Đi qua chiến tranh - tập thơ của Lê Trung Khiên

Ngày đăng: 08:24 07/12/2018 Lượt xem: 3.038
"ĐI QUA CHIẾN TRANH" - TẬP THƠ MỚI CỦA LÊ TRUNG KHIÊN


 
 
     Đầu tháng 12 - 2018 này Nhà thơ Lê Trung Khiên - Hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, Công tác viên thân thiết của Trang báo điện tử và Bản tin Trường Sơn đã cho ra mắt tập thơ đầu tay "Đi qua chiến tranh' của anh sau hơn 50 năm yêu mến thơ và làm thơ như một nhu cầu, như một tình yêu.


 
LÊ TRUNG KHIÊN
Năm sinh 1947
Điện thoại:  0912 384 909
Nguyên quán: Xã Quý Lộc, huyện Yên Định, Thanh Hóa
Trú quán:  Khu 5, thị trấn Quán Lào, Yên Định, Thanh Hóa
Hội viên Hội văn học Nghệ thuật Trường Sơn
Hội viên Câu lạc bộ Thơ Nhạc Việt
Tham gia quân đội từ 1/1966 – 10/1974 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn
Cử nhân lịch sử. Thạc sỹ Kinh tế
Anh nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Định - Chủ tịch Danh dự Hội TS Yên Định - Chủ tịch Hội Khuyến học của huyện Yên Định, Thanh Hóa.
Giải 3 cuộc thi thơ “Ký ức Trường Sơn” Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, 2014 với bài thơ “Đêm Trường Sơn”.
    Lê Trung Khiên đã có nhiếu thơ in trên ấn phẩm của Hội Trường Sơn Việt Nam, CLB Thơ Nhạc Việt và tỉnh Thanh Hóa.
    Trong bản trường ca bất diệt của đường Trường Sơn thì đường 20 Quyết Thắng là một trong những chương hào hùng và bi tráng. Chiều dài con đường 123 km từ làng Phong Nha, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đến ngả ba Lùm Bùm trên đất bạn Lào. Sau 3 tháng thi công với sự tham gia của trên 8.000 bộ đội, thanh niên xung phong, ngày 19/5/1966 những chuyến xe đầu tiên của Binh trạm 14 vượt Trường Sơn qua đường 20 Quyết Thắng đưa hàng vào chiến trường miền Nam.
          Để ngăn chặn, cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này, Đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá vô cùng ác liệt với nhiều loại máy bay, bom mìn, khí tài quân sự hiện đại. Nhiều trọng điểm đã trở thành “tọa độ lửa”, “sa mạc lửa”, “cửa tử” như Xuân Sơn, Trà Ang, Cà Roòng, Dốc 68, Cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Chà Là v.v…Nhưng trong mưa bom, bão đạn các chiến sỹ đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh với ý chí “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Sau Hiệp định Pa Ri ký kết, trong chuyến thị sát chiến trường, đến Đường 20 Quyết Thắng ngày 15/3/1973, tại đèo Phu La Nhích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sỹ và thanh niên xung phong làm nên”.
          Là người đã gắn bó từ những ngày đầu đến cuối cuộc chiến trên tuyến đường này, Lê Trung Khiên đã chứng kiến bản hùng ca bất diệt trên đường 20 Quyết Thắng và ghi lại bằng những vần thơ chân thực, giàu cảm xúc phản ánh cuộc sống, chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong trong cuộc đối đầu với kẻ thù. Đã có nhiều người viết về Trường Sơn trong thời kỳ chiến tranh với những bài thơ mãi mãi “đi cùng năm tháng”, nhưng khi đọc thơ Lê Trung Khiên chúng ta vẫn tìm  thấy những điều mới lạ và với con mắt quan sát tinh tế của người trong cuộc, tác giải đã viết nên những vần thơ giàu cảm xúc: … Từ trong đêm/Những đoàn xe nối đuôi nhau tấp nập/Vượt qua trọng điểm đầy bom/Xe vận tải buông bạt phủ kín/Tiếng ì ầm kéo dài suốt đêm/Đoàn xe xích kéo pháo ngân rền/Tiếng ầm ầm dội vào vách đá/ Từ trong đêm/ Vang lên tiếng cười rất lạ/Tiểu đội nữ thanh niên xung phong/ Trực chiến thông đường/ Trên trời cao vọng xuống yếu hơn/Là tiếng máy bay trinh sát…( Đêm Trường Sơn). Khi đọc trường ca Đường 20 Quyết Thắng và cả tập thơ, mỗi người lính Trường Sơn như được sống lại một thời hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.  Ngay cả sau khi rời Trường Sơn về Hà Nội học 9 năm liên tục (từ 1975- 1983), anh vẫn đau đáu nhớ về Trường Sơn: Tháng tám Hà Nội mưa tuôn xối xả/Nhớ Trường Sơn những tháng mùa mưa/Thương em gái bám đường gian lao vất vả/Lấp hố bom ngủ hầm dột chống lầy…(Từ Hà Nội nhớ Trường Sơn). Những ký ức về chiến tranh, về những địa danh, con người, nơi anh đã đi qua  đều để lại trong anh những bài thơ hay tri ân đồng đội, nhân dân: Hang tám cô tỏa ngát hương/Trà Ang ngược suối tìm đường xăng lên/Dốc Ba Thang, dốc Đồng Tiền/Xe vào hộ tống hai bên em chờ (Nhớ đường). Đọc những bài thơ viết về quê hương cũng đậm chất trữ tình khi xa quê lên đường vào chiến trường đánh Mỹ: …Hành quân vượt dẫy Trường Sơn/Chiến trường năm tháng, đạn bom dạn dày/Ngày về lối cũ còn đây/Ngõ nhà vắng bóng ai hay chuyện tình (Lối cũ).
     Lê Trung Khiên làm thơ từ những ngày đầu nhập ngũ (2/1966) đến nay đã hơn 50 năm nhưng chưa bao giờ xuất bản một tập thơ nào; trong “kho thơ” của anh có tới dăm, sáu trăm bài. Tập thơ “Đi qua chiến tranh” anh chọn in dịp này là để chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019) và tri ân đồng đội nhân sự kiện đầy ý nghĩa này. Tập thơ tuy còn có những hạn chế nhưng chắc chắn bạn đọc sẽ thông cảm với người cựu chiến một thời trai trẻ, bom đạn gắn với Trường Sơn. Kỳ vọng trong hành trình sắp tới là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn, Hội viên Câu lạc bộ thơ NHẠC VIỆT, Uỷ viên Thường vụ Hội những người yêu thơ tỉnh Thanh Hóa, tác giả Lê Trung Khiên sẽ có nhiều sáng tác mới góp phần vào sự phát triển của Hội VHNT Trường Sơn và thơ ca Xứ Thanh.
     Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn trân trọng giới thiệu tập thơ “Đi qua chiến tranh” cùng bạn đọc.

NB-NV Phạm Thành Long
               

tin tức liên quan