Quỷ ám (Kỳ 65)

Ngày đăng: 08:12 20/12/2018 Lượt xem: 1.386


                                  Quỷ ám (Kỳ 65)



''Lấy công an nghèo lắm con ạ. Mà xã hội bây giờ là xã hội “kim tiền”. Không có tiền thì liệu có ở được với nhau không? Con lấy chồng, mà chồng con là sĩ quan an ninh. Nó đi công tác quanh năm, có khi còn phải lấy tiền của vợ để đi công tác, thế thì liệu có chịu được không?'
 


Tại nhà ông Phương.

Ông Phương đang được cháu gái chải đầu. Nét mặt ông rạng rỡ và tràn đầy hạnh phúc.

Ông nói với Phương Liên:

- Con ở đây với nội được mấy ngày nữa?

Phương Liên:

- Con xin nhà trường nghỉ 10 ngày vì có 2 môn con đã thi trước rồi.

Ông Phương hỏi:

- Tại sao con lại được thi trước?

Phương Liên:

- Chúng con bây giờ học theo học trình, không nhất thiết phải chờ đến kỳ thi. Nếu con cảm thấy đủ sức thi môn nào thì cứ đăng ký thi. Nếu qua rồi thì không phải học nữa.

Ông Phương:

- Hay quá. Bây giờ lại có cách học như thế à?

Phương Liên:

- Nội ơi, cách này bên nước ngoài áp dụng lâu rồi. Trường con bây giờ mới bắt đầu áp dụng đấy ạ. Học kiểu này thì có khi chỉ khoảng hơn 2 năm là con đã tốt nghiệp đại học rồi. Con nói với má rồi, học xong đại học, con về tỉnh làm, rồi về ở với nội.

Ông Phương cười móm mém:

- Đến lúc ấy thì nội cũng chẳng còn nữa.

Phương Liên ngạc nhiên:

- Sao nội nói gở thế? Chỉ sang năm là con ra trường. Con về đây ở với nội. Con lấy chồng, rồi sớm sinh để có đứa gọi nội bằng cụ nhé.

Ông Phương cười:

- Ông mất mà nội có đứa chắt chít khăn vàng đưa tang thì thích quá. Nhưng cháu còn trẻ thế, lấy chồng đã nên chưa? Phải nghĩ đến chuyện lập nghiệp chứ.

Phương Liên:

- Vâng. Nhưng con cứ thích lấy chồng để nội có cháu gọi bằng cụ. Chuyện lập nghiệp thì tính sau.

Ông Phương:

- Con nói thế thì chắc là đã có anh chàng nào rồi, đúng không?

Phương Liên bẽn lẽn:

- Vâng. Con có rồi ạ.

Ông Phương kéo cháu gái ngồi lại gần, rồi trách yêu:

- Tại sao con không đưa bạn trai đến đây cho nội xem mặt?

Phương Liên:

- Dạ. Anh ấy đang đi công tác trên Tây Nguyên ạ.

Ông Phương hỏi:

- Người yêu con làm gì mà lại công tác ở Tây Nguyên?

Phương Liên:

- Dạ. Anh ấy là lính an ninh ạ, công tác ở Tổng cục An ninh 2 - Bộ Công an. Hiện đang đi học tiếng Ê-đê.

Ông Phương cười vui vẻ:

- Con lại chọn sĩ quan an ninh à? Nhưng mà nội hỏi, con phải nói thật nhé!

Phương Liên:

- Vâng. Nội cứ hỏi. Con có bao giờ dám nói dối nội đâu?

Ông Phương:

- Tại sao con lại nghĩ đến việc lấy chồng là công an? Con ngoan ngoãn, xinh đẹp, lại học giỏi thì sau này phải khá lắm chứ. Lấy công an nghèo lắm con ạ. Mà xã hội bây giờ là xã hội “kim tiền”. Không có tiền thì liệu có ở được với nhau không? Con lấy chồng, mà chồng con là sĩ quan an ninh. Nó đi công tác quanh năm, có khi còn phải lấy tiền của vợ để đi công tác, thế thì liệu có chịu được không? Liệu con có đủ dũng cảm để ở nhà nuôi con, làm kinh tế cho chồng yên tâm công tác không? Hay là thiếu tiền, nó lại đi làm bậy, làm bạ giống ba mày thì nội buồn lắm.

Phương Liên xịu mặt xuống:

- Nội ạ, đúng là bây giờ chẳng biết thế nào mà nói trước. Con chỉ biết là con tin anh ấy, anh ấy cũng tin con. Anh ấy kể rằng, ba anh ấy ngày xưa là lính của nội.

Ông Phương hỏi:

- Ba nó là ai? Sao lại là lính của ông?

Phương Liên:

- Ba anh ấy là Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận. Ngày xưa, thời chiến tranh chống Pol Pot, khi ông là Giám đốc Công an tỉnh ở đây thì ba anh ấy là Đại đội trưởng Đại đội Cảnh sát cơ động.

Ông Phương:

- Có phải thằng Bảy không? Con hỏi nó xem có phải ba nó tên là Bảy, là con thứ 6 trong gia đình. Tên lại là Bảy, nên gọi nó là thằng Bảy Bảy.

Phương Liên cười:

- Vâng. Đúng rồi đó nội.

Ông Phương cười rạng rỡ :

- Thằng Bảy Bảy đánh giặc cùng với mình. Nội nhớ có lần hành quân trong rừng, nội mệt quá, nó bảo thủ trưởng để em cõng. Ngực đeo một khẩu Aka, khoác thêm một khẩu súng của ông, lại còn đeo thêm cái balô của nó và cái túi dết của ông trước ngực, thế mà nó còn xốc ông lên lưng và chạy.

Phương Liên:

- Ba anh ấy về hưu rồi ạ. Con nghe nói vẫn còn đi biển khỏe lắm ạ.

Ông Phương:

- Hay quá. Tại sao quả đất lại tròn và bé thế nhỉ? Con có số máy của Bảy Bảy không?

Phương Liên:

- Dạ. Con làm sao mà có số máy của bác ấy ạ. Nhưng nếu nội muốn nói chuyện với bác Bảy thì để con nói anh ấy gọi điện.

Ông Phương:

- Ừ, con gọi nói nó cho nội xin số máy. Nội muốn nói chuyện với cha nó. À mà thôi, con bảo nó gọi cho ba nó, nói rằng nhắc đến tên ba nó là nội nhớ lắm, ba nó nếu có rảnh thì thu xếp lên đây chơi với nội. Nội cảm thấy nội chẳng còn sống được mấy ngày nữa nên rất muốn gặp bạn cũ.

Phương Liên:

- Nội lại nhắc chuyện đấy rồi.

Vừa nói đến đó thì mặt ông Phương tái đi. Ông đưa tay lên ôm ngực, rồi lả dần, dựa vào Phương Liên.

Liên hốt hoảng :

- Trời ơi. Nội làm sao thế này, nội ơi.

Phương Liên ngồi xuống đỡ nội, rồi kêu lên:

- Mọi người sang cứu nội cháu với.

Hàng xóm nghe tiếng Liên kêu thì đổ xô sang.

Liên gọi cho một bác sĩ.

Bà bác sĩ nói:

- Cháu để ông nằm xuống, rồi gối đầu cao lên. Đừng làm gì, chờ xe cấp cứu đến.

Một lát sau, xe cấp cứu tới đưa ông Phương vào viện.

Từ lúc ấy, ông Phương không biết gì nữa.

Bác sĩ xác định ông Phương bị tắc nghẽn động mạch vành, sự sống chỉ còn tính bằng giờ.

Tối hôm ấy, tại phòng cấp cứu của bệnh viện, Đồng ở lại trông cha.

Nhìn cha nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, trong lòng Đồng trào lên một nỗi xót xa, ân hận.

Đồng cầm bàn tay gầy guộc của ông và nói thầm thì:

- Ba ơi, con là thằng bất hiếu, là thằng chẳng ra gì. Con đã phụ công dạy dỗ của ba. Ba tha lỗi cho con. Con xin hứa với ba từ nay con sẽ thay đổi, con sẽ trở về đúng như thằng Đồng ngày xưa, khi mà ba trao cho con quân hàm Thiếu úy.

Những tiếng thầm thì của Đồng như những giọt nước tưới vào gốc cây khô cằn.

Ông Phương tỉnh dậy, hé mắt nhìn con trai.

Đồng thấy cha mở mắt, thì nói:

- Ba ơi. Con đây. Thằng Đồng đây ba ơi.

Ông Phương kéo Đồng xuống và nói:

- Ba sắp đi rồi. Ba dặn con hai việc. Một là con phải tránh xa con Oanh. Hai là nếu như con thấy mình không xứng đáng là một sĩ quan công an nữa thì con xin ra khỏi ngành đi. Đừng làm nhục ba, đừng làm xấu hổ lực lượng công an, con ạ. Và con phải cứu lấy thằng Lâm.

Đồng chảy nước mắt khi nghe ông Phương nói.

Đêm hôm ấy, cả Bảy Liêm và Ban Giám đốc Công an tỉnh quây quần bên ông Phương. Tất cả nhìn vào điện tâm đồ với vẻ lo lắng. Nhưng không thấy Bảo Lâm đâu.

Bảy Liêm hỏi Đồng:

- Thằng Lâm đâu anh Đồng?

Đồng nhún vai:

- Không biết nó đi đâu. Gọi không được.

Giám đốc Trịnh Lương nói với vẻ khó chịu:

- Lạ nhỉ? Nó đi đâu mà gọi không được?

Đồng:

- Báo cáo anh. Nó tắt máy. Em tìm nó từ chiều đến giờ mà không được. Cho người đến công ty hỏi cũng không ai biết nó ở đâu.

Bảy Liêm:

- Không tìm thấy nó thế này thì chắc lại sang Campuchia đánh bạc rồi.

***

Khoảng 12 giờ đêm hôm ấy, ông Phương mất.

Khi nhìn màn hình điện tâm đồ chạy một đường thẳng, Đồng úp mặt xuống ngực cha khóc nấc lên từng hồi. Đồng khóc không hẳn chỉ vì thương xót cha mình, mà khóc vì ân hận và cảm thấy tủi hổ trước những người xung quanh.

Giám đốc Trịnh Lương vuốt mắt cho ông, rồi đứng nghiêm giơ tay chào.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong


 
tin tức liên quan