Kỳ tích rừng Trường Sơn, tuỳ bút của Nguyễn Ngọc Phát

Ngày đăng: 02:32 28/02/2019 Lượt xem: 607

                              KỲ TÍCH RỪNG TRƯỜNG SƠN

                                       Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phát
 
          Trải qua hàng nghìn năm, cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ đã tạo ra trong  lòng mình những chiến địa thần kỳ tuyệt chiêu. Mà bất cứ một đội quân nào, một cường quốc nào, dù mạnh đến đâu một khi đã bước chân vào trong đó, sẽ phải nếm mùi thất bại. Ở đó, con người của thời đại đã tạo ra, bởi ý chí đấu tranh bền bỉ, trong suốt 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước của một dân tộc. “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập…”(1).

          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, nước Mỹ rốt cuộc cũng đã tự mình cho chân vào cái bẫy “rừng vây quân thù”. Rừng thiêng của Trường Sơn như thế đó. Muốn thoát ra khỏi rừng thiêng đó, người Mỹ chỉ còn cách nhẹ nhàng: “Vứt bỏ giã tâm xâm lược và sự ngạo mạn của một cường quốc”. Sự thật của lịch sử đã sáng tỏ chính phủ Mỹ đã ngồi vào bàn đàm phán của hội nghị Pa-ri, giữa thanh thiên bạch nhật trước bàn dân thiên hạ:
- Ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam
- Rút quân khỏi miền Nam Việt Nam
v.v…

        Nếu không họ còn phải chịu đựng nhiều thất bại và chết chóc. Ở đâu kẻ thù cũng chạm vào cạm bẫy của rừng thiêng Trường Sơn. Giới lãnh đạo Mỹ đã lao vào Việt Nam mà không hiểu về sự khát vọng, yêu tự do, hòa bình của dân tộc này. Một dân tộc bốn nghìn năm chỉ một chân lý sáng ngời “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Người Mỹ với lối suy tư theo kiểu “không phải là ta thì là địch”, họ đã cho chân vào rừng đại ngàn Trường Sơn vì tin vào sức mạnh đạn bom của Mỹ. Rừng Trường Sơn, đường Trường Sơn vẫn vươn mình che chở những binh đoàn “nối nhau ra tiền tuyến” đã ghi vào trang sử chiến đấu, mở đường, xây lên bản hùng ca nối dài trên 2 nghìn ki lô mét.


 
 
        Một cuộc chiến tranh mà quân Mỹ “đến với rừng” có tới hàng Sư đoàn đặc biệt tinh nhuệ và nhiều Sư đoàn lính Cộng hòa, lính đánh thuê và hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí tối tân, kể cả vũ khí hóa học có tính hủy diệt, đánh phá, rải thảm vào đường Trường Sơn,  nhằm ngăn chặn con đường thiêng - con đường thép của ta. Nhưng rừng thiêng Trường Sơn kẻ thù càng đi vào, càng thấy sâu thăm thẳm. Dù giới lãnh đạo Mỹ có đưa bao nhiêu quân, bao nhiêu vũ khí vào chăng nữa, cũng chỉ là bơm nước vào thùng không đáy mà thôi.

      Nguyên soái Mông Gô Me Ri đã từng viết trong cuốn “lịch sử chiến tranh”: “Ngay trong lúc tôi đang viết cuốn sách này người Mỹ vẫn chưa hiểu ra rằng họ không thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam”. Với rừng Trường Sơn - đường Trường Sơn chiến thuật mà Mỹ áp dụng là “tìm và diệt” tức là chúng tìm để đánh phá những đoàn xe, những cơ sở hậu cần kỹ thuật, những binh đoàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… ngày đêm chiến đấu quên mình cho Tổ quốc, cho thống nhất đất nước. Xin được trích dẫn lời đại sứ Mỹ Taylor khi đã nhận ra đặc thù của cuộc chiến tranh Việt Nam: “Chúng ta không thể không công nhận là chúng ta đã tham gia vào cuộc chiến tranh không đúng lúc, không đúng chỗ và sai lầm. Nước Mỹ đưa quân vào Việt Nam không phải dựa vào lý trí, mà hoàn toàn dựa vào bản năng. Chúng ta đã sa lầy quá lâu, quá sâu vào cuộc chiến phải trả giá quá đắt về người và của”.

      Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn chúng ta lại nhớ về năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để nhớ về hàng vạn người con đã anh dũng hy sinh trên những cánh rừng, trên những cung đường huyền thoại, vinh quang. Ta cảm ơn những anh hùng dũng sỹ, những thương binh, bệnh binh, Cựu chiến binh hôm nay đã bước vào cái tuổi ngoài 70, 80 cả rồi, mệt mỏi và bệnh tật ốm yếu. ..Nước da cứ sàm sạm của phơi nhiễm chất độc hóa học Đi ô xin mà quân đội Mỹ đã rải ở rừng Trường Sơn…Nói, cười vui vẻ đấy, có thể phải trở vào bệnh viện như bao lần…bởi cả tuổi trẻ, cả tháng năm tráng kiện nhất đã dâng hiến cho những con đường ra tiền tuyến, nối dài trên dãy Trường Sơn.

         Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn đi đánh Mỹ, được bạt ngàn rừng Trường Sơn che chở dưới bom rơi, đạn nổ, như mới đó thôi mà đã 60 năm rồi. Sáu mươi năm có biết bao nhiêu điều đổi thay và đã xảy ra không biết bao nhiêu sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Những người lĩnh Trường Sơn hôm nay vẫn cố gắng trở về thăm lại chiến trường xưa, họ hăm hở như trở về thời trẻ, tìm những vết khắc trên vách đá, thân cây…Hay những cánh rừng Khoọc bạt ngàn khẳng khiu mùa lá rụng, nay đã khoác lên mình bạt ngàn màu xanh của lá và những công trình đang vươn cao thời hội nhập. Ở đó còn có nơi tôn nghiêm, an nghỉ của hàng vạn những người con ưu tú, những tượng đài sừng sững, kiêu hãnh trên đỉnh cao không gian, đã anh dũng hy sinh trên mỗi cung đường ra tiền tuyến.

      Những cánh rừng Trường Sơn đã đi vào  huyền thoại, ở đó con người đã làm nên kỳ tích, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh bất tử.  “Đường Trường Sơn là biểu tượng nổi bật của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước...”.(2) Rừng Trường Sơn, đường Trường Sơn là bản tình ca bất hủ, là biểu tượng trí tuệ sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, và là biểu tượng mối tình đoàn kết, hữu nghị của 3 nước: Việt Nam - Lào - Campuchia giàu tình cảm, phong phú, hào hùng, trữ tình mà trong sáng, thủy chung..

                                                                           Tháng 02/2019
 
Ghi chú:
(1) Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh
(2) Lời cố đại tướng Võ  Nguyên Giáp



Nguyễn Ngọc Phát
Hội viên Hội nhà văn Hải Phòng
Hội viên Hội văn học Trường Sơn
ĐT: 0983.170.350

 
tin tức liên quan