CÔ GIÁO CỦA TÔI
Mái trường xưa, nơi lưu giữ bao kỷ niệm thân thương của tuổi học trò. Đó là ngôi nhà thứ hai nơi ghi dấu ấn một thời khắc cốt, ghi xương của cuộc đời mỗi con người. Mái trường xưa, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em; cùng nhau gắn bó yêu thương như ruột thịt trong môi trường dạy - học, sáng tạo nên sản phẩm văn hóa cô - trò đầy tính nhân văn, với những kỷ niệm khó phai mờ.
Tuổi thơ cắp sách đến trường, chắc hẳn ai cũng có trong mình một hành trang ký ức tràn đầy ấn tượng sâu sắc về những người thầy, cô đã dày công dạy dỗ ta nên người. Nhưng có một điều chắc chắn rằng cung bậc tình cảm với từng thầy cô sẽ khác nhau, và sẽ có một người thầy (cô) đã để lại cho ta ấn tượng đẹp đẽ nhất mà dù năm tháng có dài bao nhiêu cũng không thể bào mòn được. Có thể, đó là người để lại cho ta vốn sống suốt đời hoặc là đã vực ta đứng dậy từ những sai lầm, hay đã cho ta kinh nghiệm để biết vươn lên trong hoàn cảnh… đơn giản hơn đó là phương pháp giảng bài truyền cảm mà ta không sao quên được.
Tôi cũng vậy, đã tròn 40 năm rồi từ ngày lần đầu tiên gặp cô cho đến suốt ba năm học cấp 3, cô Hoan dạy văn là người mà tôi luôn nhớ nhiều nhất. Ngày đó, tôi 15 tuổi hình tượng của cô trong tôi thật đẹp. Cô có mái tóc đen dài bóng mượt được cặp gọn gàng, luôn ăn mặc giản dị, dáng đi khoan thai, nhẹ nhàng; lễ chào cờ hoặc có sự kiện đặc biệt của Nhà trường cô mặc áo dài thướt tha rất lộng lẫy. Với tôi, cô luôn là cô giáo bước ra từ trong giấc mơ của câu chuyện cổ tích.
Ngày đầu gặp gỡ, cô bước vào lớp đầy tự tin, cô chào cả lớp với lời chào thân thiện: “Cô thân ái chào các em, mời các em ngồi xuống!”. Tôi phát hiện ngay rằng cô có giọng nói thanh thanh, rõ và có khả năng cảm hóa, thu hút người nghe. Quả thật đúng vậy, suốt những năm tháng học cô Hoan chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy buồn chán với tiết văn, cho dù đó là tiết cuối buổi, cuối tuần. Cô cũng giới thiệu thêm về đời tư, về ước mơ, về những khó khăn cô đã vượt lên và cả những câu chuyện hài hước, rất văn học nữa. Cô nói rằng người yêu cô là bộ đội đã trải qua chiến trường và giờ đang ở chiến trường, lúc đó với tôi cô thật vĩ đại. Tôi như nuốt lấy từng câu thơ cô đọc khi giảng về hình ảnh anh giải phóng quân: “Kính cháo anh con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang bất khuất trên đời hoặc “Kỳ hộ lưng nhau bên bờ cát trắng/ Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa”...
Bây giờ tôi đã trưởng thành, mỗi dịp nhớ về cô tôi luôn mường tượng ra sự ân cần, nhẹ nhàng, dạy dỗ chỉ bảo tận tình, sự nhiệt huyết vì thế hệ trẻ. Cô lắng đọng trong tôi những điều tốt đẹp có lẽ cũng vì sự tiên đoán của cô về tôi gần như chính xác trong suốt hơn 36 năm tôi bước vào cuộc đời. Có lẽ vì cô luôn có cách lôi kéo chúng tôi hấp dẫn theo lời giảng, theo nội dung bài học. Ngày đó chủ yếu giảng theo phương pháp truyền thống, cô luôn thể hiện đúng tư cách của một nhà giáo, trong bài giảng có định hướng tư tưởng, đạo đức; đồng thời cô không quên bỏ vào đó một chút cái tôi, để hình thành nhân cách cá nhân riêng và để học sinh có thể nhớ về cô mãi mãi. Vào lớp 8, tôi tập tò làm thơ, tôi chẳng nhớ ngày đó mình đã viết gì nhưng lời cô nói thì tôi nhớ mãi: “Em có cảm thụ văn học tốt và có khả năng làm thơ!”, lúc đó tôi có chút tự hào, đặc biệt tin lời cô nói là sự thật.
Tôi say sưa khi lớp làm báo tường, tôi năng nổ khi vào bộ đội là cây thơ của đại đội, tiểu đoàn… Sang nước bạn làm thơ gửi về quê cho bố mẹ, người thân có rất nhiều thơ. Ai cũng khen hay, khen lạc quan… làm tôi vô cùng phấn chấn. Cả cuộc đời lính tôi viết hàng nghìn bài thơ, đủ các thể loại, viết hàng trăm tin, phóng sự, truyện ký… Lúc đầu tôi viết để tôi đọc, tôi viết để đăng báo tường của lớp, của chi đoàn, đại đội. Sau này, có cô bạn làm phóng viên nói rằng: - Thơ bạn hay nên gửi báo!. Thế là tôi được lên báo, đủ cả báo trung ương, địa phương, các tờ tin nhỏ… tôi gửi bài và được đăng đều đều. Tham gia nhiều cuộc thi sáng tác văn học có giải, có cả giải nhất cấp tỉnh. Tôi mua máy tính, máy ảnh, điện thoại thông minh, tham gia hội thảo và bây giờ về hưu là hội viên hội văn học của một số địa phương, tổ chức. Điều tôi có bây giờ là lời nói của cô Hoan: “Em có cảm nhận văn học tốt và có khả năng làm thơ!” và hình tượng cô giáo dạy văn năm xưa vẫn luôn ở bên tôi trong mỗi bài thơ, trang viết.
Hiến chương Nhà giáo năm nay, 20/11/2018, cũng như mọi năm, tôi trân trọng gửi về cô lời biết ơn, tri ân sâu sắc. Cảm ơn những tiết văn của cô đã lại truyền lại cho tôi niềm cảm hứng. Bây giờ tôi đã về hưu, hoàn thành nhiệm vụ của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”; vâng lời cô tôi vẫn tiếp tục viết, viết những cái mang lại lợi ích cho đời, mang lại lợi ích cho xã hội. Cô như là người đang đang đứng trên bục giảng, thổi hồn vào từng câu, từng chữ của tôi. Với tôi, cô Hoan như là ngọn lửa tri thức bùng cháy dạy tôi cách làm người biết yêu thương cuộc sống, nhân hậu với cả những con người chưa từng gặp mà chỉ biết qua từng trang viết, qua lời kể chuyện.
Bây giờ nếu được nói với cô, tôi sẽ nói rằng: - Thưa cô! Giờ đây em biết cô đã có phần già yếu, mang nhiều thứ bệnh. Ở xa không về thăm cô được em viết mấy dòng này thay cho món quà gửi đến cô, thể hiện tấm lòng tri ân của cậu học trò năm xưa cô nhé. Cô ơi! Em đang cảm nhận từng ngày trọn vẹn khi còn là học sinh của cô dưới mái Trường cấp ba Trần Phú thân yêu.
Cô giáo của tôi cũng bình dị như bao nhiêu thầy cô khác trên khắp mọi miền nước; và có lẽ đến ngày nhắm mắt, xuôi tay, tôi không thể nào quên những kỉ niệm thời áo trắng bên bạn bè, cùng hình ảnh những thầy cô miệt mài bên giáo án. Người đã truyền dạy cho tôi bao tri thức, nhiều ước mơ và hi vọng và đã cùng tôi đồng hành suốt cả cuộc đời.
Xin cảm ơn thầy cô đã nâng bước cho chúng em vươn tới!
Nguyễn Bá Thuyết, trân trọng!.
Phú Yên, Ngày 05/11/2018
Nguyễn Bá Thuyết
TT: 67 Nguyễn Văn Cừ, phường 7, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên
ĐT: 0944 258 548