Người Yên Bái vào chiến trường Trường Sơn, dự thi Hào khí Trường Sơn của Trần Cao Đàm

Ngày đăng: 02:00 10/12/2018 Lượt xem: 615

      Dự thi Hào khí Trường Sơn

        NGƯỜI YÊN BÁI VÀO CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN
 
 
                                                                             Trần Cao Đàm
 
 
CHỦ ĐỀ 1: TRƯỜNG SƠN NHỮNG NĂM THÁNG HÀO HÙNG                           
Thể loại: Ký
Người dự thi: Trần Cao Đàm
Địa chỉ: Tổ 25, phường Yên Thịnh, TP.Yên Bái, T.Yên Bái
Điện thoại: 02340950211

 
 
          Nữ phóng viên nước ngoài đầu tiên đã chịu gian khổ, đạn bom đi bộ dọc đường Trường Sơn, mà điểm đầu phía Bắc là làng Lát, thuộc xã Tân Kỳ, vượt đèo Mụ Giạ sang nước bạn Lào, rồi theo đường 9 đến Mong Nong, Saravane, Se Kông, về ngã ba Đông Dương, tới Chơn Thành, cách thành phố Sài Gòn chưa đầy 70 km. Người phóng viên ấy là Vinginia Morris. Khi ra Hà Nội, người phóng viên này đã xin gặp, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua cuộc phỏng vấn Morris đã viết cuốn sách “Lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh - Con đường đến tự do”, xuất bản năm 2006. Trong cuốn sách này phóng viên Morris đã ghi lại trả lời phỏng vấn của Đại tướng: “Tại sao chúng tôi lại xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh? Vì người Mỹ tấn công chúng tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán được chiến tranh lâu dài, nhưng chúng tôi nhất định thắng.
          Quân đội non trẻ của chúng tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là từ trận Điện Biên Phủ. Một trong những bài học đó chính là vai trò cực kỳ quan trọng của hậu cần… Bởi vậy, chúng tôi phải tính kế lâu dài”. Tháng 5 năm 1959, tôi đã ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh. Bước đầu, tuyến đường chỉ đi bộ được, sau đó mới được mở rộng. Sau này gọi là Đường Trường Sơn. Để ngụy trang, kết hợp để có rau ăn chúng tôi làm những hàng rào hai bên đường, có vòm che. Hai bên chúng tôi trồng dây leo. Cách làm này chúng tôi đã làm từ hồi chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi tuyến đường bị chặn, không thể mở đường qua núi đá, chúng tôi mở hẳn qua cửa khẩu Tà Lê - Thế là từ đó có tuyến Tây Trường Sơn. Sau này, tôi còn ra lệnh mở đường cho xe vận tải chạy. Xe tải của chúng tôi hoạt động trong khi không quân Mỹ có rất nhiều vũ khí để tiêu diệt xe tải. Xe tải lại cần tiếp dầu dọc đường, thế là tôi bổ nhiệm một đồng chí tư lệnh bảo đảm việc vận chuyển xăng dầu dọc đường Hồ Chí Minh. Đó là một dự án ghê gớm. “Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, có lúc con đường Hồ Chí Minh bị phong tỏa hoàn toàn, có ý kiến cho Việt Nam chỉ có thể tiến hành chiến tranh du kích tại chỗ. Chúng tôi đã mở đường bằng mọi giá. Cuối cùng con đường Hồ Chí Minh đã đến Lộc Ninh, chạm đến cửa ngõ Sài Gòn, chúng tôi đã sẵn sàng để chiến thắng”.
          Còn thực tế, để bắt đầu cho một thời kỳ lịch sử dân tộc, thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tháng 1 năm 1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp hội nghị lần thứ 15 (khóa II), do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, tại Hà Nội, đã xác định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng hoàn toàn miền Nam. Phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến… Để chi viện lực lượng và vật chất cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và trên biển.
          Ngày 5 tháng 5 năm 1959, trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, ủy viên trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao cho thượng tá Võ Bẩm, nguyên cục phó Cục Nông trường lập ra “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển quân sự vào Nam.
          Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Thường trực Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở tuyến đường Trường Sơn để chi viện chiến trường miền Nam. Ngay trong năm 1959, Đoàn đã đảm bảo giao thông liên lạc từ Bắc vào Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Quân khu 5, đưa 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Đoàn 559 ra đời. Đường Hồ Chí Minh dần mở rộng, có không gian rộng dài gồm 17 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Từ đường Hồ Chí Minh, bộ đội Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ tạo cơ sở vật chất, tạo điểm tựa vững chắc và là sức mạnh to lớn cho cách mạng của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, đã trở thành chiến trường lớn. Không quân Mỹ không ngừng đánh phá ác liệt với quy mô lớn lịch sử chiến tranh trong nhân loại, với chiều dài 100.000 kilomet, rộng trên 100 kilomet, trên địa bàn rộng khoảng 130.000km2 trên bộ, 600 kilomet đường sông. Suốt 16 năm dòng chiến đấu ác liệt, từ năm 1959 đến năm 1975 ngày đêm trong  mưa bom bão đạn, núi rừng Trường Sơn luôn rung chuyển bởi bom đạn quân thù, bị hóa chất độc đổ xuống. Vì miền Nam ruột thịt, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ bộ đội kiên cường, trên 3 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến kiên cường đội đạn bom, quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, góp phần quan trọng cùng cả nước đánh thắng giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
          Trong không khí chung sục sôi ấy, hàng ngàn người con ưu tú của tỉnh Yên Bái đã nghe theo tiếng gọi Tổ quốc hăng hái lên đường làm nhiệm vụ tại chiến trường Trường Sơn, ngoài các chiến trường khác. Trên chiến trường Trường Sơn, riêng huyện Lục Yên có Tiểu đoàn Gùi thố K200. Các dân tộc tỉnh Yên Bái có các chiến sỹ tham gia Trung đoàn 4, Trung đoàn 98 công binh cơ động anh hùng của núi rừng Trường Sơn. Trên 300 chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã được tặng danh hiệu “gan vàng, dạ ngọc”. Trung đoàn pháo thủ phòng không 224 của Yên Bái anh hùng đã kiên cường chiến đấu trên Trường Sơn với khẩu hiệu nổi tiếng “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Còn nam nữ thanh niên xung phong Trường Sơn của Yên Bái đã kiên gan trong đạn bom, ngày đêm bám trụ Ngã ba Đồng Lộc, Đèo Đá Đẽo trên đường 15, cụm trọng điểm ATP trên đường 20 Quyết Thắng, đội mưa bom kẻ thù thông xe ở Cổng Trời… Kiên cường, dũng cảm, thông minh người Yên Bái ở Trường Sơn đã phá hủy 12.600 quả bom từ trường, 8.000 quả bom nổ chậm, 85.100 quả mìn các loại. Anh chị em đã san lấp 78.000 hố bom, kịp thời bảo đảm vận chuyển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam cả hai mùa mưa nắng. Lực lượng còn tham gia xây dựng tuyến đường ống xăng dầu dài trên 1.350 km, gồm cả hệ thống binh trạm, kho tàng, bệnh viện, cơ sở bảo đảm kỹ thuật dọc Trường Sơn. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ta còn giúp bạn đủ sức mạnh đánh bại cuộc chiến của quân thù.
          Sự cống hiến ấy thật lớn lao, phong phú khó có thể viết hết cụ thể. Với khả năng một cá nhân, trong khuôn khổ một bài viết chỉ xin đơn cử sự đóng góp của một xã. Đây cũng là xã miền núi của tỉnh, đó là xã Y Can của huyện Trấn Yên. Ngày ấy, Y Can còn trong tình trạng đất rậm, người thưa, dân số ít, thế mà riêng chiến trường Trường Sơn xã đã có 33 người con tham gia. Nay, xã còn 26 hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
          Trong số 26 hội viên này, ai cũng có thể viết bài, chỉ xin nêu vài tấm gương tiêu biểu. Đó là ông Nguyễn Đức Kế, chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xã Y Can. Ông nguyên là tiểu đoàn phó, Binh trạm 14 Trường Sơn. Mùa thu năm 1963, anh thanh niên Kế còn là học sinh trường phổ thông cấp 2 -3 khu vực thượng huyện Trấn Yên. Anh là bí thư chi đoàn thanh niên, vừa tròn 20 tuổi, nghe lời kêu gọi cứu nước, gặp đợt tuyển quân, đã hăng hái xung phong lên đường chiến đấu. Nguyện vọng là vậy, nhưng được nhập ngũ, sau 2 tháng huấn luyện tại E82 ở tỉnh Hưng Yên, anh lại được cử đi học chính trị, rồi học cấp tốc văn hóa cho hết chương trình cấp 3 để vào học trường Sĩ quan lục quân Sơn Tây. Tốt nghiệp, anh được điều về Lữ đoàn dù 305 Hà Bắc. Đang luyện tập, anh lại được điều đi học đặc công để làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cao cấp đi Bê (B). Học xong, tháng 2 năm 1967, anh Kế được giao nhiệm vụ bảo vệ đoàn cán bộ cao cấp ra chiến trường. Chuyến đi này, anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 6 năm 1968, Nguyễn Đức Kế lại được lệnh ra Quân khu 4 lập đường dây bảo vệ cán bộ từ Đèo Ngang vào Ngã ba Lùm Bùm, Tra Ky… Anh cũng kết hợp bảo vệ cán bộ và một số công việc khác. Hôm ấy, anh đi nghiên cứu cao điểm 845 của địch gần khu sân bay Tà Cơn. Anh cùng 3 chiến sĩ nữa, có cả máy bộ đàm 2 wat, bí mật nghiên cứu trong đêm tối. Xong việc, khi trở về, tổ gặp máy bay địch đánh ác liệt ngay trước mặt. Theo kinh nghiệm, anh biết người của ta bị địch phát hiện, cho máy bay tập trung oanh tạc. Thường, sau khi máy bay đánh thế này hay có thám báo, biệt kích kéo tới tìm bắt cán bộ ta. Như vậy sẽ rất nguy hiểm cho anh chị em ta. Địch đánh phá thế này nhất định ta có người bị thương vong. Máy bay vừa ngừng đánh phá anh lập tức cho tổ đến cứu giúp. Đến nơi, anh thấy một người con gái bị thương, anh phân công một chiến sĩ cõng ra nơi an toàn. Còn anh, lại thấy một nam giới bị thương, cũng vội ghé vai cõng. Đi một đoạn, đã an toàn, anh kiểm tra, thấy người này bị thương vào đùi, vào mắt. Anh cùng anh em trong tổ túm vào băng bó vết thương, rồi cõng đến nơi an toàn, rồi dùng máy bộ đàm liên lạc để đưa xe bọc thép đến đón, đưa về cứu chữa.
          Sau này anh mới biết, đêm đó đoàn văn công Quân khu 3 biểu diễn phục vụ. Xem xong, trên đường về, anh em ta có người chủ quan, bấm đèn pin soi đường đi, bị máy bay địch phát hiện. Trận oanh tạc đó làm đồng chí trưởng đoàn văn công hy sinh. Còn người con gái bị thương là nữ diễn viên. Điều bất ngờ, người bị thương mà anh cõng là giáo sư, hiệu trưởng trường đại học Quân Y Đỗ Xuân Hợp. Lúc này ông là chính ủy sư đoàn 304B, đồng thời nghiên cứu về vết thương của chiến sĩ, đồng bào ta ở chiến trường ... Không ngờ, đời anh ra chiến trường lại hay gặp cán bộ cao cấp thế.
          Ở hội cựu chiến binh Trường Sơn xã Y Can còn chiến sĩ Trường Sơn nữa, khá tiêu biểu. Đó là anh Triệu Tiến Châu, dân tộc Dao Nga Hoàng, ở thôn Minh An. Tháng 8 năm 1972, máy bay địch đánh phá miền Bắc ác liệt. Ngay trên quê hương anh cũng luôn gặp cảnh nhà cháy, người chết do bom đạn. Căm thù giặc ác, dù tuổi rất trẻ, anh xung phong nhập ngũ để được cầm súng ra chiến trường đánh giặc. Anh được tuyển vào tiểu đoàn 4,
trung đoàn 246 của Quân khu Việt Bắc. Theo yêu cầu của chiến trường, anh cùng đơn vị vào hẳn nơi biên giới với Campuchia, ở Đèo 30, với các địa danh Tà Dạt, Tà Bộp. Rồi anh về binh trạm 22 ở Ngã Ba 90. Theo yêu cầu chiến trường, Triệu Tiến Châu lại về đại đội 1, tiểu đoàn 5, trung đoàn 95, với tên gọi Trung đoàn Măng Giang. Đơn vị đang làm nhiệm vụ “cắt” đường lên Tây Nguyên của địch. Cuối năm 1973, anh cùng 8 chiến sĩ “chốt” ở Cơn Tầng, thuộc khu Gia Lai. Với lực lượng “chốt” giữ ít ỏi ấy, cả một trung đoàn 45 của ngụy tập trung đánh chiếm. Chúng thì thừa thãi súng đạn, phương tiện chiến tranh hiện đại, có cả máy bay, đại bác yểm trợ. Suốt 4 ngày liền, 16 xe tăng địch hùng hổ cùng bộ binh đánh lên “chốt” của ta. Mỗi đợt xe tăng địch ầm ầm tiến đến, Triệu Tiến Châu lại cùng anh em bình tĩnh đánh. Lòng kiên cường, dũng cảm ấy đã đánh địch phải lùi hết đợt này đến đợt khác. Rồi xe tăng địch lại gầm rú, bộ binh địch lại ùa lên. Ta quyết liệt đánh lại. Lần này anh bị thương vào đầu, người súng đều bị đất vùi. Đánh lui địch, anh tranh thủ băng vết thương, moi đất cho người, lấy súng ra. Để ý quan sát, sao trận địa im lặng lạ thường? Anh ra quan sát, lòng thắt lại. 7 đồng đội đã hy sinh. Trong khi xe tăng địch lại gầm gào xông tới. Một chiếc xe tăng còn chồm đến, đè xích lên hầm của anh, nghe ầm ầm đinh tai. May có hầm chắc anh không bị sao. Lên được “chốt” có lẽ địch đã tin chiếm được. Để cho xe tăng địch qua khỏi hầm, anh bò ra, đưa khẩu B41, đầu có lắp quả đạn như bắp chuối, anh chọn chiếc tăng khác gần nhất, hướng thẳng nòng súng, bóp cò. Một tiếng nổ lớn quen thuộc vang lên, lửa khói mù mịt. Chiếc xe tăng địch bốc cháy ngùn ngụt. Những chiếc xe tăng khác của địch thấy vậy, hoảng hốt rồ máy tháo chạy.
          Do chiến đấu kiên cường, tiểu đội Triệu Tiến Châu thường được giao nhiệm vụ khó. Khi đơn vị chặn địch ở ấp A Run, An Khê, tiểu đội anh được giao đánh sập cầu A Run. Đầu tháng 3 năm 1975, đơn vị làm nhiệm vụ đánh dọc theo đường 19, xuống Phú Yên, Phú Phong, Phú Khánh, tiến vào Phan Thiết. Tưởng sắp được tiến vào Sài Gòn, đơn vị anh đột ngột nhận lệnh quay lại Nha Trang. Ra đến thành phố biển, đơn vị được lệnh lên tầu hải quân, tiến ra biển. Thật lạ lẫm với anh bộ đội người Dao Nga hoàng suốt đời chỉ quen với rừng núi, giờ đi làm nhiệm vụ quan trọng, trước mặt chỉ thấy biển nước mênh mông chẳng thấy bến bờ. Ngồi trên tầu hải quân rồi anh được biết: Đi giải phóng quần đảo Trường Sa. Do không quen sóng nước, lần lượt anh em bị say sóng, say lả hết cả. Thế là tầu phải quay lại bờ. Triệu Tiến Châu cùng anh em được nghỉ ngơi, bồi dưỡng 2 ngày. Sức khỏe hồi phục, đơn vị lại được lệnh lên tầu, ra đảo lần thứ hai. Lần này, có phần quen sóng gió hơn, anh em chỉ say nhẹ. Khi tầu tiếp cận đảo, Triệu Tiến Châu bắn B41 lên đảo. Anh em ào ào nhảy ra khỏi tầu, xông lên. Trước chiến thắng chung của chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, đơn vị chiếm đảo nhanh chóng. Công việc tiếp theo là đơn vị giao lại cho hải quân và tự vệ chiếm giữ đảo.
          Miền Nam đã được giải phóng, Sài Gòn đã giải phóng, chính quyền ngụy đã đầu hàng nhưng trên đất Tây Nguyên còn bọn Phun-rô hoạt động. Triệu Tiến Châu cùng đơn vị lại được lệnh quay lại Tây Nguyên, với những địa danh quen thuộc Cheo Reo, Phú Bổn… Đánh xong Phun-rô đơn vị lại sang Campuchia giúp bạn, rồi quay lại giữ đất biên giới phía Bắc.
          Hoàn thành nhiệm vụ của anh bộ đội, trở lại quê hương anh Triệu Tiến Châu lại đi đầu làm giầu, xây dựng trên trận địa mới. Người chiến sĩ Trường Sơn ấy nay vừa công tác xã hội lại làm chủ trang trại với 200 ha đồi rừng. Tận dụng đất đai ven rừng anh trồng quế, cây lát, trồng được 500 cây bưởi… Anh đắp đập làm ao thả cá, làm thủy điện nhỏ. Anh còn nuôi hơn chục con trâu, nuôi hơn 100 con lợn rừng…
          Tự hào một thời oanh liệt của dân tộc, chúng ta còn tự hào có sự đóng góp của lớp trai trẻ đã tham gia lập nên chiến công chung đó. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc, nguyên Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, chủ tịch danh dự Hội Trường Sơn tỉnh Yên Bái đã viết bài “Đường Hồ Chí Minh - Bản anh hùng ca bất tử”. Trong bài có đoạn viết: “Tỉnh Yên Bái chúng ta đã vinh dự có hàng ngàn người con ưu tú tham gia bộ đội, thanh niên xung phong chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Nhiều tập thể, cá nhân đã lập được những chiến công xuất sắc như Tiểu đoàn Gùi K200 Lục Yên, các chiến sĩ lái xe Sư đoàn 571, Trung đoàn công binh cơ động số 4, Trung đoàn 78, Trung đoàn pháo phòng không 224 và 280 v.v… Nhiều đồng chí đã được tặng 2 đến 5 lần danh hiệu “Dũng sĩ phá bom”, “Dũng sĩ công binh”, “Dũng sĩ lái xe” và được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương chiến công các hạng”.
          Chúng ta còn tự hào, tôn trọng vì sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên trận tuyến mới các anh bộ đội Trường Sơn vẫn phát huy truyền thống tốt đẹp “Trung với Đảng, hiếu với dân”, kiên định vượt mọi khó khăn, khắc phục vết thương đau đớn, bệnh tật, đùm bọc nhau, động viên nhau trong cuộc sống, cống hiến sức lực xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Thật tự hào trên quê hương tươi đẹp này, còn có những bông hoa đầy hương sắc.
 
tin tức liên quan