Cô y tá Thu Hà - Ký của Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 05:00 11/02/2019 Lượt xem: 627
Cô y tá Thu Hà
                     NGUYỄN KIM CHÚC
 
     Chính trị viên tiểu đoàn Lại Văn Sang gọi tôi lên giao nhiệm vụ. Ông nói gắn gọn:
    - Đồng chí phụ trách bộ phận ra hậu cứ gùi gạo về cho Tiểu đoàn bộ và cố gắng thực hiện tốt một nhiệm vụ quan trọng. Ngày mai đồng chí sẽ nhận nhiệm vụ cụ thể.
    Tôi đã rất quen với việc nhận nhiệm vụ đột xuất. Nhất là từ khi tôi về làm trợ lý tác chiến tiểu đoàn. Tôi cũng đã có “kinh nghiệm” với việc xung phong nhận nhiệm vụ đột xuất ngay từ khi bước chân vào lính. Trời thảo nguyên Mộc Châu trong xanh. Những chàng lính trẻ chúng tôi khi ấy khoác trên mình bộ quân phục mới, trên ve áo đỏ tươi hai “lá cờ Tổ quốc” bước đi hãnh diện với đám cựu binh. Quả thực quân phục của bọn tôi nhận năm 1964 so với cánh cựu binh nhận quân trang năm 1963 đẹp và tiện lợi hơn. Áo xuân hè bỏ trong quần, quần không bó ống bằng một loạt cúc theo kiểu châu Âu … Hơn thế chúng tôi lại là “lính sinh viên” nên luôn bị soi rất kỹ. Để đánh tan thành kiến, bọn lính mới chúng tôi bảo nhau: Cố gắng để xóa tan thành kiến. Ngay sáng thứ 7 tuần đầu về đơn vị. Tập thể dục vừa xong, Đại đội trong tư thế thả lỏng. Tư vụ trưởng Trần Nhung hạ khẩu lệnh:
    - Nghiêm! Nhìn hàng quân đều đúng tư thế. Tư vụ trưởng tiếp: Đại đội cần hai đồng chí xung phong làm nhiệm vụ đột xuất. Đồng chí nào xung phong.
    Đứng bên tôi Nhâm khẽ véo tôi rồi ưỡn ngực giơ tay:
    - Tôi. Chả hiểu sao tôi cũng giơ tay nói lớn:
    - Tôi!!!
    Đại đội giải tán đánh răng rửa mặt, ăn sáng. Còn tôi và Nhâm làm nhiệm vụ đột xuất đổ thùng, quét dọn nhà xí … Bài học đầu tiên là thế và theo tôi mãi …
    Tôi dẫn theo 9 anh em cùng với cô y tá Thu Hà nữa là 10 rời vị trí trú quân ra hậu cứ gùi gạo về sau khi nhận bì thư từ tay chính trị viên Tiểu đoàn với lời giao nhiệm vụ của ông đủ cho tôi nghe:
    - Nhiệm vụ quan trọng nhất của chuyến đi này là đưa cô Thu Hà và phong thư này cho ban chỉ huy Đại đội 6 để họ thực hiện nốt nhiệm vụ … Tôi thở phào nhẹ nhõm và dẫn anh em đi. Tưởng quan trọng gì chứ đưa cô y tá Thu Hà giao cho Đại đội 6 ngoài tuyến B46 thì dễ ợt. Cô có chân đi mà…
     Độ này năm trước tôi cùng với Tiểu đoàn 11, Trung đoàn pháo 158 Sư đoàn 316 khiêng ĐKB nòng bắn cải tiến tham gia chiến dịch giải phóng Nậm Bạc - Bắc Lào. Vừa về nước, tôi được bổ xung về Tiểu đoàn 13 kéo pháo 85 đi B tham chiến Mậu Thân 1968. Tham gia vây hãm, bức rút Khâm Đức - Quảng Nam và khiêng cối 120 ly bắn phá Đakpét - Kon Tum. Được sự trợ giúp của Trung đoàn 10 Công binh Trường Sơn hai Đại đội pháo 85 ly và hai Đại đội 23 ly cao xạ vượt qua Khâm Đức về đường 16 nhằm hướng Quế Sơn hành tiến. Song bọn Mỹ đánh phá ác liệt chúng tôi đành kéo pháo tạt theo các dòng suối dấu pháo chờ thời cơ. Khu vực cất dấu pháo được bảo mật chặt chẽ, nghiêm ngặt. Cô y tá Thu Hà mới học ở trường ra. Trên đường về đơn vị chả hiểu sao cô đi vào khu vực để pháo. Thế là cô bị giữ lại làm y tá Tiểu đoàn. Vì thế Tiểu đoàn tôi mới có nữ quân nhân và hôm nay tôi mới có nhiệm vụ quan trọng là đưa cô ra bàn giao cho Đại đội 6 cùng Tiểu đoàn đang nằm lại ở Binh trạm 44 Trường Sơn.
      Cả nhóm rời khu trú quân của Tiểu đoàn bộ lội ngược suối, vượt dốc Cúm bắt vào đường giao liên bộ ra đầu mối B46. Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Kỷ Dậu (1969). Theo lịch trình cả đi và về mất khoảng 10 ngày. Nếu mọi việc xuôn sẻ thì chúng tôi mang gạo về tới nhà kịp ăn Tết. Quả thực thời gian này các lực lượng quân giải phóng miền Trung Trung bộ - khu V chúng tôi rất khó khăn. Sau Mậu Thân, Mỹ - ngụy điên cuồng đánh phá, cắt mọi nguồn tiếp tế của ta. Tin đồn quân ta thu mua phải gạo ni lon. Đơn vị tôi không mua phải gạo ni lon nhưng mua phải những thùng dầu ăn pha luyn, pha nhớt, những thùng mắm thối thì có. Thời gian chúng tôi đóng quân ở đây chưa lâu. Chưa có kinh nghiệm, mà nói đúng hơn là chưa thích nghi với đời sống của người lính giải phóng; Nên vô cùng khó khăn. Chỉ tiêu đặt ra là mỗi người phải mang về cho bếp 20kg gạo. Tưởng dễ mà lại khó. Nếu tính cả gạo ăn trên đường, quân tư trang thì trên vai khi xuất phát mỗi người cũng khoảng hơn 30kg. Cho đến giờ tôi cũng vẫn chưa hiểu: cũng là 30kg nhưng gùi hòm đạn 30kg dễ hơn và đi khỏe hơn gùi 30kg gạo nhiều. Tôi thống nhất với cả nhóm là khi đi ra không có hàng, cố gắng đi nhanh có thể đi vượt trạm để dành thời gian cho chuyến đi vào có hàng. Mọi người đều đã biết đường hăm hở bước. Riêng Thu Hà cứ tụt dần lại phía sau. Cô vào loại “mỏng mày, hay hạt” rất hợp với ngành y. Nhìn cô trong trang phục Blu xanh cũng rất dễ thương. Chả hiểu sao cả Tiểu đoàn mới có một cô gái mà các ông ấy lại cho ra tuyến ngoài, mà lại ra đi trong những ngày giáp Tết. Nhìn cô tất tưởi khó nhọc theo đoàn mà ái ngại.
     Cả nhóm cứ ngược theo con nước mà đi. Đường mòn theo bờ suối ngược lên. Lúc đường ở bờ phải lúc lại ngang qua sang bờ trái. Lội suối lại lên bờ, lại lội suối làm dép tụt quai liên tục. Thu Hà tụt lại mãi phía sau. Tôi và Hùng phải dừng lại chờ rất lâu em mới dò dẫm tới. Nhìn em xuống sức trông thấy. Lội suối, quần không xắn, ướt leo lên quá gối, hai ống quần quấn lấy bắp chân xoắn xuýt. Nhìn tổng thể em như là một bông hoa héo. Không còn là cô y tá nhí nhảnh luôn tươi cười với những anh miền Bắc đẹp trai. Em thường nói vậy với anh em trong Tiểu đoàn bộ. Tuy vậy em vẫn xinh đẹp trong con mắt chúng tôi. Mặt trời đã lên gần đỉnh đầu chúng tôi mới cùng Thu Hà đi hết con nước bắt đầu leo dốc Cúm. Chắc anh em đi trước đã tới đỉnh dốc. Từ đỉnh dốc đi xuống chừng hơn tiếng nữa là đến chỗ nghỉ qua đêm. Tôi và Hùng - báo vụ viên đã mang hết đồ đạc cho em. Em chỉ còn đi người không mà cũng rất khó nhọc … Chiều muộn tôi và Hùng mới đưa được Thu Hà tới chỗ nghỉ.
     Bữa cơm chiều hôm ấy có canh cá suối nấu chua, có nộm hoa chuối rừng. Anh em ăn uống ngon lành. Riêng Hà xới lưng cơm với ít ruốc về võng ăn. Để ý thấy em ăn rất khó nhọc: bưng lên lại đặt xuống, nôn khan. Đêm ấy tôi bảo Hùng cùng tôi mắc võng gần em để canh chừng. Thu Hà về làm y tá ở Tiểu đoàn bộ được nửa năm. Ngoài ban chỉ huy Tiểu đoàn và cánh thông tin báo vụ như Hùng em gặp gỡ thường xuyên. Còn những người khác như cánh trợ lý chúng tôi, Trung đội trinh sát … tối ngày đi công tác nên rất ít khi trò chuyện cùng nhau … Đêm rừng tĩnh lặng mọi người chìm vào giấc ngủ. Chừng nửa đêm Thu Hà mê sảng:
     - Anh Hùng! Trả em cái panh để em đi tiêm.
    Bấm đèn về phía võng của Hà: võng rung giật, em uốn mình trong võng. Tới gần mùi dầu xoa quanh quất. Ba vỏ lọ dầu xoa quanh võng. Tôi nghĩ: Em làm sao mà dùng nhiều dầu xoa thế không biết.
     - Em có sao không? Tôi hỏi.
     - Em không sao! Gần sáng chưa anh.
     - Mới nửa đêm! Em ngủ tiếp đi có gì gọi anh.
     Tôi về lại võng nghe ngóng động tĩnh. Thu Hà bấm đèn ngồi dậy uống nước. Có tiếng nôn khan nơi em …
Ngày thứ hai trên đường đi ra theo đường gùi thồ rất ít dốc. Nhưng với Thu Hà lại vô cùng khó khăn. Chân em xuống máu to đùng. Em cuốn vải vào chân dò dẫm bước đi. Tôi và Hùng vẫn theo sát em hỗ trợ. Nhiều đoạn bọn tôi phải cùng nhấc bổng em vượt qua. Em mệt mỏi thở dốc. Những hàng gân xanh nơi cổ em nổi lên, mồ hôi nhỏ giọt …
     Thu Hà mới bước sang tuổi 21. Nhưng em đã có ba năm là chiến sỹ quân giải phóng. Đang ở tuổi 17 cô nữ sinh trung học Đà Nẵng phải “nhảy núi” để tránh bắt bớ đàn áp của Mỹ ngụy khi cô hoạt động tích cực trong phong trào học sinh sinh viên. Cô khoác trên vai khẩu cạc bin và những trái lựu đạn da láng M26 làm giao liên hoạt động ở vùng ven. Rồi cô được cử đi học lớp y tá và được giữ lại ở Tiểu đoàn chúng tôi. Ở Tiểu đoàn bộ pháo mặt đất biên chế đã ít quân. Sau gần một năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam và Tây Nguyên quân số đã dần hao hụt. Cấp trên lại rút một số cán bộ đi xây dựng đơn vị mới chuẩn bị cho đấu tranh ngoại giao nên vị trí chỉ huy có sự khiếm khuyết. Chỉ huy Tiểu đoàn từ năm đồng chí chỉ còn ba. Trong ba đồng chí cán bộ Tiểu đoàn, y tá Thu Hà thân thiết hơn cả với Tiểu đoàn phó Đinh Văn Lâm. Ông là người miền Nam duy nhất trong Tiểu đoàn. Ông tập kết ra Bắc học sỹ quan pháo binh, được điều động về Quân khu Tây Bắc. Ông nổi danh với lòng dũng cảm đưa cối 120 ly theo sát bộ binh chi viện đắc lực cho xung kích chiếm đồn địch ở chiến dịch Nậm Thà, Cánh Đồng Chum. Ông là Tiểu đoàn phó cùng chúng tôi kéo pháo đi B để lại vợ con ở Nông trường Mộc Châu - Sơn La. Có thể cùng là dân miền Nam nên Thu Hà cởi mở với ông …
    Chiều muộn tôi và Hùng mới cùng Thu Hà về tới vị trí nghỉ qua đêm. Chúng tôi nấu nước nóng và muối cho Hà ngâm chân. Kể chuyện vui cho em nghe. Đêm ấy Hà ngủ tốt, không mê sảng như tối hôm trước. Có điều em vẫn chưa ăn được nhiều. Em ý tứ xới bát cơm về võng. Để ý vẫn thấy em nôn khan. Chả hiểu em bị bệnh gì và lý do gì mà em từ Tiểu đoàn bộ lại điều gấp ra Đại đội 6 đang nằm lại ở Binh trạm 44 Trường Sơn, trong những ngày cùng tháng tận của năm 1968 này. Cả nhóm chúng tôi đều quan tâm chăm sóc em. Em vui vẻ dần và cố gắng theo bọn tôi … Đến ngày thứ năm thì chúng tôi giao được y tá Thu Hà cho Đại đội 6. Xa bọn tôi em rơm rớm nước mắt.
     - Các anh về mạnh giỏi! Cho em gởi lời chào mấy anh ở cứ. Chỉ nói được có thế, em vội vã bước về lán. Cái nhìn của em với chúng tôi như có điều gì muốn nói mà không nói được. Còn chúng tôi thực sự thương em - một cô gái đẹp từ mảnh đất trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ đến với chúng tôi, rồi lại vội vã chia tay mà chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Không may cho bọn tôi, không lấy được gạo ở kho Ô3 phải đi thêm 45km nữa mới lấy được hàng Tết. Vì vậy chúng tôi phải chia tay em đi làm nhiệm vụ. Hẹn gặp lại em ngày không xa …
     Nhóm chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cả nhóm về tới hậu cứ an toàn ngay trong chiều 30 Tết Kỷ Dậu. Ngoài việc đưa cô y tá Thu Hà bàn giao cho Đại đội 6, chúng tôi còn cõng đủ chỉ tiêu gạo về cho Tiểu đoàn bộ kèm theo hàng Tết. Thứ mà trước khi đi không ai nghĩ lại có. Tuy chỉ ít bao thuốc lá, kẹo, chè, thịt hộp, bột trứng … Song rất có ý nghĩa trong cái Tết đầu tiên chúng tôi là quân giải phóng miền Nam. Đêm ấy trong rừng sâu thuộc huyện Tiên Phước -  Quảng Nam hơn bốn mươi cán bộ chiến sỹ trong Tiểu đoàn 17 pháo binh Quân khu V hồi hộp lắng nghe lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu. Chủ nhiệm thông tin Tiểu đoàn Thiếu úy Trần Vinh thay mặt cán bộ chiến sỹ trong Tiểu đoàn bộ chúc Tết thủ trưởng Tiểu đoàn. Anh cao hứng:
     - Thưa các thủ trưởng! Năm nay là năm con gà. Gà gáy là phải sáng. Mọi người cười ồ đế theo: - “Gà gáy là phải sáng”. Tiếng vỗ tay vang vọng cả khu rừng …
     Tháng 9 năm 1969, tôi dẫn theo phân đội trinh sát đo đạc về phối thuộc cho đoàn pháo binh 78 bắn phá căn cứ không quân Chu Lai theo sự điều động của Phòng Pháo binh Quân khu V, mang theo nỗi nhớ cô y tá Thu Hà xinh đẹp. Ở mặt trận Chu Lai đêm đêm trong tiếng pháo lớn cầm canh ở trận địa pháo Ông Sầm - phía Bắc và Châu Ổ - phía Nam, tôi vẫn bị ám ảnh bởi tiếng mê sảng: - “… trả em cái panh để em đi tiêm …” của Thu Hà … Ở cái tuổi 26 còn rất tồ tệt, nhưng tôi đã lờ mờ hiểu chuyện Thu Hà phải rời xa chúng tôi ra tuyến ngoài liên quan đến chuyện hệ trọng, phải thực hiện không chậm trễ mà không ai muốn. Trong thâm tâm, tôi rất muốn biết rõ chuyện của Thu Hà. Thế rồi cuộc chiến cuốn hút, bọn tôi quần nhau với bọn Mỹ. Nhiều lúc sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Sau hai trận đánh lớn vào căn cứ Chu Lai vào ngày 4 và 5 tháng 5 năm 1970. Cả căn cứ Chu Lai lại tê liệt. Hàng trăm máy bay các loại bị phá hủy, hàng trăm tên giặc lái bị đền tội. Tôi được lệnh đưa phân đội trinh sát đo đạc về lại Tiểu đoàn 17 đang đóng quân ở Tiên Phước - Quảng Nam. Đêm nghỉ lại ở trạm Nam Trà My tôi nhận được lệnh về Đại đội 6 đang đóng quân ở Binh trạm 44 Trường Sơn. Lại chia tay các bạn chiến đấu. Tôi xốc ba lô theo con đường năm trước đưa Thu Hà đi tiến bước. Hy vọng sẽ gặp lại Thu Hà.
      Tôi theo đường giao liên đi ra, về Đại đội 6 đang đóng quân ở khu vực Lân Tôn km110 đường B46. Cả Đại đội đang hối hả tháo rời pháo thành nhiều bộ phận để chôn dấu đề phòng Mỹ đổ quân. Bọn Mỹ đã “nhảy cóc” qua Khâm Đức cẩu pháo 105 ly lên cao điểm 573 cạnh km8 đường đi Khâm Đức khống chế cả khu vực đầu mối B46.        Tôi hỏi chuyện Thu Hà - Đại đội phó Lê Nhâm cộc lốc:
      - Đi Bắc rồi.
      - Đi Bắc nghĩa là sao? Tôi hỏi.
       - Là đi ra miền Bắc an dưỡng, học tập … hiểu chưa?
     Thế là tôi không thể gặp lại Thu Hà. Điều mà tôi mong mỏi khi trở ra tuyến ngoài. Dần dần tôi cũng đã rõ những điều xẩy ra với em. Ngày tôi nhận lệnh đưa em ra tuyến ngoài là lúc em “dính bầu” với Tiểu đoàn phó Đinh Văn Lâm. Chuyện lớn như vậy mà bọn tôi không hề biết, kể cũng lạ. Một mình em thân gái, mảnh mai, hồn nhiên dính “lưới tình” của thủ trưởng trực tiếp và chính tôi được giao nhiệm vụ đưa cô đi “giải quyết”. Chưa hết - khi giao Thu Hà và phong thư của chính trị viên Tiểu đoàn cho chính trị viên  Đại đội 6, tôi cùng cả nhóm hối hả đi nhận hàng để kịp về ăn Tết thì Thu Hà lại vướng vào tai tiếng mới trực tiếp làm thay đổi địa bàn hoạt động của chính tôi. Chuyện là: Tiểu đoàn giao cho Đại đội 6 cử người đưa cô Thu Hà đi giải quyết cái thai ở Viện 46 cách đơn vị hai trạm giao liên. Đại đội cử Thiếu úy Phong đưa em đi “giải quyết”. Hai người đi cùng nhau; Đêm mắc võng “tâm sự” ở ngoài rừng. Và điều gì đến đã phải đến với đôi lính trẻ ấy... Đến khi nhập viện, quân y thăm khám thấy “sự lạ” trong "cô bé" của Thu Hà. Truy hỏi Thu Hà khai ra Phong là thủ phạm để lại “sự lạ” trong em. Phong bị kỷ luật điều vào Quảng Nam và tôi từ mặt trận Chu Lai về thay thế Phong. Nhưng sự thật về "chủ nhân" của cái thai trong bụng Thu Hà thì chỉ có Chính trị viên Tiểu đoàn 17 mới biết mà thôi. Nhưng ông lại là một cán bộ chính trị vô cùng kín tiếng...
     Tôi khẳng định nếu không có sự “rắc rối” từ Thu Hà tôi không thể về lại Binh trạm 44 Trường Sơn. Tôi nhớ thương Thu Hà. Em đang ở đâu? Sao mọi người nỡ đối xử với em như thế? Em ở đâu Thu Hà. Câu hỏi cứ lặp lại trong tôi cùng với tiếng mê sảng của em hôm nào: “… trả em cái panh để em đi tiêm …”.
      Từ ngày ấy đến nay, tôi không được tin tức gì về em. Nhưng tôi tin là em đã trưởng thành. Em rất yêu nghề y. Hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa sẽ giúp em trở thành bác sỹ chữa bệnh cứu người. Tôi tin là như vậy. Đã tròn năm mươi năm cái ngày tôi đưa em đi về Đại đội 6 ở Binh trạm 44 Trường Sơn. Tôi viết lại những dòng này không có ý nhắc lại những chuyện buồn xẩy ra với một cô gái xinh đẹp mà chỉ mong mỏi tìm lại được em và biết đâu trong những ngày xuân này sau năm mươi năm ta gặp lại được nhau./.
 

tin tức liên quan