"Chiến tranh vệ quốc 1979-1988" - Bài của Lê Lợi – Nam Định - CCB Sư đoàn 968 Bộ đội Trường Sơn - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Ngày đăng: 08:22 17/02/2019 Lượt xem: 674
Tưởng nhớ 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới (1979 - 2019)
 
CHIẾN TRANH VỆ QUỐC 1979-1988

 
         Tháng 2 năm 1979, chúng tôi đang học lớp 10,trường cấp III Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định, hồi ấy đây là lớp cuối cấp của hệ thống giáo dục phổ thông. Khi ấy tôi chưa đầy 17 tuổi. Thời kỳ này thông tin mà người dân Việt Nam được tiếp cận chủ yếu là từ hệ thống loa phát thanh ở trên các cột điện đầu phố hay từ những cây xoan các xóm ở nông thôn. Sang hơn nữa là từ vài tờ báo ngày như Nhân Dân hoặc Quân đội Nhân dân mà thường thì đến tận buổi tối mới đến tay người đọc. Các khu phố có vài bảng tin dán báo để dân đọc, còn những phương tiện truyền thông hiện đại như TV, điện thoại smartphone ... hay hàng vài trăm tờ báo như ngày nay thì chưa hề có.
         Tối 17/2/1979 và những ngày sau nữa qua làn sóng của đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, chúng tôi được biết vào lúc 4 giờ 17 phút, rạng sáng 17/2/1979, quân bành trướng Bắc Kinh bất ngờ đồng loạt tấn công khắp 6 tỉnh biên giới phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) chiều dài 1.400 km. Sau này mới rõ việc Trung Quốc lựa chọn tấn công vào rạng sáng thứ 7 thật là thâm độc, khi ấy trời rét người dân biên giới còn đang ngủ say, các phương tiện truyền thông còn khá lạc hậu, chuẩn bị vào ngày nghỉ Chủ nhật nên phải đến đầu tuần sau thông tin chi tiết về cuộc chiến cũng như phản ứng của Việt Nam mới được thế giới biết đến rộng rãi. Sáng thứ hai ngày 19/2 khi đến trường học, một bầu không khí lặng lẽ bao trùm, mấy đứa nghịch ngợm có tiếng hàng ngày như Phòng, Tuấn ... hay cả tôi nữa cũng im lặng. Tin tức từ khắp nơi đổ về, chiến sự càng ngày càng ác liệt, dù gì thì Nam Định cũng chỉ cách Trung Quốc có khoảng 200 km mà thôi, có thể bất cứ lúc nào thì quân Trung quốc cũng có thể tràn đến tận nơi này. Lúc ấy sẽ ra sao?
         Ngay lập tức, cả trường không học văn hóa nữa mà chuyển thành học quân sự. Cả trường chỉ có mấy khẩu súng trường CKC do thầy Thanh và mấy thầy dạy môn thể dục quản lý còn chúng tôi thì sử dụng thôi thì thân tre nhỏ, bạn nào sang hơn thì gậy bằng gỗ được bào nhẵn nhụi có cả dây đeo đàng hoàng. Thao trường luyện tập lăn lê bò toài, đi một, hai là ở ngoài bờ hồ Laket bây giờ gọi là hồ Vị Xuyên và sân trường Lê Hồng Phong, dạo ấy có cây xà cừ rõ to tỏa bóng mát, cây này cũng là nguồn cung cấp lá để chúng tôi đan vào các vành ngụy trang đeo lưng, cài lên mũ cối ... Cả trường hừng hực khí thế, nam cũng như nữ viết đơn tình nguyện nhập ngũ, có những bạn còn dùng cả máu để viết thư lên Thành đội. Các bài hát thời kỳ này được vang lên khắp nơi: Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh; Chiều dài biên giới, Tình ca người thợ mỏ; 
Chiến đấu vì độc lập tự do, Chiều biên giới ... hầu như ai cũng thuộc. Giờ không nhớ là có bạn nào đi bộ đội ngay trong những ngày tháng 2 ấy không nhưng sau khi thi tốt nghiệp vào tháng 5 và thi Đại học tháng 7 thì lần lượt chúng tôi lên đường.
         Đã 40 năm trôi qua, thế hệ chúng tôi thật mừng là năm nay trên các phương tiện đại chúng thông tin về cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 được thông tin rộng rãi. Chúng ta gác lại quá khứ để hướng tới tương lai không có nghĩa là “khép lại quá khứ”, bỏ quên quá khứ, lại càng không phải là xóa nhòa quá khứ. Máu xương của cha, anh chúng ta và cả thế hệ tôi nữa nhỏ xuống đất này cần phải được các thế hệ sau biết đến, trân trọng đặc biệt là giới trẻ cần phải biết tôn vinh, tưởng nhớ và tri ơn các bậc tiền nhân, những người đã chiến đấu và hy sinh vì công cuộc bảo vệ Tổ quốc, để non nước này mãi mãi là của người Việt Nam, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc hơn.
         Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) là một trong những cuộc chiến tranh lớn của dân tộc ta trong lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Trong thế kỷ XX đây là một sự kiện lịch sử dù muốn, dù không thì nó đã xảy ra, chúng ta luôn cần phải tôn trọng và sòng phẳng với sự thật lịch sử.
         Trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của nước Việt Nam, dân tộc ta đã nhiều lần phải chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Từ sự thật lịch sử đó, chúng ta rút ra những bài học quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền vô cùng gian nan và phức tạp trong hiện tại và cả tương lai. Chúng ta trân trọng hòa bình, chính vì vậy càng cần nhắc đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) để không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người dân đất Việt. Chiến đấu vì độc lập tự do

 
Lê Lợi – Nam Định
CCB Sư đoàn 968 Bộ đội Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan