Chặng đường xuân của Bác Hồ và 2 bài thơ xuân năm Thân tại Hà Nội

Ngày đăng: 08:28 01/01/2016 Lượt xem: 408

CHẶNG ĐƯỜNG XUÂN CỦA BÁC HỒ

VÀ HAI BÀI THƠ XUÂN NĂM THÂN TẠI HÀ NỘI

          Sống qua 79 Mùa xuân, Bác Hồ của chúng ta đã qua bảy lần mừng Tết năm Thân, từ Bính Thân 1896 đến Mậu Thân 1968 của hai thế kỷ và không có Tết năm Thân nào vui Tết cùng gia đình, họ hàng, bạn bè hàng xóm ở quê hương Xứ Nghệ thân thương. Chỉ có 2 lần ở Kinh đô Huế, 3 lần ở Pháp, Hồng Kông, Trung Quốc và 2 năm Thân ở Thủ đô Hà Nội.

          Năm 1895, cậu bé Cung mới năm tuổi đã cùng mẹ theo cha vào Huế. Cha học ở Quốc Tử Giám, Tết Bính Thân 1896 cả nhà ăn Tết ở Huế trong hoàn cảnh nghèo túng tại căn nhà số 112 đường Mai Thúc Loan.

          Năm 1906, hai anh em Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ 2. Hai anh em đều học ở Quốc học Huế và cũng là lần thứ 2 Nguyễn Tất Thành đón Tết Mậu Thân (1908) ở đây.

          Năm Canh Thân 1920, năm Thân đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đón Xuân ở xứ người. Và tháng 12 năm Canh Thân ấy  đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội 18 ở Thành Tua của Đảng xã hội Pháp. Sau khi đọc Luận cương của Lê Nin. Người đã thấy con đường cứu nước, đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế 3, tham gia sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp khi tròn 30 tuổi đời.

          Hai năm sau (1922), Người làm Chủ nhiệm tờ báo “Lơ Paria” sáng tác vở kịch “Con rồng tre” đả kích Khải Định thăm Pháp; năm 1923 Người bí mật sang Liên Xô; cuối năm 1924, sang Trung Quốc; tháng 6-1925 thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Ra báo Thanh niên ngày 21/6/1925. Người rời Trung Quốc trở lại Liên Xô, rồi rời về Đông Bắc Thái Lan, cuối năm 1929 trở lại Trung Quốc. Ngày 3/2/1930, Người chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Sau hội nghị Trung ương lần thứ 2 cuối tháng 3/1931, ngày 6/6/1931, thực dân Anh ở Hồng Kông đã bắt lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của chúng ta, với bí danh Tống Văn Sơ, với ý định giao cho Pháp để thi hành bản án tử hình mà Nam Triều xử vắng mặt tháng 10/1929 tại Vinh. Qua 9 phiên tòa xét xử, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các luật sư tiến bộ, điển hình là luật sư Ludơbai, ngày 22/1/1933 Người mới được ra khỏi nhà tù đế quốc.

          Sau hơn một năm sống trong nhiều nhà giam của bọn phản động Tưởng Giới Thạch từ 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943. Ra tù, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở Côn Minh (Trung Quốc) và đón xuân Giáp Thân (1944) ở đây.

          Năm Giáp Thân (1944), Người chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng. Người sống trong một gia đình Việt Kiều ở Côn Minh ( Trung Quốc)…

          Chín năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Trung ương Đảng,  và Bác từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ Đô. Người cùng nhân dân chiến sĩ hai lần vui đón Tết đón Xuân Bính Thân (1956) và Mậu Thân (1968). Cả hai dịp Tết năm Thân. Người đều làm thơ Chúc mừng Năm mới.

          Thơ chúc Tết Bính Thân, Bác viết :

                   “ Thân ái mấy lời chúc Tết :

                   Toàn dân đoàn kết một lòng

                   Miền Bắc thi đua xây dựng,

                   Miền Nam giữ vững thành đồng

                   Quyết chí bền gan phấn đấu

                   Hòa bình, thống nhất thành công”

          Đến Tết Mậu Thân 1968, khi cả nước đang đánh Mỹ, Người đã chúc quân dân cả nước.

                   “ Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

                   Thắng trận tin vui khắp nước nhà

                   Nam Bắc thi đua đánh giặt Mỹ

                   Tiến lên!

                   Toàn thắng ắt về ta!”

          Chủ tịch Hồ Chí Minh thọ 79 Mùa xuân, sống qua 7 năm Thân. Cả năm mùa xuân năm Thân trước Cách mạng Tháng Tám đều ở xứ người. Năm Canh Thân (1920) là năm ghi nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, khi Người là Đảng viên Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Từ đó, Người đã đem ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin dọi chiếu vào Việt Nam và lãnh đạo cuộc cách mạng Vĩ đại của dân tộc, tạo nên một nước Việt Nam hiên ngang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên Độc lập dân tộc và Xã hội Chủ nghĩa.

                             Phan Kế Toán

                             Kp5 – Phú Trinh – Tp Phan Thiết – T. Bình Thuận

                             ĐT : 0984.268.302

tin tức liên quan