“Hành khúc ngày và đêm” - Nguồn cảm hứng cho: “ Con số 20 đỏ màu hoa Phượng” - Phạm Sinh
“HÀNH KHÚC NGÀY VÀ ĐÊM”
NGUỒN CẢM HỨNG CHO: “ CON SỐ 20 ĐỎ MÀU HOA PHƯỢNG”
Nói đến những ca khúc Cách mạng chúng ta không thể không nhắc đến bài hát “ Hành khúc ngày và đêm “ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là người con của quê hương Đà Nẵng, trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Âm nhạc của ông có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc. Trong quá trình sáng tác, nổi bật là trong kháng chiến chống Mỹ, trái tim ông gắn liền với mọi niềm vui, nỗi buồn của cuộc chiến tranh giữ nước. Ông không chỉ thành công với những hành khúc mà viết về tình yêu tác phẩm của ông cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng yêu âm nhạc.
Bài hát “ Hành khúc ngày và đêm “ viết về tình yêu đôi lứa trong những ngày khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đoạn đầu của bài hát là những giai điệu trữ tình, sâu lắng “ Rất dài và rất xa. Là những ngày thương nhớ. Nơi cháy lên ngọn lửa. Là trái tim thương yêu. Là trái tim yêu thương” . Những lời ca ấy đã diễn tả nỗi nhớ dằng dặc, nỗi nhớ tha thiết của cả anh và em. Và dường như trong nỗi nhớ da diết của tình yêu thương ấy đã cháy lên ngọn lửa căm thù. Để rồi từ giai điệu ngọt ngào sâu lắng đó, tác giả đã chuyển sang tiết tấu hành khúc “ Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch. Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran…” Đây là đoạn có nhịp điệu trầm hùng, dứt khoát như bước hành quân của người lính trên đường ra trận. Tuy nhiên trong đoạn có tiết tấu hành khúc mạnh mẽ, dứt khoát đó vẫn ánh lên những hình ảnh rất gần gũi, thân thương “ Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ. Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào”. Một sự so sánh tưởng rất thật mà cũng rất nên thơ. Nỗi nhớ em, nỗi thao thức vì quê hương đất nước mà mắt anh không ngủ. Ánh mắt anh ngời sáng, long lanh như những ánh sao đêm. Ở hậu phương em vẫn miệt mài bên trang giáo án, em vẫn dõi theo những bước hành quân vất vả nơi chiến trường. Vẫn trong mạch cảm xúc ấy, nhạc sĩ đã tạo nên hai hình ảnh “ Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ. Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ ” Nhớ về nhau nhưng họ đều không quên nhiệm vụ. Anh vẫn cầm chắc súng để bảo vệ Tổ quốc. Ở quê nhà em vẫn bám trụ bục giảng thân thương. Tác giả đã mượn sự đối lập giữa “ lên đồi cao/ dưới hầm sâu “ để nói lên ý chí, quyết tâm của anh và em đó là vừa chiến đấu vừa xây dựng quê hương, đất nước.
Bài hát kết thúc vẫn giai điệu hành khúc nhưng chậm rãi, sâu lắng hơn :“ Ngày đêm ta bên nhau những năm dài chiến đấu. Đêm ngày trong chiến đấu anh với em sống vẫn gần nhau”. Trong cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt ấy, dù xa nhau nhưng anh và em luôn mãi bên nhau. Vì tình yêu của họ đã hoà vào tình yêu đất nước.
Khúc ca “ Hành khúc ngày và đêm “ của Phan Huỳnh Điểu viết về người lính và người giáo viên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hai hình ảnh rất đẹp, rất cảm động của bài hát “ Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ. Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ” gợi ta nhớ đến những lớp học dưới hầm sâu, dưới mưa bom bão đạn kẻ thù. Và những hình ảnh đó còn gợi lên trong ta những suy nghĩ sâu sắc về trách nhiệm của người thầy trong cuộc sống hôm nay - Những người đang được giảng dạy trong những ngôi trường khang trang, những thiết bị dạy học hiện đại lại càng rất cần những người thầy năng lực và giàu tâm huyết để xứng đáng là “ người kĩ sư tâm hồn”, là người đi gieo những mầm xanh cho tương lai, cho Tổ quốc.
Bấy lâu rồi ca khúc “ Hành khúc ngày và đêm” đã “ám ảnh” trong tôi. Tôi mến mộ Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu bởi mến mộ “ Hành khúc ngày và đêm”… Còn hôm nay - Một cảm xúc đồng điệu về ca khúc này lại được “thăng hoa” đến với tôi khi sáng nay tôi trong vai một đại biểu về dự Hội trại nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) do một Trường Tiểu học địa phương tổ chức, tại đây trong chương trình Văn nghệ một cô giáo có tên Ngọc Hiền đã hát “ Hành khúc ngày và đêm” - Có lẽ Cô giáo Ngọc Hiền hát bài hát này phần là dành tặng cho một số bạn đồng nghiệp của mình có chồng là Bộ đội đang ngày đêm tham gia bảo vệ Biên giới, hải đảo và phần dành cho chính mình bởi trước khi hát cô tự bạch rằng: Đã hơn chục năm rồi chưa một lần cô được ở bên chồng để được người chồng thương yêu của cô trực tiếp tặng hoa chúc mừng trong cái ngày mà cả nước trân trọng vinh danh những “chiến sỹ văn hóa” này… Và rồi: “ Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ. Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào” lại gieo vào lòng tôi và ánh lên những hình ảnh rất gần gũi, thân thương đến lạ.
Thế đấy - “ Hành khúc ngày và đêm” được hóa thân từ những chiến sỹ nơi trận mạc và những người yêu, những người vợ hiền của họ là những Cô giáo ở hậu phương … Cô giáo Ngọc Hiền và những bạn đồng nghiệp kia của cô là một trong số người chấp nhận cái hoàn cảnh ấy…
Trước một bối cảnh “rất thời sự” này chợt trong tôi trào dâng xúc cảm về ngày 20 tháng 11 để rồi ngay lập tức tôi đã “tốc ký” đôi vần mang tựa đề “Con số 20 đỏ màu hoa Phượng” và tôi đã lấy đấy làm món quà tặng Cô giáo Ngọc Hiền và những bạn đồng nghiệp của cô ngay trong buổi hội trại sáng nay.
Phạm Sinh
CON SỐ HAI MƯƠI ĐỎ MÀU HOA PHƯỢNG
Ở điểm cao này không một cánh sao rơi
Chỉ có tiếng “tắc kè” râm ran qua nỗi nhớ
Chỉ nghe xa xa tiếng thác rung, nước đổ
Nghe bên mình nặng hạt sương rơi
Anh đứng nơi đây biết mấy đêm rồi
Căng mắt, xuyên sương anh nhìn về Biên giới
Phút mơ màng qua làn gió thổi
Nghĩ về em đêm ấy - Đêm nay…
Anh giật mình mà quyển lịch cầm tay
Con số hai mươi (20) đỏ màu hoa Phượng nở
Con số hai mươi gợi cho anh nỗi nhớ
Nỗi nhớ trong anh đã thành những giấc mơ
Nơi ngoại ô đêm nay chắc hẳn có đêm thơ
Hẳn có em đôi mắt nhìn bỡ ngỡ
Giữa rừng hoa và cờ giăng rực rỡ
Em ngỡ ngàng vắng bóng hoa anh
Không, không phải em ơi! Anh đâu dám vô tình
Anh vẫn thấy em trong từng trận đánh
Khi xung phong anh thấy em bên cạnh
Mắt em nhìn rực cháy lửa tình yêu
Trời Biên cương sương dù đặc bao nhiêu
Anh vẫn thấy dáng hình em ở đó
Khẽ trong gió thì thầm anh hỏi nhỏ
Đến bao giờ mới được gặp em yêu?