Người Hải Long với Khúc ruột miền Trung

Ngày đăng: 02:28 24/01/2019 Lượt xem: 694

Dự thi Hào khí Trường Sơn  

 

              Người Hải Long với Khúc ruột miền Trung

 

                                                        Ký của Vương Văn Kiểm

 

 
        Ngày thu đẹp trời năm 2018 tôi tìm về xã Rồng biển - Hải Long, đầu làng hiện lên cổng chào hoành tráng mang dòng chữ “Xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới”. Đi dọc theo con đường vào làng hơn một cây số, tôi hỏi thăm vào nhà anh Ngợi. Người phụ nữ trung tuổi nhanh nhẹn chỉ cho tôi nhà anh Ngợi và tự hào nói: “xóm em có hai anh hùng: ông Lại Ngọc Ngợi, ông Bùi Văn Quảng và xóm 13 ngoài kia có anh hùng Nguyễn Huy Hiệu nữa…  xã Hải Long em có ba anh hùng cơ đấy, xã em cũng là xã Anh hùng thời kỳ chống Pháp, bác về đây… được được may mắn đấy bác ạ”. Tôi cảm ơn chị, vào nhà anh Ngợi, vừa đi vừa ngẫm nghĩ: các cụ xưa nói: “Địa linh sinh nhân kiệt”.

 

      Sau mấy câu giới thiệu, chủ và khách đều là cựu chiến binh thông cảm nhau . Tôi biết thêm: anh Ngợi và anh Hạnh - anh ruột tôi, cùng dự đại hội Truyền thống Trường Sơn của huyện Hải Hậu. Câu chuyện rôm rả thêm khi biết chị Phạm Thị Thu giáo viên mới nghỉ hưu là phu nhân của anh Ngợi cùng trong hội giáo chức với chị Hồng Liễu là con ông Hạnh. Âu đấy cũng là khởi đầu nan thuận tình cho bài bút ký của tôi về người anh hùng quê hương vùng biển sáng. Anh vui vẻ tâm sự về đời riêng, những mẩu chuyện chiến đấu tại chiến trường tỉnh Quảng Nam năm trước.

 

        Lại Ngọc Ngợi sinh năm 1952 tại xóm 5 (nay là xóm 6) xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tháng 6/ 1968 anh nhập ngũ vào đại đội 4, tiểu đoàn 465 sư 320B. Tháng 8/1969 vào Nam chiến đấu bổ xung về đại đội 19 Công binh trực thuộc tỉnh đội Quảng Nam. Khi vào chiến trường cấp trên giao cho tổ công binh gồm anh Ngợi và hai đồng chí nữa: nhiệm vụ tháo gỡ bom đạn lép của giặc cải tiến thành bộc phá phóng để tiêu diệt địch. Công việc của các anh luôn luôn tiếp xúc với tử thần. chỉ sơ ý một chút là có thể hy sinh. Năm 1970 tổ đã tháo gỡ 15 quả bom, cải tiến hàng chục quả pháo cối lép thành bộc phá phóng.

 

      Chiến trường Quảng Nam năm 1970  vô cùng ác liệt. Bom đạn nổ từng đợt, từng đợt, có lúc liên tục, mặt đất rung chuyển suốt ngày đêm. Quân Mỹ lết phục kích suốt cánh rừng, vùng ven đồng bằng. Tối đến chúng cài mìn Cờ - lây - mo, vướng nổ, kết hợp cài mìn điểm hỏa điện với phục kích trên các hướng di chuyển của quân ta từ cánh bắc vào cánh nam trên địa bàn huyện, trên địa bàn tỉnh, và ngược lại. Do đó gây cho quân ta nhiều tổn thất.

 

      Qua hai tối trinh sát thấy địch phục kích ở xã Kỳ Long, nên không thể vượt con đường Tam Kỳ - Tiên Phước để ra cánh bắc được. Tối thứ ba, đồng chí Ngợi cùng hai đồng chí của huyện đội Bắc Tam Kỳ quyết định thọc sâu xuống vùng địch xã Kỳ Nghĩa, vòng qua ấp đồn Trà Gó nhằm thẳng hướng đèo thôn 3, xã Kỳ Quý tới. Cách đi này rất táo bạo (5 thắng, 5 thua) vì có thể gặp bọn dân vệ hoặc lính địa phương quân đi tuần tra. Cách đi này rất bất ngờ, địch không nghĩ tới. Nhưng thời gian di chuyển gấp đôi bình thường. Đến 4 giờ 30 phút các anh  đặt chân tới đỉnh đèo. Nơi đây tóp thuốc lá và vỏ đồ hộp rơi vãi - thuốc lá vẫn còn hơi thơm, vỏ đồ hộp chưa có mùi thiu thối, như vậy bọn Mỹ đang lết quanh quẩn đâu đây. Đây là nơi rừng rậm. cũng là nơi ngã ba đường mòn, một ngã đi về phía Hố Trạch, một đường rẽ xuống thôn 2 xã Kỳ Phước (nhà thờ Tin Lành). Đi hướng nào đây? Chúng tôi nhận định địch có xu hướng đi về phía Hố Trạch. Phải tránh hướng nguy hiểm đó. Hai đồng chí huyện đội đi theo hướng… thuận cho nhiệm vụ của mình. Anh Ngợi lội qua suối, hướng thẳng lên đồi Tranh để quan sát địch và đi xuống theo con suối cạn. Đến khúc cua, một bên là vách đá, vừa ló người ra chỗ cua, bỗng một loạt đạn nổ. Anh ngồi thụp xuống, nổ súng, một tên Mỹ ngã gục. Anh tiếp tục nổ ba loạt đạn, hai thằng Mỹ đi sau chúi đầu vào sau hòn đá to, không biết nó chết hay bị thương? Anh chạy ngược lại khoảng 50 mét, luồn rừng, bò ngược lên sườn đồi… cách bọn Mỹ khoảng 200 mét. Bọn Mỹ gọi pháo bắn cấp tập, xối xả khoảng 5 - 6 phút về phía không người. Chúng không ngờ anh đang bí mật ở cách chúng khoảng 200 mét để tránh bom pháo, bảo đảm an toàn, mà vẫn quan sát được sự di chuyển của chúng. Khoảng 10 phút sau chúng đưa những thằng chết ra vạt cỏ tranh, kêu tầu cứu thương tới chở đi. Bọn lính Mỹ sang Việt Nam không hợp khí hậu, trái với lòng người, lên rừng sợ chông, mìn, thú dữ, về đồn sợ thủ pháo của đặc công, tâm thần hoảng loạn, nên sức chiến đấu yếu đi, đã bị anh đánh lạc hường, rất dễ bỏ mạng.

 

      Đài quan sát của tỉnh hỏi: “Đơn vị nào nổ súng, có chiến công mà không thấy báo”. Hai ngày sau mới rõ: đồng chí Ngợi đại đội 19 Công binh đi công tác, bất ngờ sẩy ra cuộc tao ngộ chiến. Viên đạn độc ác của Mỹ né tránh anh, anh trở về an toàn

 

        Tháng 2/1971 tổ công binh của anh gồm 6 đồng chí trong đó có 2 đồng chí công binh huyện đội Tiên Phước phối hợp do đồng chí Nguyễn Bá Hiền Phó ban công binh chỉ huy.. làm nhiệm vụ cài 6 qủa mìn tăng. 3 quả mìn định hướng (DH10), 4 hố bộc phá phóng gồm 2 quả 105 ly và 2 quả 81 ly phục kích đoạn thôn 2, Phước Tiên đánh đoàn xe Mỹ khoảng 45 chiếc chở vũ khí từ Tam Kỳ đi Tiên Phước. Đoàn xe đi.. đúng dự đoán của ta. Lại Ngọc Ngợi bắn B41, đơn vị đồng loạt nổ súng. Khoảng 15 phút ta phá hủy 7 xe, diệt 30 tên Mỹ. Anh đã phá hủy 3 xe cơ giới, tiêu diệt 15 tên Mỹ, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”

 

     Khoảng cuối tháng 2 /1971đơn vị đi làm nhiệm vụ, năm đồng chí vừa qua cơn sốt rét, sức khỏe yếu ở lại bảo vệ hậu cứ tại khu rừng rậm rạp thuộc thôn Phước Cang, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Khoảng 8 giờ, pháo địch bắn cấp tập vào đồi Tranh cách “cứ” khoảng 1000m. Các anh nhận định địch sẽ đổ quân. Sau mười phút bắn dọn đường, tiếp đó cứ 5 tầu một lượt, chúng đổ quân, cả thẩy 15 tầu. Khoảng 9 giờ, anh Ngợi cảnh giới thấy bọn Mỹ di chuyển theo hướng đường tuôn (con đường trong rừng khi mưa, nước tuôn tự nhiên) hướng thẳng vào “cứ” của đơn vị. Anh quyết định cài quả mìn cải tiến cối 61 ly xuống vị trí mà từ gành đá khi bước xuống, buộc bàn chân… phải đạp vào đó. Khi chôn xong, anh lui về 100 mét, ẩn nấp dưới gốc cây xi. Trên đường đi, tên Mỹ từ gành đá bước xuống vị trí cài mìn, mìn nổ, hắn  ngã gục và nhiều tên khác bị thương. Chúng hoàn toàn bị bất ngờ, chỉ nghĩ là đạp phải mìn, không biết có quân ta ở gần. Để giữ bí mật hậu cứ, anh Ngợi tự vạch kế hoạch: nếu chúng vẫn di chuyển theo hướng đường tuôn thì sẽ cho chúng ăn quả mìn định hướng (điểm hỏa điện), chứ không nổ súng. Nếu dùng súng thì chúng sẽ gọi bom pháo bắn nát hậu cứ, là cái chắc. Nhưng bọn Mỹ đã dừng lại, kêu tầu cứu thương chở bọn thương vong. Đến 12 giờ trưa chúng tập trung tại đồi Tranh, gọi tầu H34 (tầu vịt) chở nước đến phun mưa. Cả lũ giặc trần truồng như nhộng tắm dưới làn mưa đó. Bọn Mỹ tiếp tục lết và phục kích đón quân ta di chuyển từ các xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà theo dốc Đồng Linh xuống đập An Lý. Đợt càn của chúng chỉ chuốc lấy thương vong và rút quân không kèn không trống, các cụ ta thường gọi là : " quân hồi vô phèng". Đội quân "công tử... nhà nghề" đầy đủ như vậy, chơi sang như vậy, họ ngờ đâu sau này vẫn phải cuốn gói về nước.

 

        Tháng 3/1971 cũng chiến thuật như trước, tổ gồm 6 đồng chí trong đó có 2 đồng chí công binh huyện đội Bắc Tam Kỳ do đồng chí Hiền chỉ huy đánh đoàn xe Mỹ chở vũ khí lên Tiên Phước. Các anh phục kích đoạn đường cầu chợ Cây Xanh xã Kỳ Long huyện Tam Kỳ. Vị trí phục kích nằm trong vùng địch kiểm soát, xung quanh là đồn Trà Gó và đồn Núi Vàng, đồn Núi Mỹ. Các anh tạo thế hoàn toàn bất ngờ, đoàn xe vào đúng dự kiến của ta, đơn vị nổ mìn phá hủy 5 xe, diệt 12 tên Mỹ. Trong trận ấy, anh Ngợi phá hủy 2 xe, diệt 5 tên Mỹ, anh được nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”

 

        Tháng tư năm 1971 tổ gồm 4 đồng chí do đồng chí Hùng phụ trách, đánh sập cầu Vòi. Lại Ngọc Ngợi cài mìn phá hủy 1 xe, diệt 23 tên Mỹ. Anh được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới

 

      Một đêm cuối  tháng 9/1972 đồng chí Tề chỉ huy đơn vị gồm 12 đồng chí nhận nhiệm vụ đưa 80 kg thuốc nổ vào phá cầu Bà - Rén. Cầu này nằm trên quốc lộ 1A. Phía nam cầu là chợ Bà Rén xã Phú Thạnh, huyện Quế Sơn. Đầu phía bắc là thị trấn Nam Phước huyện Duy Xuyên. Cầu nằm trên đường huyết mạch của thành phố Hội An Đà Nẵng. Địch tăng cường canh gác, liên tục ném lựu đạn xuống sông. Chúng bắn bất cứ chỗ nào chúng nghi ngờ. Mãi hơn 3 giờ sáng ta mới đưa được khối thuốc vào trụ cầu, sau đó điểm hỏa khối nổ và đồng loạt nổ súng tiêu diệt địch. Kết quả 2 nhịp cầu bị phá hủy cùng với 20 tên địch bị tiêu diệt. Trời gần sáng đơn vị không kịp rút quân về phải ém lại cơ sở bí mật của đội du kích xã Phú Thanh nằm giữa vùng địch. Phía trước là đồn Thôn 7, phía sau là đồn Núi Đất và ấp chiến lược. Đơn vị lúc này chỉ còn 1 khẩu B41 với 4 quả đạn, còn lại AK và lựu đạn. Đơn vị cùng với 5 đồng chí nữ du kích (Hương, Hồng, Phòng, Nam và Thành) khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu. Đúng như dự đoán khoảng 8 giờ sáng, một liên đoàn Bảo an dàn hàng ngang đi lùng sục, tìm ta để tiêu diệt. Chúng bắt dân ấp chiến lược đi trước làm bia đỡ đạn. Khi đồng bào vào tới vị trí phục kích của ta, lợi dụng địa hình địa vật, đồng bào nằm lăn xuống rãnh để bộ đội tiêu diệt giặc. Lệnh phát hỏa, các loại súng đồng loạt nổ, giặc chết hơn 10 tên. Chúng lùi lại khoảng 150 mét, gọi pháo và máy bay ném bom vào vị trí của ta hòng nghiền nát anh em. Cuộc chiến đấu kéo dài tới 16 giờ. Bốn lần tấn công của địch anh bắn 3 quả B41 tiêu diệt các ổ đại liên của địch góp phần chiến công của đơn vị. Kết quả đơn vị đã tiêu diệt gần 30 tên. Đánh bại cuộc càn quét vây bắt lực lượng  nhỏ bé của ta. Đơn vị được tặng huân chương chiến công giải phóng hạng 3. Lại Ngọc Ngợi bắn B41 diệt 3 ổ đại liên và 12 tên địch. Anh được tặng danh hiệu Dũng sĩ xung kích và giấy khen

 

        Có nhà văn định nghĩa : “Chiến tranh là nụ cười tắt trên môi thiếu phụ còn non trẻ v… v… Nhưng nghe anh Ngợi kể chuyện sau đây, lại thấy ngược lại:

 

      Trời không trăng sao, từ hậu cứ tỉnh Quảng Nam, đơn vị gồm cả nam, cả nữ xuống ấp chiến lược nhận gạo. Đêm tối đen, đơn vị vừa trinh sát, vừa rà mìn… lặng thầm bước đi. Tới sông Thủy Tú, huyện Hòa Vang, ban đêm nước thủy triều ở biển tràn vào sông. Để khỏi ướt trang phục, mọi người cởi hết quần áo, vượt sông. Nước thủy triều bám vào người phát ra ánh lóng lánh. Nhìn nhau chỉ thấy bóng hình mớ mờ ảo ảo. Bỗng cậu Thanh đập vào vai người đi trước: “của quý của tao phát ra ánh mi - nơ mày ạ” (mi – nơ là chất phát sáng - lân tinh). Người đi trước ấy hỏi lại: “Của quý thế nào hở anh?. Nghe tiếng nhỏ nhẹ, Thanh biết đó là tiếng của cô gái. Thanh mắc cỡ, tự nhiên mình lại khoe của quý của mình với người bạn gái mới quen biết. Thật vô duyên, Cậu ta đi chậm lại và lùi về phía sau
        Lần trước đi lấy gạo, bị giặc phục kích, trở về tay trắng, anh em phải ăn rè ăn sẻn, ưu tiên cho thương binh được ăn no. Lần này suôn sẻ, đội công tác đón đơn vị ở điểm hẹn, giao đầy đủ quân lương. Mọi người nhận xong lương thực, thực phẩm phấn khởi trở về hậu cứ. Mờ sáng hôm sau đến bìa rừng, ngồi nghỉ, cô bộ đội bật hỏi: " Của quý có mi - nơ có nghĩa là gì hở các anh?”. Tất cả cười ồ.
- Tại sao các anh cười? Ở quê em trong này không nói tiếng ấy bao giờ. Chắc là các anh có nhiều lắm!
Tiếng cười lại rộ lên.
Một cậu lém lỉnh chêm vào: “Rồi em sẽ có”
      Anh Ngợi đã cho tôi thấy:
trong cái cam go ác liệt vẫn có nguồn vui. Tôi hỏi tiếp:

 

      “Anh Ngợi ơi. Trong chiến trường lúc nào anh nhớ đến bố mẹ gia đình?, điều đó tác động gì đến nhiệm vụ của anh ?”

 

      - Anh Ngợi trả lời: “Nhớ lắm bác ạ, thương bố mẹ lắm, nhớ lúc lên đường vào chiến trường, mẹ dặn: con đi gắng bằng anh, bằng em, rồi con lại về với bố mẹ. Nhờ giời, bố mẹ mạnh khỏe, bố mẹ gắng lam làm, con đừng lo đói kém….”

 

      Tôi sực nhớ đến câu thơ: “Thương con bầm cố bầm làm

 

                                         Thương bầm con cố diệt tan quân thù”

 

                 Chào anh chị, tôi về, ngày mai nghe anh Ngợi kể tiếp           

 

                                                                                    V V K 

 

 

 

                                 

 

Địa chỉ tác giả: Vương Văn Kiểm 47 Tràng Thi, phường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định . Đt 081. 723. 0806

 

Địa chỉ nhân vật chính trong ký: Lại Ngọc Ngợi, xóm 6 xã Hải Long, Hải Hậu Nam Định

 

 

 

 

 
 
tin tức liên quan