Cuộc chiến phía sau ngày toàn thắng, Dự thi Hào khí Trường Sơn của Đại tá Hoàng Văn Kính
Dự cuộc thi Hào khí Trường Sơn
CUỘC CHIẾN PHÍA SAU NGÀY TOÀN THẮNG
(Viết về đồng đội CCB Nguyễn Hữu Việt)
Phía sau tiếng bom là tiếng lòng
Cuộc chiến mới trên trận địa mới.
Gian nan, vất vả không chùn bước
Vươn tới ước mơ thoát đói nghèo.
Sau Hiệp định Pa-ri, mùa mưa năm 1973 ông được đơn vị cho đi phép 21 ngày. Chiều lòng các cụ với lại cũng chẳng biết khi nào đất nước thống nhất, ông gật đầu lấy vợ. Cuộc sống vợ chông chưa kịp bén hơi đã lại vội vã ba lô lên đường trả phép. Trước khi đi ông dặn vợ:
-Nếu em có bầu đẻ con dù trai hay gái cũng đặt tên con là Toàn – Với ngụ ý sau này có thêm đứa nữa thì đặt tên là Thắng, Toàn -Thắng.
Cuối năm 1975 được xuất ngũ. Vừa tới đầu làng ông nhận 2 cái tin buồn và 1 tin vui. Tin buồn là bố ông đã qua đời trong một vụ tai nạn sập lò gạch. Gần một năm sau phần vì thương nhớ chồng, lại lâm bệnh nặng nên bà cũng đi theo về với tiên tổ. Còn tin vui là ông đã có con, một bé trai kháu khỉnh.
Chẳng mấy chốc vợ ông lại mang bầu, có thêm cậu con trai thứ hai, thế là toại nguyện Toàn-Thắng.
Thằng Thắng chưa được đầy tháng thì vợ ông bị hậu sản cũng qua đời. Trước khi nhắm mắt, bà dặn ông trong hơi thở yếu ớt: Anh gắng chăm sóc, nuôi dậy 2 con cho bằng người. Dưới suối vàng em sẽ phù hộ cho bố con anh.
Nặng tình với người vợ xấu số, ông thề ở vậy nuôi con.
Tay phải làm cha, tay trái làm mẹ. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền luôn đè lên đôi vai gầy còm, tối mắt xoay xở với 2 đứa con thơ dưới mái nhà dột nát. Thằng anh lúc bé bụ bẫm xinh xắn là thế, càng lớn tâm thần nó càng được không bình thường, ôm đau, quặt quẹo. Thời kì đầu thằng em còn được ăn sữa đặc nhưng rồi có chút tiền dành dụm cũng hết. Nghe tin làng trên xóm dưới ở đâu có người mới sinh con ông lại lọc cọc cái xe đạp chẳng quản mưa nắng xa xôi đến tận nơi xin sữa. Người cho, người không nhưng trong hoàn cảnh này chỉ vài chục CC cũng quý lắm rồi.
Được cái ông bà ăn ở tốt bụng nên bà con lối xóm ai cũng quý mến. Người cho cân đường hộp sữa, người giúp cân gạo, lạng thịt cùng với 2 sào ruộng, 1 sào vườn, 3 cha con ông dựa vào đấy lay lắt sống qua ngày.
Là cựu TNXP Huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình, ông tham gia mở đường Trường Sơn ngay từ những ngày đầu. Quãng thời gian ở Trường Sơn luôn là niềm tự hào trong ông. Nếu có ai hỏi ông ở chiến trường nào, ông bảo: Ở chiến trường Trường Sơn. Mỗi câu chuyện ông kể về thời kì đó bao giờ cũng bắt đầu bằng câu: Hồi ấy ở Trường Sơn…
Hồi ấy ở Trường Sơn, cả Trung đội chúng tôi đang mở rộng 1 khúc cua gần ngầm A-ki thì bỗng đâu chiếc AC130 to như cái thuyền, bay xà xuống ngọn cây phun ra một lớp sương mù dầy đặc. Lớp sương mù ấy thấm vào quần áo tạo cảm giác lạnh lạnh, không ai biết nó là cái gì. Rồi mọi việc cũng qua đi. Tuổi trẻ vô tư lại hăm hở lao vào công việc. Một thời gian sau sức khỏe bị giảm sút rõ rệt nhưng lại đổ lỗi cho sốt rét rừng. Tháng nào chả 1-2 trận. Mãi sau mới biết cái thứ sương mù ấy là chất độc Da cam-Đioxin. Nó mới là thủ phạm chính hủy hoại sức khỏe tôi và đồng đội.
Hồi ấy ở Trường Sơn, tôi bị một trận sốt rét ác tính tưởng không qua khỏi. 5 ngày nằm mê man ở đội phẫu Tiểu đoàn, đơn vị đã chuẩn bị áo quan sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Đến lúc qua khỏi cơn hiểm nghèo mới biết trong xuốt 5 ngày đêm ấy đồng đội đã thay phiên nhau túc trực sãn sàng tiếp máu để cứu tôi. Sống được đến bây giờ cũng nhờ dòng máu của đồng đội trong cơ thể. Trong số ấy, có người đã hy sinh mà tôi chưa biết mặt, không biết tên, chưa kịp nói một lời cảm ơn.
Hồi ấy cuối mùa khô 1972, Tiểu đội tôi đang dàn hàng ngang làm cọc tiêu chỉ dẫn cho xe qua ngầm Ta-lê bỗng quả bom nổ chậm máy bay Mĩ mới thả lúc chiều phát nổ. Sóng nước dềng lên xô cả hàng cọc tiêu sống xuống hạ lưu. Hơn 100m vật lộn, uống no bụng nước, bị đất đá bầm dập may mà tất cả đều sống sót…
Hồi ấy ở Trường Sơn…
Một mình lủi thủi. Đi đâu thì gửi con hàng xóm. Ngoài việc đồng áng, ông còn cố tranh thủ làm thêm. Cũng chỉ quanh quẩn trong làng thôi. Chẳng từ việc gì, miễn là công việc chính đáng và kiếm được nhiều tiền. Ông đi mổ lợn thuê, mỗi con chủ lò trả công cho 20.000đ. Làm được hơn tháng nghe người ta bảo cái nghề sát sinh ấy không có hậu thế là ông bỏ luôn. Ông đi cắt cỏ thuê được trả công 10.000đ một gánh. Rồi lang thang khắp đầu đường, xó chợ lượm ve chai. Đến vụ ông đi cầy thuê. Lúc nông nhàn xoay sang làm phụ hồ cho một đứa cháu. Một hôm trời nắng nóng, lại đói bụng ông bị hoa mắt, loạng choạng thế nào, cả xô vữa rơi vào cẳng chân phải bó bột.
Cái nghèo đồng hành với cái khổ. Quá mệt mỏi đã có lúc ông nghĩ quẩn: thôi phó mặc cho số phận. Nhưng rồi những lời trăn trối của người vợ quá cố, tình nghĩa của đồng đội lúc ông lâm bệnh, 2 đứa con còn thơ dại lại thôi thúc ông gượng dậy. Hồi ấy ở Trường sơn đói khổ, vất vả, hy sinh là vậy mà còn không đầu hàng, huống hồ bây giờ…Bản chất không khuất phục của người lính Trường Sơn lại trỗi dậy trong ông.
Ốm đau thì đành chịu chứ khỏe lên một chút là ông lại lao đi tìm cách kiếm tiền.
Thấm thía câu : “ Năng nhặt chặt bị”, mọi thú đam mề thời còn trai trẻ như: thuốc lá, thuốc lào, rượu…ông bỏ hết. Đỡ phiền hà, mất thời gian lại tiết kiệm được một khoản chi.
Thấy hoàn cảnh ông quá khó khăn, một hôm được Chi hội CCB giới thiệu có đoàn từ thiện đến thăm. Họ biếu ông ít quà và một con bò cái sắp đến kì động đực làm giống. Họ còn tặng sách và hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc bò.
Món quà ông chưa bao giờ dám mơ tới, quý hơn cả vàng.
Cả đêm trăn trở, không sao ngủ được ông miên man nghĩ cách thoát nghèo từ con bò giống này. Dù chỉ là những phác thảo sơ khai, nhưng đây là cơ hội ngàn vàng phải nắm lấy để vươn lên.
Ngày hôm sau, hàng xóm người giúp cây tre, mấy tấm lợp, vài tấm phên, người sang giúp công. Ông ngả mấy cây xoan trong vườn dựng cái chuồng chắc chăn. Chiều nào ông cũng mang về gánh cỏ đầy cho bò ăn đêm. Ban ngày đi làm thì giao cho thằng lớn chăn dắt. Đêm đến chiếu đèn ông xăm soi, vuốt ve, tỉ mỉ tìm bắt từng cái trứng, từng con rệp, con ve, vừa thủ thỉ như tâm sự với người tri kỉ. Những ngày đông giá lạnh ông che chắn chuồng trại cẩn thận, hun trấu, dùng bao tải làm áo chống rét cho bò.
Ông chăm nó chẳng khác gì con đẻ.
Hai đứa con ông. Thằng Toàn chẳng may bị di chứng chất độc Da cam-Điôxin từ ông chuyền sang, có lớn mà chẳng có khôn, người nó cứ lơ ngơ, chân tay loàng ngoằng không được như con người ta. 3 năm không qua nổi lớp 2 ông đành để thất học, ở nhà chăn bò, sai vặt. Đến thằng Thắng thì trời thương ông, may mắn nó chẳng việc gì, đói khổ thế mà cứ lớn như thổi. Ngoan ngoãn lại học giỏi nữa chứ. Nó là niềm tự hào, nguồn khích lệ để ông vươn lên.
Một hôm có người cùng làng đánh tiếng, mai mối thằng Cả cho cháu họ bà ta. Cô này hơn thằng Toàn 3 tuổi. Người thì đen đủi, xấu xí, vụng tay vụng chân nhưng được cái hiền lành, to khỏe. Ông tặc lưỡi: Còn kén chọn gì nữa, người ngợm con mình như vậy có đứa chịu lấy làm chồng là nhà có phúc rồi.
Thời kì đầu với vài con bò, mình ông xuốt ngày lọ mọ đầu ruộng, rìa ao cắt cỏ ngày vài chuyến là đủ cho chúng ăn. Nhưng rồi đàn bò ngày càng sinh xôi, cỏ cắt nhiều cũng không kịp mọc, ông thấy cách làm ăn như vậy không ổn. Có thêm lao động ông bàn với các con cải tạo lại mảnh vườn trồng ngô. Còn 2 sào ruộng ông cũng đổi nốt lấy thửa cao hơn trồng cỏ. Ông tính với gần chục con cả bê lẫn bò rồi đến cuối năm chắc còn thêm nữa dù mưa rét vẫn đủ cho chúng ăn.
Nghe người ta mách, ông lặn lội lên tận Ba Vì tìm giông cỏ tốt. Dứt ra 4 ngày, khăn gói vào tận Con Cuông, Nghệ An học kĩ thuật trồng ngô và ủ bắp, kinh nghiệm ủ chua cây cỏ cao lương làm thức ăn cho bò. Rồi ông đi tập huấn lớp thú y trên Huyện, kết hợp với kinh nghiệm dân gian thế là ông làm chủ được quy trình chăn nuôi.
Mọi thứ dần dà đi vào quy củ.
Nhớ lại cái lần con bò giống đẻ lứa đầu tiên. Ông chong đèn ngồi canh thâu đêm, ai bảo gì cũng làm theo. Khi con bê cái ra đời khỏe khoắn, ông đi khoe khắp làng. Ai cũng khen ông mát tay. Lúc nó được 9 tháng tuổi có người hỏi mua trả 12 triệu, một món tiền quá lớn. Cũng nhiều người góp ý nên bán đi để lợp lại cái nhà, chăm lo cho con cái. Nhưng ông lại nghĩ khác: cả đời mình đã khổ rồi, con cái cũng đã quen với cuộc sống thiếu thốn, chịu đựng thêm vài năm nữa cũng không sao.
Thế là ông quyết tâm để lại với tính toán chỉ sang năm ông sẽ có thêm 2 bê nữa.
Nhưng “ Người tính không bằng trời tính”sự cố lại xẩy ra. 2 con bò đang khỏe, bụng chửa to tướng bỗng dưng 1 con xẩy thai. Ông bị một phen lo sốt vó. Chẳng may cả 2 con cùng quay đơ ra chết thì đời ông lại…nghĩ đến cái viễn cảnh ấy ông sợ toát cả mồ hôi hột. Mời thú y đến khám, họ kết luận nó bị bệnh xoắn khuẩn. Ông ân hận vì tiếc mấy chục bạc mà không tiêm phòng đầy đủ. Cũng từ đấy ông rút ra được một bài học nằm lòng: Phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ hướng dẫn trong quá trình chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế độ dinh dưỡng cho bò chửa và tiêm phòng theo quy định.
Khi đàn bò đã lên đến 5 con, ông mới quyết định bán đi một con được 18 triệu để trang trải nhà cửa. Và cứ như thế năm này qua năm khác đàn bò của ông tăng lên theo cấp số nhân. Hễ có công to, việc lớn là ông lại bán đi 1-2 con để lo chuyện. Có năm ống bán cả chục con xây ngôi nhà khang trang, bề thế thuộc loại nhất nhì Thôn.
Cùng với cô con dâu ông phải thuê thêm 2 người nữa chuyên để chăn dắt, vệ sinh chuồng trại, cắt cỏ cho bò. Vùa giúp mình cũng là để giúp người.
Cứ đà này chỉ vài năm nữa đàn bò của ông sẽ lên đến vài chục con. Thấy việc làm ăn đang thuộn buồm, xuôi gió, ông dự định bán đi một phần lấy tiền đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, nhưng các con ông can lại. Thằng Út bàn:
-Sắp tới con tốt nghiệp đại học, đã có một công ty của Nhật đến tận trường mời làm việc, thu nhập cũng khá, bố không phải lo cho con. Nhà mình đã thoát nghèo, anh chị và các cháu đã có nhà cửa đàng hoàng. Bố đã lớn tuổi rồi, xuốt cuộc đời hy sinh, vất vả nuôi dậy chúng con. Tằn tiện, lam lũ để có được cái cơ ngơi như ngày hôm nay. Đã đến lúc bố phải nghỉ để dưỡng bệnh, chăm lo cho bản thân. Theo con đàn bò nhà mình nên giữ ở quy mô vừa phải khoảng 20 con vừa sức để anh chị chăm nom.
Cô con dâu cũng nói: nhà mình bây giờ chẳng thiếu thốn gì cả. tất cả là nhờ công sức của bố. Bố cứ nghỉ đi rồi chỉ bảo cho chúng con, còn đàn bò bố cứ để cho con chăm
.
Ông thấy các con nói cũng phải.
Có chút của ăn, của để ông luôn biết ơn tấm lòng thơm thảo của nhà từ thiện đã cho ông một cơ hội vàng để từ đấy ông bước trên con đường thoát nghèo. Cuộc chiến mới tuy không có bom đạn nhưng đâu kém phần gian nan, vất vả, mồ hôi, công sức và cả sự hy sinh thầm lạng nữa.
Từ kinh nghiệm bản thân, ông mạnh dạn đề xuất với BCH Cựu chiến binh Xã hỗ trợ cho 5 gia đình hội viên cuối cùng của Hội chưa thoát nghèo. Cũng có ý kiến tư vấn nên hỗ trợ bằng tiền mặt để họ tự lo theo quan niệm “ Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhưng ông lại có dự định khác, cho mỗi gia đình mượn một con bò cái đã đến tuổi động đực, sau 2 kì sinh đẻ ông sẽ thu hồi vốn bằng 1 con bò tương ứng. Cùng với đó ông sẽ hỗ trợ tiền làm chuồng, tiền phối giống, tiền thuốc phòng bệnh và hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi. Như vậy họ vừa được bò lại vừa có kinh nghiệm thực tế để nhân đàn. Còn ông thì vẫn bảo tồn được vốn để giúp đỡ các hộ nghèo khác.
Cùng từ đấy những lúc rảnh việc, ông đi thăm hỏi, động viên, hướng dẫn từng gia đình. Đang đêm nghe điện thoại réo có bò bị bệnh là ông chẳng quản đường xa, mưa rét ôm vội cái túi thuốc thú y lao đi. Có lần 2-3 ngày mới về nhà.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các Huyện khác cũng đến tham quan cơ ngơi của ông, học hỏi kinh nghiệm thoát nghèo, kinh nghiệm chăn nuôi bò. Được đi báo cáo điển hình do Hội nông dân Huyện tổ chức, khi được một nhà báo phỏng vấn ông trả lời:
-Tôi luôn tâm dắc 4 điều: 1- Dù trong hoàn cảnh nào cũng không được đầu hàng số phận. Phải luôn có khát vọng, ý chí vươn lên. 2-Thời cơ không đến nhiều lần trong một đời người, nên khi có cơ hội dù mong manh, nhỏ bé cũng phải biết nắm lấy. 3-Phải luôn quý trọng thời gian đừng để nó trôi đi một cách phí phạm. 4- Phải tuân thủ mọi quy định theo hướng dẫn trong chăn nuôi, trồng trọt.
Đúng vậy, ông đã thoát nghèo nhờ ý chí, nghị lực và phẩm chất cao đẹp của một người lính, một CCB Trường Sơn sau ngày đất nước toàn thắng.
Hoàng Văn Kính
Sinh 29/8/1950 - Cấp bậc: Đại tá – ĐT: 024 3827 1198
Thường trú: Số 68, Ngõ 604, Tổ: 23, P. Ngọc Thụy, Q. Long Biên, HN