Tháng 3 ở Đắc Lắc

Ngày đăng: 10:28 26/03/2015 Lượt xem: 621
Sau 40 năm, ngày 16/3/2015, tôi lại trở lại Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc. Mảnh đất này đã có quá nhiều đổi thay mà năm 1975 không ai trong chúng tôi dù có óc tưởng tưởng đến mấy cũng không hình dung ra nổi...

                                THÁNG 3 Ở ĐẮC LẮC

Ghi chép của Phạm Thành Long

 

         Sáng ngày 16/3/2015, Hà Nội hơi se lạnh. Ra đường chỉ với một chiếc áo khoác mỏng là khá yên tâm. Vợ chồng tôi và cô con gái đầu Diệp Anh ra sân bay Nội Bài từ 5 giờ sáng. Sau 1 giờ 30 phút bay, 9 giờ kém 15 chúng tôi đã có mặt tại sân bay Buôn Mê Thuột.

        Có thể nói một cái duyên không ngờ đã đến để chúng tôi có chuyến đi hôm nay. Tôi mắc khá nhiều bệnh, hậu quả của những năm tháng bị nhiễm độc ở chiến trường. Sau bao nhiêu năm chống chọi, nay chúng được dịp phát tác trên cơ thể của tôi. Sức khỏe của tôi thật bi quan. “Đùng” một cái, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ thông báo với con gái tôi, ông đồng ý mời tôi vào chữa bệnh ở Vường Thiêng của ông ở Mdrak, Đắc Lắc…

        Buôn Mê Thuột sau 40 năm mọi thứ ở đây đã đổi khác ghê gớm. Ngày ấy, sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, tôi cùng Sư đoàn bộ vào đóng đại bản doanh tại khu gia đình sĩ quan bên ngoài căn cứ Sư đoàn 23 ngụy. Một lần, trên đường xuống Trung đoàn 17 công tác, tôi tranh thủ phi chiếc Yamaha xanh, chiến lợi phẩm thu được của địch ở căn cứ Mai Hắc Đế ngụy tạt qua sân bay Buôn Mê Thuột xem hình thù nó ra sao. Ngày ấy, sân bay trơ trọi, chỉ thấy cỏ khô và dây thép gai bao quanh. Đường băng bằng đất. Bên trên lát rất nhiều tấm ghi bằng sắt…Bây giờ sân bay Buôn Mê Thuột rất đẹp và khá hiện đại. Khuôn viên trước nhà ga sân bay là một công viên đẹp với hệ thống giao thông rất hợp lý. Liền kề với công viên trước nhà ga là những vườn cà phê xanh tốt, bạt ngàn…

         Chúng tôi vừa ra cửa trước sân ga thì một chàng trai chạy tới trước mặt con gái tôi, vồn vã:

         - Chị là Diệp Anh phải không? Em được cử ra đón chị và gia đình. Nói rồi cậu ta đón va li trên tay chúng tôi và nhanh nhẹn xếp đồ lên xe.

         - Cháu tên gì ? Tôi hỏi.

         - Dạ cháu là Hải, nhân viên của Tập đoàn Trung Nguyên ạ.

         Hỏi tiếp tôi biết chopjbawngf tuổi con gái thứ hai của chúng tôi, lấy sowmstwf năm 21 tuổi, có hai cô con gái.

        - Bây giờ mời cô chú và chị Diệp Anh ghé qua Trung tâm café của Trung Nguyên ở Buôn Mê Thuột uống café và nghỉ ngơi, sau đó ta đi Mdrak. Trước hai giờ chiều nay chúng ta sẽ có mặt ở Trang trại ạ.

          Tôi nói vui:

        - Cháu là “cán bộ đường lối” mà. Tùy thuộc ở cháu.

        Trong khi chờ nhân viên bê đồ uống ra, chúng tôi tranh thủ đi thăm Bảo tàng Café đặt ngay trong khuôn viên của Trung tâm. Bảo tàng là một ngôi nhà dài Tây Nguyên. Bên trên “tầng 2” trưng bày cồng chiêng và các vật dụng điển hình thông dụng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ nhiều đời nay. Bên dưới, trưng bày các loại dụng cụ đựng, xay, pha café có mặt tại Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước. Gần như lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những dụng cụ liên quan đến café có xuất sứ từ Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… Thật không thể tưởng tượng nổi công sức và tiền của mà Trung Nguyên đã sưu tầm để trưng bày tại Bảo tàng này – Một Bảo tàng độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Từ cổng vào cho tới mọi ngóc ngách của khuôn viên rộng hơn một héc ta của Trung tâm là những cây café cổ thụ được trồng thay cho cây cảnh ở đây. Lúc này đang cuối mùa ra hoa nhưng tôi vẫn thấy khá nhiều những chùm hoa café trắng nở trên các cây café cổ thụ. Sự độc đáo và là một trong hai điểm nhấn của Trung tâm café Trung Nguyên là một hang động bằng đá, bán café bên trong. Người ta đã xếp rất nhiều khổi đá lên nhau để tạo ra một hang động đá, kỳ thú. Ngồi nhâm nhi ly café trong động đá này thật ấn tượng và thú vị. Có lẽ động đá café này nằm giữa Trung tâm café lớn nhất nước cũng độc nhất vô nhị ở Việt Nam…

         Chúng tôi rời Buôn Mê Thuột gần 10 giờ. Đường phố Buôn Mê bây giờ rộng đẹp, sạch sẽ và thanh bình ngoài sự tượng tượng của tôi. Ngày xưa những con đường của Buôn Mê Thuột nhỏ nhoi và đầy bụi đỏ ba gian. Mùa này, gió thổi, đưa bụi đỏ bay khắp nơi. Chỉ từ sáng tới chiều là đít quần đỏ lòm bụi đất. Buôn Mê hôm nay còn giữ được nhiều vạt rừng rộng nằm kề dọc hai bên phố. Những vạt rừng cây to, tán rộng, mát rượi một vùng. Thành phố êm đềm quá. Nhìn những con phố, cửa hàng khang trang, sạch đẹp, khiến tôi chạnh nhớ đến những khu dân cư lụp sụp trước căn cứ Mai Hắc Đế năm xưa. Sau khi ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn thua đau phải rút chạy khỏi Buôn Mê Thuột, thành phố này không còn được tiếp tế từ Sài Gòn nữa. Đồng bào rơi và đói, khát. Sư đoàn 471 chúng tôi được lệnh huy động mấy trăm xe chở gạo và thực phẩm từ căn cứ ở Trường Sơn vào cứu đói khẩn cấp cho đồng bào thị xã. Gần một ngàn tấn gạo được chở vào giao cho Ban Quân quản của ta để tổ chức cứu đói cho đồng bào, trong đó có rất nhiều gia đình lính ngụy…

          Đã nhiều tháng nay, Buôn Mê Thuột không mưa. Nước ở các sông suối, hồ đập đã vơi cạn. Rời Thành phố, ra ngoại thành, tôi dễ dàng nhận ra sự khát này. Nhiều vạt café bên đường hoa đen thẫm vì thiếu nước. Đi trên quốc lộ 26 hôm nay khiến tôi nhớ lại sáng 31/3/1975. Đây là trận mưa đầu tiên ở Buôn Mê Thuột. Mưa xối xả, mưa ầm ầm trút xuống thành phố cao nguyên sau ngày giải phóng. Hôm ấy tôi đã viết một bài thơ để ghi lại sự kiện này. Tôi vẫn còn nhớ bài thơ viết vội: “…Gió bỗng lặng. Trời đổ mưa xối xả/Kẻ vào không gian những đường trắng xóa/Gõ vào mái tôn ầm ầm rối loạn/Xới vào đất xục ngàu bọt đỏ/Mưa rơi! Mưa rơi!/Trận mưa đầu tiên khi mặt đất, bầu trời/Khi cuộc sống lại bình yên cuộc sống/Thành phố Cao nguyên lồng lộng cờ giải phóng/Như cùng người quét đi tất cả/Trời rửa lau thành phố chúng ta/ Mưa rơi! Mưa rơi!/ Bao giờ Buôn Mê Thuột và mảnh đất Cao Nguyên này có trận mưa đầu tiên của mùa mưa 2015 để cho mảnh đất này đỡ khát, đỡ khổ vì khát!?

           Chiếc “Li Sật” gầm cao hai cầu bon bon trên quốc lộ 26, con đường mà 40 năm trước, sau khi thất thủ ở Buôn Mê Thuột, quân ngụy Sài Gòn đã rút chạy hỗn loạn trên con đường này để về Nha Trang. Sư đoàn 471 chúng tôi được lệnh điều hàng trăm xe cơ động Sư đoàn 968 truy kích địch ở Phước An và suốt con lộ 26 này… Con lộ 26 bây giờ được mở rộng hơn trước và được trải nhựa phẳng phiu. Xe chúng tôi đã tới thị trấn Phước An. Con đường 4 làn xe hai chiều rộng đẹp chạy dọc thị trấn mấy kilomet liền. Có thể nói, nhiều thị trấn ở dưới xuôi khó rộng và đẹp như thị trấn Phước An hôm nay. Nhà cửa, phố xá khang trang, sầm uất đến không ngờ…

           Đến km 47, lái xe tạt vào bên trái con đường dưới một tán cây đa rợp mát để chúng tôi nghỉ chân. Dọc hai bên đoạn đường này như một “phố ngô”. Ngô nhiều vô kể. Thỉnh thoảng lại có những chiếc xe tải dùng lại để họ bốc những bao tải ngô mới hái chất lên xe. Những nồi ngô luộc bốc khói nghi ngút. Cậu Hải mua cho chúng tôi mỗi người một bắp ngô luộc nóng hổi. Ngô sao ngọt đến lạ. Hỏi cô bán ngô, cô cho biết, bọn cháu không cho một thứ gì vào đâu. Ngô ngọt vì vừa được hái khỏi rẫy. Khi luộc chúng cháu chỉ cho một chút muối vô thôi. Hỏi chuyện cô chủ quán bán ngô, tôi được biết cô là Nguyễn Thị Sen, nhà ở trong xóm Mới cách đây không xa. Cô người An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Sen vào lập nghiệp ở đây cùng với người bác. Cô sinh năm 1980, đã có hai con một trai, một giái. Chồng cô là chủ một chiếc xe tải loại 2 tấn. Cô kể, hàng ngày chồng cháu lấy ngô ở đây để mang lên Gia Lai tiêu thụ hoặc đổ ở Nha Trang. Ngô ở đây có quanh năm vì được tưới nước no đủ. Tháng ba này là vụ ngô chính. Ngô ở đây ngon và nổi tiếng nhất Tây Nguyên đấy chú ạ! 

 

 

         Chúng tôi nằm trên 4 chiếc võng mắc tại quán của cô Sen. Bóng cây đa mát rượi. Nhìn lên tán cây, tôi chợt phát hiện ra một tổ ong mật rất lớn. Ảnh trên. Nó rộng phải gần bằng nửa chiếc chiếu đôi. Mùa này là mùa “con ong đi lấy mật” chắc tổ ong này nhiều mật phải biết. Tôi hỏi sao không ai lấy mật ở tổ ong kia. Cô Sen cho biết, không ai dám đâu chú ơi. Cây đa này thiêng lắm. Ngày rằm, mồng một nào cháu cũng hương khói đấy. Nghe đồng bào ở đây kể rằng, ngày trước, trẻ con bị chết, đồng bào đều mang phía sau cây đa này để chôn. Không biết có phải vì thế mà cây đa này linh không chú ạ. Chẳng ai dám đụng vào đâu… Mới năm ngoái thôi, sau một cơn gió, một cành đa bị gãy rơi xuống sát hai cô gái nằm võng mà không hề hấn gì. Cây đa lành vía chú ạ. Vì thế mà bán hàng ở đây, ngày nào cháu cũng thắp hương. Trời đất của mình có nhiều kỳ bí lắm chú ạ. Mình cứ có tâm là mọi việc sẽ tốt đẹp thôi mà chú…

         Trên đường đi vào Mdrak, tôi cứ ấn tượng mãi câu nói của cô Sen bán ngô “Trời đất của mình nhiều kỳ bí lắm chú ạ. Mình cứ tâm thì mọi việc đều tốt đẹp thôi…”. Vâng Trang trại Mdrak của Chủ tịch Tập đoàn café Trung Nguyên mà tôi sắp tới để chữa bệnh nghe nói cũng là một mảnh đất kỳ bí lắm. Tôi sẽ kể với các đồng chí và bạn đọc ở bài ghi chép sau về chuyện kỳ bí khi tôi đến chữa bệnh ở Vường Thiêng của Trang trại này.

 

PTL

 

tin tức liên quan