Xuân về bên Thác Bản Giốc ngắm nhìn biên cương Tổ quốc

Ngày đăng: 10:39 04/03/2016 Lượt xem: 422

Kỷ niệm55 năm ngày biên phòngVN( 3/3/1959-3/3/2016).

 

                               Xuân về lên Thác Bản Giốc

                       ngắm nhìn biên cương Tổ quốc.

                                                                 Phóng sự của Huy Chương

                                                           

Từ  Bắc Ninh lên thị xã Cao Bằng nghỉ lại một đêm, sáng sớm hôm sau chúng tôi lên Thác Bản Giốc. Một cơn mưa rừng bất chợt, rồi tan nhanh. Buổi sớm trên vùng cao, những mảng mây trông tựa như cánh đồng bông trắng trôi nổi bồng bềnh, ôm lấy từng ngọn núi, mây bò lên cả lưng đèo, mây leo lên cả sườn núi, nhiều đoạn đường uốn lượn quanh co, chạy quanh đèo dốc.  Mây nhiều và dầy quá.  Xe phải chiếu cả pha gầm mới nhìn rõ đường đi. Dọc đường nhìn qua ô cửa kính , núi rừng Cao Bằng  trông đẹp thật hùng vĩ. Bên dưới chân những ngọn núi cao chót vót là những  cánh đồng lúa vàng , lại thật bằng phẳng chẳng kém ở đồng bằng. Còn kia bên lưng sườn núi là những  mái nhà be bé nằm nép mình bên sườn núi. Trên nương kia là những đàn bò lông vàng ánh, những  đàn trâu đen bóng nhãy, béo tròn, đủng đỉnh gặm cỏ giữa những cánh đồng cỏ non xanh tơ mơn mởn, khiến tôi nao lòng với miền vùng cao “sơn cước” này.    

 Đến non trưa  xe mới đưa chúng tôi đến điểm dừng tập kết là ngọn đèo của Núi Phía. Ngay phía trước mặt hiện lên cả một không gian hùng vỹ . Từ phía xa vẳng bên tai là thác nước đổ xuống ầm ào, bọt tung trắng xóa một góc trời . Anh chiến sỹ biên phòng đưa chúng tôi lên thăm Thác Bản Giốc. Tuy đến đây vào đầu mùa khô, lượng mưa trong năm cũng không phải nhiều nhưng Thác Bản Giốc vẫn mang một vẻ đẹp quyến rũ, huyền ảo làm ngây ngất lòng người. Thác Bản Giốc người ta ví như  “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Thác mang vẻ đẹp kỳ vỹ. Cả ngọn thác nằm trên dòng chảy Quây Sơn hiền hòa đi qua biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc, rồi uốn lượn quanh chân núi Cô Muông. Suối đi qua những bản làng thuộc địa phận xã Đàm Thủy , huyện Trùng Khánh, sau đó tách ra thành nhiều nhánh, rồi đột ngột hạ thấp xuống tạo nên những dòng thác đẹp diệu kỳ.  Thác Bản Giốc có độ cao tới hơn 30 mét ,ngọn cao nhất tới 40 m. Bởi thế mà có được những khối nước lớn khổng lồ, cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng tạo lên những dòng thác bạc trắng với ngàn vạn tia nước mát lành trong thật đẹp mắt.

          Thác Bản Giốc được đánh giá là thác nước tự nhiên lớn  thứ tư trên thế giới, và là thác lớn nhất, cũng  là đẹp nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á  - một tuyệt phẩm mà thiên nhiên đã ban tặng cho những con người và miền quê nơi đây. Trò chuyện với những người dân sinh sống lâu năm ở đây , chúng tôi được bà con kể rằng: Thác Bản Giốc được chia làm hai phần , phía đằng Nam là Thác cao, phía Bắc là Thác thấp. Nhưng Thác cao lại gọi là thác phụ , mà Thác thấp mới là thác chính.  Bởi Thác thấp đẹp hùng vĩ và thơ mộng hơn.  Thác nép mình vào núi rừng rộng lớn. Thác có dòng nước chảy từ trên cao xuống tựa như dải lụa trắng mềm mại nằm vắt ngang chừng núi. Từ trước đến nay ai cũng thừa nhận thác Bản Giốc là của  mình, chứ không ai nói thác Bản Giốc có một phần là của Trung Quốc. Ngay ở Trung Quốc cũng không ai nói đấy là của Trung Quốc. Thế mà  chẳng hiểu làm sao ,đùng một cái, mấy năm qua phía bên kia cứ dở trò lấn chiếm thác dần, rồi họ tạo cớ đòi chia phần thác Bản Giốc. Cả cái thác 3 tầng đẹp nhất kia, phía Trung Quốc đòi của họ hai phần, bên ta chỉ có 1 phần, thật là lòng tham hết chỗ nói.

          Càng đến gần Thác Bản Giốc ngắm nhìn, mới thấy hết cái vẻ đẹp hùng vỹ của Thác Bản Giốc đẹp làm sao! Lên tận vị trí cột mốc biên giới, bên bờ Thác Bản Giốc do hai bên đã thỏa thuận mới dựng, nghe anh chiến sỹ biên phòng giảng giải thì thấy: chuyện về Thác Bản Giốc vẫn còn nhiều điều rất phức tạp giữa hai bên. Sở dĩ có cột mốc hai bên thỏa thuận dựng tại đây là  vào những năm đầu của thập kỷ 1980, trong lúc có sự nẩy sinh tranh chấp bờ thác từ phía Trung Quốc, đại diện hai bên  đã tiến hành đi khảo sát ,thì phát hiện ra cột mốc đang tồn tại đã cắm từ đời nhà Thanh - Pháp. Căn cứ vào biểu đồ, căn cứ vào người dân địa phương nói: cột mốc đó từ xa xưa đến nay không ai chú ý và cũng chưa ai thay đổi cả. (Hiện tại vị trí của cột mốc đó không nằm sát thác Bản Giốc mà nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối , cách ngọn thác vài trăm mét). Đối chiếu  theo quy định Quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như một dòng sông, một dòng suối, mà đã là sông là suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, hay nói cách khác là đường biên giới phải là chỗ rãnh sâu nhất của thác. Cũng vì đi theo lý đó mà thác Bản Giốc 3 tầng kia, cái thác thấp, thác phụ thác đẹp nhất nằm sát bờ Bắc kia, chỉ thuộc về chúng ta có 1/3. Còn già nửa phần bên kia là họ tranh chấp với ta, đòi chủ quyền thuộc về Trung Quốc. Hiện nay cả hai bên vẫn đang giữ nguyên hiện trạng, và đang tiến hành khai thác du lịch phía ở bên mình. Có một điều là bên mình do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên phát triển du lịch còn sơ khai nhỏ bé quá. Vì thế mà chưa thu hút được nhiều khách đến với Thác Bản Giốc. Khác hẳn với ta, về phía Trung Quốc họ lại rất chú ý đầu tư, khai thác du lịch gắn với phát triển kinh tế làm thương mại  “sành” hơn ta rất nhiều, nên trông bờ thác bên họ sầm uất, đông vui lắm, thu hút khách đến đây ngày càng một đông  hơn.

   -Chắc ở nơi đây nhiệm vụ của các anh biên phòng vất vả lắm !(tôi hỏi). Nở nụ cười hiền hậu trên môi, người sỹ quan  trẻ biên phòng điềm đạm nói với chúng tôi : -“Ở nơi biên cương này trong mỗi nhiệm vụ, mỗi công việc dù là nhỏ nhất, chúng tôi luôn phải tự nhắc mình: phụng sự Tổ quốc là trên hết, mềm dẻo nhưng phải kiên quyết, nghĩa tình nhưng phải có lý chí, trung thành với Tổ quốc với nhân dân. Bởi vậy mà ngày  đêm dù trong nắng cháy, mưa rừng hay đêm đông lạnh buốt - Chúng tôi những người lính biên phòng nơi biên cương, nguyện gìn giữ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Thay lời chào tạm biệt với Thác Bản Giốc, chúng tôi nắm chặt tay anh chiến sỹ biên phòng, như đặt niềm tin cậy, gửi gắm vào sức trẻ các anh đang  đứng trước tuyến đầu Tổ quốc./.

                                                                           

 

                                                                                    

  

tin tức liên quan