Trường Sơn, tháng hai năm ấy, dự thi Hào khí Trường Sơn của Phùng Quốc Hùng

Ngày đăng: 07:35 22/01/2019 Lượt xem: 704

Bài dự thi viết "Hào khí Trường Sơn"

                TRƯỜNG SƠN THÁNG HAI NĂM ẤY

                                            Ghi chép: Phùng Quốc Hùng

Tiểu đoàn thông tin của sư đoàn 308 chúng tôi vượt đường mòn Hồ Chí Minh từ Vĩnh Linh vào tới Quảng Trị tháng 1 năm 1971, đúng lúc địch đang triển khai chiến dịch Lam Sơn 719. Ngày 28 tháng 1 nhằm dùng ngày mùng Một Tết Tân Hợi. Đơn vị đón xuân giữa rừng được ba ngày, rồi khẩn trương triển khai nhiệm vụ chiến đấu. Địch đang tập trung lực lượng hùng hậu nhất tiến về hướng Tây, nhằm đánh phá cơ sở hậu cần của ta.

Ngày mùng 4 tháng 2, tổ chiến đấu chúng tôi gồm ba chiến sĩ thông tin vô tuyến và hai trinh sát định chuyển đài quan sát từ cao điểm 628 đến gần Hướng Hóa, nhưng địch nống ra nhiều quá nên phải nằm lại. Trên điểm quan sát, bằng ống nhòm tôi thấy rất đông công binh địch đang sửa chữa lại đường 9. Bọn máy bay chiến đấu lượn vòng trên không bảo vệ, bom đạn ném tơi bời xuống xung quanh đài quan sát. Tổ thông tin chốt giữa vùng địch nên rất nguy hiểm, nhưng tạo được yếu tố bí mật. Bọn địch cũng không ngờ lại có đối phương nằm ngay bên cạnh chúng.

Ngày mùng 8 tháng 2, bọn địch tiếp tục nống ra. Một, hai, rồi ba, bốn tiểu đoàn. Hàng chục rồi hàng trăm xe đủ loại, ùn ùn trên đường 9. Xe tăng, pháo binh, bộ binh của chúng đồng loạt các hướng tìm kiếm, tấn công quân ta. Tổ thông tin làm việc cật lực để cập nhật thông tin về Sở chỉ huy, quên cả ăn. Chiều mùng 9 tháng 2, thấy tình hình tạm ổn, anh em mới bảo nhau nhen lửa nấu cơm. Đúng lúc đó bất ngờ địch pháo kích. Lần đầu, pháo nổ xa, bọn tôi còn cười nhạo. Chừng mười phút sau, pháo nổ gần sát sạt, phải bỏ cơm chạy vào hầm. Tôi vừa nghe xoèn xoẹt, vội nằm xuống thì quả phảo 105 li nổ ngày trước mặt. Rồi cứ thế pháo bắn liên tục mấy giờ liền không ngớt, cây cối đổ ầm ầm, đạn nổ trên nóc hầm chói tai, hai cửa hầm lòe chớp đạn. Đất đá bắn vào hầm rào rào. Cứ tưởng hôm nay là đi đứt, thế mà cả tổ vẫn sống. Kết quả trận pháo kích là một cây dao găm để trên bếp bay mất, một mũ mềm úp trên nồi cơm bị mảnh đạn xé rách, hai nồi cơm bị đạn nổ gần làm móp méo, cơm vung tung tóe ra ngoài, một nồi nước đang nấu bị lật úp. Hai quả phảo trúng bếp làm mấy bộ quần áo lót phơi trong lán bị vùi lấp. Hầm ngủ cũng bị hai quả pháo ngay miệng hầm. Ba giờ sáng, chúng tôi lục đục chuyển đi nơi khác gần chỗ cũ. Tối qua đói quá, ăn vốc cơm trộn đất, thỉnh thoảng lại nhá phải mảnh đạn nhỏ, cứ lấy tay bốc cơm mà ăn. Địa điểm mới chỉ cách địch 500m, phải cảnh giới liên tục. Gần trận địa  pháo của nó, mỗi lần pháo bắn bị nhức tai, nhức óc. Tuy nó không nhắm vào mình mà cứ giật mình thon thót. Trận địa chốt của quân ta đã rút, thế là xung quanh chỉ còn lại tổ thông tin. Địch tứ phía, thật là táo bạo và nguy hiểm.

Sáng 11/2, thấy yên yên, chúng tôi lại nấu cơm, vì nhịn hai ngày đói quá. Cũng may là cơm chín, chứ lúc 8 giờ định nấu nồi nước uống thì máy bay địch nhiều quá, phải dập bếp. Đơn vị không vào nữa vì bọn địch đã nhảy ra ngoài ấy tham chiến. Hôm qua chúng tôi nhận được tin thắng trận. Quân ta phá hủy 3 xe tăng, 23 máy bay, diệt 50 tên địch. Một đại đội của E2 tiêu diệt gọn một trung đội  địch. Chiều muộn, một chiếc trực thăng bay rất thấp trên đài, tôi nhìn thấy rõ 4 thằng Mỹ mặt quằm quặm ngồi ở cửa máy bay, tay lăm lăm súng, mắt soi mói nhìn xuống đất. Nó không nhìn thấy mình, thật là may.

Lúc 14h ngày 15 tháng 2, địch cho thám báo bao vây đài quan sát. Nhóm trinh sát nổ súng, vừa đánh vừa rút. Địch bắn chặn tứ phía, chúng đốt đằng này, bắn đằng kia hòng ngăn cản đường rút của chúng tôi. Nhưng bộ phận thông tin vẫn bí mật luồn qua vòng vây lửa đạn. Trong lúc rút lui, tôi bị ngã một cái trời giáng, hai gối bị giập, máy vô tuyến nhào lên đập vào đầu, chói óc. Đạn pháo nổ xung quanh, mảnh văng rào rào, trực thăng rà rất thấp, nhìn rõ cả cái mặt bỉ ổi của thằng lái và bọn bắn súng máy. Mệt  mỏi rã rời. Tôi xác định trận này hi sinh. Trong đầu đã thầm lóe lên hình ảnh người yêu ở quê nhà và lời chào vĩnh biệt. Chúng tôi chạy 3giờ liền mà đạn vẫn nổ trước mặt, sau lưng, tưởng đi đứt. Đến 18 mới vòng ra sau điểm bị đánh phá, đói mờ mắt, hai người chung nhau một bánh lương khô cánh công binh vừa cho. Suốt đêm ấy, cái rét và tiếng pháo nổ ầm ầm không sao ngủ được. Công sự trú ẩn không có, phải đào đất để lấy chỗ nằm. Bọn thám báo Mỹ hôm qua bỏ mạng 5 tên, quân ta an toàn nhưng số lương thực và trang bị của 5 trinh sát và công binh bỏ lại mất. Đài quan sát không còn, vẫn tạm trú một chỗ bí mật. Bọn địch chắc đã phục kích chỗ chúng tôi vừa ở, bây giờ quay lại thì rơi vào bẫy của chúng, mà nằm tại chỗ thì vô cùng nguy hiểm. Nếu chỉ có khẩu súng thì không sợ, đằng này lại máy móc, thiết bị lỉnh kỉnh. Anh em hi sinh thì cũng chấp nhận, nhưng nếu máy hỏng hoặc rơi vào tay địch thì có tội lớn với quân đội. Tiến thoái lưỡng nan.

Cho đến ngày 18 tháng 2, chúng tôi di chuyển chỗ ở liên tục, trinh sát ngày nào cũng đi tìm đường. Gạo gần hết, nguồn ác-quy sắp cạn, vấn đề tiếp tế trở nên vô cùng quan trọng. Nếu không được tiếp tế, nhiệm vụ sẽ không hoàn thành. Chỗ ở hiện tại rất không an toàn, hai đêm liền, chúng tôi ngủ cách địch chỉ 400m. Đêm đầu không biết, sáng ra mới giật mình phát hiện bọn địch ngay bên cạnh, phải di chuyển ngay. Ban ngày trốn địch như chuột trốn mèo vì lực lượng mình ít quá, mà địch thì hơn 200 tên. Chúng quyết đi lùng sục, tiêu diệt tổ thông tin, ta đi tới đâu chúng sục tới đó, cứ như trò chơi ú tìm. Tuy nguy căng thẳng mà thấy ngộ nghĩnh, buồn cười.
 


CCB Nguyễn Xuân Ngát kể chuyện chiến đấu ở Trường Sơn cho khán giả đài PTTH tỉnh Phú Thọ

Ban đêm ngủ chẳng có hầm hố gì. Khoét cái lỗ như ổ lợn để nằm, gồi đầu lên hai quả lựu đạn. Chập chờn ngủ, mỗi tiếng động nhỏ cũng đủ giật mình thức dậy. Lính chẳng nghĩ gì tới bản thân, đã hàng chục ngày không rửa mặt, đánh răng, chứ đừng nói đến tắm giặt. Nước uống toàn nước suối, cho viên thuốc tiêu độc vào là nốc ừng ực, vậy mà bụng dạ không sao cả. Hai ngày đầu được 1 thanh lương khô, hai ngày sau mỗi bữa ba bát cơm, nhưng từ tinh mơ đến tối mịt mới được ăn tiếp. 12 giờ trưa ngày 18 tháng 2, địch lại mò đến, đành phải rút chạy. Hơn 200 tên lính địch đuổi theo bao vây, quyết tiêu diết đơn vị thông tin. Chúng gọi máy bay, pháo bắn yểm hộ. Bọn trực thăng bay phành phạch trên đầu, bắn đạn 20 li và cối xuống, để cho bọn pháo binh bắn cấp tập vòng ngoài. Chùng tôi vừa chạy tránh bộ binh, vừa tránh pháo. Một quả cối nổ sát đội hình chỉ mấy mét, anh em tản ra tránh và bắt đầu lạc nhau. Năm người bên trinh sát mất tíc, chỉ còn lại ba người, tổ trường  Tạ Diễn Lộc, chiến sĩ Hà Công Lý và tôi. Địch đuổi rát sau lưng, chúng tôi lại rút chạy tiếp. Đêm xuống, bọn địch co cụm lại không truy lùng nữa, chúng tôi cũng dừng lại nghỉ lấy sức, mở máy gọi về đơn vị xin chi viện. "Cố gắng thoát vây, bảo đảm an toàn nhiệm vụ. Chưa có lực lượng chi viện". Vậy là chúng tôi phải tự ứng phó với địch thôi.

Mờ sáng, tổ chúng tôi giật mình vì đã nghe địch hò hét lùng sục. Bốn chiến sĩ lại luồn rừng, lách cây tìm lối đi, có lúc cách địch chỉ mươi mét. Tình hình quá nguy cấp, tranh thủ lúc chạy xa địch, chúng tôi lại mở máy xin chỉ đạo của cấp trên. Trung tâm cho lệnh phá máy, hủy tài liệu, còn người cố gắng thoát vây trở về. Chúng tôi bàn bạc, xem đã đến lúc phải phá máy chưa? Chưa bị địch bắt mà vội phá máy, chạy thoát về đơn vị là cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người quyết giữ máy đến cùng và tiếp tục luồn rừng, tránh địch. Xế chiều, đến một khe núi, chúng tôi chặt cây chuối rừng ăn đỡ đói, rồi mở máy xin chi viện bằng pháo binh, mở lối thoát vì vòng vây địch đang xiết chặt. Trung tâm đồng ý và hỏi tọa độ. Mười lăm phút sau, hơn pháo binh ta rót hơn 20 quả đạn dồn dập, phá nát một mảng lớn đội hình địch. Thời cơ đã đến, chúng tôi vượt qua bãi pháo thoát ra ngoài. Chúng tôi tiếp tục tìm đường về nhà, bước chân đi mệt mỏi vì hai ngày không hạt cơm trong bụng. Đi liên tục, tránh đường trục toàn đi xuyên rừng. Lội rừng mười giờ liền không nghỉ, thỉnh thoảng dừng lại kiếm cây chuối rừng, uống nước suối cầm hơi. Không thể tả hết nỗi mệt nhọc của chúng tôi, với những bước chân gắng gượng, bụng trống rỗng, vừa mang máy nặng vừa trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 22 tháng 2, đơn vị ổn địch lại quân số, tổ thông tin của tôi lại tiếp tục luồn sâu, quan sát. Ở chỉ huy sở mới vừa ấm chỗ thì địch pháo kích hai lần vào buổi sáng, súng bộ binh địch nổ rất gần. Lại phải chuyển chỗ lần nữa. Ba ngày sau, địch có triệu chứng rút quân, sư đoàn lệnh các đơn vị phải đánh gấp. Hôm ấy đột nhiên pháo địch bắn rất nhiều, máy bay quần thảo ném bom cũng lắm. Mục tiêu của địch trong  cuộc hành quân Lam Sơn 719 bị thất bại, có thể chúng sẽ rút về. Đêm trước B52 ném bom gần chỗ chúng tôi ở, đất đá rơi ào ào. Bên hữu tuyến hai chiến sĩ đi công tác bị mất tích. Sáng hôm sau đơn vị cử người đi tìm nhưng không thấy. Chắc họ hi sinh rồi. Địch rút, đơn vị cũng hành quân ra Bắc, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Tháng 3 năm 1971 chúng tôi hành quân ra Quảng Bình, tiếp tục học tập, huấn luyện chờ nhiệm vụ mới.

Sau này, câu chuyện chiến đấu của đơn vị tôi đã được một nhà văn viết thành tiểu thuyết "Cơm Bắc giặc Nam", được đánh giá cao ở Phú Thọ.

                                                                P.Q.H

                                     (Viết theo lời kể của CCB Nguyễn Xuân Ngát)

 

...........................................................................................................

Địa chỉ liên hệ:

Phùng Quốc Hùng

xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

đt: 0972067419

email: phunghungtayninh@gmail.com

TK: 2709205077750 Agribank  chi nhánh Phù Ninh, Phú Thọ


 
tin tức liên quan