Quỷ ám (Kỳ 106)
Nhà tôi từ xưa đến nay chữ nghĩa ít, nhưng có làm gì tổn hại cho đất nước đâu. Nội nó bị thằng Pháp chặt đầu. Tôi là bộ đội chống Mỹ, bị thương thế này. Chú nó, bác nó là liệt sĩ. Nội nó là Mẹ Việt Nam Anh hùng.Vậy mà lại nảy nòi ra thằng nghịch tử này.
Bảy Liêm ở trên ban công nhìn xuống thấy đám đông tụ tập trước cổng trụ sở Công an huyện thì nói với cán bộ:
- Cậu chạy xuống coi có chuyện gì mà bà con đến đông thế này?
Nhìn thấy Bảy Liêm đứng trên ban công, ông Chín giơ tay vẫy:
- Cô Bảy. Xuống đây. Tôi có chuyện muốn nói với cô.
Anh sĩ quan vội vàng tự tay đẩy xe cho ông Chín vào trong, rồi cùng các sĩ quan khác bê xe đẩy lên phòng khách.
Bảy Liêm thong thả đi xuống, rồi nói:
- Trời ơi, chú Chín. Sao chú lại rong thằng Tùng thế này? Nó làm nên tội gì vậy chú?
Chờ cho mọi người ngồi yên vị, ông Chín nói Tùng:
- Thằng nghịch tử kia, mày quỳ xuống trước cô Bảy cho tao.
Tùng mặt xanh như giun rẽ quỳ xuống.
Bảy Liêm vội vàng đỡ Tùng dậy:
- Trời ơi. Chú làm gì mà kỳ vậy? Như diễn tuồng à. Nó làm gì nên tội mà chú bắt nó thế này?
Ông Chín vẫn không nghe:
- Không. Tôi cứ để tôi. Thằng này, quỳ xuống.
Tùng không dám đứng lên.
Ông Chín nói thong thả:
- Cô Bảy ạ, tôi xin tạ lỗi với cô Bảy. Tôi có con mà không dạy được. Thằng nghịch tử này là thằng đã cho chúng nó mượn xe 67 ở nhà để chúng nó đi đạp cô, làm cô hôm bữa suýt mất mạng.
Bảy Liêm:
- Trời ạ. Nó cho mượn xe hay trực tiếp đi?
Tùng lí nhí:
- Thưa cô, con xin cô tha tội. Con có đi nhưng con không đạp xe cô. Thằng đi xe SH đạp ạ.
Bảy Liêm:
- Được rồi. Nếu như thế thì con kể lại cho cô nghe. Còn bây giờ chú Chín, con cảm ơn chú. Chú làm thế này thì con áy náy quá. Mà tại sao chú Chín lại biết nó cùng đồng bọn gây tai nạn cho con?
Ông Chín Thép nói:
- Lúc đầu tôi cũng nghĩ cô bị tai nạn bình thường. Sau khi nghe anh em nói cô bị bọn lưu manh, trộm cướp đe dọa, rồi ám hại vì cô không cho chúng nó sang Campuchia đá gà. Tôi nói thiệt là những việc cô vừa làm được bà con ủng hộ lắm. Thằng nghịch tử nhà tôi chạy xe ôm, chở người ta qua bên kia biên giới, rồi cũng đi đá gà. Tôi bảo nó nhiều lần nhưng không được. Nhà có một chiếc Honda 67. Xe ấy là tôi mua được từ hồi giải phóng Sài Gòn, giữ gìn bao nhiêu năm. Nhiều người trả tôi giá cao lắm, nhưng tôi không bán. Mà cô tính, tôi có đi được xe đâu, nhưng tôi vẫn quý chiếc xe này. Tôi định dành cho nó. Hôm cô bị nạn, lúc chập tối, nó lấy xe đi, nói là đi chơi với đám bạn. Đêm hôm ấy nó đi không về, tôi hỏi xe đâu thì nó bảo thằng bạn ở xã kế bên mượn. Đến ngày hôm sau vẫn không thấy xe đâu. Tôi nghe tin vụ gây tai nạn cho cô là do bọn đi xe máy, nên tự nhiên thấy nghi nghi. Hôm qua, anh Hòa là cảnh sát hình sự trên tỉnh về gặp tôi và hỏi chuyện về cái xe 67, tôi nghĩ ngay đến thằng nghịch tử này. Chắc là có thằng nào thuê mướn làm tầm bậy tầm bạ. Tôi hỏi nó thì nó nhận rồi. Tôi trói nó lên đây, giao cho cô. Cô muốn giam, muốn bắt, tống tù, muốn xử bắn, tử hình gì nó thì tùy cô. Nhà tôi từ xưa đến nay chữ nghĩa ít, nhưng có làm gì tổn hại cho đất nước đâu. Nội nó bị thằng Pháp chặt đầu. Tôi là bộ đội chống Mỹ, bị thương thế này. Chú nó, bác nó là liệt sĩ. Nội nó là Mẹ Việt Nam Anh hùng.Vậy mà lại nảy nòi ra thằng nghịch tử này. Nó có để cho tôi sống với dân làng không?
Tùng run bần bật:
- Con lạy ba. Ba tha tội cho con. Con lạy cô Bảy. Đúng là con nghe chúng nó xui dại. Chúng nó trả cho con 10 triệu, con đã nạp cho ba con rồi.
Ông Chín lóng ngóng mở túi có gài ghim băng, lấy ra một phong bì tiền:
- Tôi nộp cho cô Bảy. Chúng nó cho 10 triệu, thằng này nhậu hết 1 triệu rồi, còn lại 9 triệu.
Bảy Liêm vội vàng cởi trói cho Tùng:
- Con xin phép chú, con cởi trói cho cháu.
Bảy Liêm nói với thằng bé như dỗ dành:
- Con biết dại thế là tốt rồi. Con đã xin lỗi ba, xin lỗi cô rồi. Cô đồng ý. Chuyện cũ bỏ qua đi. Con còn nhỏ dại, bị chúng nó xui bậy, cô không để bụng đâu. Để giúp cho anh em công an tìm ra mấy thằng chủ mưu, con ngồi lại làm việc với các anh ấy một chút nhé. Con cứ trình bày thật thà, đừng ngại gì cả. Cô sẽ bảo vệ con.
Ông Chín Thép nói chen vào:
- Cô cũng tính bảo vệ nó dùm tôi. Tôi sợ bọn lưu manh lại nghĩ kế giết người diệt khẩu.
Bảy Liêm:
- Dạ. Chú Chín cứ yên tâm. Đâu có dễ thế được. Con hứa với chú Chín, con sẽ bảo vệ em nó.
Bảy Liêm nói với Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện:
- Đồng chí đưa cháu Tùng sang phòng bên, nói cháu kể lại cho nghe việc chúng nó thuê mướn cháu như thế nào. Cố gắng hỏi nhanh, rồi để cho cháu về. Các đồng chí phải có phương án bảo vệ thằng nhỏ nhé.
Bảy Liêm quay sang nói với Tùng:
- Cô dặn con thế này nghe, trong những ngày này, con đừng đi chơi đâu xa. Con cứ ở nhà với ba má. Có việc gì cô và các anh công an ở đây còn đến nhờ. Con đi ra ngoài nhiều không tiện.
Tùng líu ríu:
- Cô không bắt con ạ?
Bảy Liêm cười:
- Cô bắt con làm gì chứ. Con đã nghe lời ba đến đây là tốt lắm rồi. Cô không bắt con. À, chú Chín, nếu chú thấy em nó ở nhà không an toàn thì ở đây có phòng khách, hay là để em ở đây mấy ngày, đợi bọn con lùng xong đám kia.
Ông Chín:
- Không phải phiền cô như thế. Cô phải làm nghiêm việc của thằng này cho tôi. Tôi thấy cô lại du di cho nó rồi.
Bảy Liêm:
- Trời ạ. Con đâu có du di. Cháu đã thành khẩn khai báo, lại nộp lại tiền như thế thì sao lại không khoan hồng cho nó được. Thằng Tùng như thế là ngoan đấy ạ. Đứa khác thì có khi trốn biệt rồi đấy ạ.
Ông Chín nói với giọng có vẻ hãnh diện:
- Cô tưởng tôi đi xe lăn mà không đuổi bắt được nó à? Đừng có nói chuyện ấy với tôi. Nhà tôi nghèo thì nghèo thật, nhưng là nhà có gia pháp. Thằng anh nó cách đây ba năm có vợ con rồi mà chỉ ăn nói hỗn hào thôi, trước mặt vợ nó, tôi còn nọc ra giường tôi đánh. Tôi vụt cho ba gậy mà không ai dám can. Nói thế để cô biết nhà này như thế nào.
Bảy Liêm:
- Dạ. Con biết. Chuyện gia pháp nhà chú thì con sợ rồi. Nhưng mà chú lại quát cả thím nhiều quá. Có lần thím nấu cho chú ăn, chú không hài lòng, chú lại còn định lấy gậy vụt cả thím, đúng không?
Ông Chín Thép cười ngượng ngịu:
- Thôi mà cô Bảy, chuyện ấy nhỏ. Trong đầu tôi còn 2 mảnh đạn đấy. Cô cứ hỏi bác sĩ ở huyện mà xem. Thỉnh thoảng nó cắn rứt nên có lúc nổi nóng. Nhưng tôi thương bà ấy dữ lắm. Tôi không thương bà ấy làm sao được. Khi bà ấy làm hộ lý ở bệnh viện quân y, bà ấy thấy tôi cụt chân mà vẫn thương tôi, lấy tôi thì làm sao mà tôi có thể phụ bạc bà ấy được.
Bảy Liêm:
- Trời ạ. Có ai dám nói là chú phụ bạc thím đâu. Chú rời thím ra 3 ngày thì có mà chết đói. Nhưng mà chú cũng hay quát thím. Thím có lần nói với cháu là thím buồn. Ngày xưa, khi chú là bộ đội, chú hiền như đất, mà sao giờ tính lại dữ dằn.
Ông Chín:
- Tôi biết lỗi rồi cô Bảy. Thôi. Tôi giao thằng nghịch tử này cho cô. Cô dạy dỗ nó dùm tôi.
Bảy Liêm:
- Này Tùng, cô hỏi, có đúng là con học xong cao đẳng xây dựng rồi không?
Tùng:
- Dạ. Thưa cô, con học xong rồi ạ?
Bảy Liêm:
- Bây giờ con làm gì?
Tùng:
- Thưa cô, con chưa có việc gì làm. Nói thiệt với cô, mấy năm vừa rồi con cứ lêu têu, thôi thì ở nhà phụ giúp ba má làm ruộng, rồi kiếm con tôm, con cá. Nói thiệt với cô là con có theo chúng nó đưa người sang bên kia chơi bạc, đá gà. Đã có lần con bị công an bắt.
Bảy Liêm:
- Chuyện con đưa người sang bên kia bị bắt, lập biên bản thì có. Cô có biết. Bây giờ còn nhớ được chữ nào trong đầu không?
Tùng nói hào hứng:
- Thưa cô, ở trường cao đẳng, con học giỏi đấy ạ. Nhưng mà kiếm công việc khó quá.
Bảy Liêm:
- Được rồi. Cô sẽ lo công việc cho con. Nghe nói con là thợ tô tường đẹp lắm phải không?
Tùng tự hào giơ tay lên:
- Vâng. Con làm thợ xây cũng giỏi lắm. Con khéo tay lắm.
Ông Chín Thép:
- Chuyện đó tôi công nhận. Nó khéo tay, cũng chịu khó làm.
Bảy Liêm:
- Được rồi. Để xong việc ngày hôm nay, con sẽ sắp xếp công việc cho thằng Tùng. Chúng con đang xây dựng một khu trại giam và khu nhà trẻ mới. Trước mắt, nó sẽ về làm giám sát thi công cho con. Những việc còn lại thì tính sau.
Ông Chín cười hà hà:
- Số thằng này có phước quá mày. Tao đưa mày đến đây để nộp mạng cho cô Bảy mà bây giờ lại được cô Bảy xếp cho công ăn việc làm. Thế là số mày hên. Cô Bảy tốt với gia đình tôi quá. Tôi xin tạ ơn cô Bảy.
Ông chắp tay vái Bảy Liêm một vái.
Bảy Liêm hoảng hồn:
- Chú làm thế, con tổn thọ mất.
Tùng sang làm việc cùng Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, còn ông Chín được đích thân Bảy Liêm tiễn ra tận cổng.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong