“Suýt nữa tôi đánh mất mình” – Tác phẩm dự thi “Hào khí Trường Sơn” của Hội viên Trường Sơn Nguyễn Thanh Hương , Đạ Terh, Lâm Đồng

Ngày đăng: 10:14 06/03/2019 Lượt xem: 539
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"   
 
SUÝT NỮA TÔI ĐÁNH MẤT MÌNH
Truyện ngắn:  Nguyễn Thanh Hương
133, đường Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đạ Tẻh, Lâm Đồng.
Di động: 0949.300.759
 
         Hắn vừa đi vừa chạy, cứ như người sợ bị ma đuổi. Chạy, nhưng mặt vẫn ngoảnh lại đằng sau. Đôi dép lốp dính đầy bùn đất như níu chân hắn lại. Bực mình quá, hắn tháo dép cầm tay. Cơn mưa rừng mới tạnh, đường đầy bùn, đi chân không dễ chịu hơn, không sợ té ngã bởi đường có bùn thường không trơn trượt…
        …Thỉnh thoảng, hắn đứng thở 2, 3 phút rồi tay ôm gọn cái bọc ni lông mà bước tiếp. Trời vẫn âm u vì mùa này ở Trường Sơn là mùa mưa nên mặt trời không ló ra. Hắn ước đoán có lẽ chỗ này đã cách xa điểm xuất phát khoảng 10 hay 12 cây số. Được, an toàn rồi. Cứ theo đường cũ mà đi, đi ngược ra phía Bắc. Dọc đường, hắn gặp từng đoàn người đi ngược phía với hắn. Họ cười đùa rồi ca hát.
         Hắn dự tính, khi ăn hết số lương thực dự trữ trong bọc ni lông này là sẽ đến bến xe ấy.
        Mỏi chân rồi, phải tìm chỗ ngả lưng. À, phải rẽ xuống suối, vừa an toàn, sạch sẽ. Ngồi bên bờ suối, hắn nghe chim hót. Xa xa có tiếng ầm ì của máy bay vọng lại. Hắn thấy buồn ngủ. Thì gối đầu vào bọc ni lông này chợp mắt lấy sức vậy.
*  *  *
            Vợ hắn là cô thôn nữ đẹp nhất cái xã ấy. Cô là đội viên dân quân cơ động của xã, kiêm phó bí thư xã đoàn. Cô tuyên bố với bạn là chỉ lấy bộ đội. Tao yêu bộ đội mà! Hắn và cô không biết nhau vì người đầu xã người cuối xã, lại khác thôn. Nhưng trong một lần về phép, hắn gặp Hiên – tên cô gái. Hắn đẹp trai, cao lớn, mặc quân phục trông oách lắm.
            Hắn gặp cô trên bờ đê sông Đáy, khi trung đội dân quân của cô vừa đi luyện tập “bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh” trở về. Cứ như một định mệnh, hai người nhìn nhau. Các bạn cô trêu ghẹo:
            - Ủa, anh bộ đội đẹp trai quá. Tao đố Hiên cưa đổ chàng đấy!
            Hiên bạo mồm nói, cứ để đấy cho tao. Và cô đi đến chủ động hỏi anh mới ở đơn vị về à? Quê anh ở đâu. Khi biết chàng ở cùng xã, Hiên mạnh dạn mời hắn vào nhà cô. Rồi, chỉ sau một tháng, hắn được đơn vị cho nghỉ về nhà cưới vợ.
            …Hôm nay, sau 4 tháng gặp lại nhau, không có những màn ướt át của đôi vợ chồng trẻ mới cưới mà những lời nói từ nhẹ nhàng đến cáu gắt của vợ hắn:
            - Tôi yêu anh, trước hết, anh là bộ đội. Bộ đội đánh giặc vì dân, vì nước. Đúng không nào? Đúng à! Thế thì anh đã hứa gì với tôi. Quên rồi sao, để tôi nhắc lại nhé: Anh hứa sẽ yêu tôi trọn đời bằng việc “Cùng nắm tay nhau xin thề, chưa hết giặc, anh chưa về quê hương”.
            - Thì đúng, anh hứa như vậy.
            - Nhưng anh nói, anh về nghỉ phép, thì giấy tờ đâu?
            - Anh bị móc túi ở bến xe. Em còn lạ gì thời nay chỗ bến tàu bến xe là quá nhiều kẻ cắp.
            - Không được. Anh vốn là người cẩn thận cơ mà?
            - Cẩn thận đến đâu cũng có lúc sai xót chứ.
            - Nhưng lý do gì mà đơn vị cho anh về?
            - Là ..là…do, anh chưa có con,…anh muốn về với em.
            - Bao nhiêu người chưa có vợ, có con sao người ta không xin về như anh. Nói đi, có phải anh tự ý bỏ về không?
            - Anh nói không là không, là vợ anh, em phải tin anh chứ.
            - Tôi tin anh nhưng ai người ta tin anh chứ? Tôi thật thất vọng về anh!
            Hắn còn đang tìm cách dỗ dành vợ thì thấy bố, mẹ hắn đi vào. Ông cụ hỏi luôn, có chuyện gì mà vợ chồng có vẻ căng thẳng thế kia. Hắn lý nhí đáp, không có chuyện gì đâu bố mẹ ạ. Nhưng vợ hắn nói luôn, đại ý là:
            - Vợ chồng con lấy nhau được hơn hai tháng mà anh nghỉ phép những hai lần, lần này là 3. Thời chiến sao mà có chuyện dễ dãi vậy. Hỏi anh là ba lô, hành trang của người lính đâu mà chỉ có đôi dép với hai bộ quẩn áo, một bộ mặc ở người. Hỏi thì anh ấy nói rằng gửi bạn ở đơn vị. Nói là về 10 ngày mà sao không đem đồ dùng về. Nhưng quan trọng nhất là giấy phép của đơn vị đâu thì anh ấy nói là bị móc túi ở bến xe, hết cả tiền, phải xin người đi đường mới có vé về nhà. Bố xem vụ này thế nào ạ? Ông cụ định nói thì bà cụ nhẹ nhàng:
            - Có thật thế không con. Tội nghiệp con trai của mẹ!
            Ông cụ gắt, bà để yên, tôi hỏi xem sao:
            - Nào, nói thật đi, giấy tờ về phép có không?
            - Có ạ, nhưng bị mất.
            - Có nhớ số hiệu đơn vị không? Điện ngay cho thủ trưởng nhanh lên, người ta sẽ điện về xã, công nhận là anh về phép.
            Gã lúng túng thật sự, miệng ấp a ấp úng nói rằng đơn vị chuyển chỗ ở sang tỉnh khác, chưa kịp đăng ký với bưu điện.
            Thế là nó nói dối rồi. ông cụ nghĩ – thời chiến mà nghỉ phép gì chứ, chỉ 2 tháng thôi mà nghỉ 3 lần. Hỏng rồi, nó lừa cả nhà rồi. Ông cụ gằn giọng:
            - Nhục quá con ơi, mày đào ngũ rồi, không có phép tắc gì đâu, mày lừa sao nổi bố. Phen này thì đeo mo cả nhà, có đâm đầu xuống sông mà chết thì cũng không rửa hết cái nhục này. Con ơi là con ơi. Năm ngoái con thừa biết việc thằng Cân con nhà Lợi ở thôn ta đào ngũ, mà chỉ là thanh niên xung phong thôi đấy, nhưng người ta tư giấy báo về xã. Nhục cho cha mẹ, đã vậy, lại bị bắt đi công trường chẻ đá để cải tạo 6 tháng, đem gạo nhà đi mà ăn. Nhục chưa.à đào ngũ thì phải đeo cái bảng trước ngực “ Ai cũng như tôi thì mất nước”, giải đi khắp làng. Đẹp mặt chửa? Nếu là thời xưa trốn lính thì quan trên chém đầu ngay. Bây giờ thời mới, không ai chém nhưng người ta để cho mà sống, sống không bằng chết…Con ơi, khôn hồn thì tìm nẻo tìm đường mà về ngay đơn vị đi.
            Ông cụ bật khóc hu hu. Ai đó đã nói người già và phụ nữ mà khóc thì đến sắt thép cũng phải mềm. Vậy mà hắn cứ trơ lỳ, ngồi im nhìn nước mắt của bố, của vợ, của mẹ hắn nữa. Mẹ hắn nấc lên:
            - Tôi ăn ở ra sao mà trời bắt tội tôi thế này. Nhục quá, con ơi là con ơi.
            Hắn ngồi nghe bố chửi, mẹ khóc, vợ khóc. Cứ ngồi lỳ như thế, đầu óc muốn nổ tung trong cái vẻ mặt ngoài lạnh như tiền.
            …Hắn mới về 8 giờ sáng thì 2 giờ chiều cả 4 thôn của xã ấy ầm ĩ rằng hắn đào ngũ. Ở làng quê, chỉ cần một chuyện nhỏ không đáng bàn tán, người ta cũng bàn tán huống chi đây lại là chuyện lớn – kẻ chống nhà nước -, chống nhân dân, sợ giặc. Loại này mà thấy giặc đã vãi…ra quần. Nếu giặc mà vào nhà thì nhanh chóng đầu hàng, làm tay sai như lũ Diệm, Nhu, Thiệu, Kỳ mà thôi.
            - Ối dào, nhà ấy đến kỳ mồ hư mả đốn rồi.
            - Đúng là, lòng người không ai nhìn thấy được. Tội cho cô vợ xinh đẹp, nết na…Những lời đồn đạim này, hén nghe thấy hết.
            …Đêm ấy, vợ hắn hết giận. Nàng tắm sạch sẽ bằng lá sả, lá chanh rồi nằm ôm chặt lấy hắn. Nàng thẽ thọt nói những lời có cánh rằng đời em chỉ có anh, anh là suối nguồn tươi mát đời em, là bờ vai vững chắc để em tựa suốt đời. Là luồng sinh khí diệu kỳ để em hết mệt mỏi mỗi khi đi làm đồng về, là khuôn thước mẫu mực để em noi theo. À, anh ơi, lũ bạn em nó ghen với em vì chồng chúng nó xấu xí lại lười làm, còn ngu dốt nữa. Chồng đứa nào cũng về mùa hè 3 ngày mới tắm, về mùa đông thì 3 tháng một lần, hôi như cú. Chồng chúng nó, đứa thì toét mắt, đứa thì răng khểnh thô kệch, ám đen vì khói thuốc lào. Chả bù cho chồng em sạch sẽ thơm tho. Có kém gì hoàng tử trong chuyện cổ tích mà em lại là công chúa, phải không anh. Nay mai, em sẽ sinh cho anh một đàn con, đức nào cũng đẹp như anh và em, đứa nào cũng trí tuệ hơn người. Con hơn cha là nhà có phúc, anh yêu nhỉ???
* * *
            …Vợ hắn tin hắn mất giấy tờ. Vậy mà ngày hôm sau, cả xã vẫn bàn tán:
            - Ôi dào, nói thì hay lắm mà làm thì…như…
            - Ông bà Vận…đến ngày mạt vận rồi. Con đào ngũ thì…
            - Tội nghiệp, ông bà Vận lành hiền vậy mà cuối đời lại…
            - Cô vợ đẹp thế, giờ đi đâu dám ngẩng mặt à?
            Nhiều lắm những lời mát mẻ, chê bai.
            Lũ trẻ con lớp 5 lớp 6 nhìn em trai út của hắn 13 tuổi mà nói:
            - Ê ê, mày có anh trai đào ngũ, ê ê không chơi với nhà đào ngũ.
            - Đào ngũ là sợ chết đấy bọn bay ơi.
            Em trai hắn về nhà quăng cặp xuống đất, khóc tu tu. Bố mẹ hỏi vì sao, nó nói, con không đi học nữa, xấu hổ quá, có anh trai đào ngũ. Bố, mẹ hắn chỉ biết thở dài. Lúc đó em trai, em gái, em dâu, em rể của ông, của bà đều đến hỏi thăm, nghe tin thằng cháu về phép, nhưng dư luận dân làng lại nói nó đào ngũ là sao? Bố mẹ hắn nước mắt ngắn, nước mắt dài lắc đâu không nói được vì tắc nghẹn trong cổ. Chú ruột hắn hét to:
            - Anh làm đồi bại gia phong nhà này rồi. Tôi phải nói với ông trưởng họ gạch tên anh trong sổ gia tộc. Gia tộc này, ngàn năm nay không có ai đầu hàng giặc. Mọi người đâu, đi về. Nhục quá rồi.
            Hắn vẫn im lặng. Vợ hắn đi chợ về tu tu khóc, rồi vào sắp xếp quần áo, quỳ xuống:
            - Con xin lỗi bố, mẹ, từ nay con không xứng đáng làm dâu của bố mẹ. Cho con được về bên nhà con.
            Hắn há miệng ngạc nhiên, một lát hắn nói, vừa mới tối qua em…yêu anh, đồng ý anh ở nhà cơ mà.
            - Không, không – vợ hắn hét lên. Tôi không thể có chồng như anh. Tránh ra cho tôi đi.
            Hắn ngăn lại, hai người giằng co, vợ hắn đẩy hắn ngã. Đầu hắn va vào mép phản gỗ, gã hét lên: Ối giời ơi, vợ tôi nó giết tôi.
            Một chiến sỹ mặc áo quân phục, đeo lon thượng sỹ vỗ vai hắn, đỡ hắn đứng dậy – sao thế đồng chí, kêu gì vậy?
            Thì ra hắn mơ ngủ, ngủ bên bờ suối. Những đoạn kể trên, là trong giấc mơ của hắn. Người lay gọi hắn hỏi tiếp:
            - Đồng chí đi đâu mà lại ngủ ở đây. Mơ gì mà hét to vậy?
            Hắn nhìn người này, ve áo có quân hiệu chữ thập đỏ, hắn hiểu đây là y tá hoặc y sỹ quân y. Người kia nói tiếp, đơn vị tôi cũng hành quân vào Nam. Tranh thủ lúc giải lao, tôi rẽ xuống đây xem có lá cây thuốc nam không. Nay mai đất nước thống nhất, phải nghiên cứu, sử dụng thuốc nam, loại dược liệu quý lắm. Thuốc tây, nhiều loại không bằng đâu. Đây sắp hết địa phận Quảng Bình, gần đến mặt trận rồi. Tiếc cho anh nào vợ bìu con ríu, không ra trận, nay mai sẽ tha hồ mà hối tiếc. Mà đồng chí ở đơn vị nào? Ba lô, súng đạn, giày mũ đâu rồi?
            Hắn vùng chạy thật nhanh, không kịp nhìn thấy người quân y sỹ ấy tròn mắt há miệng ngạc nhiên. Hắn chạy về hướng Nam, nhìn đồng hồ đeo tay, vậy là đã xa đơn vị 5 giờ đồng hồ rồi.
Đúng, hắn đấy - chính là tôi đây. Tôi định đào ngũ. Trong giấc mơ bên bờ suối, tôi mơ thấy bố mẹ, vợ tôi, chú thím, cô cậu của tôi. Họ không chấp nhận kẻ hèn nhát là tôi. Mơ có thể không là thật, nhưng việc tôi đào ngũ lại là thật. Giấc mơ ấy, cộng với việc gặp đồng chí quân y sỹ đã làm cuộc đào tẩu của tôi không thành. Tôi thấy xấu hổ quá. Phải quay lại thôi, nhanh lên, chỉ khoảng 2 giờ nữa là gặp đơn vị. Lúc tôi bỏ ngũ là 4 giờ sáng. Đơn vị chắc chưa đi xa. Nhanh lên, chạy nhanh lên. Phải, tôi sẽ quỳ xuống xin lỗi toàn đại đội, xin chịu mọi hình thức kỷ luật nhưng mong cấp trên đừng đuổi tôi về địa phương, đừng tước quân tịch của tôi, tôi xin các đồng chí đấy. Tôi hối hận quá rồi. Tôi đã biết xâu hổ, biết lấy lại lòng tự trọng rồi. Thủ trưởng ạ, và các đồng chí nữa hãy tha lỗi cho tôi.
            …Và rất may, tôi đã đuổi kịp đơn vị vào 12 giờ 15 phút, mọi người dừng chân ở trạm giao liên của Binh trạm 20 thuộc đường dây 559 để ăn trưa.
            Tôi tìm gặp đại đội trưởng và nói luôn rằng:
            - Thưa đồng chí, binh nhất Quách Đình Long xin thú tội, đã đào ngũ. Tuy nhiên, nhờ đồng đội, mà tôi đã tỉnh ngộ. Tôi đã quay về với đội ngũ, đồng chí muốn kỷ luật tôi hình thức nào cũng được, nhưng…xin đừng đuổi tôi.
            Không ngờ, sau một lúc nhìn tôi, đại đội trưởng nói:
            - Biết lỗi là được, cuộc chiến này không có chỗ cho những kẻ hèn nhát. Hãy trở về vị trí.
            - Xin tuân lệnh…
           Đêm đó, tôi đã kể cho đại đội trưởng, chính trị viên nghe giấc mơ của tôi, rồi gặp đồng chí quân y sỹ mà tôi tỉnh ngộ! Đại đội trưởng nói, ba ngày nữa mà cậu không về, chúng tớ báo cáo lên trên để tư giấy về địa phương. À mà này, lỡ không gặp đơn vị thì cậu tính sao?
            - Báo cáo thủ trưởng, tôi sẽ lùi lại, nhập vào đoàn quân của đồng chí quân y mà tôi gặp. Tôi sẽ khai rõ sự thật, mong mọi người chấp nhận.
            - Tốt, thôi, cố gắng lên. Ngủ đi, mai còn hành quân sớm. Mặt trận gần đây thôi.
            Đêm ấy, tôi vui quá, thao thức đến sáng. Tôi nhớ tới câu nói của ai đó rằng:
            - Đời người ta, ai cũng ít nhất một lần vấp ngã. Nhưng biết đứng lên, đi bằng được tới đích thì không phải hổ thẹn vì cú ngã ấy./.

tin tức liên quan