Nốt nhạc trầm,truyện ngắn của Nguyễn Thanh Hương

Ngày đăng: 04:09 07/03/2019 Lượt xem: 522


                                         NỐT NHẠC TRẦM

                                                  Truyện ngắn Nguyễn Thanh Hương 
 

        Đơn vị hậu cần coi giữ kho của chúng tôi mang mật danh K6. Gọi là K6 vì đơn vị có 6 tổ, mỗi tổ 8 người canh giữ một kho hàng. Sáu kho của các tổ cách xa nhau khoảng từ 2 đến 3 km nhằm tránh thiệt hại khi máy bay Mỹ ném bom bừa bãi vào rừng. Tôi phụ trách kho số 1, mật danh là K6-1. Nhiệm vụ của những người lính coi kho là bốc xếp hàng (gạo, thuốc men, nhu yếu phẩm, đạn dược…) khi có xe từ hậu phương trở vào. Bốc xếp, đánh số thứ tự từng lô hàng, loại hàng, vào sổ nhập kho, sau đó là xuất cho các đơn vị khi có yêu cầu của trên chuyển về.

       Lính coi kho chỉ vất vả lúc bốc xếp hàng vào kho, và mùa mưa phải kiểm tra mái kho lợp tranh, phòng mưa dột. Gọi là kho, nhưng chỉ là những ngôi nhà làm gỗ rừng, không có mộng mẹo đục đẽo, chỉ đóng đinh hoặc buộc bằng dây rừng. Mái lợp tranh, quanh kho không phải tường gạch mà là nứa chẻ ra đan phên rồi buộc hoặc đóng đinh vào các cột, kèo…chắc chắn. Nền kho phải đắp cao đến hai mét để phòng nước lũ về mùa mưa. Mỗi một kho có đến 9,10 ngôi nhà như thế, mỗi ngôi nhà rộng 100m2. Thời gian vất vả ít hơn nhiều thời gian ngồi chờ hàng. Có tuần lễ, không có đơn vị nào đến lấy. Nhàn quá nên buồn bực chân tay, lại ước ao được cầm súng ra trận, chứ suốt ngày quanh quẩn một chỗ, phát ngán. Nhưng vì nhiệm vụ, vì danh dự của người lính, không ai dám kêu ca phàn nàn.

       Chúng tôi có niềm vui khi các đơn vị đến nhận hàng, rồi sáng sáng nghe hàng ngàn loài chim rừng đua nhau hót, tạo thành bản nhạc với âm thanh muôn điệu. Nhưng về đêm thì buồn lắm. Nhất là 6 tháng mùa mưa ở Trường Sơn. Mưa dai dẳng. Đêm nào ngớt mưa thì hàng vạn côn trùng rả rích, nỉ non, tạo thành một thứ âm thanh đều đều, buồn buồn. Chỉ có thần kinh thép mới trụ vững. Lại nữa, những ngày giáp tết và trong những ngày tết Nguyên đán lại càng buồn. Rừng dày đặc cây và tán lá, nhìn thấy mặt trời như khách quý. Còn mặt trăng thì cứ như một thứ xa xỉ phẩm đối với người linh coi kho.

       Giáp tết Quý Sửu 1973, mặc dù hiệp định Pa Ri đã ký kết giữa ta - Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Mỹ rút hết khỏi miền Nam Việt nam nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn cho quân càn quét lấn chiếm vùng giải phóng bằng máy bay, xe tăng và quân lính. Chúng tôi vẫn phải nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật an toàn cho các kho hàng của chúng ta.

        Ngày tết Nguyên đán vào giữa mùa khô. Được cái là ở rừng thì mát mẻ, tuy nước suối không còn dồi dào. Rau xanh thiếu. Ăn măng mãi cũng ngán. Sáng 30 tết, tôi phân công Định, Thái, sào và Mẫn  ở nhà coi kho, tôi dẫn 3 anh em còn lại vào rừng kiếm rau tàu bay, rau lá bép cho 3 ngày tết. Chúng tôi dự tính phải đi lúc 5 giờ sáng, 11 giờ 30 là có mặt ở nhà. Mỗi anh em đeo một cái gùi mây tự đan lấy.

 …May mắn là hoa chuối rừng khá nhiều. Tôi phân công 3 đồng chí lấy toàn hoa chuối, còn tôi tìm rau tàu bay. Bụng mừng thấm là hôm nay sẽ về sớm hơn dự định. Thế rồi, tôi giật mình vì nghe súng nổ ở phía sau, nơi tập kết kho hàng của chúng tôi. Tiếng AK điểm xạ 3 phát một, đúng rồi, cách bắn ấy chỉ có ở bộ đội ta. Mà sau lưng chúng tôi là kho hàng. Có chuyện rồi. Tôi phát tín hiệu bằng hai ngón tay cho vào lưỡi huýt gió. Tất cả theo tôi băng rừng trở về. Súng nơi đó vẫn nổ dồn dập, tôi nhìn đồng hồ: 9 giờ 30, như vậy súng đã nổ hơn 15 phút! Gần đến nơi, tôi nghe rõ tiếng thét của Định:
- Toàn đại đội bao vây thật chặt, không để tên giặc nào chạy thoát. 

      Định hét hai lần như thế. Nhưng rồi, một loạt AR 15 nổi lên, loại tiểu liên bắn nhanh của Mỹ, còn AK của ta cũng chỉ nổ thêm ba phát một, rồi im hẳn.

     Cách kho khoảng 30 bước chân, tôi ra hiệu cho 3 đồng chí đi cùng nấp sau các gốc cây, và tôi hô to:
- Các đồng chí bao vây thật chặt, không cho tên giặc nào chạy thoát.

       Im lặng gần như tuyệt đối. Chỉ nghe lá cây rơi xào xạc và tiếng suối róc rách chảy sau dãy nhà kho! Tôi để 3 đồng chí cảnh giới. Tôi bò về phía kho. Trời ơi, trước sân: Định, Thái, Sào nằm bất động, riêng Định và Thái, tay nắm chặt khẩu AK. Cả ba người, trái tim đã ngừng đập, nhưng đôi mắt vẫn mở, cặp môi mím chặt. Tôi bò quanh, kia, Mẫn nằm ngay tại cửa kho. Ôi, Mẫn còn sống, mặc dù ở bụng, máu còn ri rỉ chảy. Mẫn thều thào…biệt kích của…Thiệu, hơn 20 đứa…chúng định đốt kho, nhưng …nhưng…Mẫn không nói được nữa và ngất đi. Mẫn bị thương nặng.

     Thì ra, bọn thám báo biệt kích đã mò được đến đây. Định đã nhanh trí đánh lừa địch. Thông minh quá…nhưng, bọn giặc cũng ranh ma lắm, khi không thấy quân ta bao vây nổ súng gọi hàng, chúng nấp vào gốc cây chống cự.

      Tôi đếm được xác 13 tên quần áo rằn ri, nằm trước sân kho, vẫn mở mắt trừng trừng, cái nhìn như muốn nói rằng, không hiểu vì sao mà chúng phải chết!

      Mẫn đã được băng bó cẩn thận, nhưng do vết thương ở bụng ra khá nhiều máu. Anh ngất đi.
Một tình huống ngoài tưởng tượng của tôi. Không thể ngờ, bọn giặc lại liều lĩnh đi vào rừng như vậy, bởi theo tôi được biết, chúng ở cách xa chúng tôi mấy chục cây số.

     Tôi điện báo cáo ngay với thủ trưởng đơn vị hậu cần. Điện của đồng chí trả lời là sẽ cử người đưa gấp Mẫn về tuyến sau. Đồng thời bổ sung một tiểu đội đến đó. Cần phải chuyển kho đi chỗ khác sau khi làm lễ truy điệu cho 3 đồng chí.

…Chúng tôi chia nhau chốt chặn tại các đường mòn mà bọn thám báo có thể tập kích bất ngờ, một mặt nhanh chóng chuyển địa điểm của kho. Lại chặt cây, đan phên nứa, cắt tranh, chuyển hàng. Chúng tôi làm việc quên cả nghĩ đến tết Nguyên đán đã tới rồi lại qua. Đến 20 tháng Giêng Quý Sửu (1973)thì việc chuyển kho đã hoàn tất. Làm việc vất vả, nhiều anh em kêu than, nếu có kiếp sau, phải là bộ đội cầm súng trực diện với quân giặc. Nghe đài thông tin các trận chiến thắng của ta, anh lính coi kho nào cũng bồn chồn, tiếc rẻ vì mình không được cầm súng. Tôi lại phải giải thích cho đồng đội về tầm quan trọng của mỗi người lính trong đoàn quân cách mạng. Tôi cũng không thích ở đây, nhưng trách nhiệm là trách nhiệm…

      Mẫn đã được cứu sống và đưa ra Bắc.  Nghe các đồng chí chỉ huy tổng kho nói lại lời của Mẫn, thì Sào đang đứng ở sân, bỗng súng nổ sau lưng, anh quay lại, không kịp rồi, một tràng tiểu liên AR 15 găm trúng ngực anh. Mẫn, Định, Thái từ nhà xách súng ra. Có đến 20 tên lao vào phía kho, hai thằng bật quẹt ga nhưng Định đã nhanh tay hơn. Chỉ hai điểm xạ, hai thằng gục xuống. Bọn còn lại nằm bẹp xuống rồi bò đến các gốc cây, nhưng cũng hơn một chục thằng nữa phải gục ngã trước sân kho hàng. Có lẽ do, nghe thấy tiếng hô của Định, bọn còn lại đã rút chạy. Nhưng Mẫn bị một tên nấp sau gốc cây bắn lén. Đau xót quá khi mà Định, Sào, Thái là ba sinh viên đang học năm thứ 3, đã cùng bạn bè làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Sào thổi sáo trúc thật hay, bài Anh vẫn hành quân, Trên đường chiến thắng, thì chim cũng ngừng hót, suối ngừng chảy. Định có giọng ca vàng, đã giành giải nhất trong hội thi tiếng hát sinh viên toàn miền Bắc. Tôi thường nói vui với Sào và Định, tớ mà là con gái thì các cậu đừng hòng thoát khỏi tay tớ. Thế nhưng họ đã cùng nhau vui vẻ lên đường, hát vang bài ca ra trận, không tính toán cho cá nhân mình.

    …Và rồi, Đại thắng mùa xuân 1975 đã khép lại những ngày gian khổ của toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người lính ngoài mặt trận, cũng như ở hậu cứ. Công việc của người lính coi kho thật thầm lặng, ít đổ máu, nhưng trong bản Đại hợp xướng của núi sông hát về những chiến công, hát về những người anh hùng – chúng tôi, những người lính coi kho chỉ xin được là một nốt nhạc trầm trong đó./.
 
 
Nguyễn Thanh Hương (Nam)
Sinh: 21 tháng 01 năm 1952
Nghề nghiệp: Hưu trí
Nơi thường trú: 133, đường Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đạ Tẻh, Lâm Đồng.  Di động: 0949.300.759
tin tức liên quan