Binh trạm trong hoà bình, dự thi Hào khí Trường Sơn của Xuân Bách

Ngày đăng: 01:23 10/12/2018 Lượt xem: 705


                          "BINH TRẠM" TRONG HÒA BÌNH
                                                                 
                                                                       Xuân Bách

 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên các cung đường Trường Sơn ác liệt, bộ đội ta thường đặt các binh trạm để tiếp nhận nguồn lực, phương tiện, vũ khí, khí tài cung cấp cho chiến trường miền Nam. Mỗi lần về đến binh trạm, cánh lái xe Trường Sơn đều coi đó là tổ ấm gia đình của mình. Bao nhiêu chuyện của những lần đi tuyến  có viết thành sách cũng không hết. Chuyện bị máy bay rượt đuổi; Patynê, sa lầy dưới đèo dốc; Giành nhau vượt ngầm; Cả những chuyện "sống để dạ chết mang đi" với cô thanh niên xung phong bên hầm chữ A cũng được bung ra tuồn tuột hồn nhiên. Chiến tranh đã đi qua từ lâu nhưng giữa  thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An  nay vẫn còn một “Binh trạm” như vậy. Tại đây những câu chuyện của lính xế Trường Sơn một thời lại được kể như pháo ran.
“Binh trạm” đó không có phiên hiệu, mà mang tên của người lái xe Trường Sơn Đinh Cao Đài, ở xã Hưng Hòa, ngoại ô thành phố Vinh. Anh Đinh Cao Đài nhập ngũ năm 1952 khi mới 17 tuổi, trưởng thành từ một người lính trinh sát bộ binh trong kháng chiến chống Pháp, rồi chuyển sang chiến sĩ lái xe thời kỳ chống Mỹ. Từ người tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, cán bộ tiểu đoàn, rồi binh trạm phó. Suốt 30 năm, đã đi qua bao nhiêu đơn vị, trung đoàn, sư đoàn, binh trạm, khi làm người lính ngồi sau tay lái, khi làm người chỉ huy, anh đã vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét đường Trường Sơn khói lửa, qua hàng nghìn con ngầm, hàng trăm trọng điểm, chở hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, cùng với hàng vạn tấn lương thực vũ khí cung cấp cho các mặt trận ở chiến trường. Đến bây giờ anh không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần bị máy bay truy đuổi, bom đạn vùi lấp, địch phục kích; Cũng không nhớ bao nhiêu lần vượt xe giữa ban ngày cứu xe, cứu hàng, bật đèn pha chạy trong đêm tối để đánh lạc hướng kẻ thù cho đồng đội vượt lên. Tuy vậy, khi nhắc đến tên các con đường, khúc ngầm, cầu phao, trọng điểm đã đi qua, hay tên các chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã cùng sống và chiến đấu với anh thời kỳ đánh Mỹ, anh đều thuộc và nhớ không bỏ sót một người.

 

Anh Đinh Cao Đài

Năm 1983 rời quân ngũ, anh mang quân hàm thượng tá, là Binh trạm phó Binh trạm 27, Sư đoàn 473, Chính ủy căn cứ tiền phương. Chức vụ vậy, nhưng khi trở về quê hương, trên vai chỉ có chiếc ba lô với mấy bộ quần áo lính và nhiều vết thương trên cơ thể. Nhà cửa lúc đó còn dột nát, vợ con thường ốm đau, vài tuần sau tổ chức đã gọi anh lên giao làm Bí thư chi bộ, khối trưởng khối dân phố. Bao nhiêu công việc bộn bề cuốn hút, nhưng anh vẫn không thể quên những năm tháng của chiến tranh và tên của bạn bè, đồng đội. Dựa vào trí nhớ của mình, hàng đêm, anh dành thời gian ghi chép lại tên, địa chỉ của các chiến sĩ, đồng đội đã sống với anh ở trong chiến trường vào một cuốn sổ nhỏ. Từ đó, sau mội lần sinh hoạt Hội cựu chiến binh hoặc Hội truyền thống Trường Sơn các cấp, gặp lại bạn bè, hỏi thăm, tìm tin tức lẫn nhau, anh đều cung cấp tận tình, đầy đủ. Dần dần qua năm tháng, ngôi nhà của vợ chồng anh trở thành điểm hội ngộ, trạm đón tiếp đồng đội và mang luôn tên gọi “Binh trạm Đinh Cao Đài”.
Cách đây mấy năm, gia đình anh có 3 gian nhà gỗ đơn sơ bên triền đê sông Lam, bạn bè, đồng đội về ngày một đông, có hôm chật ních không còn chổ ngủ, vợ chồng anh phải chuyển xuống nằm ở chái bếp, nhà lớn giành cho đồng đội. Thời gian sau vợ chồng anh cố gắng góp nhặt, vay mướn, cùng với bạn bè giúp thêm chút ít, làm được ngôi nhà nhỏ hai tầng. Tầng dưới vợ chồng anh ở, tầng trên để đón tiếp đồng đội. Anh còn tập trung cải tạo khu vườn nhỏ, trồng thêm các loại rau quả, nuôi vài ba chục con gà để khi đồng đội đến đỡ mất công đi chợ. Thấy anh chăm lo cho mọi người, nhiều chiến sĩ cũ cũng đã đi tìm thêm chùm phong lan rừng, cây cảnh mang đến trồng, góp phần xây dựng “Binh trạm Đinh Cao Đài" ngày càng đẹp hơn. Tả ngạn bờ sông Lam nối bãi tắm Cửa Lò với  trung tâm thành phố Vinh chạy qua trước cửa nhà anh lại được Nhà nước bồi trúc, trải thảm nhựa, ngôi nhà có đường giao thông thuận tiện, có địa điểm đẹp nên gần đây đồng đội trong Nam, ngoài Bắc tụ hội về “Binh trạm của anh Đinh Cao Đài" ngày càng đông đúc. Gặp lại nhau mọi người đều hồ hởi, bắt tay, ôm hôn nhau vồn vã, bao dòng nước mắt, lời thăm hỏi các chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm ấy ai còn, ai mất cứ chứa chan trong ngôi nhà của anh.
Nay đã bước sang tuổi 85, do đảm nhận nhiều công việc, vừa qua anh bị một cơn tai biến nhẹ. Mới đây anh xin nghỉ làm công tác Bí thư chi bộ Đảng, Ban chấp hành Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Nghệ An, chỉ tham gia Chủ tịch Hội người cao tuổi địa phương và đảm nhận làm “Binh trạm trưởng” mà cánh lái xe Trường Sơn tôn vinh. Với chòm râu bạc trắng như ông tiên trong chuyện cổ tích, hàng ngày anh vẫn đón chờ đồng đội  về thăm để cung cấp thông tin về bạn bè và  "Ký ức chiến tranh" cho ai muốn tìm hiểu. Anh còn là thành viên tích cực trong câu lạc bộ thơ Hồng Lam. Thơ anh vừa có cái cháy bỏng của người lính, vừa đằm thắm tình đồng đội, tình yêu, đã được in chung trong các tập thơ của  Hội tao đàn, Hội Văn học nghệ thuật thành phố Vinh.
Có hai điều đồng đội vẫn đề nghị mà anh luôn từ chối: Sau hơn 30 năm chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn ác liệt, trên mình còn rất nhiều vết thương, mọi người mong anh đi giám định thương tật để hưởng chính sách người có công  nhưng anh luôn lắc đầu:"Mình về lại như thế này là hạnh phúc lắm rồi, đồng đội còn bao nhiêu đứa nằm lại ở đại ngàn Trường Sơn". Điều thứ hai: Ai cũng gọi anh là "thủ trưởng", nhưng anh bảo: “Đừng gọi tau là thủ trưởng nữa, tau đã về với đời thường rồi”. Dẫu từ chối hai điều trên, nhưng anh vẫn sẵn sàng nhận trách nhiệm làm “Binh trạm trưởng”- nơi gặp gỡ và đoàn tụ của những chiến sĩ trên tuyến đường  Trường Sơn lịch sử ./.
                                                             


                                                            Nguyễn  Xuân  Bách

                                             Số 3, đường Tôn Thị Quế, Tp. Vinh Nghệ An.
                                                                Đt : 0912 591 362
                                                      Email:xuanbachnguyendu@gmail.com
 
tin tức liên quan