“Kỷ vật của chiến tranh” – Tác phẩm dự thi “Hào khí Trường Sơn” của Vũ Quang Trung , TP Yên Bái tỉnh Yên Bái

Ngày đăng: 05:18 09/03/2019 Lượt xem: 593
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"   
 
KỶ VẬT CỦA CHIẾN TRANH
Ghi chép của Vũ Quang Trung
 
          … Tôi sinh ra ở xã Quốc Trị, Tiên Lữ, Hưng Yên. Năm 1964 tôi 16 tuổi, cũng là lúc cả làng, cả xã hừng hực khí thế sẵn sàng khi Tổ quốc cần; sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Tuổi trẻ chúng tôi lúc ra đồng cầm cuốc, cầm cày, lúc sinh hoạt vẫn hát vang câu ca: “Chuẩn bị sẵn sàng đi chiến đấu… Quyết thề không tha, quân thù bén mảng đến, dù một tấc quê nhà của ta”.
            Đầu tháng 3 năm ấy, thanh niên cả xã nô nức nhập ngũ. Tôi là cô lính trẻ ít tuổi nhất. Nhớ buổi giao quân, ông chỉ huy nhìn tôi rồi lặng lẽ gạt ra: “Cháu về đi học nhé”. Tôi òa khóc. Ông chỉ huy giật mình: “Sao thế?”. “Cháu đã xung phong cơ mà. Chú cho cháu đi”. Ông chỉ huy nhìn tôi một lát rồi khẽ nói: “Về chỗ đi! Chú nghiên cứu”.
            Chiều hôm ấy tôi được biên chế vào A1, B3-C2 của tiểu đoàn 36 thông tin, được đi học 8 tháng chuyên về tải 3 cao tần hữu tuyến. Ra trường tôi được điều về Trạm 3000 thuộc Bộ Tư lệnh 559, thông tin Sầm Nưa. Giữa tháng 12, từ Quảng Bình, tiểu đội thông tin chúng tôi cùng khá đông bộ đội hành quân sang Lào. Những đôi chân xuyên rừng, trèo đèo, lội suối trong đêm. Mờ sáng các đơn vị tìm nơi nghỉ ngơi, tránh máy bay. Mệt mỏi dã dời, mặt nhợt nhạt vì mất ngủ, sương đêm. Bố trí xong nơi nghỉ, chúng tôi lại mỗi đứa một tay giúp anh nuôi. Đứa vo gạo, đứa đãi ngô, nhặt rau, nhóm bếp, quạt khói… quên cả mệt. Ăn cơm xong lăn vào tăng, vào võng ngủ như chết.
            Một buổi sáng đang tíu tít làm bếp thì có hai ông chỉ huy thong thả bước đến. Ông đứng cạnh tôi có dáng người hơi đậm, không mặc áo bộ đội, mỉm cười phúc hậu:
            - Cháu còn ít tuổi sao không ở nhà đi học?
            Tôi đứng dậy:
            - Dạ! Thưa bác chỉ huy! Bố cháu cho đi ạ. Bố cháu còn dặn gặp các ông chỉ huy phải nói năng lễ độ ạ.
            Ông đứng bên cạnh bật cười:
            - Thế sao cháu không gọi là “ông chỉ huy” mà lại gọi là “bác chỉ huy”?
            - Thưa bác chỉ huy! Chắc hai bác cũng bằng tuổi bố cháu thôi ạ, nên cháu gọi là “bác chỉ huy”, gọi là “ông chỉ huy” thì già quá.
            Cả hai ông khách cùng cười, rồi một ông tiếp:
            - Thế thì gọi là “bố chỉ huy” mới đúng.
            Cả khu bếp cười rộ nhìn sang chúng tôi. Cái “Oanh lém” vội nói:
            - Từ hôm nay chúng mình có bố rồi. Bố ơi! Bố tên là gì ạ?
            Chắc sợ quá đà, một giọng nam phía sau:
            - Tất cả tập trung làm việc.
            Khi hai ông khách đi sang lán khác, anh phụ trách hậu cần mới nói:
            - Trời đất thiên địa ơi! Các bà có biết ai đấy không? Lãnh đạo to lắm đấy. Các bà được đi ghé vào đoàn là sướng lắm rồi, thế mà còn dám nhận thượng cấp là bố.
            Đứa nào cũng tái mặt song lại thấy vui vui. Từ hôm đó, cứ có dịp là chúng tôi líu díu “Bố … Bố … Con … Con” như tình ruột thịt. Một buổi, “Hai bố” dẫn theo một chị chừng hơn 20 tuổi, đến nơi một bố bảo:
            - Bố tên là Nguyên! Còn đây là chị Phan Thị Hải Yến, con gái “bố” Tuệ. Chị học xong đại học và cùng đoàn công tác với chúng ta.
            Tất cả đứng dậy hướng về chị. Chị xinh và chững trạc quá. Chúng tôi lại có thêm người chị gái trong cuộc hành quân đầy gian khổ.
            Tôi lại nói cái từ “gian khổ” trong chiến tranh rồi. Không chuẩn lắm phải không? Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì hành quân trên đôi chân vạn dặm, đôi vai ngàn cân, ăn đói, ngủ rét, muỗi rừng, vắt núi, sốt rét giật rung võng, vết thương cắt ruột, buốt tim, những cơn khát đến bỏng họng, lồi mắt, môi nứt cong, ứa máu… tất cả có gì đâu, chỉ là sự gom góp của một thế hệ từng bước xây nên chiến công, đem lại chiến thắng cho một dân tộc anh hùng, của Tổ quốc Việt Nam máu và hoa. Chiến tranh qua đi và sự bình yên trở lại, thế hệ con cháu hôm nay tiếp tục hát vang câu ca: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”…
            … Giờ đây vợ chồng tôi là cựu chiến binh trong một gia đình hạnh phúc, nhà cao, cửa rộng, con cháu xum vầy, thành đạt. Trong căn phòng làm việc tại gia đình của thường trực Hội cựu chiến binh huyện, tôi đã lưu giữ cẩn thận một kỷ vật vô giá đối với tôi. Xin được trở lại những ngày ở chiến trường…
            … Cuộc hành quân ấy đằng đẵng hàng tháng trời, chúng tôi đến Sầm Nưa. Nghỉ ngơi nửa ngày, tiểu đội thông tin chúng tôi nhận nhiệm vụ. Tổng đài có 4 nam, 12 nữ. Đài trưởng là anh Nguyễn Xuân Nghị, người Hải Dương; Trạm trưởng là anh Bùi Quang Huy, người Ninh Bình. Nữ có chị Tuất, chị Oanh, chị Sơn, chị Lộc, chị Xen, chị Dung, chị Mận, chị Chuyên… Sáng hôm sau, “hai bố” và chị Yến tạt qua chỗ chúng tôi, “Bố Tuệ” giơ cao tay, nét mặt khang khác:
            - Các con ở lại công tác tốt nhé. Tạm chia tay nhau nhỉ.
            Chúng tôi muốn òa khóc, chẳng biết nói gì. Có vài giọng nho nhỏ:
            - Bố! Bố đi bao giờ về với chúng con…? Chị Yến ơi! Chị cũng đi à…?
            Bố Nguyên nói to hơn như để phá nỗi buồn:
            - Nào! Thích quà gì, hôm nào sang bố mua cho.
            Tôi như đứa trẻ thơ:
            - Thật bố nhé! Bố mua cho chúng con một thứ thôi.
            - Nhất trí! Nói xem nào?
            - Bố mua cho mỗi đứa một cái lược bí ạ.
            - Cái gì! Lược bí là cái gì?
            - Dạ! Là cái lược để chải … chải… À chị Yến biết đấy ạ.
            Chị Hải Yến nhìn bố với đôi mắt ngấn lệ:
            - Bố! Con biết rồi ạ. – Rồi chị quay về phía chúng tôi – Chị hứa.
            Chị cũng là phụ nữ như chúng tôi, ai chả có mái tóc dài. Hành quân mưa nắng bất ngờ, tóc ướt lại khô, khô lại ướt. Đầu ngứa thì gãi, gãi đến sù tóc, bù đầu. Đôi khi vớ được khe, được suối là nhào xuống xõa tóc gội đầu, sướng ơi là sướng. nào có ai biết những mái tóc kia đang là nơi sinh sôi, nảy nở của chấy. Con chấy màu đen như tóc, len lỏi, luồn lách hút máu trên da đầu, sinh trưởng rất nhanh, trứng chấy bám trắng trong tóc. Chấy cắn ngứa lắm, tay luôn phải gãi, tóc rối bời, bàng bạc, úa vàng. Có chị đã cắt bớt tóc đi, có lúc điên lên muốn cắt trọc cho hết chấy, chỉ ước ao có cái lược bí, chải một đường chắc phải rơi xuống vài chục con.
            Chúng tôi đợi quà của bố từng ngày, từng giờ. Đêm ngủ cũng mơ thấy quà bố gửi. Gần ba tuần sau thì nhận được một hòm gỗ, bên ngoài ghi rõ: “Bố Nguyên”, “Bố Tuệ” gửi các con Trạm thông tin 3000 Sầm Nưa. Chị Tuất chia quà mà đứa nào cũng khóc. Chị ra lệnh: “Mỗi đứa hai chiếc. Còn lại tao quản lý”.
            Chiều hôm ấy quên cả ăn, thi nhau chải chấy.
            Những cái đầu, những mái tóc êm ả dần trong sự hồi sinh.
            Nhưng cái chiều 25 tháng 7 năm 1969 ấy, chị Tuất, tôi và Vũ Thị Thanh đang mở tuyến ở ngã ba Lùm Bùng thì B52 ập đến tọa độ. Thanh bị thương rất nặng, chị Tuất ôm chặt Thanh nức nở, ghé sát tai nghe Thanh mấp máy miệng, rồi chị kéo tôi áp sát miệng Thanh: “Tươi ơi! Thanh không về được rồi. Giữ hết giấy tờ mang về cho mẹ. Còn cái lược bí Tươi giữ lấy mà dùng…”.
            Đêm hôm ấy Thanh vĩnh viễn xa chúng tôi.
            … Ngồi lặng một lát, chị Tươi nhìn tôi chậm rãi:
            - Suốt nửa thế kỷ tôi gìn giữ, nâng niu chiếc lược kỷ vật ấy. Nó là linh hồn của Thanh, là tấm lòng của hai người bố. Sau này tôi mới biết bố Nguyên là Đổng Sỹ Nguyên, Tư lệnh trưởng Binh đoàn 559; bố Tuệ là Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Chiếc lược vô giá đến nhường nào.
            Cuối năm 2012, Đại hội lần thứ nhất Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Yên Bái,Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lên dự. Tôi đã viết thư gửi về thăm bố Đồng Sỹ Nguyên, 10 ngày sau tôi đã nhận được thư của bố và rất nhiều quà, trong thư bố viết:
            - Nào con gái! Mấy nội, mấy ngoại rồi. Con gái Yên Bái giỏi lắm… Mười hai bông hoa “chăm pa Sầm Nưa” của bố, nay còn bảy. Những đồng đội hi sinh đã được yên nghỉ bên nhau trong nghĩa trang Trường Sơn… Bố cho con bản sơ đồ này, có dịp về thăm viếng chị em…
            Mãi đến tháng 8 năm 2017 tôi mới sắp xếp công việc đi được. Một mình len lỏi cùng tấm sơ đồ, miệng khấn, tay vái tìm đến khu tỉnh Yên Bái và tôi quỳ sụp xuống khóc nức nở trước nấm mồ liệt sỹ có tên Vũ Thị Thanh. Thắp nén nhang cùng những lời khấn tâm huyết, tôi trân trọng đặt chiếc hộp nhỏ lên cạnh bát hương, trong đó có chiếc lược bí vô giá mà tôi đã cất giữ, nay gửi về cho người đồng đội…./.

 
Thượng sỹ Lê Thị Thanh Tươi (kể)
Vũ Quang Trung (ghi)
 
Địa chỉ: Vũ Quang Trung
74 tuổi – cựu chiến binh
Tổ 43 – phường Yên Thịnh – TP. Yên Bái
Số ĐT: 0124.777.4506

tin tức liên quan