai chiếc máy bay như hai con diều hâu cũng không muốn buông con mồi nên bay sát ngọn cây phóng rốc két và xả đạn 20 ly tới tấp làm bụi đất đá bắn lên mù mịt. Bỗng tôi bị một cú húc ngã ngửa, thì ra Thi đã chạy vào hang, tiếp sau là Ước. Tôi chưa kịp đứng dậy thì Oành oành. Hai phát rốc két nổ trước cửa hang làm cái giàn mướp đổ rập xuống, đất đá bắn vào người chúng tôi rào rào. Chúng tôi đã vào sâu trong hang mặc cho chúng tác oai tác quái.
          Khoảng mười lăm phút sau không thấy mục tiêu nữa, hai chiếc máy bay bỏ đi. Khu rừng chết yên ắng trở lại.
          - Các cậu bị phát hiện à? Tôi hỏi
          Ước cười:
          - Bình thường thì phát hiện thế quái nào được. Tại chúng tôi thấy nó bay dọc sông rất chậm. Mục tiêu tà âm ngon ăn quá nên có ý định hạ nó. Ai dè...
 
          Cả ba chúng tôi cùng cười mà mặt ai cũng đang lấm lem bụi đất. Tôi chợt ngớ ra:
          - Hỏng rồi! Đường dây bị đứt là cái chắc.
          Tôi ngồi xuống quay thấy máy nhẹ tênh. Tôi khoác vội súng và máy nói:
          - Gần đây thôi. Ước ở nhà, Thi mang cuộn dây dở theo tôi.
          Thi chưa kịp cởi thắt lưng và đang định nói gì thì tôi đã lao ra khỏi cửa hang cậu ta phải chạy theo. Chưa đến cầu dao thử dây thì gặp một hố đen sịt do đạn rốc két vừa nổ. Đoạn dây bọc bị đứt bắn ra hai phía. Tôi nói:
          - Đây rồi!
          Thi lấy máy từ vai tôi leo lên mở cầu giao gọi về trạm 28, C6 pháo 12,7 ly rồi xuống nói với tôi:
          - Chỉ có đó thôi anh ạ.
          Tôi cũng đã nối xong đoạn đứt rồi gọi về hang:
          - Tốt rồi! Về thôi, đói quá.
          Hai chúng tôi đi về hang, ghé lại vòi nước rửa chân tay. Nước mát làm chúng tôi tỉnh người.Chợt Thi sờ vào thắt lưng nói như reo:
          - Có rau đây.
          Cậu ta mở thắt lưng, tháo túi đựng cơm căng tròn rồi dục ra một nắm rau tàu bay đã úa. Tôi cũng mừng rỡ nói:
          - Ngon quá. Rửa sạch đi. Ăn sống thôi.
          Ước đã đi ra trông thấy cũng rất vui, nói:
          - Mời hai thủ trưởng đưa đặc sản vào ăn cơm ạ.
          Điều mà tôi nhớ hôm đó là chưa ai và cơm mà gắp rau tàu bay sống nhai rau ráu ngon lành. Gần hai năm sống ở khu rừng chết này rau xanh quả thật quý giá.
          Tôi đang lo sau bữa ăn này thì không còn gì nữa cả nên ngồi trực máy mắt liu riu mà không ngủ được, còn Thi và Ước ngả lưng xuống hai vỏ thùng đạn ĐKB để nghỉ. Không nói ra nhưng ai cũng ngóng trạm trưởng Bài và Tạn từ Binh trạm về mới có cái ăn chiều nay. Khi nghe bước chân họ đến ngoài cửa hang thì ai cũng tỉnh như sáo.
          Hai người bước vào hang, Bài ngạc nhiên hỏi:
          - Chúng bắn vào đây à? Các cậu không sao chứ.
          Thi nói ngay:
          - Chúng bắn không quan trọng. Quan trọng nhất là các anh có gì mang về để đón tết và chống đói không?
          Hai người đặt ba lô xuống đất. Bài giở ra từng thứ nói:
          - Đây là quà tết tiêu chuẩn của 5 người chúng ta. 5 lạng đường, 1 cân gạo nếp, 3 lạng đậu xanh, 2 hộp thịt Liên xô loại 3 lạng, 1 hộp cá loại hai lạng rưỡi, 1 lạng bột ngọt, 10 cái kẹo Hải Châu, 5 điếu thuốc lá Tam Đảo, 1 gói chè Đại Đồng. Còn kia là 25 cân gạo. Một nải chuối xanh của trạm ưu tiên cho tuyến đầu, 1 bọc rau tàu bay trạm 25 biếu để làm dưa. Hết.  
          Mắt Tạn sáng lên:
          - Được đấy chứ. Đêm giao thừa hôm nay cũng sẽ được một bữa căng da dễ gãi.
          Rồi cậu ta chép miệng:
          - Trạm trưởng! Châm một điếu thuốc cho anh em cùng hút đi. Thèm quá.
 
          Bài vờ cáu:
Để giao thừa cúng Bác Hồ và Tiên Ông ở động này đã. Các cậu có biết vì sao hang
này có tên là Động Tiên Công không? Ngày xưa có một tiên ông tu luyện ở đây. Cụ thường xuống các buôn làng trừ ma quỷ và dạy cho dân cách chữa bệnh bằng cây rừng. Cụ cũng đã phù hộ cho anh em mình an toàn qua nhiều đợt oanh kích của địch vì chúng ta là hậu duệ của Cụ đang thi gan với kẻ thù để bảo vệ quê hương xứ sở.
          Tạn vẫn nài nỉ:
          - Nghe nói thần tiên đâu có hút thuốc. Mà Bác và Cụ cũng thương con cháu lắm mà. Xin một điếu khi thèm chắc không ai quở trách đâu.
          Bài bật cười:
          - Thằng bẻm mép! Thật như ma chết đói. Châm đi. .
          - Hoan hô trạm trưởng. - Tạn reo lên bật lửa châm thuốc ngay rồi đưa cho Bài hút trước. Chúng tôi chuyền nhau hút, mùi thuốc lá thơm lừng cả hang. Bài bảo Tạn ra ngoài hang bưng vào một hòn đá hình khối để ngay ngắn trên vỏ thùng đạn. Mở sổ tay lấy tấm ảnh Bác Hồ đặt ngay ngắn trên hòn đá cạnh chiếc đèn dầu làm bằng lọ thuốc chống vắt. Bày bốn điếu thuốc lá, 10 cái kẹo, 1 gói trà, 2 hộp thịt, 1 hộp cá trước ảnh Bác Hồ rồi nói với chúng tôi:
          - Gần tối rồi. Mỗi người một tay chuẩn bị đón giao thừa.
          Tôi ra dựng lại chiếc dàn mướp vừa mới bị sập. Tạn sửa lại gian bếp để nấu cơm và rang một ít gạo để làm kẹo, Ước gọt chuối xanh để nấu với  mấy con ốc mà cậu ta bắt được lúc sáng. Quê Ước là vùng chiêm trũng nên rất sành cua ốc. Bài thì nghiền đậu xanh ngâm nước đãi bớt vỏ để tối nay nấu chè và cơm nếp làm xôi đón giao thừa.
          Trời chưa tối hẳn nhưng pháo sáng của địch từ dưới đất bắn lên, từ trên máy bay thả xuống nên trước cửa hang rất sáng.
          - Ăn cơm đã, còn đồ chuẩn bị giao thừa nấu sau. Đói quá rồi - Tạn nói.
          Mọi người dừng tay vì ai cũng rất đói. Bữa cơm hôm nay mỗi người được hai lạng gạo, rau tàu bay luộc chấm với nước thịt hộp và chuối xanh xào ốc. Mùi thơm toả ra làm ai cũng ứa nước miếng.
          Chúng tôi chưa kịp xới cơm ra bát thì nghe tiếng rít trên đầu của máy bay phản lực rồi một loạt bom dậy đất gần sông APơ Lin làm cây khô bốc cháy đỏ rực. Thi chửi:
          - Mẹ cha chúng nó chứ. Nói đình chiến để ăn tết mà cắn suốt ngày chưa chịu thôi.
          Sáu bảy loạt bom tiếp tục rải xuống nổ dậy đất. Bài nói:
- Lúc trưa chúng đã phát hiện ra nơi này còn sự sống nên cố tình huỷ diệt đây.
          Rồi Bài đến quay máy thấy nhẹ tênh:       
          - Mất liên lạc rồi. Chắc dây bị đứt nhiều cả hai phía. Tạn ở nhà để trực máy và chuẩn bị, Tôi và Ước đi về phía Bắc, Hinh và Thi đi về phía Nam. Có cuộn dây nào mang đi hết.
          Chúng tôi lao ra khỏi hang trong ánh sáng mờ của những chiếc đèn dù. Tôi và Thi đi được khoảng 200 mét nơi có mấy hố bom vừa nổ lần theo dây bọc đến chỗ cầu dao. Tôi mắc máy gọi cho C2 trinh sát, C6 pháo cao xạ thấy vẫn ổn. Tôi nói với Thi:
          - Đường dây phía Nam không sao. Ta quay lại hỗ trợ cho anh Bài đi.
 
          Chúng tôi vừa đi được một đoạn thì nghe tiếng rít trên đầu vội nằm rạp xuống
đất. Uỳnh...Uỳnh... Hai quả bom nổ gần cửa hang làm đất đá tung lên rồi rơi 
rào xuống người chúng tôi. Những cành lá khô bốc cháy rần rật. Thi hốt hoảng kêu:
          - Anh ơi! Cậu Tạn.
          Chúng tôi chạy đến cửa hang. Giàn mướp cùng gian bếp đã đổ sập đang bốc cháy. Chúng tôi không quan tâm đến những thức ăn đã chuẩn bị có còn hay không mà vừa kéo cành cây lấp lối vào hang vừa dập lửa vừa gọi to:
          - Tạn ơi! Tạn ơi.
          - Em đây! Các anh có sao không.
          Cậu ta kéo mấy cành cây dẹp sang một bên rồi chạy ra, thở hổn hển nói:
          - Bay hết cả rồi. Em chỉ bê được nồi cơm vào thôi. Bây giờ thì cho em theo với.
          - Được! Còn một cuộn dây Thi mới đưa về hồi chiều mang đi luôn.
          Lúc này không nghe tiếng máy bay nữa. Chúng tôi vượt qua chặng đường ngổn ngang cây cối lẫn đất đá vừa bị bom đào xới đuổi theo Bài và Ước. Khi gặp hai người đang nối dây trên bãi bom vừa nổ. Tôi nói:
          - Thi ở lại hỗ trợ cho anh Bài và Ước nối từ đây xuống sông, còn tôi với Tạn qua sông đến chỗ giáp với trạm 28 nối về. Chúng ta sẽ hội nhau tại sông.
          Mặc cho nước sông giá buốt nhưng không cản được chúng tôi. Chúng tôi vừa đi vừa lo lắng sẽ thiếu dây vì hố bom quá nhiều trên tuyến. Khi vừa đến chỗ giáp ranh với trạm 28 thì thấy ánh đèn pin che nhỏ và có tiếng nói. Tôi hỏi:
          - Anh em trạm 28 đấy à?
          - Chúng tôi đây. Anh Hinh.
          Tôi mừng rỡ:
          - Anh Thế! Anh Kê! May quá. Các anh có dư cuộn dây nào nữa không?
          - Còn nguyên một cuộn. Để chúng tôi cùng làm với các anh.
          Chúng tôi vừa chạy rải dây, vừa thu những đoạn đứt để nối. Một lát sau đến bờ sông thấy ba người ướt lướt thướt vừa từ sông đi lên. Sau khi thử máy thấy các tuyến đã thông. Bài nói:
          - Cám ơn các anh trạm 28. Chúng ta đã thông tuyến.
          Chợt có tiếng chuông đổ giòn. Bài cầm lấy ông nghe rồi nói với mọi người:
          - Tổng đài chúc mừng năm mới đến hai trạm 28 và 29 chúng ta đấy.
          Anh Thế  nói:
          - Cả nước đang đón giao thừa mà địch trút bom đạn xuống để hòng huỷ diệt sự sống của khu rừng này. Nhưng chúng ta vẫn sống, tuyến thông tin vẫn thông. Ngày mai chúng ta củng cố tuyến dây trần này để cho những trận đánh tiêu diệt chúng.
          Trước lúc chia tay, chúng tôi nắm tay nhau cùng nói:
          - Chúc mừng năm mới.
                                                                   12 tháng 7 năm 2018
                                                                
                                                                   Nguyễn Đông Thành
 

                                                         

                                                Nguyễn Đông Thành
                                       
                      (Thôn 1. xã Quỳnh Mỹ - Quỳnh Lưu - Nghệ An.  ĐT: 0904766650)
tin tức liên quan