Người giữ lửa cho những bài ca Trường Sơn, dự thi Hào khí Trường Sơn của Nguyễn Bá Thuyết

Ngày đăng: 12:57 10/12/2018 Lượt xem: 867
Bài dự thi “Hào khí Trường Sơn”
 
NGƯỜI GIỮ LỬA CHO NHỮNG BÀI CA TRƯỜNG SƠN
 
Nhắc đến chị Nguyễn Thị Tạm, người thị trấn Hai Riêng ai cũng tự hào bởi chị không những là nữ thanh niên xung phong anh dũng trong thời chiến mà khi trở về lại đời thường lập nghiệp, chị vẫn luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp của “Người lính Trường Sơn”, người giữ lửa cho những bài ca Trường Sơn; tấm gương Chủ tịch hội Người cao tuổi “Năng nổ, nhiệt tình, mặn mà, thành công” luôn tỏa sáng.
  1. Nữ thanh niên xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình
Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ có vẻ đẹp mặn mòi, sâu lắng, tự nhiên, đầy chất lính.Chị Nguyễn Thị Tạm xuất hiện vừa giữ được phong thái nghiêm túc của chiến trường, vừa toát lên vẻ gần gũi, thân thiện của người làm công tác vận động quần chúng. Như tìm lại được dòng ký ức, Chị Tạm phấn khởi kể lại những câu chuyện bi hùng của người nữ chiến sĩ thanh niên xung phong giữa tuyến lửa năm xưa.
Sinh năm 1954, tại một vùng quê nghèo của xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; ngay từ nhỏ chị đã sớm nhận thức lòng yêu nước và tự tôn dân tộc. Trong những năm 1971-1972, nữ thanh niên Nguyễn Thị Tạm rất năng nổ, nhiệt huyết trong phong trào văn hóa – văn nghệ, đoàn thanh niên ở địa phương với cương vịbí thư chi đoàn.
Chứng kiến cảnh đất nước chìm trong lửa đạn, tinh thần yêu nước của nữ thanh niên càng trỗi dậy. Vì thế, ngày 23/8/1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị xếp công việc phong trào, đồng áng ở địa phương xung phong vào đội ngũ thanh niên xung phong. Chị được biên chế vào đơn vị N295/P31 có nhiệm vụ bảo vệ tuyến Đường 559 – Đường Hồ Chí Minh ở tuyến lửa Quảng Bình. Ngày đó, để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, Mỹ - Ngụy đã huy động tối đa máy bay,pháo hạm, đánh phá suốt ngày đêm, chúng ném hàng nghìn tấn bom đạn hòng hủy diệt mọi sự sống ở miền đất lửa Quảng Bình. Chị đã cùng đơn vị có mặt bám trụ ở những trọng điểm ác liệt nhất của tuyến đường 559: Phà Long Đại, Khe Ve, Cổng Trời, phà Long Sơn, cua Chữ A… quên mình, anh dũng vượt qua mọi cam go, ác liệt; lớp trước hi sinh, lớp sau thay thế, đã cùng với hàng vạn thanh niên dọc tuyến đường Trường Sơn sẵn sàngtình nguyện ngã xuống để giữ vững sự thông suốt của tuyến đường huyết mạch. Trong bom rơi, đạn lửa đầy gian khổ, hi sinh ấy những bài ca Trường Sơn vẫn hối thúc chị và đồng đội ngày đêm bám đường: “Em đi san rừng, em đi bạt núi/ Em như con suối nước chảy không ngừng”; “Tuổi thanh xuân em đến với núi rừng/ Dù bom rơi mưa dông nắng lửa/ Vượt hiểm nguy em băng băng qua/ Mở đường xe anh ra tiền tuyến”. Chị Tạm đã cùng các đồng đội không tiếc tuổi thanh xuân, theo“tiếng hát át tiếng bom”góp phần to lớn để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam giành thắng lợi hoàn toàn.
  1. Người Chủ nhiệm giữ lửa cho những bài ca Trường Sơn
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi trận mạc, tháng 11/1975, Nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Tạm rời đội ngũ trở về được Nhà nước ưu tiên cho tự chọn ngành nghề, nhưng thương hoàn cảnh gia đình chị lấy chồng và sinh lần lượt 4 người con. Do ảnh hưởng của dư âm chiến trường nên chị bị bệnh sốt rét kéo dài, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1996 chị cùng chồng và các con rời quê hương Vĩnh Phúc vào huyện miền núi Sông Hinh, Phú Yên để lập nghiệp. Quảng thời gian 10 năm, với ý chí của người lính Trường Sơn trong lòng chị lúc nào cũng đau đáu tâm niệm phải nổ lực lao động, làm kinh tế để nâng cao cuộc sống gia đình, góp sức xây dựng làng quê mới. Đến năm 2006, kinh tế tạm ổn, anh chị đã làm được nhà cấp 3, các con đã lớn dần, trưởng thành có công ăn việc làm, chị tiếp tục tham gia hoạt động xã hội. Là thành viên (Chủ tịch) hội Người cao tuổi, hội Cựu chiến binh Nữ chiến sĩ Trường Sơn, hội Thanh niên xung phong… Chị luôn như con chim đầu đàn,tích cực tham gia các câu lạc bộ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao tình đoàn kết của địa phương. Đặc biệt,với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Văn Hóa – Văn nghệ” của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh,tỉnh Phú Yên, Hội Người cao tuổi, thị trấn Hai Riêng, Sông Hinh; chị đã cùng các thành viên Câu lạc bộ làm sống dậy “Những bài ca Trường Sơn”, đưa những bài ca ấy tiếp tục đồng hành cùng năm tháng.Những tiết mục của các bà, các chị đã thực sự đi vào đời sống của quần chúng nhân dân, nhất là lớp người cao tuổi; đồng thời, có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Không chỉ biểu diễn phục vụ Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, phục vụ hội Người cao tuổimà Câu lạc bộ “Văn Hóa – Văn nghệ” do chị Tạm làm Chủ nhiệm còn đi biểu diễn giao lưu nhiều nơi; tham gia nhiều hội thi đạt giải cao. Giải A hội thi VHNT kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Sông Hinh 2014, Giải Nhất hát Then Liên hoan Văn hóa các dân tộc huyện Sông Hình 2018… Tham gia biểu diễn giao lưu các địa phương: Bình Kiến/ Thành phố Tuy Hòa, Thị xã Sông Cầu, huyện Tây Hòa, Sơn Hòa… được khán giả mến mộ, yêu thích. Chị Tạm tâm sự: “Mình không giỏi thì phải cố gắng, nhiệt tình, tìm tòi suy nghĩ, bỏ nhiều công sức chuẩn bị kịch bản dàn dựng, luyện tập không kể trưa, tối, cứ tập khi nào thấy ưng thì đi diễn. Khi diễn thì hết sức tập trung, diễn hết mình. Nhiều đêm nhận chương trình về lo không ngủ được…”
Tôi lấy làm xúc động khi các tiết mục các bà, các chị chấm dứt giữa những tràng vỗ tay nồng nhiệt, trong buổi gặp mặt 16/11/2018 “Ngày hội Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, của thị trấn Hai Riêng. Lòng thêm những tự hào về người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, những cảm xúc lâng lâng lắng đọng theotôi suốt quảng đường về nhà. Hình ảnh bộ đội ta ngày đêm đeo ba lô,leo lên dốc cao, vượt qua suối dữ, vượt đỉnh Trường Sơn… Những lời ca thiêng liêng, vang lên giục giã như lời hịch của Tổ Quốc, tiếng quân ca của Non song kêu gọi; lại vừa như tiếng tâm tình phát khởi từ huyết mạch, tâm can của mỗi con người… Tôi thầm cảm ơnnhững nhạc sĩ tài hoa đã viết ra những bài ca  giúpngười lính Trường Sơn vượt lên tất cả để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, giúp những người lính hôm nay dám hi sinh, xả thân vì sự nghiệp cách mạng.
Là người lính, ai cũng biết gia tài của người lính thật đơn sơ.Tài sản là những cơ số đạn, gạo;trong chiếc ba lô còn lại là một bộ quân phục, tấm tăng che mưa, chiếc võng; vừa để đồng đội khiêng cáng khi bị thương, cũng là để tiễn biệt khi hi sinh về với lòng đất mẹ. Thứ tài sản quý giá nhất đó là: tệp thư của gia đình, của người yêu được kẹp giữa cuốn sổ chép cơ man những bài hát “Không thể nào quên!”.Những bài hát đã thuộc lòng,người lính đã hát cùng bạn gái thời học phổ thông.Những bài hát“người ấy”hát tặng vào buổi tối lên đường như một lời hò hẹn thủy chung; lời tâm tình, nỗi lòng người lính muốn gửi về người yêu nơi quê nhà với cách biệt không giancả ngàn cây số.Những bài hát thôi thúc, giục giã; thủ thỉ, tâm tình, thay lời cha mẹ, anh chị em ở hậu phương khuyên nhủ người lính hãy đứng vững trước mũi tên hòn đạn, hãy xứng đáng là “Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”.Những bài hát trong chiến tranh thực sự cần thiết với người lính. Như khí trời, nước uống, miếng cơm, nghe là muốn vùng lên, là ra đi, là xung trận...
Hôm nay, sự sáng tác đã đi vào hiện đại, những bài hát đi vào ngóc ngách tâm tư, cảm xúc của một thế hệ đổi mới. Nhưng phải nói rằng lời bài hát, âm điệu dù có hay đến mấy thì cũng chưa đủ rung cảm, tạo ra sự đồng điệu với cái chung, ví như lòng mình khiến mọi người khi nghe, nhún nhảy, vỗ tay và hát theorồi lắng sâu thúc dục hành động như những bài hát Trường Sơn năm xưa. Có lẽ cái hay, cái văn hóa, cái vĩ đại nó nằm ở chỗ đó. Vì vậy, các bà, các chị ở câu lạc bộ “Văn hóa – Văn nghệ” của chị Tạm tuy giọng hát không thực sự tiêu biểu, biên đạo và múa không thực sự xuất sắc nhưng luôn được yêu mến, đi vào cuộc sống và sống mãi với thời gian.
  1. Bài ca Trường Sơn thắp sáng cuộc sống hôm nay
Tôi lấy tựa đề “Người giữ lửa cho những bài ca Trường Sơn” vì tôi nhìn họ (thành viên câu lạc bộ Văn Hóa – Văn nghệ hội Truyền thống Trường Sơn, tỉnh Phú Yên) lúc nào cũng rực lửa; nhiệt huyết, chân tình, rất yêu cuộc sống. Họ đi đến đâu đều được nồng nhiệt đón nhận, sự lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những giai điệu hào hùng năm xưa vẫn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người nghe. Điều đáng trân trọng là hôm nay, khi cuộc sống thanh bình, nhịp đời đang rộn rã, những bài ca Trường Sơn thuở ấy vẫn lay động lòng người, giữ mãi niềm tự hào về những năm tháng kháng chiến gian khổ, anh dũng của cả một dân tộc. Xin cảm ơn chị Tạm, cảm ơn câu lạc bộ “Văn hóa – Văn Nghệ” của hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên đã không ngừng nổ lực, cố gắng để thắp sáng tình yêu Tổ quốc thông qua việc giữ lửa cho những “Bài ca Trường Sơn”.
Ông Nguyễn Văn Dương Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam thị trấn Hai Riêng cho biết: “Các bà, các chị trong Hội nữ Trường Sơn hoạt động rất sôi nổi, nhất là phong trào văn hóa – văn nghệ đã giúp các cụ “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”; phong trào của Hội có sức lan tỏa đến con cháu và nhiều địa phương khác, tạo không khí vui tươi, lành mạnh đến mọi nhà!”./.
 
                                                                            Sông Hinh/Phú Yên, 24/11/2018
……………………………………………..
Tác giả: Nguyễn Bá Thuyết
Thường trú: 67 Nguyễn Văn Cừ, phường 7, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
ĐT: 0944258548
Đại tá quân đội nghỉ hưu
Hội viên, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, Hội thơ Đường luật & nghiên cứu văn chương TP Hồ Chí Minh và tỉnh Phú Yên
tin tức liên quan