Từ Đường Trường Sơn tới Sài Gòn
Trường ca
Trần Thị Thắng
Nhân kỷ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn Anh hùng, Ban Biên tập trân trọng giới thiệu Trường ca "Từ Đường Trường Sơn tới Sài Gòn" của nhà thơ Trần Thị Thắng, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Thời chống Mỹ, chị từng vượt Trường Sơn vào công tác tại Thành ủy Sài Gòn Gia Định, rồi Hội Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định... Trường Sơn đã để lại trong chị nhiều dấu ấn đẹp. Chị cảm nhận rất rõ vị trí, tầm quan trọng của Trường Sơn đối với cách mạng Miền Nam... Trường ca "Từ Đường Trường Sơn tới Sài Gòn" không chỉ là sự cảm nhận, góc nhìn của tác giả về cuộc sống, về con người Trường Sơn mà còn là sự bao quát, đánh giá giá trị tầm vóc của Trường Sơn với cuộc chiến thắng cuối cùng của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc...
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc trường ca này của nhà thơ Trần Thị Thắng.
Ban Biên tập Trường Sơn.
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ TRẦN THỊ THẮNG
Các bút danh: Trần Thị Thắng, Hoa Ngàn
Sinh ngày 1-4-1948
Nơi sinh: Ấm Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ
Quê quán: Hải Yến, Hưng Yên
Quá trình công tác
Học Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội 1967-1970
-
Tháng 9-1970 - 2-1971, học lớp viết văn khóa 4 của Hội Nhà Việt Nam
-
15-4-1971 vào chiến trường Nam bộ
-
10-1971 về làm công tác tại Ban Tổ chức Thành ủy Sài Gòn Gia Định, phụ trách mảng nhà tù
-
Ngày 26-1-1973 về Hội Văn nghệ Sài Gòn Gia Định ở Ban Văn học
-
9-1974 - 4 -1977 về làm báo Văn nghê Giải phóng
-
5-1977- 5 - 2006 làm việc ở Báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam
-
Nghỉ hưu 5-2006
-
Những tác phẩm đã in
Thơ:- Thơ tình mang theo (NXB Hà Nội, 1989)
-
Hoa cúc dại (NXB Văn học, 1996)
-
Hoa Nắng (NXB Văn học, 1998)
-
Bà mẹ Quảng Trị (NXB QDND,Trường ca 1998)
-
Hoa ngoại ô (NXB Hội Nhà văn 2005).
Văn xuôi: -Mùa hoa bưởi (truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 1996)
-
Mùa chim tu hú (truyện ngắn, NXB Thanh niên, 1999),
-
Những đứa con của rừng (truyện ngắn, NXB Thanh niên, 2000),
-
Những bức ký họa (truyện ngắn,NXB Hội Nhà văn, 2005)
-
Đằng sau cơn bão Linda (NXB Dân trí, 2018)
Truỵện dài:
-
Ngày trở về (truyện vừa, NXB QDND, 1997)
-
Những tháng ngày yêu dấu (hồi ký, NXB Công an, 2007)
Tiểu thuyết:
-
Tháng không ngày (tiểu thuyết,NXB QDND, 1998), 2006),
-
Người trong cuộc (tiểu thuyết, NXB QDND, 2006), ).
-
Kỷ nguyên của Nguyễn Trãi (tiểu thuyết lịch sử, NXB Công an, 2015.
Truyện thiếu nhi: Mùa thu đi hái dọc (truyện thiếu nhi,NXB Kim đồng 1998)
Chân dung Văn học
-
Con chữ soi bóng đời (2 tập chân dung văn học, NXB Hội Nhà văn, 2010)
-
GIẢI THƯỞNG:
Giải Mê Công tiểu thuyết Tháng không ngày (2012).
Chương I- Mẹ và con
-
Tiếng mẹ
Ngủ đi mưa dập từng cơn
Ngủ đi mai bước Trường Sơn đá mòn
Tiễn con nhà mẹ chỉ còn
Chiếc khăn len ấm gói tròn cho con
Đây là làng xóm nước non
Đây là lòng mẹ sắt son đợi chờ
Chờ cha khi sương giăng mờ
Đợi con bóng mẹ bước hờ sang đêm
Hoàng hôn mới tắt chưa yên
Bao chùm bom Mỹ bắn xuyên mái nhà
Giữa làng tiếng khóc oán là
Sao bom Mỹ dội mái nhà thân thương
Cùng vì cái chết tai ương
Mẹ đành đưa tiễn con thương lên đường
Đường xa thăm thẳm dặm trường
Bóng con gái mẹ ngàn trùng xa xăm
Mỗi khi đêm xuống rừng xa
Quàng khăn len ánh trắng xanh dẫn đường
Mỗi khi mưa, dốc đường trường
Nối khăn với bạn dắt đường mưa trơn
Một khi sốt rét từng cơn
Lấy khăn con đắp Trường Sơn ấm lòng
Mỗi khi nhớ nước nhớ làng
Trải khăn con thấy mẹ càng thương con
Giêng hai một chạp xoay tròn
Mỏi mòn ngày tháng guốc mòn võng đưa
Đêm đêm nhớ con ngày xưa
Bóp vai cho mẹ con đưa ta về
Căn nhà thiếu vắng cận kề
Xoài tay giường lạnh trắng bề thiếu cha
Ngoài kia giường trống gió xa
Gió mang con tới mái nhà Trường Sơn.
Con đi qua suối mưa trơn
Chống thêm chiếc gậy Trường Sơn giữ mình
Làng quê tiếng trống rập rình
Tòng quân làng tiễn con mình ra quân
Những người con của nhân dân
Cho ta gửi lại chút thân thương tình
Thương bao bà mẹ, thương mình
Võng đêm kẽo kẹt nối tình nước non
Bao người mẹ lòng sắt son
Yêu con, yêu nước tiễn con xa mình
Thương chồng bến nước sân đình
Mình đi đánh giặc nặng tình nước non
Vọng phu hình đá chon von
Em ngồi vọng nhớ chồng con chiều chiều
Ước gì khói bếp buông nhiều
Mâm cơm em xắp, bốn triều đông vui
-
Lời con
Chúng con bầy chim ra ràng
Xa quê nhớ tổ trên cành cây cao
Khi mùa hoa gạo lao xao
Thương con trên tổ ngóng chao cánh về
Bao cây hoa gạo ở kề
Chim ơi giữ tổ bay về cùng con
Vậy mà mười tám trăng son
Con rời cha mẹ ngóng mong vóc hài
Con xin vái mẹ một hai
Một là thống nhất tóc mai nối về
Hai là trọn nghĩa bốn bề
Làm con gánh vác đuề huề sắt son
Chẳng may con khuất đầu non
Mẹ chôn di ảnh sắt son sau nhà
Đêm đêm gió rét sương sà
Hồn con căng rộng che nhà mẹ cha
Tiếng ho vang vọng lan xa
Cho con đấm bóp lưng cha đêm về
Sương ơi rơi nhẹ bốn bề
Để không đánh thức cha về đêm đêm
Mưa ơi rơi thật nhẹ êm
Hai thân cha mẹ về đêm yếu nhiều
Mẹ cha chèo chống bao điều
Trong mưa sa táp bao chiều ốm đau
Gió ơi đừng gió trước sau
Trong nhà hai trái tim đau đợi chờ
Xác con nằm chốn đâu ngờ
Nơi Trường Sơn ấy bây giờ nhà con
Thương cha thương mẹ sắt son
Việt Nam thống nhất nơi con đang nằm
Trong rừng có mảnh trăng rằm
Đêm đêm thắp sáng con hằng nhớ cha
Nhớ từng bóng liễu buông xa
Sáo diều cha thả vang ca mỗi chiều
Mỗi khi vang tiếng sáo diều
Làm con lại nhớ chiều chiều làng ta
Muôn nơi tiếng trẻ vang xa
Trên nôi vọng tiếng ru ca! ơi hời
Lời ru theo con nơi nơi
Vượt Trường Sơn lúc mưa rơi trơn đường
Cứ như có mẹ dặm trường
Dơ tay đứng đón dẫn đường con đi
Bên Đông mưa vội mưa chi
Suối dâng ngập suối con đi cạp rừng
Đoàn quân bám rễ bước chừng
Cùng qua bao đoạn suối rừng thác băng
Mưa trơn ngược dốc nước dăng
Đôi chân bám núi, đầu chăng mưa trời
Con trai con gái ngời ngời
Đội trời đạp đất trên đời một hai
Gữa mưa gió, bão chẳng sai
Bỗng nghe tiếng mẹ, tiếng ai vọng lời
Mẹ là mẹ của muôn đời
Thương con mẹ cất ngàn lời hát ru
Con đi trên những cung đường
Dấu chân ai trước tỏ tường đường đi
Khe Ho ngày đó một khi
Bước chân Võ Bẩm bước đi xuyên rừng
Bên Tây đường chạy ngang chừng
Đường Hai Mươi nối tưng bừng sang Đông
Phan Trọng Tuệ, ông ngóng trông
Đoàn xe bon chạy hừng đông quay tròn
Trập trùng đồi núi dẫu mòn
Bước chân chiến sỹ vẫn còn say sưa
Đồng Sỹ Nguyên hứng gió mưa
Cho chân con được sớm trưa trên đường
Con đi trên dặm đường trường
Giặc thường bắn phá ngả đường trăm nơi
Thả chất độc suối đầy vơi
Chặn đường tiến tới nơi nơi quân mình
Càng gian khổ càng nặng tình
Đường Trường Sơn vọng bình minh quân hành
Chúng con đi dưới mưa lành
Nước nhà thống nhất, khúc hành quân xa
Giặc từ xa đến nước ta
Làm con đất Việt mẹ cha tạc lòng
Không cho chúng đến đàng trong
Chúng vào, cho chúng chỉ mong đường về
Bởi chưng cái chết cận kề
Nơi xa nước Mỹ, con về mẹ mong
Còn ta giữ nước đục trong
Trăm năm cõi Việt đều mong một nhà
*
Đêm đêm mẹ vẫn lắng nghe
Đất mình nơi ấy ngàn xe càn về
Tiễn cha xuân bận bốn bề
Tiễn con nước mắt tràn trề nỗi đau
Chiến trường con ở trước sau
Cha thương mẹ nhớ hàng cau cùng buồn
Gạo thơm gửi tới ngàn buông
Cứ con ở đó chuyển xuông mấy lần
Súng này qua đường hậu cần
Tới tay đồng đội đang cầm giữ yên
Ở đây giặc càn thường xuyên
Có dân bao bọc, hầm chuyên là nhà
Biết rằng hạt gạo trắng ngà
Vượt Trường Sơn đến, mọi nhà chia ra
Biết rằng cây súng đường xa
Vượt bao binh trạm xe qua là nhà
Gầm thông anh lái xe qua
Có bao em gái nhớ nhà chờ thư
Có thư thì khóc như mưa
Không thư chung một lời thưa mong chờ
Trường Sơn nơi đợi, đâu ngờ
Người yêu vượt Rốc Đợi Chờ tối qua
Sáng nay em lại rời xa
Đi về phương ấy, người ta có ngờ
Giữa rừng không đợi không chờ
Bóng anh bóng núi mây mờ giăng giăng
Xa anh đã mấy mùa trăng
Gặp nhau giữa đỉnh mưa chăng ngang trời
Yêu nhau mấy núi cùng rời
Mấy cây cùng lặng cho ngời nắng lên
Ở đây rừng cũng có tên
“Con đường hạnh phúc”, tạc lên núi rừng
Trường Sơn chân bước đã từng
Tình yêu đôi lứa tưng bừng Trường Sơn
Mẹ ơi mưa đã dừng cơn
Trường Sơn nắng đổ, vắt trơn đầy đường
Đôi khi nhắm mắt bước thường
Mới hay rắn cũng vừa trườn qua đây
Đằng trước truyền lệnh giặc dầy
Chúng con đứng lặng, vắt đầy bắp chân
Tránh giặc trí não cần cân
Trường Sơn mưa nắng ân cần mà thương
Đồng đội vượt núi một chương
Chương sau quay xuống vì thương bạn hiền
Không ai đi mãi về Miền
Trường Sơn một bóng một mình mà đi
Chúng em thường hát mỗi khi
Buồn vui san xẻ, chân đi ngàn trùng
Trường Sơn quân đi rùng rùng
Mặc tàu bay Mỹ ì ùng đạn bom
Mỹ ơi bom thả âm om
Là nơi phía ấy chân son đà lường
Đường qua ba ngả Đông Dương
Khu Năm rẽ lối, vấn vương về R
Sang Lào thương nhớ đang chờ
Dòng sông giăng lối bóng mờ A Cay
Bảy ba binh trạm như say
Ngả nghiêng trời đất nào hay mà vào
Em ơi sốt rét khi nào ?
Các anh chuyển trạm khiêng vào quân y
Đầu em gục, chẳng nhớ chi
Đang nằm trong võng cứ đi rùng rình
Lần đầu sốt rét một mình
Nhớ làng nhớ nước nhớ tình mẹ cha
Nhớ thì xin dở khăn ra
Bao dòng nước mắt làng ta lại về
Qua bao cay đắng đâu hề
Để khi sốt rét nặng nề làm chi
Một trăm dạng sốt ly bì
Ráng lên đứng dậy bệnh thì đỡ ngay
Hàng trăm chiến sỹ như say
Dáng gầy chống gậy bước này chân kia
Anh đi đầu cứ lia lia
Ngã rồi lại dậy chân chìa tập đi
Xin anh chí khí mỗi khi
Trường Sơn tôi lửa chân đi bằng đầu
Hỡi người chiến sỹ vượt cầu
Hôm qua còn sốt dãi dầu sau mưa
Quân đi sớm, tối, ban trưa
Cho tôi theo với nắng mưa xá gì
Mẹ ơi con dậy ráng đi
Chiếc khăn mẹ gói chi chi rất nhiều
Nào tình yêu rất mỹ miều
Tình thương năm tháng như chiều con xa
Con đường là một bài ca
Chín mươi ngày bước Trường Sơn tới R
Bước chân ngàn dặm mây mờ
Việt Nam thống nhất mong chờ ngàn năm!
Chương II
-
Xuống đường
Ngày mai con đã xuống đường
Trường Sơn bệ phóng đường trường sắt son
Sài Gòn -Gia Định đón con
Bao người bám trụ trăng còn nhớ sao
Củ Chi mảnh đất lao xao
Đón anh du kích đêm vào ấp sâu
Thương người bám trụ đã lâu
Má đưa cơm vắt nhắn câu ân tình
Ơi người bám trụ đằng mình
Nhờ dân che chở giữ tình dân quân
Củ Chi Mỹ càn. Tát dân
Biến Tam Giác Sắt trắng lân một vùng
Đất Sài Gòn Mỹ Ngụy lùng
Đêm ngày lùa lính rình rùng khắp nơi
Ủi địa đạo, xăm hầm hơi
Không cho Việt Cộng còn nơi chốn ngồi
Con về như lá đâm chồi
Đêm đêm mẹ đợi đất trời mênh mang
Sài Gòn đô thị xênh xang
Hai cánh tay mẹ trải dang đón chờ
Về đây phố nhỏ Bàn Cờ
Xóm nghèo nuôi trí mong chờ nắng mai
Lá cờ xanh đỏ ai may
Tung bay ngày tết dáng say lòng người
-
Mậu Thân 1968- Phá chiến tranh cục bộ
Mẹ ơi trong chiếc khăn vuông
Mẹ ghi thành phố Mỹ buông mọi bề
Hôm nay đánh Mỹ cận kề
Dở khăn con chấm bốn bề tấn công
Khăn ơi gửi tạm dưới sông
Hẹn mai thăm thẳm sâu nông lại về
Khi vào chiến dịch bộn bề
Có ba có má quây về quanh sân
Về đây bên tết Mậu Thân
Bốn trăm cơ sở nhân dân đợi chờ
Trong đêm trời tối lờ mờ
Khối B ba cụm đang chờ lệnh trên
Cùng chia Sáu mũi tiến công
F100, Biệt Động, Đặc Công ra đời
Sài Gòn cụm Đông, Biệt động đánh nhanh
Phía Nam, Bắc hợp đồng bên nhau
Đêm 30 tết, trăm Biệt động hành quân
Giờ G đã điểm, lệnh vang pháo rền
Đại sứ quán Mỹ bức tường tan
Mười lăm chiến sỹ một lòng tiến công
Chiếm tầng một, tầng ba Đại sứ
Các anh gom 80 nhân viên vào phòng
Không khảo tra, không đánh ai
Xin các ngài lặng im, chúng tôi cần im lặng
Mười lăm người đánh trả Đại đội Mỹ ứng cứu
Cửa Đại sứ chúng không thể níu
Sân thượng trực thăng vè vè đậu
Đại sứ Bunker chạy thoát thân
Lính Văn phòng của Tư Chu rèn mình thành Biệt động
Người đánh máy, văn thư, y tá, chị nuôi
Bỗng các anh thành những anh hùng
Xưa đánh giặc chưa từng nổ súng
Hôm nay trong khuôn viên tòa Đại sứ
Viên đạn quý, biến mục tiêu chính xác
Hai lính gác Mỹ chống trả phải gục
Sư dù 101 đón đạn nơi sân thượng
Chống giặc bao vây, đồng đội hiệp đồng
Mười lăm người, mười lăm chiến sỹ một lòng
Chống trả xe bọc thép dàn hàng trước cổng
Trung đội Mỹ áp đảo mãi không thành
Từ hai giờ sáng tiến đến chín giờ
Mỹ mới tràn vào Đại sứ cứu nguy
Xác lính Mỹ ngổn ngang bên xác anh em
Chỉ còn Thanh Vân, bị thương lúc giặc tràn
Trang sử vàng ghi danh ngàn năm
Cả nước Mỹ lo sợ đội quân Biệt động
Bảy giờ sáng tòa Đại sứ tanh bành
Cảnh tượng trên, vào ti vi mỗi nhà công dân Mỹ
Những thước phim, bức ảnh lan xa
Cả thế giới biết Đại sứ Mỹ bị tấn công
Johnson ngao ngán nói cùng Westmoreland
“Cộng sản dạo chơi trong làng Đại sứ”
Đêm ba mươi Đài phát thanh ta chiếm
Dinh Độc Lập bị tấn công liên tiếp
Bộ tư lệnh Hải quân súng vẫn nổ ròn
Cụm Bắc, súng nổ sân bay Tân Sơn Nhất
Mấy phút sau Bộ Tổng Tham mưu rung rinh
Khám Chí Hòa tần suất súng nổ ròn
Phía Nam, Nha cảnh sát cháy trong vòng đạn
Bộ Tư lệnh Biệt khu súng nổ rền trời
Sài Gòn người Mỹ tự hào có mảnh đất bình an
Sau Mậu Thân người Mỹ thấy bất an ở Sài Gòn
Năm 1968, phát súng hiệu cho người Mỹ rời Việt Nam
Mỹ chuyển chiến tranh Cục bộ sang Việt Nam hóa
-
Việt Nam hóa chiến tranh
Lạy sông Sài Gòn trong xanh
Trao khăn mẹ gửi long lanh nắng ngàn
Con xin lạy mẹ ngàn vàng
Chiếc khăn mẹ trải trận ngàn non cao
Bằng chiến dịch Đường Chín Nam Lào
Xuân hè 1972 ta đánh Quảng Trị
Điện Biên Phủ trên không mười tám ngày đêm
Nhân dân ta đã ký hiệp định Paris- 27-1-1973
Tất cả dựa vào Trường Sơn đánh giặc
Đường Đông Trường Sơn nối tới Bù Gia Mập
Cho một ngày mai ta vào trận lớn
Chiến sỹ Trường Sơn con đường huyết mạch
Cho quân ta đi, cho vũ khí chở vào
Những bát gạo ở chiến trường đã thơm trở lại
Xe gạo tới nơi, đơn vị nhận về ăn
Không phải gạo, một phần ba nổi lềnh phềnh
Ba tháng hành quân kẻ thù là sốt rét
Đã cướp đi bao đồng đội trên rừng
Chưa nổ súng, bên đường, mộ vùi đâu xanh cỏ
Cạnh hàng bên mộ lại sắp trên đường
Nay ta hành quân giờ chỉ có mười ngày
Quân rất khỏe và tinh thần rất trẻ
Mũ và áo đã không sờn và rách
Thuốc men giờ tạm đủ mỗi quân y
Người Mỹ thay màu da trên xác chết
Để Hoa Kỳ tính chuyện vuông tròn
Bỏ đông minh rút chạy ra khơi
Trận chiến đang tiến sát Sài Gòn
Kẻ bị bỏ rơi Thiệu vẫn tính Dola giữ đất
Dola không còn giữ được tấc đất chi?
Mẹ nói khi con khó khăn
Dở vuông khăn ấy có căn dặn gì
Dặn rằng kháng chiến trường kỳ
Hòa bình đang ở trong thì nay mai
Con đi lòng những nhớ ai
Hẹn ngày thống nhất một hai con về
Năm Quân đoàn từ chiến dịch: Giải phóng Sài Gòn Gia Định
Các anh đi rầm rầm trong rừng cây
Đường Trường Sơn nối dài vô tận
Quân ta đi điệp điệp trùng trùng
Những binh đoàn tiến mãi về vùng sâu
Huế giải phóng, tiếp sau là Đà Nẵng
Cả Trung phần giải phóng đã về ta
Trận Xuân Lộc mở toang cửa sắt
Tiến về Sài Gòn cùng năm cánh quân
-
Chiến dịch Hồ Chí Minh
Lần này khăn chẳng dặn chi
Chỉ màu xanh kín chẳng ghi một lời
Ngỡ ra hai mốt năm trời
Hòa bình phải đến cho đời hát ca
Trời xanh biển rông bao la
Nắm tay vào trận hoan ca hòa bình
,
8-4-1875, Bộ tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Đinh
Ngày 12-4-1975, Bộ tư lệnh xin đổi “ Chiến dịch Hồ Chí Minh”
Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị gửi
“ Chiến dịch giải phóng Sài Gòn Gia Định lấy tên chiến dịch Hồ Chí Minh”
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở
Cho năm cánh quân tiến sát Sài Gòn
Ngày lich sử đã điểm
“Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh”
Tư lệnh Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm Hùng đã ký
Trên bản đồ Việt Nam
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đến
Toàn quân dân tất cả tiến công
Ngày hai sáu tháng tư
Nhân dân Sài Gòn đợi năm mũi tiến quân
LGT:Miển Tây.
Sau Mậu Thân mền Tây gần như trắng, năm 1970 cả đồng bằng sông Cửu Long ta có 200o dân, du kích xã là bộ đội miền Bắc vào. Sang 1971 ta có 20 vạn dân. Từ tháng 4 đến tháng 8- 1972 ta giải phóng 400 ấp với 80 vạn dân. Để thấy chiến trường miền Tây ác liệt ra sao. Xin trích đăng tiếp
Trong cửa rừng chia tay anh
Hẹn ngày về mắt long lanh xao xuyến
Em không về, ngày lưu luyến
Thắp cho em hương mộ, xuyến nước đầy
Thỏa lòng khao khát hao gầy
Ngày chiến thắng khắc tên rày trên đá
Anh ghé thăm, em là lá
Vẫy chào anh dẫu là đá mủi lòng
Ngày chia tay anh không còn
Em mãi mãi khắc vuông tròn trên đá
Em yêu anh như ngàn lá
Mãi xanh cây che mộ đá bên đường
Sài Gòn điểm hẹn tình yêu
Dắt tay nhau đi trong gió chiều hòa bình
Đêm mười chín tháng tư em theo thuyền quân
Sông Vàm Cỏ thuyền đi như hội
Rừng Tây Ninh nghiêng mình bên dòng nước
Em xuống miền Tây, anh về thành phố
Đôi ngả chiến trường cho châu về hợp phố
Sáng thuyền em ghé bên đồng Chó Ngáp
Trường Sơn giờ trăm ngả đường xa
Em nhớ con đường mưa trơn vắt nhảy
Dưới chân em giờ cát bỏng đồng xa
Giặc trên đầu là những máy bay
Soi tìm diệt, quân đi trên cát bỏng
Nắng và khát, ẩn tránh bày cú vọ
Là chúng ta đã chiến thắng trở về
Miền Tây ơi chờ đợi những đàn con
Chiều Ba Thu, dội về bao tiếng khóc
Giặc vừa càn, bao trẻ thơ bị giết
Em khóc anh, cha mẹ khóc con
Như muốn hỏi đất nước sao chiến tranh
Để giặc càn giết bầy thơ trẻ
Nhân dân hỏi , ai phải trả lời?
Chúng ta đi tìm cơ hội hòa bình
Mang bình yên về tới xóm làng
Những con đò đưa chiến sỹ xuống đường
Trời Ba Thu như nhắc từng đồng đội
Mỗi chúng ta có chung một số mệnh
Giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà
Cho các em ca, dưới mái trường mới lợp
Anh lính được về quê sinh sống với mẹ già
Con khoe với mẹ hôm nay
Từ Trường Sơn đến miền Tây say lòng
Tiếng đàn vọng cổ long đong
Đêm nay đã cất khúc trong quân hành
Xuồng ba lá chở quân đi như thác
Đi khắp miền Tây bằng xuồng anh chở
Qua mọi ngả đường vùng giải phóng đêm qua
Chín ngày đường mới vào kênh Nguyễn Văn Tiếp
Cùng chiến dịch Hồ Chí Minh
Quân dân miền Tây quân ém hai bờ nước
Chờ xuất trận đêm hai chín tháng tư
Sáng 30-4, thuyền thương binh về đầy ắp
Giặc hô hào tử thủ miền Tây
Khi Sài Gòn đã tiến quân rất gần
-
Năm cánh quân tiến về Sài Gòn
Chiếc khăn trải trước sa bàn
Năm mũi tới đích một làn tấn công
Hành quân qua suối qua sông
Nhân dân mở lối nông sâu dặm dài
Trong khăn mẹ dặn kết đoàn
Bài ca năm tháng khải hoàn vang xa
-
Quân đoàn Một- Binh đoàn quyết thắng
Mở hướng Bắc tấn công
Cuộc hành quân của các anh kéo dài 100km
Bên Tây Trường Sơn quân đi điệp điệp trùng trùng
Qua Đắc Tô theo đường Mười Bốn đến Đồng Xoài
Ngày 7-4, đường dây 559 truyền lệnh của Võ Nguyên Giáp
“ Các sư đoàn, các đoàn kỹ thuật trên đường hành quân
559 truyền mật lệnh: Thần tốc, thần tốc hơn nữa,
Táo bạo, táo bạo hơn nữa,
Tranh thủ từng giờ, từng phút,
Xốc lại mặt trận giải phóng miền Nam
Quyết chiến quyết thắng.”
Bộ đội ta nhận lệnh cùng tung hô
Đại tướng muôn năm
Việt Nam muôn năm
Việt Nam thống nhất muôn năm
Những tiếng hô vang dậy non sông
Cuộc hành quân bằng xe tăng dài nhất thế giới
Bánh xích lăn trên đường hành quân 1700km
Trạm bảo dưỡng xe tăng cường độ nhất toàn cầu
Xe nóng máy có quân bảo dưỡng
Các anh chữa trong nước sôi lửa bỏng
Mặt đỏ rực mồ hôi ròng ròng chảy
Có xá chi bao đồng đội đã hy sinh
Tư lệnh Đoàn Minh Thi cùng đi đầu
Chính ủy Nguyễn Hòa thao thức bên đoàn quân
Chúng ta đi theo tiếng gọi non sông
Các binh chủng cùng hành quân về một hướng
Quân đoàn Một Từ đỉnh Trường Sơn về đồng bằng
Ngàn cây xanh vang khúc quân hành
Giải phóng quê hương thống nhất nước nhà
Mệnh lệnh truyền đi giải phóng miền Nam
-
Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh
Ngày 8-4, lịch sử đã trao tay
Bộ chỉ huy Thành lập tại Tây Nguyên
Đại tướng Văn Tiến Dũng Tổng tham mưu
Phạm Hùng Phó tư lệnh
Cùng các tướng binh Hoàng Văn Thái
Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh
Trần Văn Trà, Đinh Đức Thiện, Vũ Lăng
Những tướng tá Việt Nam dân chủ cộng hòa
Từng đối đầu với các tướng Cộng hòa Việt Nam
Trong lòng chảo Điện Biên
Nay đối đầu chiến dịch Giải phóng Sài Gòn Gia Định
Quân đoàn Một, xe tăng tiến tới Đồng Xoài
Từ nơi này một binh đoàn tấn công
Có ai biết sư 308 nghi binh để quay đầu ra giữ miền Bắc
Đánh giặc đằng trong lo phòng thủ đằng ngoài
Để đồng đội sư 312 tiến sâu diệt sư 5 ngụy
8g30 Trung đoàn 48 qua cầu Bình Trị
Chiếm Bộ tổng Tham mưu
Sư 308 từ Ninh Bình gọi
Chúng tôi giữ yên miền Bắc
Quân đoàn Một ngẩng cao đầu mà tiến
Các anh gọi có chúng tôi đây
Những dũng sỹ đầu đi không trở ngược
Các anh tiến công trong tư thế đoàng hoàng
Cuộc vượt Trường Sơn chỉ trong mươi ngày
Các binh chủng hành tiến về phía Nam
Các anh đợi một quyết định mới:
-
Năm cánh quân tiến vào Sài Gòn
Sáng nay trời rất trong xanh
Chiếc khăn của mẹ trùm quanh Sài Gòn
Mong cho nguyên vẹn vuông tròn
Đêm đêm hòn ngọc vẫn còn sáng trong
Sáng tờ mờ ngày 26-1975
Từ căn cứ Tà Thiết – Lộc Ninh
Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh
Rời về Cam Xe- Bình Dương
Tại Cam Xe, Giờ G, ngày 26-4-1975 đã điểm
Chiến dịch giải phóng Sài Gòn bắt đầu
Được phát đi từ căn cứ Cam Xe lúc 17g
Những cánh quân “thần tốc” vừa đi vừa đánh thắng báo về
Con đường vào Sài Gòn phải qua bao chốt trận
Bao cầu là ụ súng “tử thủ” của đối phương
Bộ chỉ huy bao gồm Trung ương Cục
Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh
Phát huy tích cực thế mạnh toàn quân
Năm cánh quân tiến về thành phố
Từ Trường Sơn ào ào cờ mặt trận
Hãy giữ cầu cho đoàn quân ta tiến về
Từ đoàn đặc công Hải quân 126
Chuyển về Z23 đặc công nước ở Đông Bắc Sài Gòn
Các anh cùng Z22 biệt động, tiểu đoàn 81
Thuộc Lữ đoàn 316, Bộ Tổng Tham mưu Miền
Nhiệm vụ: Đánh cầu Rạch Chiếc
Rạch Chiếc “ Bức tường lửa” Quân đoàn Ba Ngụy nhận “nút chặt” cầu “tử thủ”
3g15 ngày 27-4, bắn phát súng đầu tiên tấn công cầu
Do trinh sát Nguyễn Văn Thọ Z23 khai hỏa
Họ tất cả có 100 chiến sỹ
Phút tấn công đầu ta đã giữ được cầu
Nhiệm vụ lớn lao không cho chúng phá cầu
Lối đánh cũ: Nhanh chóng, kết quả cao, rút gọn
Nhiệm vụ mới: Giữ cầu bằng mọi giá
Sáng 27-4 xe tăng, bộ binh ngụy tràn lên
Pháo chụp, pháo luồng, hủy diệt cả một vùng
Đồng đội mất, nước mắt cứ dâng trào
Bốn mươi sáu đồng chí mình hy sinh tại chỗ
Ngước mắt nhìn trời Sài Gòn: Mây trắng, mây đỏ, như cờ mặt trận
Vĩnh biệt vinh quang, chúng con chưa được nhận
Giành quang vinh này về cho Nhân dân
Chiều 27-4 rút ra, chỉ còn Nguyễn Văn Thật ở lại chốt cầu
Anh chiến đấu đến không còn đạn
Chúng bắt anh, chặt thân hình hai mảnh
Quăng xuống hai đầu cầu
Liên lạc viên Võ Văn Tần bị bắt
Chúng khảo tra anh không nói một lời
Giữ trong lòng một khối trinh nguyên
Của đội quân Đặc công, biệt động Miền
Rạng sáng 30-4 đặc công chiếm hai đầu cầu Rạch Chiếc
Máy bay vần lên xả đạn
Tiểu đoàn 81 hai đồng đội hy sinh
Phía Bắc đầu cầu, các anh giữ nhà máy điện
Để Sài Gòn điện vẫn sáng bừng
Cho những chiến công thêm tưng bừng chói lọi
Cầu Rạch Chiếc phá tan “Bức tường lửa”
Cho đoàn quân rầm rập tiến về
Dưới chân cầu năm mươi hai trái tim còn đập
Đưa đoàn quân tiến thẳng về Dinh Độc Lập
Cầu Rạch Chiếc, nước sông giờ còn lắng
Nhẹ êm trôi bóng năm hai chiến sỹ đứng trên cầu
-
Quân đoàn Ba- Binh đoàn Tây Nguyên
Binh Đoàn Tây Nguyên hùng dũng
Từng đánh Buôn Ma Thuột
Thuộc núi, thuộc rừng thuộc từng cây cỏ
Nay các anh xốc về đồng bằng
Thành một binh đoàn
Hùng dũng tiến về miền Đông Nam bộ
Tất cả hô chung khẩu hiệu
“ Thời cơ thôi thúc, nhiệm vụ vinh quang.
Xốc tới vươn lên, quyết dành chiến thắng”
Tiếng hô từ dãy Trường Sơn dội tới Sài Gòn
Là Quân đoàn tiến sâu sớm nhất
Ngày 18-4, đã có mặt tại Giàu Tiếng
Ngày 24-4, nổ súng đánh hướng Tây Bắc Sài Gòn
Ngày 28-4, Tư lệnh Vũ Lăng, Vũ Hiệp chính ủy
Cách đánh riêng, chiếm vị trí chiến lược
Đánh áp sát năm mươi phút
Sau thắng lợi trao bộ đội địa phương
Ngày 29-4, Củ Chi các anh đã có mặt
Theo tiêu lộ công binh
Cắm sẵn tim đường
Xe ủi san bằng lối
Xe tăng tiến vào Sài Gòn
Hơn ba trăm xe cơ giới
Cắm cờ qua đường Củ Chi
Hành tiến tiến vào Sài Gòn
Quân đoàn Ba anh hùng
30-4, đánh Tân Sơn Nhất
Ngày 30-4, đập tan phòng thủ mạnh nhất
Hướng Tây Bắc Sài Gòn
Quả đấm thép của Binh đoàn Tây Nguyên
-
Quân đoàn Bốn- Binh đoàn Cửu Long
Tiến đánh phía Đông Sài Gòn
Vừa đi vừa đánh, vượt cung tăng trạm
Từ đỉnh Trường Sơn mang hùng khí non sông
Với 30000 ngàn quân hướng Đông Sài Gòn
Tiến đánh Hố Nai, sân bay Biên Hòa
Mở đường về quận 1, quận 2 và quận 3
Chiếm Bộ tư lệnh Hải Quân, Bộ Quốc phòng
Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh
Tư lệnh Quân đoàn rất quen trận mạc
Hoàng Cầm đi trong thế trận oai hùng
Chính ủy Hoàng Thế Thiện ung dung chờ lệnh
Năm cánh quân tiến về Sài Gòn
Quân đoàn mở cửa thép Xuân Lộc
Chúng thua trận còn dội bom bẩn
Vào đội hình Sư 341 tai Giầu Dây
“Quả đấm thép” phía Đông tiến về Sài Gòn
Những hướng tấn công của Sư Bảy
Các anh đi qua, thắp hương cho đồng đội
Rất đỗi đau thương trong bài ca hùng tráng
Trận đối đầu chiến tranh Cục bộ
Ta đánh Mỹ tại Tống Lê Chân
Đồng đội có chung một ngày giỗ
Ngày 7-8-1967, 164 chiến sỹ hy sinh, chúng chôn tập thể
Trên mảnh đất đánh Mỹ tại Tây Ninh
Hôm nay trên lá cờ mặt trận
Thấm máu các anh cho sư Bảy tiến quân
Theo đoàn quân tiến về Sài Gòn
Sư Bảy thọc sâu hướng Dinh Độc Lập
Sư trưởng Lê Nam Phong
Trao quyền cho sư Phó
Anh lấy cờ mặt trận
Lên xe máy giương cờ bay trong gió
Tiến về Dinh Độc Lập
Cờ trên Dinh vừa hay bay thả
Cờ sư Bảy dưới đất tung bay
Vạn lá cờ Mặt trận say trong gió Sài Gòn
-
Đoàn 232- Binh đoàn cánh Tây Nam
Mũi thứ năm từ đồng bằng sông cửu Long
Tiến đánh về Sài Gòn
Người chỉ huy Lê Đức Anh
Con hùm xám Cửu Long
Đã một thời đánh tan bao trận càn
Sau hiệp định Paris
Để tạo thế tạo thời cho miền Tây
Các anh quần nhau với giặc tại Chương Thiện
Cắt đường Bốn, chiếm Tân An, Mỹ Tho
Mũi tấn công chia đôi Sài Gòn với miền Tây
Không cho lính Sài Gòn về Mật khu
Quân miền Tây lên ứng cứu Sài Gòn
Con đường Trường Sơn ở đây là sông nước
Quân ta đi trên xuồng ba lá
Ngọn chàm bay che chở đoàn quân
Hướng Tây Nam Sài Gòn các anh tiến
Đoàn 232 từ đồng bằng tiến về Sài Gòn
Chiếm Tổng Nha cảnh sát ngụy
Sư đoàn Chín đánh bằng sức mạnh Trường Sơn ca
Từ đồng bằng về Sài Gòn khải hoàn ca
-
Quân đoàn Hai- Binh đoàn Hương Giang
Tối 29-4, Quân đoàn chiếm nga tư Bảy Hiền
Ngày thành lập 17-4-1975 tại Thừa Thiên Huế
Một binh chủng có tuổi đời rất trẻ
Nhận tấn công hướng Đông Nam
Đi cùng Binh đoàn Hương Giang có Lê Trọng Tấn
Tư lệnh Nguyễn Hữu An, chính ủy Lê Linh
Quân đoàn Hai giải phóng Huế, Đà Nẵng, miền Trung
Mang bao chiến công để tiến đánh Sài Gòn
Những căn cứ Nước Trong chi khu Long Bình
Chi khu Nhân Trạch, thành Tuy Hạ, cánh Cát Lái
Quân đoàn Hai đánh Bà Rịa, Vũng Tàu
Đánh ở đâu quân địch đều khiếp vía
Thành Tuy Hạ xưa ai qua cách bao cây số
Chỉ dám nhìn xa lắc rồi đi
Vậy các anh hạ thành Tuy Hạ
Sài Gòn chông chênh chếnh choáng từ đây
9g30-4, Đài Sài Gòn phát đi lời Việt Nam Cộng hòa
Đơn phương ngừng bắn, bàn giao chính quyền cho cách mạng
Không thể bàn giao, mà phải đầu hàng
Tất cả cùng chung một ý nghĩ tấn công
Cánh Đông tiến tới Phủ Tổng thống
Cánh Bắc chiếm sân bay Tân Sơn Nhất
Khi năm chiến sỹ xe tăng hy sinh ngoài cổng chính
Xe vượt lên nghiêng mình tưởng niệm các anh
Quân đoàn Ba tiến tới ngã tư Bảy Hiền
Quân đoàn Một tiến vào Gò Vấp
Đoàn 232 đánh Biệt khu Thủ Đô
Quân đoàn Bốn đánh vào Bộ quốc phòng
Quân đoàn Hai tiến về Dinh Độc Lập
-
Theo chân Z203 tiến về Dinh Độc Lập
Sáng 30-4-1975, Ngô Văn Nhỡ, tiểu đoàn trưởng tăng Một hô:
-
Đại đội Ba nhận nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập
-
Chúng tôi đã sẵn sàng!
Tiếng quân hô mang hào khí non sông
Từ kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai
Ngã ba Thủ Đức, qua cầu Sài Gòn
Địch bắn từ lòng sông M 48, M 41, M113
Chặn xe tăng trên cầu Sài Gòn
Máy bay thả bom chặn bước tiến
Pháo cao xạ, M27 bắn trả máy bay
Xe tăng ta bị cháy, sa lầy, hỏng hóc
Tiểu đoàn trưởng Nhỡ hy sinh, chiến sỹ thương vong
Các anh nằm lại trên cầu Sài Gòn
Đại đội Bốn, bảy xe chồi lên
Bắn pháo sang bên kia cầu
Giặc bỏ chạy, quân ta hành tiến
Z203 lăn tới ngã Tư Hàng Xanh
Xe 390 bắn diệt xe thiết giáp tiến về Dinh
Cầu Thị Nghè xe tăng Lê Tiến Hùng bị bắn
Một chiến sỹ hy sinh, xe dừng lại
Xe tăng 390, xe 843 vượt lên đường Hồng Thập Tự
Cho xe 390 của Vũ Đăng Toàn vượt lên trước
Xe 843 của Bùi Quang Thận theo sau
Hai xe tăng đi theo hai con đường gắn cùng lịch sử
Xe 843 theo đường Thống Nhất tiến vào
Nhờ người con gái Sài Gòn chỉ lối
Xe 390 tiến theo đường Công Lý
Trước cổng Dinh một người áo trắng vẫy tay vào
Tăng 843 đi húc cổng phụ, Bùi Quang Thận cầm cờ tiến thẳng
Xe 390 húc cổng chính vào, theo sau tăng 843
Hai chiếc xe tăng của Z203
Quân đoàn Hai đã tiến vào Dinh Độc Lập
Chiến thắng của xe này là chiến công của xe khác
Vũ Đăng Toàn thấy Bùi Quang Thuận cầm cờ xốc lên
Anh vơ khẩu AK theo, sẵn sàng tiếp ứng
11g30 lá cờ mặt trận tung bay trên tháp
Dinh Độc Lập, đã nhuộm màu cờ mặt trận
Hỡi các anh hùng xe tăng vừa nằm xuống trên cầu
Lá cờ này nhuốm thắm máu các anh
Bay phần phật trên Dinh Độc Lập
Khi hai chiến sỹ đầu tiên lên treo cờ Mặt trận
Dương Văn Minh biết cờ Việt Nam Cộng hòa tan chảy
Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Sáu Sáu
Anh bước vào với tư cách người chiến thắng
-
Nội các Dương Văn Minh, đợi các ông bàn giao chính quyền
-
Các anh đã bị bắt, không còn gì để bàn giao
Tiếng Phạm Xuân Thệ như lời nói non sông
Đất nước này đã thu về một mối
Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng bước tới
Ông đề nghị Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng
Dương Văn Minh xin đọc qua ghi âm
Bùi Văn Tùng mời ông qua Đài
Chính ủy soạn lời đầu hàng
Bản tuyên bố trước nhân dân:
“Câu mở đầu, do Chủ tịch tổng hội Sinh viên Nguyễn Hữu Thái
Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng
Lời Thủ tướng Vũ Văn Mẫu
Chính ủy Bùi Văn Tùng tiếp nhận lời đầu hàng”
Một thế trận nhân dân Sài Gòn vùng lên
Cùng 82 cụm quân Biệt động
Cư dân vùng Cầu Ông Thìn nổi dậy
Chúng bắn vào nhân dân, bao máu đổ trên cầu
Quân dân làm nên một chiến thắng tại Sài Gòn
Buộc nhà cầm quyền đọc lời đầu hàng
Khép lại một thời chiến tranh
Làm nên trang sử hòa bình, ngày 30-4-1975
Dinh độc lập quân ta về chảy hội
Sài Gòn dân chúng mừng đón hòa bình
Thì miền Tây vẫn còn chiến tranh
Trực thăng trên đầu dụ chiêu hàng, đòi tử thủ
Chúng tôi bên rừng miền Tây vẫn ém quân
Đêm ba mươi tiến về thành phố
Giặc đầu hàng, bỏ súng áo, xin về quê
Cờ trắng treo trên Chi khu chấp nhận hàng
Đêm ba mươi miền Tây đã hòa bình
Mẹ gặp con, cha về gặp má
Nước mắt rơi mà má cố mỉn cười
Hòa bình rồi! mình ơi! nắm chặt tay em!
Anh nắm tay mình là thật hay mơ!
Ba ôm má mà nước mắt tuôn trong ngực
Hòa bình thống nhất sao nghẹn ngào
Ba đã vượt hơn hai ngàn cây số Trường Sơn
Từ Trường Sơn về đến đồng bằng
Đường huyền thoại làm lên đường thống nhất
Mẹ gặp con, vợ được gặp chồng
Đường Trường Sơn đi từ Bắc tới Nam
Ba về đến Cửu Long Giang
Chín con sông quy về một mối
Đất nước mình đã hòa bình thống nhất
Hà Nội, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, cùng chín dòng sông
Ba nghe gió đồng như thổi dồn nhau
Khi nắng hòa bình về với ngàn lau
Nơi xưa ba lách lau sau trước
Trong căn nhà mình, chúng nổ súng chiến tranh
Cảm ơn con, cảm ơn nhân dân miền Tây
Đã anh dũng hy sinh, quần nhau với giặc
Chương Thiện, U Minh Thượng, U minh Hạ
Hai mốt năm kháng chiến trường Kỳ
Làm nên một Bến Tre Đồng Khởi
Giặc tràn , đội quân tóc dài xuống đường
Nối nhau đi cho đến sáng mai này
Các chị các em luôn đi về phía trước
Hôm nay 1-5-1975, miền Tây giải phóng
Những bát cơm các chị trao cho lính Cộng hòa
Lo xe đưa hòa bình về quê, khi sắc phục không còn
Cửi áo lính làm dân
Một triệu người lính của Việt Nam hóa chiến tranh
Đã trở về nhà với sắc màu áo trắng
Những cánh chim hòa bình
Đậu trên cánh tay mẹ
Miền Tây mùi của bùn non quanh ngôi nhà mới
Không tiếng pháo, tiếng máy bay lên càn mỗi sớm
Chỉ có tiếng chim gọi bầy trên đồng nước cớm
Lạc cánh chim trời, nơi ấy tàu vượt biên
Ba trở về, miền Tây vẫn vẹn nguyên
Những dòng kênh hoang, cá xấu nhiều hơn cá thật
Những ấp bỏ hoang bà về dọn lại
Nếp nhà xưa bên cây mận cây điều
Tiếng đàn kìm xưa vang vọng một thời
Ba đàn, má hát lệ chảy chan
Câu hát hòa bình mà nước mắt vẫn rơi
Hai mươi mốt năm, hoa đợi đến héo tràn
Tiếng đàn nay lên Cống xuống Xề
Cung đàn rung theo dòng nước mắt
Nước mắt của những ngày chờ đợi
Của những ngày đoàn tụ sau hai mươi năm…
*
Em theo xe miền Tây về Sài Gòn
Qua cầu Tân An , Bến Lức
Một chặng đường đâu có dài chi
Ngày em đi mất chín ngày đêm trên xuồng dưới bộ
Nay trở về mà vẫn như mơ
Nắm tay anh, Sài Gòn như bài thơ
Hàng me xanh dáng xưa còn đó
Tóc em bay xoay tròn trên phố
Áo học trò nhuộm màu phượng vĩ
Vịn vai nhau trên đường phố hòa bình
Anh giành sự vẹn nguyên Sài Gòn
Tặng cho em cùng nắng gió miền Tây
Đêm hòa bình hát bài ca Trường Sơn
Đường huyền thoại là con đường thống nhất
Từ Nam Quan đến mũi Cà Mau
Đường Trường Sơn nhân dân dắt ta đi
Sài Gòn rộn lá me bay
Hôm nay lá cũng nghiêng say ngang trời
Bài ca chiến thắng vang lời
Dơ tay ta với vùng trời bao la
Sài Gòn rợp dưới cờ hoa
Anh em ta hát bài ca hòa bình
Nụ hôn giữa thành phố mình
Không còn tiếng súng hay mùi khói bom
Từ Trường Sơn đến Sài Gòn
Con đường lịch sử gói tròn tháng Tư
Trường Sơn bên nắng bên mưa
Sài Gòn mưa nắng nhớ xưa tưng bừng
Cho em che mảng tăng rừng
Giữa Sài Gòn nắng, ơn từng bước chân
Thương cha thương mẹ rân rân
Cho con tung chiếc khăn ngân ngang trời
11 49 câu . Sài Gòn, ngày 30-4-2016