" Cái tâm người lính góp gieo nên vần" - Chia sẻ cùng VHNT TS của Phạm Sinh
-----------------------------------------------------------------------------------------
“CÁI TÂM NGƯỜI LÍNH GÓP GIEO NÊN VẦN”
Vâng - Tôi lấy câu thơ này của anh để làm tựa đề cho một bài viết ngắn mà tôi cứ tạm gọi nó là một câu chuyện. Sự thể là thế này:
Tháng 7 năm ấy tôi được cùng tham gia đoàn Cán bộ cơ quan Trung ương Hội Trường Sơn đi thăm chiến trường xưa - Trong chuyến đi này đoàn chúng tôi có ghé thăm và dâng hương tri ân các anh hùng Liệt sỹ tại khu di tích thành cổ Quảng Trị, trong khu di tích này tôi bắt gặp một tấm bia đá, Tấm bia này được khắc một khổ thơ tứ tuyệt:
“Đò lên Thạch Hãn, ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Giữ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
Đây rồi: 4 câu trong bài thơ "Lời người bên sông" của Cựu chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị; Cựu Dũng sỹ diệt Mỹ trên chiến trường Quảng Trị - Nhà báo, Nhà thơ Lê Bá Dương. 4 câu thơ mà từ khi nó ra đời đến nay được dư luận xã hội đánh giá rất cao và cũng không ít người từng biết và tâm đắc với nó. Và quả thực nó đã được coi như đi vào lịch sử bởi nó đã được hiển hiện tạc trên một bức “Cuốn thư” bằng đá vừa hoành tráng vừa nghiêm trang được đặt tại một vị trí long trọng trong khu di tích Thành cổ Quảng Trị, nó càng long trọng hơn vì phía trước nó là một “lư hương” ngày ngày nghi ngút khói hương vọng hồn các anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất lịch sử này…
Hiềm một điều làm tôi và mọi người khó hiểu là trong bức “Cuốn thư” bằng đá có tạc 4 câu thơ trên, ở phần ghi tên tác giả lai là một ô được đục sâu hình chữ nhật - Phải chăng vì lý do gì mà người ta đã phải đục bỏ tên tác giả đi …? Vì lý do thời gian nên tôi và mọi người không thể nán lại tìm gặp Ban quản lý khu di tích để tìm hiểu về vấn đề này …
Sau chuyến đi chưa đầy 20 ngày - Ngày 17 tháng 8 tôi liên lạc trực tiếp qua Facebook với anh Lê Bá Dương ( tác giả của 4 câu thơ trên) để tìm hiểu ngọn nguồn. Chia sẻ với anh Dương - Tôi viết: “…Bài thơ tuyệt vời trên mọi phương diện anh Dương ơi... Nhưng trên tấm bia sao có hình chữ nhật phải chăng đó là vị trí ghi tên tác giả (anh) Ai đục đi hay có quy định nào mà không được ghi tên tác giả không anh? Tấm bia này chắc phải có thủ tục cấp phép tạc và đặt bia ở nơi này chứ anh …?”.
Lê Bá Dương với tấm bia thơ của mình tại Khu di tích Thành cổ Quảng Trị
Nhận được thư tôi, anh Lê Bá Dương đã hồi âm: ( Dẫn nguyên văn thư)
TIẾNG LÒNG TÔI
Thơ tôi mãi mãi tiếng lòng
Tạc vào núi, hóa vào sông đời đời
Bạn còn đầu suối cuối đồi
Tôi còn khản tiếng đò ơi...ơi đò
Khi rứt lòng, thốt ra những lời gan ruột đặt vào khổ thơ tứ tuyệt "Lời người bên sông" tôi đã không hề nghĩ đến việc sau này nó lại trở thành ...chuyện để tên, đục tên. Và không chỉ đơn giản chuyện đục bỏ tên tác giả với lý do " Bài thơ tạc vào bia đá, để sau lư hương, trong khi tác giả còn sống e...không tiện"??? mà tệ hơn, nó lại trở thành nguyên cớ để những người đố kỵ xuyên tạc rằng : Thơ đó Lê Bá Dương lấy của dân gian...thậm chí có người còn quả quyết rằng ..hai câu đầu bài thơ là của ...lính Ngụy... Để rồi tôi buộc lòng phải làm cái điều không nỡ làm là đăng ký bản quyền cho ...một tiếng lòng . Vâng tiếng lòng tôi, tiếng lòng một người lính từng neo vào lòng đồng bào đồng đội như một bằng chứng nhận bản quyền trong lòng đồng đội, đồng bào.
Đây chỉ là tâm trạng cá nhân, tôi rất cám ơn những chia sẻ thân tình, có lý lẽ nhưng điềm đạm… Vì vậy tôi đã phải xóa một vài comment với lời lẽ khiếm nhã, tục tĩu.
Kèm theo thư này anh Lê Bá Dương còn gửi kèm cho tôi mấy hình ảnh “minh chứng” cho sự việc …
Tuy nhiên cho đến nay tấm bia vẫn ... chưa “ Trả lại tên cho em” nhưng nó đã được Ban quản lý “xử lý tình huống” bằng cách cho thợ trạm một họa tiết hoa văn lồng vào cái ô “hình chữ nhật” trước đây…Nhưng cũng vẫn không sao - Anh Dương vẫn khiêm tốn và cứ mỗi hàng năm, năm nào anh cũng về Thành cổ Quảng Trị để thăm viếng đồng đội của mình và vẫn đứng bên tấm bia kia để tưởng nhớ đồng đội của anh và chụp ảnh cùng tấm bia ...
Vâng - Sự bình tĩnh và sáng suốt trước “sự cố” lẽ ra không đáng có đến với mình của Lê Bá Dương có lẽ chỉ có trong người lính trận năm xưa; có lẽ nó có được bởi như đôi lời anh Dương chia sẻ cùng tôi: “…Vâng tiếng lòng tôi, tiếng lòng một người lính từng neo vào lòng đồng bào đồng đội như một bằng chứng nhận bản quyền trong lòng đồng đội, đồng bào.”.
Bản quyền bài thơ - "cái điều không nỡ làm" của tác giả Lê Bá Dương
Trong câu chuyện nhỏ này tôi không thể không kể về một mẩu chuyện nhỏ, rất nhỏ bởi tôi “trót” lấy một tình tiết của nó để đặt tên cho bài viết này (Cái tâm nguòi lính góp gieo nên vần )
Âu cũng là cái tâm của người lính thôi - Dịp 22-12 ( Ngày thành lập Quân đội) anh Dương đăng tải trên facebook đôi lời tự sự và bài thơ mang tựa đề “ LỜI 22-12” dưới đây:
“Ngày truyển thống quân đội, lại tự nhắc nhớ mình đã, đang, và mãi mãi sống thay cho các đồng đội đã ngã xuống.
LỜI 22-12
"Quan quyền ai mặc người ta
Lê Bá Dương mãi cứ là Dương thôi
Ngẩng đầu sống giữa cuộc đời
Giữ tâm trong, để nuôi lời thủy chung
Chẳng màng danh hão anh hùng
Chỉ mong mãi sống tận cùng yêu thương”
“Bắt” được mấy câu thơ của anh Dương - Tôi cảm tác và chia sẻ với anh ấy rằng:
Thơ anh mang nặng tình thương
Thơ anh hào khí chiến trường năm xưa
Thơ anh nắng hạn cho mưa
Thơ anh “Thạch Hãn nhẹ đưa mái chèo” *
Và cũng ngay sau đó anh Dương lại chia sẻ vừa là hồi âm, vừa nối họa thơ với tôi:
"Góp thời đầu súng trăng treo
Cái tâm nguòi lính góp gieo nên vần"
Thưa các đồng chí và các bạn - Thật vui, thú vị và chút ít ý nghĩa nhân văn phải không ạ - Lính mà, có lẽ chỉ có bản chất người lính mới có bản lĩnh để có thể bình tĩnh sáng suốt trước những “sự cố” nhỏ to của công việc, của cuộc đời … Và đây nữa - Thơ năm xưa và cả hôm nay cũng vậy – Cái tâm của những người đã một thời cầm súng và của cả những người chưa một lần khoác trên mình chiếc áo màu xanh nhưng họ yêu cái màu xanh của lính, họ đồng cảm với “cái tâm” của người lính thì:
“Góp thời đầu súng trăng treo
Cái tâm nguòi lính góp gieo nên vần”
Phạm Sinh