60 năm huyền thoại bộ đội Trường Sơn, tùy bút của nhà văn Đoàn Ngọc Minh

Ngày đăng: 09:19 15/03/2019 Lượt xem: 642
                       
   Bài tham gia viết về 60 năm bộ đội Trường Sơn



                             60 NĂM HUYỀN THOẠI BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN

                                         Tùy bút của nhà văn CCB Đoàn Ngọc Minh

          Nhớ về cách đây 60 năm trước, bộ đội vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu không khác gì câu chuyện huyền thoại. Bởi vậy nên mới có câu hát: Trường Sơn ơi/ trên đường ta qua không một dấu chân người/ có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác…đủ thấy dãy núi Trường Sơn hùng vĩ thâm u đến thế nào! Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng tại Hà Nội do Bác Hồ chủ trì, (đầu tháng 1/1959), ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng. Ngày 19/5/1959 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (theo Lịch sử & dấu ấn Trường Sơn).

          Con đường Trường Sơn được bắt đầu được Đoàn 559 khảo sát và mở trong tháng 6/ 1959 bắt đầu từ Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị), phát triển về hướng Tây nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin (Đakrông) với khẩu hiệu mang tính mệnh lệnh là: “ Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” (Lịch sử & dấu ấn Trường Sơn) đủ thấy tính bảo mật của tuyến đường này là vô cùng tuyệt đối. Từ những năm 1964 khi đế quốc Mỹ dùng máy bay không chiến ra miền Bắc, tuổi trẻ cả nước, trong đó có thanh niên các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã dấy lên phong trào “ba sẵn sàng”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, mặc dù tỉnh Cao Bằng là một tỉnh miền núi, có đường biên giới dài trên 300 km tiếp giáp với Trung Quốc, trình độ dân trí thấp, đường giao thông phần lớn là đèo dốc hiểm trở đi lại rất khó khăn. Nhưng với tấm lòng yêu nước nồng nàn, khí thế tuổi trẻ xung phong lên đường nhập ngũ như những con sóng giao thoa, lớp này lên đường, lớp khác lại kế tiếp có lẽ tiếng gọi của con đường Trường Sơn: đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật) đã thôi thúc họ cộng với lòng căm thù giặc sâu sắc, thì không có khó khăn, gian khổ nào mà những người lính không thể: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai. Đó là tương lai vô cùng sáng lạn của ngày 30 tháng 4 năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và cả thế giới. Trong đó, Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Cao Bằng đã đóng góp một phần không nhỏ vào tuyến đường Trường Sơn huyền thoại này qua các con số: Đến năm 2019 đã có 600 hội viên tham gia Hội. Bộ đội: 564 đồng chí; TNXP: 14 đồng chí; Lực lượng khác: 22 đồng chí. Tổng số nam: 483 đồng chí; tổng số nữ: 56 đồng chí; 48 đồng chí là Thương binh; nhiễm chất độc da cam: 36 đồng chí. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều Cựu chiến binh vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu chưa có điều kiện hoặc vì lý do riêng nên chưa tham gia Hội.  

          Một lần, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ Cao Bằng đi thực tế sáng tác qua tuyến đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) đoàn đã đến thắp hương tri ân các liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn, nơi hàng ngàn người lính được qui tập về yên nghỉ dưới tán lá bạch đàn đầy nắng và gió Lào ngay chân dãy Trường Sơn thoai thoải. Cảm xúc dâng trào tôi đọc tặng linh hồn các anh trong nước mắt:

Nắng Trường Sơn đỏ đất
Mưa bất chợt
Xoáy rừng
Trường Sơn hun hút gió đưa
Các anh vẫn thẳng hàng
Như mấy mươi năm qua hiên ngang dưới lá Quốc kỳ trước giờ ra trận
Rừng bạch đàn bỏng rát
Thả hương vào đá sỏi
Tia mặt trời day trở
Bên những hàng bia chưa tìm thấy tên
Ngọn gió Lào sắc lửa
Còn bao nhiêu người lính chưa trở về
Các anh ơi
Em xin làm hoa đất
Vườn thơm
Toả mát Trường Sơn đỏ lá
Tươi hồng giấc mơ.     

(Về thăm nghĩa trang Trường Sơn – ĐNM)

            Đi trên con đường Hồ Chí Minh – nguyên là đường Trường Sơn lịch sử thênh thênh rộng mở hôm nay, nhiều đoạn song song với tuyến đường cũ men theo chân núi Trường Sơn, nay chỉ còn lại vệt mòn ngoằn ngoèo khi lên dốc khi qua khe bị những vòm cây, cỏ dại hai bên đường phủ lấp, mới thấy một thời vô cùng khó khăn, gian khổ ác liệt, cùng với sự hi sinh tuổi thanh xuân của những người lính, thanh niên xung phong mở đường và bảo vệ mạch máu giao thông quan trọng bậc nhất này vào chiến trường những năm chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ. Trong vòng 16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, giặc Mỹ đã dùng máy bay B52; các loại máy bay phản lực F4, F105 thả 4 triệu tấn bom đạn, thậm chí chúng còn dùng hàng triệu lít chất độc hoá học khai quang huỷ diệt cây cỏ và con người, đồng thời Hạm đội 7 của bọn chúng ở ngoài khơi cũng thường xuyên nã đạn pháo vào nhằm ngăn chặn những chuyến xe chở hàng và bộ đội chi viện cho miền Nam ruột thịt đi qua huyết mạch giao thông này. Tôi đã gặp gỡ những người lính Trường Sơn - họ vừa là người trong cuộc vừa là nhân chứng sống trong thời kỳ chiến tranh ác liệt này, đó là Cựu chiến binh Thượng úy Như Ngọc Thắng quê ở Hải Dương theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc trong phong trào “ba sẵn sàng”, tuy mới 17 tuổi nhưng đồng chí Thắng đã xung phong nhập ngũ tháng 7/1969, Như Ngọc Thắng được biên chế về đơn vị Công binh chuyên tháo gỡ bom mìn thuộc B. Độc lập, Binh trạm 16, Đoàn 559. Ngắm bức ảnh đen trắng chụp cùng đồng đội trên tay, đồng chí Thắng bùi ngùi  “Người còn, người thì đã hi sinh nhưng tất cả đều rạng ngời, cùng dâng hiến sức trẻ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc... tôi dự định sắp tới sẽ trở lại Quảng Bình để thăm gia đình mạ Cầu, chính những ngày đêm ác liệt giữa sự sống và cái chết gần nhau gang tấc, mạ là người đêm đêm dõi theo từng bước đi của tôi và đồng đội” đồng chí Thắng kể: Một lần, sau trận ném bom của không quân Mỹ xuống hai bên bờ sông Nhật Lệ và dọc tuyến đường Trường Sơn, Thắng và đồng đội đã nhận được thông tin từ đài quan sát chỉ huy còn 24 quả bom (4 quả trên cạn và 20 quả dưới nước) chưa nổ. Ngay sau đó đơn vị phân công 01 đồng chí lái xe chuyên dụng phá bom, 02 đồng chí kỹ thuật trực tiếp tháo gỡ, Thắng đặt tay lên vai đồng đội là Đào Văn Vị trầm giọng “Ông cứ ở hầm trực, vì cả hai thằng cùng vào nếu chưa tháo gỡ bom xong mà đi cả thì số bom còn lại ai tháo gỡ để thông đường chuyển quân...để tôi làm trước”. Vậy là từ 9 giờ đêm Thắng cùng đồng đội là Lý Sinh Hồi, chiến sĩ lái xe chuyên dụng phá bom từ trường bắt đầu làm nhiệm vụ rất tỉ mỉ và thận trọng cho đến 2 giờ sáng, Thắng thở phào bắn phát súng thông đường. Cung đường rộn vang khí thế tiến quân, bởi vì sự an toàn tuyệt đối cộng với ý chí của người lính đã lập nên chiến công này. Những cái bắt tay thật chặt, lời cảm ơn, từ biệt, hẹn gặp lại nhau ngày đất nước thống nhất rộn rã trong đêm trải dài theo đoàn quân vào Nam. Trở về nơi đóng quân của đơn vị ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, Thắng mới thấm mệt, tuy nhiên Thắng và đồng đội vô cùng xúc động khi thấy cả làng đều thức đợi các chiến sĩ trở về, trong đó có mạ Cầu, dù tuổi đã cao, tóc phơ phơ bạc. Mạ nắm tay Thắng rưng rưng: “Thắng ơi! Mạ lo cho mày và anh em quá, nghĩ mày không thể về nữa rồi, nhưng mạ vẫn nấu cháo cá chờ các con đấy. Về ăn đi các con”. Thắng nhìn mạ Cầu trong bóng đêm nước mắt nhòe nhạt, thì ra những người mẹ Việt Nam ở trên đất nước này đều mang trong mình tình mẫu tử thiêng liêng! Thắng lau nước mắt ôm chầm lấy mạ Cầu thấy lòng mình ấm lên rất nhiều. Một kỉ niệm khác khiến đồng chí Như Ngọc Thắng không bao giờ quên về mạ Cầu: Một đêm tiểu đội vừa thay ca trực về nằm nghỉ bên miệng hào thì máy bay giặc Mỹ ập đến thả bom. Mạ Cầu vội lao từ nhà ra đẩy Thắng và các chiến sĩ xuống hầm, còn mạ thì ngồi ngay trên miệng hầm vì trong hầm đã chật. Thắng vội leo lên miệng hầm đẩy mạ xuống nhưng bằng bàn tay gầy và sức mạnh của tấm lòng người mẹ, mạ Cầu đẩy anh xuống hầm quát: Các con cứ ngồi yên dưới đó, mạ già rồi đừng lo chi cho mạ! Năm 1973 Hiệp định Pa ri ký kết, đế quốc Mỹ ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, đơn vị của Như Ngọc Thắng được lệnh vào Quảng Trị tham gia chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị. Cho đến bây giờ đồng chí Thắng vẫn không nhớ nổi khi máy bay địch ném bom, mình đã đứng trên vị trí quan sát đếm được bao nhiêu quả bom rơi và trực tiếp phá bao nhiêu quả bom chưa nổ, chỉ biết rằng, sau mỗi lần đi làm nhiệm vụ trở về mới thấy nhẹ nhõm. Giải phóng miền Nam, đơn vị Như Ngọc Thắng tiến vào biên giới Tây Nam tại huyện Dương Minh Châu để tiếp tục chiến đấu chống quân Pôn Pốt. Tháng 2/1979 chiến tranh Biên giới phía Bắc, Trung đoàn 529 của Thắng lại hành quân ra Bắc tham gia chiến đấu tại km 23 Quốc lộ số 4. “Cuộc đời người lính là vậy, đâu có giặc thì ta cứ đi”. Đồng chí Như Ngọc Thắng tự hào nói thêm: Cũng bởi cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc nên tôi đã lấy vợ người Cao Bằng. Thắng cười vui vẻ. Bằng tinh thần, ý chí của một người lính và tấm lòng nhiệt tình, tại Đại hội HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN – ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM TỈNH CAO BẰNG khóa II nhiệm kỳ 2017 – 2021 đồng chí Như Ngọc Thắng đã được Đại hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội.

        Nhân chứng thứ hai mà tôi gặp là Trung sĩ – Nguyễn Thị Lan quê ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) hiện CCB Nguyễn Thị Lan cư trú tại phường Sông Hiến thành phố Cao Bằng, đồng chí Lan nguyên là Tiểu đội trưởng Công binh C14, D45, F473 Đoàn 559, mở tuyến đường tại A Lưới – A Sầu, đồng chí Lan dáng người tầm thước, mái tóc đã bạc quá nửa, ánh mắt xa xăm kể: Gia đình Lan vốn làm nghề nông, bố mẹ sinh hạ được 7 anh chị em thì 4 người xung phong đi bộ đội. Tháng 5/1971 học xong lớp Mười theo tiếng gọi của Đảng, Lan xung phong nhập ngũ, (điều thú vị là em trai đồng chí Lan cùng nhập ngũ cùng vào chiến trường một ngày với chị gái, hiện em trai đồng chí Lan là Thương binh loại 2) sau ba tháng huấn luyện, đơn vị của đồng chí hành quân khi đi ô tô, khi đi tàu quân sự vào Nam, trước khi lên đường các nữ chiến sĩ đều được phát toàn bộ quân tư trang mới, đến nơi tập kết ở Quảng Bình, Đại đội trưởng quán triệt: Đã vào trong này là phải xác định sẵn sàng hi sinh gian khổ! Chỉ có tiến lên phía trước chứ không được phép lùi...Lan mở các loại tăng, võng, túi thuốc cứu thương cá nhân...trong đó có một chiếc túi nilon màu xanh lá cây dài cỡ 2m và 1 lọ thủy tinh penixclin “các đồng chí điền họ tên, địa chỉ quê quán, phiên hiệu đơn vị mình vào mảnh giấy nhỏ rồi bỏ vào trong cái lọ này”. Đại đội trưởng hướng dẫn. “Cái túi này để làm gì hả các cậu”. Lan ngây thơ không hiểu. “Làm gì à...để khi cậu đi thì sẽ dùng đến cái túi này chứ còn làm gì nữa”. Một chiến sĩ nữ khác cùng quê Thái Bình với Lan tay thắt nút chiếc ba lô căng phồng tỏ vẻ am hiểu trả lời. Lan thoáng rùng mình vội gấp chiếc túi lại. Không ngờ mấy tháng sau Lan đã phải dùng chiếc túi nilon của mình để mai táng cho chính cô bạn nọ bị trúng bom hi sinh trong khi làm nhiệm vụ sau những loạt bom tọa độ của đế quốc Mỹ, quân tư trang của đồng chí đó và của một số đồng chí khác trong lán trại không may bị dính bom na pan cháy rụi. Có một điều rất vinh dự là trong thước phim tài liệu Mở đường Trường Sơn có cả hình ảnh CCB Nguyễn Thị Lan đang mở đường.Tháng 10/1976 Nguyễn Thị Lan được ra Bắc đi an dưỡng tại Trạm 86 ở Lạng Sơn. Khi đó anh Nông Thiên Lý quê ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cán bộ Kho vận Thương nghiệp tỉnh Cao Lạng (ngày ấy còn sáp nhập hai tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn) trên đường đến cơ quan anh để ý thấy một cô bộ đội nhỏ nhắn khoác chiếc ba lô màu cỏ úa căng phồng, mồ hôi nhễ nhại đi bộ trên đường; “em về đâu?”, “em về an dưỡng ở Trạm 86, anh có biết đường vào Trạm không chỉ em với?”. “Đưa ba lô cho anh”. Sau một thoáng ngần ngừ, Lan thấy người con trai có vẻ hiền lành, thật thà nên đưa ba lô cho anh và lẽo đẽo theo sau về Trạm 86. Không ngờ đó lại là duyên phận của hai người. Sau thời gian an dưỡng đồng chí Lan được đi học lớp Sơ cấp Thương nghiệp Lạng Sơn, ra trường chị kết duyên với anh Nông Thiên Lý và chuyển về quê chồng (Cao Bằng) công tác và sinh được 3 đứa con là kết quả hạnh phúc của họ. Tuy nhiên năm 1997 do bị bạo bệnh anh Nông Thiên Lý đã mất để lại cho Lan 3 đứa con thơ dại. Thế nhưng người CCB ấy vẫn vượt lên tất cả khó khăn một mình bươn chải nuôi các con ăn học và đến nay các cháu đều đã trưởng thành và có gia đình riêng ổn định. Một CCB vượt Trường Sơn vào chiến trường nữa mà tôi muốn nhắc đến đó là CCB Thượng sĩ Chu Sĩ Liên quê ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) trước khi nhập ngũ đồng chí là giáo viên, theo lệnh tổng động viên, đồng chí xung phong nhập ngũ tháng 12/1972 biên chế tại Tiểu đoàn Phai Khắt; sau một thời gian huấn luyện đơn vị đồng chí hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, đến ngã ba Đông Dương đơn vị đã ăn Tết tại đó trước khi vào chiến trường B3! CCB Chu Sĩ Liên được biên chế vào tổ trinh sát của Tiểu đoàn, một lần đi điều nghiên đồn địch ở Kon Tum trên đường về đơn vị, dưới làn đạn quét dày đặc của bọn Biệt kích địch cùng với bom tọa độ của máy bay đồng chí Liên đã bị thương nặng. “Các đồng chí trong đơn vị tìm được tôi đưa về cứ thì đơn vị cũ cũng di chuyển vào vùng sâu, đơn vị xác định tôi bị thương nặng thế này chắc chắn đã hi sinh một thời gian đã thông báo: Liệt sĩ Chu Sĩ Liên, cấp bậc.... đơn vị.... đã hi sinh ngày...tháng...năm ...tại....nhưng rồi nhờ được các y, bác sĩ Quân y tiền phương cứu chữa tích cực tôi đã tỉnh lại sau cả tuần mê man bất tỉnh, hiện nay tôi đang là Thương binh hạng 4/4” CCB Chu Sĩ Liên trầm ngâm kể tiếp: Tháng 8/1975 tôi được xuất ngũ về đi học lớp báo chí ngắn hạn và làm phóng viên báo Việt Bắc cho đến khi Khu tự trị Việt Bắc giải thể tôi chuyển về Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng rồi đi học Đại học về giữ các chức Giám đốc Đài PTTH Cao Bằng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Phó Bí thư Huyện ủy Phục Hòa; Phó Ban Dân vận tỉnh Cao Bằng cho đến khi nghỉ hưu tại Phường Sông Hiến Thành phố Cao Bằng, đồng chí Chu Sĩ Liên là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Hội viên Hội VHNT các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, ngoài sáng tác thơ, đồng chí Liên là một cây bút viết ký kỳ cựu, hiện đồng chí đã xuất bản 1 tập thơ và 2 tập bút ký. Tuy vậy, đồng chí Chu Sĩ Liên cũng đang rất vất vả luôn phải túc trực chăm sóc người vợ hiền bị mắc bệnh nặng, vì hai con gái của đồng chí thì một đang tại ngũ và đã có gia đình riêng, một công tác xa nhà. Ngoài ra còn rất nhiều CCB Trường Sơn như đồng chí Trương Hồng Chiến nguyên là Trưởng Ban Tuyên huấn Phòng chính trị F471 Đoàn 559, trước khi về nghi hưu đồng chí giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh, hiện đồng chí giữ chức Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam – tỉnh Cao Bằng, CCB Nông Quốc Tiện nguyên là Đại đội trưởng Cơ giới đơn vị C9, D374, E17 Đoàn 559 hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội, do khuôn khổ bài viết nên tôi không thể kể hết được các nhân chứng lịch sử khác.

          Có một điều chắc chắn rằng, 600 hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam – Cao Bằng mỗi người có một khó khăn, một hoàn cảnh, một nỗi đau riêng (dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua có gia đình CCB Trường Sơn, Hà Văn Đỏ nhập ngũ năm 1971, vào ngày 26 tháng Chạp năm Mậu Tuất không may hỏa hoạn thiêu rụi nhà cửa mất toàn bộ tài sản) hiện Hội đang vận động hội viên trong và ngoài Hội quyên góp giúp gia đình đồng chí Đỏ), tử năm 2012 thành lập Hội đến nay, Hội đã đi thẩm định thực tế và báo cáo Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng xây được 28 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng; với giá trị từ 45 – 60 triệu/ nhà. Đó chính là nghĩa cử cao đẹp của Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh: Đồng chí ơi/ là Cựu chiến binh anh trước em sau/ vẫn sống bên nhau thắm tình đồng đội/ xưa vượt Trường Sơn bằng đôi chân không mỏi/ cơm muối rau rừng ta nhớ mãi bên nhau...

         Những người lính từ mặt trận trở về sau chiến tranh luôn mang trong mình hình ảnh tốt đẹp về người lính, luôn gương mẫu, khắc phục mọi khó khăn tích cực lao động, sản xuất, chăn nuôi, có những CCB như đồng chí Tạ Quyết Thắng ở tổ 4 phường Sông Hiến đã mạnh dạn vay vốn ươm cây giống và trồng rừng, tạo công ăn việc làm có thời vụ cho hàng chục lao động. Cho đến nay gia đình đồng chí đã trả hết nợ vay, hàng chục ha rừng trồng của đồng chí có giá trị hàng trăm tỷ đồng đã khép tán, rất nhiều người tìm đến trang trại đồng chí Thắng mua cây giống và học hỏi cách trồng rừng, chăm sóc cây, cuộc sống gia đình ổn định, CCB Tạ Quyết Thắng hiện giữ chức Chi hội trưởng CCB tổ 4 phường Sông Hiến, đồng chí còn là mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

         Các CCB đều một lòng hướng về Đảng quang vinh, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Quân đội ta/ trung với Đảng/ hiếu với Dân/ sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc/ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành/ khó khăn nào cũng vượt qua/ kẻ thù nào cũng đánh thắng.

          60 năm huyền thoại Trường Sơn đã đi vào lịch sử của dân tộc, chiến tranh lùi về quá vãng, thế nhưng hồi ức một thời máu lửa, đâu đó đồng đội của chúng ta vẫn còn nằm lại giữa Trường Sơn đại ngàn sẽ mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta. Mỗi người dân Việt Nam không bao giờ quên được sự hi sinh lớn lao của các liệt sĩ, thương binh và các CCB đã làm nên HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN con đường đã góp phần đưa non sông thu về một mối, bảo vệ trọn vẹn Tổ quốc Việt Nam thân yêu ./.
 

Địa chỉ:  Nhà văn Đoàn Ngọc Minh
Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Cao Bằng
ĐT 0914 029676
Email: doanngoccb08@gmail.com

tin tức liên quan