Chuyện Chính ủy - Nhà văn tay cắt ngắn vẫn viết dài

Ngày đăng: 09:06 18/03/2016 Lượt xem: 610

Chuyện chính ủy - nhà văn cắt tay ngắn, vẫn viết dài

       Nguyễn Khắc Phê

Lời Ban Biên tập:

       Đại tá - Nhà văn - nhà cách mạng lão thành của Trường Sơn Nguyễn Việt Phương vừa vĩnh biệt chúng ta đi gặp Anh Cả và Bác Hồ. Đại tá Nguyễn Việt Phương - Chính ủy Binh trạm 12, Binh trạm 14 cửa khẩu nổi tiếng của Trường Sơn, rồi Tư lệnh Sư đoàn công binh 473...đã gắn bó với Trường Sơn gần suốt chiều dài lịch sử ra đời của Đường Trường Sơn. Ông đã viết hàng chục cuốn sách và tiểu thuyết về cuộc chiến đấu huyền thoại của Trường Sơn. Những cuốn sách của ông là những "bài ca đẹp" về những con người tuổi trẻ trên Trường Sơn, một lòng vì sự thống nhất đất nước...

     Nhân sự ra đi của Đại tá - Nhà văn Nguyễn Việt Phương - một trong những "cây đại thụ" của Trường Sơn, Ban Biên tập Trang thông tin Trường Sơn trân trọng mời bạn đọc và các đồng chí đọc lại bài ký: "Chuyện Chính ủy - nhà văn cắt tay ngắn vẫn viết dài" của nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

                          Ban Biên tập

Huế, một chiều mưa rả rích. Trong căn nhà - vườn vắng lặng, tiếng chuông điện thoại vang lên lánh lỏi … Tôi là Việt Phương… - A! Chào lão tướng! Nghe nói anh đi Quảng Trị về, bị “tai biến”, liệu còn viết lách gì được nữa không?

 

Nhà văn Nguyễn Việt Phương (trái) và tác giả

- Nhờ Trời, chưa chết! Vừa in xong cuốn sách về “đường Hồ Chí Minh” trên những dòng sông Quảng Trị, đem vào tặng bạn đây.

- Anh đang ở đâu đó?

- Đang ở Huế đây…

 

Thế là tôi lên xe, tuy trời đang mưa và con mắt còn lại của tôi dạo này đang bất ổn (con mắt kia của tôi đã “hy sinh” cho “mặt trận” cầu đường năm xưa). Tôi đang mong có dịp được gặp lại ông…

 

Tròn 40 năm trước - quãng năm 1965 -1966, thời kỳ giặc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt vào đường 12A dưới chân đèo Mụ Dạ (một đầu mối quan trọng của đường Hồ Chí Minh), khi tôi còn là một cán bộ kỹ thuật phụ trách công tác bảo đảm giao thông thuộc công trường 12A, tôi đã nghe danh tiếng Nguyễn Việt Phương (NVP) - vị Chính ủy Binh trạm 12 thuộc Đoàn 559.

 

Chúng tôi cùng ở quanh khu vực lèn đá bên Khe Ve (huyện Minh Hoá, miền tây Quảng Bình) - nơi ngày xưa vua Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi lập căn cứ chống Pháp sau khi rời kinh đô Huế.

 

Cùng một địa bàn, nhưng tôi là anh kỹ thuật ngành dân sự, lại còn là “bạch đinh” dễ gì làm quen được với một Chính ủy lừng danh. Tôi chỉ thấp thoáng thấy ông đôi lần khi ông ghé thăm cô cán bộ kỹ thuật T., nghe đâu là đồng hương Hà Nội với ông…

 

Bốn mươi năm, hết lăn lộn trên những con đường ra trận, ông lại tiếp tục cuộc chiến đấu mới trên hàng ngàn trang sách nhằm tôn vinh những con người đã làm nên huyền thoại đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, mặc dù cánh tay cầm bút từng bị cắt ngắn mất 5cm!...

 

 

Câu chuyện như huyền thoại này tôi cũng mới biết trong dịp đại tá - kỹ sư Trần Phúc, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, dẫn tôi tới thăm ông. Căn nhà khiêm tốn của ông ở làng Bưởi, trong một ngõ xóm vòng vèo, không có “giao liên” dẫn đường khó mà đến đích.

 

Thay vì “thống kê” các tác phẩm của ông, xin mượn bài thơ của Trần Phúc viết năm 2001, mừng ông thọ 80 tuổi, trong đó tên những cuốn sách của ông đã xuất bản được để trong “ngoặc kép”:

 

“Tám mươi Xuân, tuổi đã già/ Nhưng trang sách viết vẫn là sức trai.

Con đường Binh trạm 12/ “Tình trong thung lửa” thương hoài tháng năm.

“Cổng Trời” in dấu xe lăn/ Vẫn “Hoa mua tím”, “Phong lan nở” vàng.

Nhớ thời “Xẻ núi” dọc ngang/ Nhờ ai “Vượt đỉnh”thì sang với mình.

Thôi đừng “Day dứt” vì tình/ Ngàn năm “Đất Thánh” vẫn mình với ta.

“Hạt muối đỏ”, nhớ “Hồng Hà”/ Đã nghe “Đất chuyển” bài ca anh hùng...

 

Bài thơ viết năm 2001, nên tất nhiên còn thiếu bộ sách hai tập “Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” dày trên 700 trang (NXB Trẻ, 2004) và cũng chưa ghi hết tên sách của ông đã xuất bản như “Đường qua vùng cắt cổ”, “Túi lửa” (2 tập truyện ký, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh in năm 1983 và năm 1986); 

 

“Những chặng đường về thành phố tên Người” (tiểu thuyết 2 tập, NXB Văn nghệ TPHCM, 1989), “Phẩm giá” (tiểu thuyết, NXB Quân đội nhân dân, 1997), “Có một ngày xưa” (tiểu thuyết, NXB Công an nhân dân 2006) và tất nhiên chưa có tên cuốn “Dòng sông rực lửa”, NXB Quân đội nhân dân vừa ấn hành.

 

Nhìn chồng sách toàn viết chuyện “thiên hạ” dày hàng ngàn trang, trong đó nhiều cuốn tái hiện cuộc chiến đấu anh hùng trên đường Trường Sơn, trên tường thì Huân chương Độc lập kề bên Huân chương Quân công, tôi hỏi:

- Trên tám chục rồi, bao giờ thì anh viết chuyện đời mình?

Ông tủm tỉm cười, nói một ngạn ngữ tiếng Pháp, rồi cắt nghĩa luôn:

- “Cái tôi là đáng ghét” mà anh. Chuyện Trường Sơn viết cả đời không hết… À, anh từng ở đường 12A, còn nhớ cô Lan không?...

Thế là anh sôi nổi kể lại việc tình cờ gặp lại cô “Lan-trọng-điểm” trong một cuộc gặp truyền thống của Binh trạm 12. Vào lúc chiến dịch oanh tạc “Sấm rền 48” của Mỹ đang diễn ra ác liệt, Binh trạm nhận chỉ thị chở gấp loại hàng “đặc biệt” vào Nam.

 

Thủ trưởng Binh trạm phải trực tiếp chỉ huy, giao nhận hàng. Nguyễn Việt Phương ngồi xe của Thảo, đi đầu. Đại đội xe vừa vượt ngầm E. thì bị máy bay Mỹ phát hiện đón đánh, bom đạn ngút trời, pháo sáng trắng rừng. Giữa phút hiểm nguy tột cùng, bỗng có tiếng thét:  “Lan ơi! Hút nó đi!”

 

Lập tức, một cô gái nhỏ nhắn nhảy bám bên cửa xe đi đầu, hỏi: “Anh có dám đi không?” Thảo gắt lên: “Sao hỏi thế? Đi lối nào?” Cô gái đưa tay chỉ: “Hướng cây cụt ngọn tề, quay phải!” – “Thế cô vào xe đi”- “Đừng nói nữa. Chạy đi! Lẹ lên!” Thảo đánh vô-lăng theo tay cô gái, tách khỏi đường chính –“Bật pha lên anh!”– “Được! Cô xuống đi!”

 

Thảo muốn đỡ phần nguy hiểm cho cô, bảo mấy lần, nhưng cô gái cứ bám bên buồng lái hướng dẫn xe, lúc rẽ phải, khi quay trái tránh hết loạt bom này đến luồng đạn khác, đến lúc bị trúng mảnh bom vào bả vai, máu tuôn đầm đìa, vẫn dẫn xe thoát vào một suối cạn, đánh lạc hướng, cứu được cả đoàn xe…

 

- Chắc anh đã nghe chuyện tương tự, nhưng chứng kiến tận mắt, ngay bên cạnh, kỳ diệu quá!... Chuyện đời mình thì có đáng gì…

 

- Thì anh cứ kể thêm những đồng đội của mình như cô Lan. Hồi ký ông Tô Hoài, những đoạn viết về người khác rất hay. Còn viết về mình, thì nếu anh trung thực, đừng tô vẽ, dám viết cả những lẫm lỡ của bản thân thì ngại gì. Ví như hồi ở Trường Sơn, xa vợ lâu ngày, lỡ có “tình cảm” với ai đó…

 

Tôi chưa nói trọn câu thì chị Yến, người bạn đời của ông bê mâm cơm ra mời khách.

- Cũng đến bữa rồi, chẳng mấy khi, mời hai anh uống cốc bia với nhà em cho vui…

Đây là “chương trình” ngoài dự kiến, nhưng là đồng đội cũ, tôi và Trần Phúc không thể chối từ. Trời lại đang mưa. Quả là “vũ vô kiềm toả năng lưu khách”. Bữa ăn tình cờ mà có cả nem rán uống với bia thì sang quá!

 

Chắc là bà chủ đã nghe câu tôi vừa nói, nên tôi đành biến thành chuyện đùa, cười bảo:

- Có phải không chị? Tuổi tác “cổ lai hi” cả rồi, còn ghen tuông làm gì cho mệt…

Chị Yến cũng cười, vui vẻ nói:

- Ồi! Ông ấy đi biền biệt, ai biết đấy là đâu!

 

Ngồi cùng Nguyễn Việt Phương trên ghế dài sa-lông, tôi bỗng đưa tay đập khẽ lên cánh tay to bậm của ông, định nhân chuyện đang vui, “xúi” ông “thú tội” với bà chủ, nếu như “ngày xưa” có tình tang đâu đó; nhưng tôi chưa kịp lên tiếng, đã cảm thấy cái thân hình vững chãi của vị “tướng” Trường Sơn khẽ rung động; và ông nói, giọng dịu nhẹ bất ngờ:

- Có…có chuyện này có thể bà chưa biết. Với một cô y tá…Hơn nửa thế kỷ rồi, sau ngày tôi bị thương ở trận An Khê…

Trần Phúc bỗng xen vào bảo tôi, giọng đầy vẻ thú vị:

- À, anh chưa biết chuyện anh Việt Phương bị thương gãy tay. Không kém gì cảnh Hoa Đà nạo xương cho Quan Vân Trường trong “Tam quốc” đâu !

 

Thế là bất đắc dĩ, ông đành phải công bố “trích đoạn” vắn tắt hồi ký. Nhân chuyện bị thương thiếu thuốc men, Nguyễn Việt Phương mới tiết lộ ông nội mình là một thầy lang nổi tiếng, có nhà ở phố Huế; thân phụ thì sau khi đỗ Tú tài khoa cuối cùng triều Nguyễn, chuyển sang Tây học, rồi làm thợ…

 

Vừa đỗ “Tú tài 1”, ông lên chiến khu Đình Cả, tham gia Tổng khởi nghĩa ở Thái Nguyên, rồi sung vào đoàn quân Nam Tiến, khi giặc Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ. Trong trận đánh ở An Khê năm 1946, ông bị trúng đạn ở bụng và ngay cổ tay phải. Như thế, bị cưa cụt là chuyện thường và cũng đơn giản nhất, nhưng chính trị viên trung đoàn Trần Hoài Ân bảo bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng:

 

- “Đây là một cán bộ có triển vọng. Anh cố gắng giữ bàn tay cho anh ấy” - “Chúng tôi sẽ cố gắng, nhưng anh ấy có chịu nổi không?...”. Lúc đó thuốc kháng sinh chưa có, mọi thứ đều thiếu thốn, chỉ có cách lấy “ruột tượng” (bao đựng gạo) cuốn lại, rồi chuyển về tuyến sau bằng thuyền. Vết thương sưng tấy, đau nhức vô cùng…

 

Không nghe ông nhắc gì đến câu chuyện với “cô y tá”, tôi sốt ruột hỏi:

 

- Anh bảo có chuyện gì đó với cô y tá, chưa kể với bà chị, định đánh bài “lờ” à?

 

Ông cười nhẹ, bộ mặt ửng đỏ nhưng không hẳn vì bia:

 

- Anh uống đi. Dạo này tôi không dám uống nhiều…Tôi sẽ kể ngay đây, nhưng không có gì “giật gân” đâu. Tôi còn nhớ cô ấy tên là Sa. Do bị thương ở bụng, tay thì đau như thế, khát nước khô cổ mà tôi không sao ngồi dậy được.

 

Ngày ấy thì đâu đã sẵn ống hút như bây giờ. Trên thuyền một chiếc thìa cũng không có. Loay hoay chần chừ một lúc, cô ấy đành ngậm từng ngụm nước rồi chuyền trực tiếp vào miệng tôi…Đó! Chuyện chỉ có vậy thôi. Tùy nhà văn tưởng tượng. Còn tôi chẳng có dịp nào gặp lại cô ấy nữa…

 

Một câu chuyện như thế chẳng thể là đề tài để trêu đùa. Chỉ có thể ngẫm nghĩ và tưởng tượng. Phải! Với một chàng trai Hà Nội vừa qua tuổi đôi mươi thời ấy, có thể đó là lần đầu tiên anh biết hương vị đôi môi một người con gái. Cho dù là trong tình thế ngặt nghèo, cho dù cái chết cận kề, cõi lòng anh (và cả cô y tá nữa) hẳn là không tránh khỏi xốn xang và mãi còn nhớ về nhau.

 

Có phải vì chờ nhau, vì tìm nhau mà gần mười năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đuổi sạch quân xâm lược Pháp khỏi miền Bắc, anh mới trở về về quê và tìm thấy hạnh phúc với cô du kích xinh đẹp, chính là bà chủ hiếu khách vừa ý nhị liếc nhìn chồng với ánh mắt tràn đầy hạnh phúc, trước khi xuống nhà bếp để lấy thêm thứ gì đó…Phải! Vợ bộ đội, có mấy  người đủ “tiêu chuẩn” tổ chức đám cưới “kim cương” mừng nửa thế kỷ hạnh phúc như họ.

 

Nguyễn Việt Phương ngồi lặng giây lát. Chẳng ai biết được tâm trí ông đang hướng về đâu. Trần Phúc thì gợi chuyện ông bị thương không phải để nghe một chuyện tình, nên khẽ nhắc:

 

- Chuyện anh Việt Phương nối lại tay chưa đến hồi gay cấn đâu!...

 

Hẳn là trải mấy chục năm chiến trận, từng chứng kiến vô vàn sự chịu đựng đau đớn của các thương binh,  Nguyễn Việt Phương kể tiếp câu chuyện một cách bất đắc dĩ.

 

Sau khi chuyển về bệnh viện Phú Phong, tuy thịt da dần nối liền, nhưng hai ống xương nơi cổ tay bị gãy của anh vẫn chưa có điều kiện ghép lại, nên tạm thời phải lấy da quấn quanh cổ tay cho bàn tay khỏi lủng lẳng, mỗi lúc sưng tấy lên lại phải rạch ra nạo xương, vét mủ, cắt thịt thối...

 

Mãi đến năm 1947, đang mùa luyện quân ở Quãng Ngãi, vết thương lại làm mủ, ai cũng bàn cắt đi, nếu không sẽ bị hoại tử, có khi nguy đến tính mạng, nhưng anh tha thiết xin được giữ lại. Vậy là phải mổ lần nữa.

 

Những ngày đầu kháng chiến thiếu thốn đủ thứ, đến thuốc tê cũng không có, các thầy thuốc quân y chỉ còn cách dựa vào nghị lực của thương binh. Anh Phương bình tĩnh nói với bác sĩ Hoàng: “Các đồng chí cứ cột tôi lại. Rồi cần mổ xẻ chắp nối thế nào, xin cứ làm. Tôi chịu được!”

 

Khi chiếc dao mổ rạch da, rồi cắt bỏ phần xương bị hư hại, để khỏi kêu la và cũng để các y bác sĩ an tâm, Nguyễn Việt Phương cất tiếng hát: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi. Nào có mong chi đâu ngày trở về. Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi…”.

 

Nhắc qua chuyện “ngày xưa”, nâng li bia chạm cốc với tôi và Phúc, uống một ngụm nhỏ rồi ông nói:

 

- Chỉ thế thôi, có gì đâu…Sau lần mổ ấy, cánh tay phải của tôi ngắn đi 5 cen-ti-mét. Lúc đầu, làm việc, viết lách khó khăn vô cùng, nhưng kiên trì tập luyện, rồi cũng quen. Có chuyện vui là cách đây 5 năm, đến thăm anh M.T.P. một đồng đội cũ ở Trường Sơn, không ngờ vợ anh lại là chị Phúc, người phụ mổ với bác sĩ Hoàng năm xưa!...

 

Lúc này, tôi mới để ý đến cánh tay không bình thường của ông, đến dòng chữ xiên mềm mại, rất đẹp - kiểu chữ của lớp người được học các trường lớp “ngày xưa”- khi ông viết tặng tôi cuốn tiểu thuyết “Phẩm giá”, càng thêm quý trọng vị “chính uỷ-nhà văn” với hàng ngàn trang sách đã sinh thành nên từ bàn tay ấy.

 

“Tướng” Nguyễn Việt Phương thì lại muốn tôi lưu ý đến công lao và sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ trong chiến tranh. Tôi bỗng nhớ đến những trang viết trong tiểu thuyết “Những chặng đường về thành phố tên Người” của ông:

 

“…Khi tôi đi, vợ tôi không khóc, nhưng đôi mắt thẳm sâu, làn môi se lại, vầng trán cui cúi, mấy sợi tóc mảnh như tơ rối tung loà xoà xuống má.

 

Tôi chợt nhớ tới cảnh gia đình chị Thuần -vợ một đồng chí cùng đơn vị. Chiếc nhà cũ đã bị bom đánh, mọi thứ bay đi hết, cả những đứa con lớn đang học. Chỉ còn sót đứa bé nhất lúc ấy đang ở lớp mẫu giáo.

 

Hôm tôi đến thăm, đưa phong thư của anh Thuần, hai mắt chị mở to không chớp, chị sững sờ mấy giây, rồi mới nhìn lại phong thư đã cầm ở tay, bỗng nấc lên, chới với. Nhưng chỉ một chút, chị ấy trấn tĩnh, nói giọng hổn hển: “Anh ạ, hôm nay tôi mới hoàn hồn. Từ hôm hai cháu bị bom Mỹ giết, đêm nào tôi cũng mê thấy anh ấy chết…”.

 

Vậy mà khi viết thư cho chồng, chị không hề nhắc đến những mất mát đau thương phải gánh chịu và tác giả đã phải thốt lên: “Nếu không có người vợ người mẹ như thế thì làm sao có chiến thắng”.

 

Nguyễn Việt Phương đã nghĩ như thế, nên ông chưa chịu viết hồi ký và chẳng muốn nói nhiều về mình.

 

Và hôm nay, cánh tay bị cắt mất 5 cm ấy lại có thêm một tác phẩm mới viết về cuộc chiến đấu trên những dòng sông rực lửa ở vùng đất Quảng Trị anh hùng…

Theo TPO

tin tức liên quan