" Trận địa mới" - Bài dự thi “ Hào khí Trường Sơn” của Phương Liên, Lâm Đồng

Ngày đăng: 07:27 08/01/2019 Lượt xem: 666
Bài dự thi “ Hào khí Trường Sơn”

TRẬN ĐỊA MỚI
(Ký)


Tác giả Phương Liên
 
          Hành quân, tôi lại hành quân tiếp trên chặng đường đầy gian khổ!
         Đúng 7 giờ sáng ngày 22/4/1974, tôi và ba đồng chí nữ rời vị trí công tác đi nhận nhiệm vụ mới mưa không ngớt! mưa mỗi lúc một to hơn. Đã từ đêm qua, những đợt mưa xối xuống cây cối trong rừng thi nhau đổ ầm ầm. Mùa mưa biên giới, tiếng mưa, tiếng suối gào thét, tiếng cây đổ … Thiên nhiên như náo động.
         Lại suối! những bước chân bì bõm theo nhịp nước chảy siết trượt vào đá đau buốt tận xương.
         Lại dốc! ba lô như có ai kéo lại. Mưa vẫn tha hồ xối vào mặt rát như phải bỏng. Mưa lộp bộp trên mũ, trên áo tưởng chừng điếc cả tai…
         Ù… ù … những tiếng sấm đầu mùa mưa miền hạ Lào nghe sao quen thuộc, có lẽ vì quen với tiếng máy bay B52, tiếng bom nổ thì đúng hơn. Tiếng sấm như báo hiệu một điều gì sắp tới với chúng tôi. Cuộc chiến đấu mới!
Lại vắt! được dịp mưa mát mẻ những anh chị vắt tha hồ đổ từ những ngõ ngách ra kiếm ăn, chúng thi nhau leo, bấu, cắn, hút máu no căng. Những chú vắt xanh cứ nhằm vào đầu người mà cắm sâu vòi máu chảy vô tội vạ. Những  “ cậu” xem chừng bữa ăn chưa thoải mái bám chặt dứt không ra.
         Từng đợt mưa, từng cụm mây đen rủ nhau từ đâu tụ lại, bầu trời tối sầm.
         12 giờ trưa, những đám mây chia về các ngả, mưa đã dần tạnh, mặt trời ló ra hắt những tia nắng vàng nhạt yếu ớt sưởi ấm các ngọn núi. Đỉnh Trường Sơn thật gần vừa như xa xăm. Thung lũng bốc lên đan quyện làn khói trắng của hơi nước mờ ảo, xen lẫn là màu xanh của trời và núi rừng. Vượn các triền núi đua nhau kêu, chim véo von hót. Ào ào tiếng nước chảy từ những ngọn núi cao đổ về suối lớn, róc rách đùa vui những âm thanh lạch suối nhỏ. Cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng dần dần trở lại, như bức tranh thủy mạc tạc sẵn từ lâu đời …
          Chúng tôi ai nấy đều đã mệt nhoài, bụng thấy “ kiến bò”, cảnh trời quang mây tạnh thì cũng là dịp tốt cho lũ “ giặc trời”, xa xa chúng tôi đã nghe tiếng OV10 loại máy bay trinh sát của địch. Theo thói quen không ai bảo ai mặc chúng, khi nào cần thiết hãy hay. Đã nhiều lần trên đường hành quân chúng tôi đối mặt dưới làn bom đạn, phải nói tới câu  nắng bổ nhào, mưa rào tọa độ cứ thế mà tránh. Gian khổ và ác liệt của chiến sỹ Trường Sơn đã trở thành chuyện cơm bữa.
          Sống chết ở nơi đây  không còn quan trọng với người lính, họ vô tư như con nai bên bờ suối đẹp như đóa phong lan ban mai đẫm sương đêm. Họ hát những bài ca cách mạng. Miếng lương khô chưa kịp ăn đã gục ngã trước cửa hầm. Sẻ chia tấm chăn manh áo. Ngớt tiếng bom là tiếng hát lại vang lên.
         Chiếc OV10 lượn vòng vòng nghe khó chịu bên tai, rồi cút hẳn. Chúng tôi vẫn tiếp tục hành quân…
         17 giờ 30 phút tới địa điểm nghỉ ( đơn vị mới). Bữa cơm sau một ngày hành quân mệt nhọc là một nồi cơm nhỏ chật chội. Hạt cơm không đủ chỗ nằm tới nỗi chỉ hơn cơm rang là không có mỡ. Mệt mỏi, khát nước gặp bữa cơm “dẻo”, cổ họng như kéo rào qua. Món ăn không ngoài hoa chuối rừng, rau môn thục xào thịt hộp, canh lá chua. Đôi lúc chúng tôi đùa nhau “ yêu cho tiêu môn thục” Rồi cùng cười  phá lên. Ôi quên sao được những ngày tháng thật gian khổ mà vui, ác liệt mà tự hào dân tộc. Nhưng “ kỷ luật thép” mới thật là đáng sợ làm sao chỉ cần nghe qua “ cậu ấy với cô ấy có vấn đề yêu nhau” thì lập tức một trong hai người được đổi đi đơn vị khác. Thôi dại gì cứ vô tư cho khỏe, mình có tình yêu của con tim, thống nhất đất nước, khi đó tha hồ mà yêu.
          … Qua một đêm thiếp đi với giấc ngủ gò bó trong chiếc võng. Tỉnh dậy là lúc trời sắp hừng đông. Chúng tôi lại trèo đèo lội suối, hết suối lại đèo… cứ thế cho tới “ cửa 9” là 12 giờ 15 phút nghỉ ăn cơm. 13 giờ 30 phút lại tiếp tục hành quân, khi tới “ cửa 40” là 18 giờ 30 phút của ngày 23 tháng 4 năm  1974. Bị thấm lạnh do nước mưa, phần thấm mệt của ngày hành quân tôi đã bị sốt cao! chứng sốt rét mãn tính như chờ dịp hoành hành. Đơn vị mới tập kết nằm cạnh một bản không rõ tên của đồng bào Lào tôi sốt mê man cả đêm. Tới sáng mấy đồng chí vào bản đổi gà về nấu cháo cho tôi. 7 người đồng bào Lào  cả đàn ông, đàn bà, trẻ con, đem con gà trống to, gạo nếp một bọc. Họ quây xung quanh tôi “ nấu gà với nếp cho bộ đội Việt Nam ăn”. Tôi không hiểu họ nói gì, trước khi về, một người già cười nói “bộ đội Việt Nam đẹp hung, xinh hung!” Khi đỡ sốt, nghe mấy người trong đoàn nói họ cho nếp và gà không lấy đổi gì cả.Họ rất tình cảm nói rằng “ bộ đội Việt Nam với đồng bào là con một nhà”. Trong đầu tôi lởn vởn những ánh mắt hiền lành với màu da nâu xậm quện khói thuốc dê. Khi trước thấy mùi là tôi không chịu nổi, giờ nó như ngọt lịm. Họ hiền hòa như dòng sông Xê Pôn, Xê Păng Hiêng khi hoàng hôn ngả bóng, nhưng cũng là con hổ báo dũng mãnh trước thằng Mỹ…
         Đêm về, những vì sao lung linh in dải ngân hà, làn gió lạnh mang theo hơi nước của dòng Xê Păng Hiêng. Tôi ngỡ mình như đang trên bờ đê con sông Như Nguyệt, lòng thật khoan khoái dể chịu, thả hồn theo dòng thời gian về quá khứ …
         Đúng 3 giờ kém 15 phút sáng ngày 25/4/1974, chúng tôi lại tiếp tục hành quân tới địa điểm quy định. Người còn ê ẩm mắt cay xè  chân bước thấp bước cao. Làm thế nào phải tập kết trước 7 giờ sáng theo lệnh hành quân đã phát. Mặc dù giấc ngủ dở dang, người đau như bị đòn! Chúng tôi vẫn tiếp tục hành quân vì nhiệm vụ ở phía trước. Lực lượng chúng tôi giờ đây thêm một đồng chí chính trị viên đại đội là nam, và một số đồng chí nữ của các đơn vị. Quân số dày thêm sức mạnh tổng hợp như được nhân lên. Đội hình thêm phấn trấn, tôi đã khỏe hơn và thấy phấn khởi hẳn. Vẫn những bước thấp bước cao âm thanh rì rầm sột soạt những lau sậy. Nương đồng bào Lào chưa phải mùa phát rẫy thật rậm rạp, ánh đèn pin ngụy trang không soi rõ lối. Sừng sững trước mặt là quả đồi, những dây song trên vách núi đã bao người đồng chí nắm leo nhẵn bóng bỏng ran. Ba lô nặng trĩu, mệt! khát! Bi đông không còn nước! …
         Đúng 7 giờ như đã quy định, chúng tôi tới “D668” mới là kết thúc đoạn đường hành quân bộ.
        Xe ô tô đưa chúng tôi tới “592”. Trên xe, một số đồng chí đã bị say, phần do sốt rét vẫn “ sẵn sàng trực chiến” trong mỗi chiến sỹ Trường Sơn. Phần đói và khát, phần thiếu ngủ. Tôi và một số đồng chí tuy không bị say nhưng nhìn mặt ai cũng như tàu chuối non gặp bão. Từ “592” hành quân tiếp về “D668” (mới), qua đoạn đường số “9” bản Đông, có đoạn bom cày lên, muốn nhào người khỏi xe. Chúng tôi qua những bản làng của đồng bào Lào, đồng bào Vân Kiều tới bản Sen, nơi đóng quân của “ D bộ 668” là 17 giờ 30 phút. Tại đây tôi gặp lại một số đồng chí cùng phục vụ chiến đấu ở “ K200C” năm 1971 – 1972. Những người  đồng chí cùng chung chiến hào đánh mỹ. Mừng – vui- phấn khởi, chúng tôi đốt lửa ngồi bên nhau kể chuyện tháng ngày qua. Trong chiến đấu một ngày có thể tính dài bằng cả năm, cái cảm giác ấy đều ở mỗi chiến sỹ, nét mặt rạng ngời, niềm tin vào ngày giải phóng đến gần. Bên ánh lửa bập bùng nhảy múa nhìn ai cũng đẹp và trẻ trung như hồi mới vào quân đội.
          Đêm 24/4/1974 chúng tôi ngủ lại (668 mới).
         11 giờ 30 phút ngày 26/4/1974 chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Vẫn những bước chân trắc nịch đều đều. Quân trang, quân dụng, súng đạn, túi bông băng cá nhân, bi đông nước uống dè dặt. Tiếng máy bay mỹ điên cuồng ì ầm nhào lộn và rất có thể bất ngờ cắt bom bừa bãi bất cứ lúc nào. Mồ hôi giọt giọt trên má chảy xuống môi thấm vào miệng mặn chát. Vị chát mặn nồng nồng của tình đồng chí. Đèo dốc suối vẫn ở phía trước, bản làng vẫn hiện ra trước mặt. Tôi thầm cảm ơn đồng bào đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh  tình thương trong chiến tranh giản dị, mộc mạc, cao cả và thiêng liêng khi hai sắc tộc như một.
         Tiếng vọng của núi rừng Trường Sơn. Chúng tôi qua (C3 mới), qua nhiều cảnh nhiều nơi khác nhau. Dấu chân anh in dấu chân tôi, Niềm vui kiêu hãnh của ngày mai. Tình cán bộ, chiến sỹ như một gia đình. Vị mặn, nhạt, chát, chua cùng sẻ chia ấy, đã lên men ủ ấm những đêm Trường Sơn giá lạnh bên cánh rừng già như ngàn năm không biết ngủ.
         Những nương rẫy của đồng bào Lào sao mà nhiều ớt thế? Loại ớt được gọi là ớt chỉ thiên. Tôi thầm nghĩ muốn hỏi ông trời vài lời “khi nào thống nhất ???”
         Bước chân càng đi càng như quen với mệt mỏi. Chúng tôi lại qua những bản làng, gặp những người dân không quen biết, bắt gặp những ánh mắt trìu mến nhìn chúng tôi đầy khâm phục. Tôi lại gặp bao người đồng chí, người bạn chiến đấu mà không hề biết tên nhau. Họ vẫy tay chào nhau như đã quen biết từ lâu. Địa điểm thi công TRẬN ĐỊA MỚI là lúc 17 giờ 30 phút ngày 26/4/1974, chiếc đồng hồ bố tôi cho tôi lúc nhập ngũ, có ánh dạ quang về đêm nhìn rõ giờ giấc đã có lợi cho tôi rất nhiều.
         Mừng ! vui… buồn … thương … chúng tôi , những người chiến sỹ gặp lại nhau lại về bên nhau trong tiếng gọi  của MIỀN TÂY TỔ QUỐC.

 

Ảnh minh họa
 
                                                                              Viết tại Thừa Thiên Huế , tháng 4 năm 1974

Họ và tên: Nguyễn Thị Phương Liên
Năm sinh: 1953
Địa chỉ: Quang Trung I- Gia Lâm – Lâm Hà – Lâm Đồng.
Số ĐT: 0977389229
Mail :
phuonglients559@gmail.com

tin tức liên quan