Đào Xuân Thái, bản lĩnh đông Trường Sơn,dự thi Hào khí Trường Sơn của Hà Lâm Kỳ
BÀI DỰ THI: HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN
Người dự thi: Hà Lâm Kỳ (bút danh Vi Hà)
Địa chỉ: Phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
ĐÀO XUÂN THÁI , BẢN LĨNH ĐÔNG TRƯỜNG SƠN
Bút ký của Hà Lâm Kỳ
Một lần, ngồi nhâm nhi với Hoàng Việt Quân, tôi hỏi, anh có biết ai là liên lạc chính của ông Ngô Minh Loan "Tổng chỉ huy" tổ chức giành chính quyền trong cách mạng Tháng 8 ở Yên Bái? Hoàng Việt Quân nói chắc: "- Ông Đào Xuân Thái chứ ai !". "- Ở đâu? Có còn….?". "- Phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Tuổi 90 rồi, minh mẫn lắm !". Tôi "ồ" nhẹ. Quân nói tiếp: "-Xưa nay, sử ta thường chỉ ghi chép bằng những người có trọng trách mà rất ít khi nhắc đến vai trò các cận thần". Tôi đồng tình với Hoàng Việt Quân, "nhà" sưu tầm tư liệu Yên Bái, mà tôi thì đang bí khi xử lý tuyến nhân vật cách mạng trong tiểu thuyết Cánh cung đỏ.
Nâng ly cà phê, Hoàng Việt Quân nói thêm:
- Đào Xuân Thái liên lạc cho Bí thư Ban cán sự Đảng phú Yên kiêm Chính ủy Ủy ban Quân sự cách mạng, tuyến thị xã Yên Bái. Rồi ông làm đội trưởng cận vệ, theo cánh quân số 1 do Ngô Minh Loan chỉ huy tiến vào giải phỏng miền Tây.
Theo lời Hoàng Việt Quân, tôi tiến đến ngôi nhà số 65 phố Nguyễn Du, phường Hồng Hà. Ông già Đào Xuân Thái dáng cao, rất đẹp lão, nhẹ nhàng:
Chuyện Tổng khởi nghĩa và kháng chiến chín năm ở Yên Bái, sách báo viết nhiều rồi. Còn anh hỏi về thời đánh Mỹ, tôi chỉ xin kể mấy kỷ niệm.
Biết vị Cựu chiến binh Vệ quốc quân, lão thành cách mạng không muốn nhắc lại, tôi "-Vâng", và giở sổ ghi.
Năm 1966, đang là Chính trị viên Tiểu đoàn…. Trung đoàn 246, quân hàm Đại úy. Đào Xuân Thái được lệnh đi B. Đơn vị bộ binh mang phiên hiệu Phay Khắt, bổ xung vào đơn vị sơn pháo thuộc Đoàn 559 Đông Trường Sơn làm nhiệm vụ công binh, xây dựng sân bay dã chiến ở Quảng Bình, chuẩn bị cho "không đối không" với B52 của Mỹ. Năm 1968 cả đơn vị "Phay Khắt" được huấn luyện thủy binh rồi mang tên Đoàn 1 (Tiểu đoàn 1). Đoàn 1 nhận nhiệm vụ đặc công nước, mục tiêu là đánh vào hai tàu chiến Mỹ đang đậu ngoài khơi chuẩn bị vào Cửa Việt. Vũ khí duy nhất được cấp trên giao là hai quả ngư lôi, mỗi quả trên một tấn, được lắp ghép hàng chục khối thuốc nổ đơn lẻ. Chính trị viên Đoàn Xuân Thái kiêm quyền Đoàn trưởng cùng anh em kỹ thuật đi thị sát địa hình. Muốn đưa được hai quả ngư lôi vào Cửa Việt, phải có lực lượng chuyên chở qua đồn lính Ma Rốc. Nếu đi qua bãi cát kể cả ban đêm hay trong trời mưa rào cũng vẫn sẽ bị địch phát hiện. Cô giao liên quả quyết, phải đi dưới lòng nước. Chính trị viên Thái chấp nhận phương án, cả đội một trăm người và vũ khí (25 ky lô gam thuốc nổ một người) đội ni lông màu nước biển bám nhau theo hình dây sóng, bơi chìm trong nước. Phương án được cấp trên phê duyệt. Cả đội đặc công được lệnh quay ra Quảng Bình luyện tập. Trở lại Cửa Việt, đội hình cảm tử bắt tay hành động ngay. Rủi ro, khi qua khu vực Ma Rốc, đúng ngày có dông, sóng đánh xé đứt đội hình. Nếu một vài chiến sỹ nổi trên mặt nước, đèn pha quét nguy cơ cả đội bị lộ. Rất may, chỉ sau nửa giờ, đội hình được nối lại, và các khối thuốc nổ cũng được ghép vào nhau tạo thành hai quả ngư lôi đi chìm dưới nước ba mét, đến sát thân tầu, cho chìm xuống 5 mét tránh ánh sáng la de và lựu đạn canh phòng địch vẫn thả cách giờ. Khó nhất là khi tiếp cận gần tầu, nước đẩy, làm sao ngư lôi phải ép sát vỏ tầu nơi xung yếu nhất. Hai ngư lôi được cài kíp xong, Đào Xuân Thái cho kiểm tra kỹ càng rồi giao năm chiến sỹ ở lại thực hiện kíp nổ, còn toàn đội, rút nhanh ra Cửa Tùng. Bốn giờ sau, hai tiếng nổ lớn. Hai tầu Mỹ cuộn khói đen giờ ngoài khơi Cửa Việt. Báo chí Sài Gòn đưa tin hai tầu chiến Mỹ bị nổ cháy, gây thiệt hại lớn, nhưng không nói rõ nguyên nhân. Mãi đến gần đây, năm 2005, báo chí Mỹ mới công khai "bị Việt Cộng tấn công".
Cũng năm 1968, Đoàn 1 được Bộ Tư lệnh B5 giao nhiệm vụ bảo vệ BTLH2 (Đoàn cán bộ cao cấp của Bộ quốc phòng vào chiến trường: Chỉ huy trưởng Trần Quý Hai và Chính ủy Lê Quang Đạo). Để bảo vệ được H2, chỉ huy Đoàn 1 nghĩ, phải nghi binh, mở đường giả. Cầu, ô tô, xe kéo pháo, trận địa, đều là giả. Lính ta chặt cây có nhựa đổ dầu đốt cho khói âm ỷ giữa bãi tăng võng không người nhằm thu hút đich về phía.. giả. Gần tháng trời, OV10, AD6 rà soát cánh rừng. Rút cục, có đến 54 ngàn tấn bom đạn ném xuống trận địa giả này (Báo Mỹ đưa tin). BTLH2 an vị chuẩn bị cho chiến dịch Đường Chín – Khe Sanh. Tháng 7/2013, ông Đào Xuân Thái cùng nhà thơ Ngọc Bái được Đài truyền hình Việt Nam mời dự kỷ niệm Chiến thắng Khe Sanh, nhà báo Thu Uyên phỏng vấn "ý tưởng" kéo bom đạn về phía mình, là xuất phát từ đâu? Ông Thái trả lời: "- Chỉ nghĩ, để đỡ cho phía trước, đỡ nơi giấu quân".
Nhấp ngụm nước trà, Cựu chiến binh "Quân giải phóng" Chính trị viên Đoàn 1 Đào Xuân Thái hào hứng kể tiếp:
Năm 1969, Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh – Nam Lào, ta có khoảng 4 sư đoàn quân sẵn sàng chặn các ngả đường địch rút. Ở bờ Bắc Quảng Trị, ta chỉ để lại một trung đoàn. Lợi dụng, Mỹ cho 5000 quân nhảy dù, tạo các gọng kìm nhằm bắt trung đoàn vùng đệm. Bộ tư lệnh B5 phát hiện, ra lệnh Đoàn 1 phối hợp kiềm chế, không cho địch tấn công ra bờ Bắc. ta kìm được chân địch, nhưng pháo tầm xa Mỹ bắn chặn dữ dội khiến Đoàn 1 phải tháo dỡ đưa cả tiểu đoàn pháo ta đi qua hẻm khe núi theo phương án dự phòng. Ra đến Bến Hải, chiến sỹ vượt sông trong đêm, cởi áo làm hoa tiêu cho xe chở pháo qua đường thủy sang bờ bắc, địch thả pháo sáng mà vẫn không phát hiện vì chúng cho rằng quân "Việt cộng" không thể ra khỏi khu vực đang bị bao vây.
Sau trận tham gia kìm chân địch và đưa cả tiểu đoàn pháo mặt đất rút lui an toàn này. Đoàn 1 – đơn vị công binh trực thuộc Mặt trận B5 được thưởng Huân chương chiến công, và Chính chị viên Đào Xuân Thái được anh em gọi là "Chính ủy Sư đoàn bất đắc dĩ"!
- Bác Thái à. Em có nghe anh Ngọc Bái kể về Đoàn 1 mình không lập chốt đánh Mỹ như chỉ đạo của trên. Sự thực tế nào? Tôi hỏi.
- À đúng rồi! Theo suốt cùng tôi từ Bắc vào chiến trường và tham gia các trận mà tôi vừa kể, bây giờ Yên Bái chỉ còn bốn anh em. Nhà thơ Ngọc Bái đấy, và anh Nguyễn Tưởng, anh Nguyễn Đa Thắng ở xã Tuy Lộc. Cứ rằm tháng 7, bốn anh em lại gặp nhau, cùng thắp hương tưởng nhớ dồng đội Đoàn 1 hy sinh.
Ngừng giây lát. Ông Thái nói tiếp:
- Tôi không tán thành quan điểm lập chốt đánh Mỹ như chủ trương của Trung đoàn, vì chốt cố định sẽ là mục tiêu pháo kích của địch. Pháo địch từ xa, nhanh, tọa độ chính xác. Bài học chốt 425 Đầu Mầu Quảng Trị là một bài đau xót. Ta đánh lui 28 lần trong ngày diệt mấy chục tên nhưng hy sinh hơn một tiểu đội. Ngày hôm sau, ta bổ xung quân, địch thay đổi cách đánh chiếm: AL19 trinh sát, rồi bắn pháo cấp tập, chiến sỹ thương vong nhiều. AL19 gọi máy bay phun chất độc hóa học xuống, rồi bắn đạn lửa. Cả vùng đồi cháy đen. Ta hy sinh gần hết. Chốt 425 rơi vào tay quân Mỹ!
Trước tình thế bất khả kháng, Đoàn 1 của Đại úy Thái buộc phải thu quân rút về Đồi 405 (Động khỉ). Trung đoàn vẫn yêu cầu chốt đồi, Đào Xuân Thứ cho đổi chiến thuật, đào hào quanh đồi, gài mìn rồi rút theo đường hào. Bộ binh Mỹ thấy đồi trống tấn công lên, mìn nổ. ta dập cối 82 diệt 55 tên, 2 chiến sỹ ta hy sinh. Pháo Mỹ kích vào khu giao thông hào, ta đã rút ra vòng ngoài an toàn. Chính trị viên Thái hội ý chỉ huy, kiên quyết chia nhỏ lực lượng, đánh sâu đánh chắc.
Trận đồi 300 Khe Sanh, ta và địch, lừa tìm diệt nhau trên cùng quả đồi. Quân Mỹ đi thường ồn ào, ta phục kích nhỏ lẻ. Mấy ngày quần nhau, ta diệt 70 tên trong đó có thiếu tá Mỹ chỉ huy. Riêng nhóm tiểu đội cối của Phạm Xuân trường (quê ở Thái Nguyên) lừa địch vào để đánh, diệt gần 30 tên.
Trận Động Ngọc Gio Linh, trinh sát báo, địch tập trung đưa gái đến Động Nọc giải trí. Chỉ huy Đoàn 1 cử ba tổ cối 82 áp sát, bất ngờ nổ súng, hàng chục tên Mỹ - Ngụy bị tiêu diệt. Rồi trận Động Nong. Trên thông báo về, Mỹ sẽ đổ quân xuống chân đồi Động Nong để càn vào Gio Linh – Cam Lộ. Đoàn 1 cử năm tổ cối 82, B40, và trung liên, bí mật phục kích, đúng lúc địch đổ quân, hỏa lực cấp tập phát hỏa. Quân địch sa lầy bãi trận, gần 200 tên Mỹ - Ngụy bị thương, bị diệt.
Tổng kết năm 1969, Trung đoàn xác nhận, Đoàn 1 đánh 117 trận, diệt và làm bị thương trên 1000 tên địch. Chỉ riêng tiểu đội Nguyễn Xuân Trường, diệt 40 tên. Hay như Hà Ngọc Châu quê ở Cao Bằng, trong trận Dốc Miếu, bắn tới 42 quả pháo 150ly. Anh được B5 cử đi báo cáo điển hình toàn Mặt trận. Tính ra Đoàn 1, chịu đổi lấy 20 tên địch, so với năm trước, một đổi mười! Cựu chiến binh Đào Xuân Thái hiền lành cười nhẹ.
- Thưa bác. Tôi cắt ngang cảm xúc ký ức của người lính Khe Sanh. Động lực nào giúp Bác vượt qua mọi trở ngại?
Ông Đào Xuân Thái đặt chén trà xuống bàn.
- Tôi luôn nhớ lời Tướng Song Hào khi ông đến giao nhiệm vụ: Chiến tranh, chiến sỹ ta vượt sông Bến Hải vào trận đánh, đã là bản lĩnh lắm rồi. Trách nhiệm của chính trị viên là phải tiếp tục củng cố tư tưởng cho chiến sỹ.
- Thế, có lúc nào ông băn khoăn?
- Cũng có. Những khi đơn vị, đồng đội hy sinh nhiều mà không mấy thắng lợi, anh Nguyễn Ngọc Bái cán bộ chính sách, anh Nguyễn Đa Thắng lính hỏa lực không khỏi lo lắng. Tôi cũng vậy. Sau này gặp lại ông Ch (trung đoàn trưởng, quê ở Thái Nguyên), tôi tranh luận lại với ông về phương châm, phương pháp đánh Mỹ ở điều kiện Quảng Trị.
Tôi hỏi ngỏ: - Có phải vì thế mà từ ngày đi B (1966), đến lúc rời quân ngũ về nghỉ hưu (1977), mặt dù có đến 10 Huân chương, bác vẫn chỉ một quân hàm: Đại úy?
Ông già Đào Xuân Thái cười. Nụ cười hóm hỉnh, nhưng như thể mãn nguyện.
- Điều ấy, tôi không quan tâm.
Tôi dừng lời và xin phép ông lên tầng 2, nơi ông lập ban thờ đồng đội, thắp nén nhang tri ân các liệt sỹ Đoàn 1 Công binh sơn pháo Đông Trường Sơn Anh hùng.
Yên Bái, tháng 9 năm 2018.
HLK