Vì sao Phạm Hương trắng tay tại HH Hoàn vũ 2015?
Nguồn:Báo Điện tử ViêtNamnet
Lần đầu tiên, Việt Nam gửi đến đấu trường sắc đẹp quốc tế một nhan sắc được các chuyên gia sắc đẹp cũng như các fan trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhưng kết quả top 15 vừa được công bố trong đêm chung kết lại khiến khán giả hâm mộ sắc đẹp thất vọng. Vậy, tại sao Phạm Hương không có mặt trong top 15?
Rất nhiều khán giả ngộ nhận rằng, đêm thi bán kết sẽ quyết định Top 15 thí sinh vào bánkết. Nhưng quyết định này không hẳn là đúng, vì trong quá trình sống và làm việc trong vòng 3 tuần thi của Miss Universe, tất cả các thí sinh đều nằm trong sự theo dõi và đánh giá của Ban tổ chức. Việc giao tiếp, sinh hoạt và tham gia các hoạt động phản ánh tố chất, ý thức, trách nhiệm của các thí sinh với hoạt động chung, từ đó BTC sẽ nhìn ra được những thí sinh tiềm năng và phù hợp với vai trò của Hoa hậu Hoàn vũ. Trong các phần giới thiệu trước khi công bố trước khi Top 15 được công bố, nội dung này cũng được đưa ra nhưng không nhiều khán giả chú ý đến điều đó.
Phạm Hương rất nỗ lực trong việc thể hiện bản thân tại Miss Universe 2015. Điều này khán giả có thể thấy qua những hình ảnh cá nhân của cô và đêm thi bán kết. Nhưng để có cái nhìn toàn cảnh thì khán giả lại chưa có cơ hội xem hình ảnh, video đầy đủ của tất cả 80 thí sinh trong cuộc thi. Đó là hạn chế lớn nhất để khán giả có cái nhìn khách quan về Phạm Hương trong mặt bằng 80 thí sinh. Trên trang Facebook của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, những video sống động về các thí sinh được cập nhật sinh động chính là một phần đời sống thực sự tại cuộc thi thì khán giả Việt Nam ít chú ý và theo dõi.
Xét về mặt bằng, đêm bán kết Phạm Hương không trình diễn tệ. Và lí do duy nhất để Phạm Hương không vào được Top 15 chính là sự nổi bật của cô trong các hoạt động trong 3 tuần thi giữa các thí sinh qua sự đánh giá của Ban giám khảo. Những ứng cử viên mạnh như Ấn Độ với lợi thế về ngoại hình và quyền lực ngầm cũng không thể có mặt trong Top 15 cũng là trường hợp đáng tiếc từ các đại diện Châu Á.
Thương hiệu quốc gia yếu
Những người thường xuyên theo dõi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ có thể thấy rằng top 15 luôn có mặt những quốc gia như: Venezuela, Colombia, Philippines, Mỹ, Úc... Venezuela và Colombia vốn đã quá quen thuộc với khán giả yêu thích sắc đẹp trên thế giới bởi ngành đào tạo hoa hậu rất phát triển tại quốc gia này. Cụ thể là những bé gái khi mới 7 tuổi đã được bố mẹ gửi đến những 'lò đào tạo' để rèn luyện cho những cuộc thi hoa hậu.
Chính vì vậy, những đại diện đến từ hai quốc gia trên luôn sở hữu lối trình diễn điêu luyện, cuốn hút và gương mặt sắc sảo nên việc lọt top 15 không có gì quá khó khăn cho họ.
Tại Việt Nam, Hoa hậu không được coi là một ngành công nghiệp nên việc gửi các thí sinh đi thi quốc tế là có phần bộc phát và thiếu chuyên nghiệp. Chỉ từ năm 2014-2015, các cuộc thi quốc gia đào tạo các thí sinh để đại diện Việt Nam tại đấu trường nhan sắc quốc tế như Hoa khôi Áo dài, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam mới bắt đầu được tổ chức. Thế nên chuyên môn của các người đẹp Việt vẫn chưa được khẳng định mạnh mẽ tại các cuộc thi quốc tế.
Sự thiếu may mắn
Trong 18 ngày tại Hoa hậu Hoàn vũ, Phạm Hương chưa bao giờ làm thất vọng người hâm mộ bởi cô hoà nhập tốt với các thí sinh ngay từ khi đặt chân xuống máy bay. Cô thể hiện mình làm một ứng cử viên nặng ký cho ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ với khả năng trình diễn điêu luyện và cuốn hút bởi kinh nghiệm làm mẫu lâu năm.
Ngoài ra, dù tiếng Anh có phần hạn chế nhưng Phạm Hương vẫn nỗ lực giao tiếp và tương tác với các thí sinh một cách tự nhiên nhất. Và cũng là lần đầu tiên, đại diện Việt Nam được hay chuyên trang sắc đẹp là Global Beauties và Missosology đánh giá có thể nằm trong top 5 trong tất cả các bảng xếp hạng từ đầu đến cuối cuộc thi.
Phạm Hương cũng được các cựu Hoa hậu Hoàn vũ 2005, 2009, 2010, 2013 và á hậu Hoàn vũ 2015 nhận xét là người có thể giành được vương miện năm nay. Thế nhưng, kết quả là thế, đại diện Việt Nam vẫn thiếu may mắn để có thể ghi tên mình vào top 15 chung cuộc.