Đón Bun Pimay ở Thái Bình – Hồi ký của Lê Lợi, Nam ĐỊnh

Ngày đăng: 06:37 15/04/2019 Lượt xem: 642
         Một thời từng là Chiến sỹ Sư đoàn 968 Quân tình nguyện tại Lào - Hội viên Trường Sơn; Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Lê Lợi để trong “bộ nhớ” của mình rất nhiều ký ức thuở chiến trường, nhiều kỷ niệm đẹp về đất nước, con người nơi xứ sở Triệu voi… Và có một điều như là cái cơ duyên chỉ anh mới có - Hoàn thành nhiệm vụ, buông áo lính rồi nhưng những kỷ niệm đẹp về đất nước, con người nơi xứ sở Triệu voi vẫn dong duổi cùng anh …
         Và đây một sự kiện, một sự hiện hữu đến thú vị khi mà Lê Lợi - một cựu binh của Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt-Lào những năm 80 của thế kỷ trước lại vinh dự được Đoàn Lưu học sinh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Đại học Y-Dược Thái Bình mời về dự “Tết té nước” (
Bun Pimay) năm nay (2019) với các em…
        Chúng ta hãy đọc mẩu hồi ký nho nhỏ cùng với bài thơ – Sản phẩm từ tiếng lòng tác giả trong buổi dự “Tết té nước” để phần nào hiểu thêm về tình hữu nghị Việt-Lào; hiểu thêm về ký ức thuở chiến trường và những kỷ niệm đẹp về đất nước, con người nơi xứ sở Triệu voi nó đang được “gói” và tích tụ trong lòng của một “anh lính tình nguyện”…
         Ban Biên tập Trang TT&BT Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu!  
 
BUN PIMAY Ở THÁI BÌNH
 
         Nhận lời mời của Trưởng đoàn Lưu học sinh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Đại học Y-Dược Thái Bình, tôi và Soái, một cựu binh của sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước dự Tết té nước năm nay (2019) với các em. Cái cơ duyên được mời dự Tết Lào cần dài dòng một chút, đó là sau khi rời quân ngũ, tôi chuyển ngành về học Đại học Y Thái Bình, trong lớp có các bạn sinh viên người Lào và Campuchia học cùng. Bây giờ cậu sinh viên Syphasouk Inthapatha là con trai của cậu bạn Bounxou Inthapatha thời ấy lại đang là sinh viên học Y khoa ở Thái Bình, còn tôi là giảng viên thỉnh giảng của trường Đại học ấy nên được mời tham gia.
         Trường Đại học Y Thái Bình trước đây và nay là Đại học Y-Dược Thái Bình được thành lập năm 1968, đến nay qua tuổi 50. Năm trước vào tháng 11/2018, khóa cựu sinh viên K17 (1987-1993) của chúng tôi tổ chức gặp mặt kỷ niêm 25 năm tốt nghiệp bác sĩ, một số bạn Lưu học sinh cũng về dự. Sau 50 năm, trường đã đào tạo trên 25 000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng trong đó có gần 1 000 bác sĩ cho Lào và Campuchia. PGsTs Nguyễn Quốc Tiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết trong năm học này có gần 300 em sinh viên người Lào đang theo học ở các khóa từ năm 1 đến năm thứ 6. Năm nay, các em sinh viên tổ chức đón Bun Pimay trong 3 ngày từ 13-15/4.
         Còn nhớ, những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn là anh lính tình nguyện của Sư đoàn 968, tôi được dự 4 cái Tết năm mới cùng nhân dân vùng Hạ Lào.
        Cũng như các dân tộc khác trên thế giới, nhân dân các bộ tộc Lào ăn có nhiều cái Tết nhưng quan trọng nhất, to nhất vẫn là Bun Hót nậm (Tết té nước) còn được gọi là Bun Pimay-Tết năm mới. Được tổ chức theo Phật lịch, hàng năm cứ vào trung tuần tháng Tư, từ ngày 13-15 là Tết té nước của dân Lào. Thời gian này là cuối mùa khô, những cánh rừng trải dài từ Thượng Lào xuống Hạ Lào rụng lá, khô khốc, những con suối cũng cạn trơ đáy. Dòng Mekong hùng vĩ là thế mà trở nên bé lại vì cạn nước, từ thị xã Xavannakhet nhìn sang Mukdahan của Thái Lan có cảm giác chỉ bơi qua ít phút là tới. Cuối mùa khô, có thể đã có những giọt mưa báo hiệu cho mùa mưa sẽ kéo dài từ đây cho đến tháng 10, tháng 11, dù vậy vẫn có một số loài cây xanh tốt như K’nia, Cham pa…
         Trong những ngày Bun Pimay, người Lào ăn mặc đẹp, chuẩn bị nước thơm được ngâm bằng các loại hoa để tắm cho Phật, cho các nhà sư để tỏ lòng tôn kính. Người ít tuổi té nước vào người lớn tuổi để chúc sống lâu, khỏe mạnh, bạn bè té nước vào nhau để gửi lời chúc tốt lành, nước được té cho mọi người dù lạ hay quen. Với bản tính hiền lành, người Lào hiếu khách, bất kể người quen hay lạ đều được đón tiếp chu đáo, ân cần. Tết té nước có ý nghĩa sẽ cuốn trôi những ưu phiền, mệt mỏi, bệnh tật trong năm cũ, người được té nhiều, ướt càng nhiều thì càng sung sướng vì được gột rửa bụi bẩn, mát mẻ, mang lại những sự sống sinh sôi, đâm chồi nảy lộc ấm no hạnh phúc cho vạn vật trong năm mới.
         Bun Pimay năm nay, các em tổ chức đón Tết chung ở nhà hàng Saphia ngay trong khuôn viên Ký túc xá của Lưu học sinh vào buổi sáng, sau đó từ chiều sẽ đón Tết ở Ký túc xá. Khách mời đến dự tương đối đa dạng, ngoài các ngành ở tỉnh như sở Ngoại vụ, Tỉnh đội, Công An ... thì ở Đại học Y có đại diện Ban Giám hiệu và các phòng, khoa, bộ môn, các đoàn thể, có đại diện sinh viên cùng học: Campuchia, Modambich và Việt Nam. Mấy tỉnh lân cận có đại diện các trường đại học sinh viên người Lào đang theo học. Ngoài ra còn có đại diện của Hội hữu nghị Việt-Lào ở Thái Bình, các bác Việt Kiều từ Lào, Thái Lan đến vui với các cháu, tuổi đã ngoài bát thập. Cựu chiến binh là quân tình nguyện ở một số đơn vị khác nhau nhưng cũng không nhiều, đa phần tuổi trên 70, mỗi tôi là trẻ nhất.
         Chương trình ca nhạc chào mừng do các em sinh viên người Lào biểu diễn, ngoài các điệu lăm còn có 1 điệu nhảy hiện đại. Các em thật trẻ, mới độ tuổi đôi mươi, như độ tuổi mà chúng tôi lăn lộn ở chiến trường Lào mấy chục năm về trước. Sau báo cáo tổng kết của trưởng đoàn Lưu học sinh là đến phần tặng quà của các đoàn khách và lễ phục khén. Mọi người đứng vòng quanh theo vòng tròn quanh một cái bàn ở đó có bành nếp, gạo, muối, một bình hoa và nước thơm. Nghi lễ cũng đơn giản, mọi người cùng kéo dài những cuộn dây bằng len, ai nấy cùng cầm sợi dây trên tay, lắng nghe 1 bạn có choàng khăn đóng vai pháp sư, đọc lời cầu chúc phúc. Sau lời chúc phúc, tung gạo, muối và vẩy nước thơm là lễ buộc chỉ cổ tay. Mọi người lấy từng sợi chỉ mầu sắc sặc sỡ từ trên bàn đã được làm lễ buộc vào cổ tay của nhau, tiếng Lào gọi là phục khén. Hôm nay tôi được buộc tới 7 sợi chỉ mầu, các em, các cháu khi buộc thì miệng nói những câu chúc tốt lành, chúc sức khỏe, chúc hạnh phúc và còn cả lời chúc đẹp trai … nữa. Người Lào ít khi cầu cho mình mà chỉ cầu, chúc phúc cho người khác, bởi theo họ khi làm điều gì tốt lành cho người khác thì điều tốt lành cũng đến với mình.
         Liên hoan ăn uống được một lúc, tiếng nhạc đột nhiên to hẳn lên, các em sinh viên người Lào chắp tay mời mọi người vào vòng múa. Lúc đầu chỉ là múa vòng tròn, chỉ một số ít người tham gia, sau đó đến những điệu lăm vông tập thể, hàng trăm người cùng tiến, cùng lùi, cùng xoay theo điệu nhạc, nữ từng ngón tay uốn cong như búp sen, đôi chân uyển chuyển còn nam giới thì chỉ cần chân nhún theo là được.
         Lần đầu lăm vông tại Lào tính đến giờ cũng đã mấy chục năm rồi, bước chân cũng trở nên cứng hơn trước. Nhìn những người nhiều tuổi, từ thầy Phó Hiệu trưởng đến các bác ở Hội hữu nghị Việt Lào, Việt Kiều đến các em sinh viên Lào, Campuchia, Modambich và Việt Nam trẻ trung trong điệu lăm vông tập thể, thấy mình như trẻ lại. Chợt nhớ đến bài hát nổi tiếng Đất nước Tự do có những ca từ thật đẹp: Sút ngam nham leng đen hèng it xa la, Phu pha pà đông phông pha na pên nạ on xon (Đẹp thay quê hương, khi chiều buông xuống, đất nước tự do, núi non điệp trùng bao la) của nhạc sỹ Sayxana Xixan nguyên Bộ trưởng bộ Văn hóa Lào, mà lòng bâng khuâng nhớ đến thuở thanh niên quân tình nguyện. .. Chiến tranh đã lùi xa nhiều năm.
         Quá trưa nhưng các điệu lăm vông Vientian, Xiphandon, Pakse, Xavan … cứ dài mãi trên quê lúa Thái Bình.
         Và đây là bài thơ Hoa Chăm pa, tôi viết đã hơn 10 năm khi ấy sang dự kỷ niệm 35 năm Đại học Y Thái Bình, nay chép lại đây cho mọi người cùng đọc trong ngày Bun Pimay. Các em sinh viên Lào năm ấy giờ đang ở đâu ?.

HOA CHĂM PA
Ngỡ gặp em trong nắng thu vàng óng,
Giai điệu quen, xa mấy chục năm trời.
Tiếng nhạc nhẹ bay, đôi chân uyển chuyển , 
Em làm tôi nhớ lắm, đất Lào ơi.

Những ngón tay như hoa sen hé nở,
Lúm đồng tiền trên đôi má thật xinh.
Ba tiến, một lùi, em theo điệu nhạc,
Khúc Lăm vông trên quê lúa Thái Bình.

Ký ức ùa về tháng năm tuổi trẻ
Chiến trường C, voi đi quãng rừng già, 
Khoọc trơ cành, mùa khô như đốt lửa, 
Cánh rừng nào rơi trắng hoa Chămpa.

Đồng Hến, Sê nô, Mường Phìn, Savẳn ...
Mêkông gào thét khi mùa mưa về.
Đường số 9 oằn mình trong lửa đạn,
Chân đất đầu trần đạp đổ phòng tuyến Mắcnamara .

Mấy thế hệ thanh niên quân tình nguyện,
Được pho-me Lào đùm bọc yêu thương .
Phù sao buộc chỉ cổ tay chúc phúc,
Ánh mắt dõi theo mọi nẻo chiến trường.

Năm tháng chiến tranh lùi vào quá khứ,
Cô gái Lào thành sinh viên Y khoa.
Em duyên dáng chắp tay mời vào múa,
Điệu lăm vông tình tứ của quê nhà.

Coi nước Việt là quê mình, em nhé
Như tuổi xuân anh dâng trọn đất Lào
Bởi Đuông Chăm pa chính là hoa Đại,
Hai dân tộc mình chung sức vươn cao.


Bs CKI Lê Lợi
Cựu Chiến binh Sư đoàn 968 Quân tình nguyện tại Lào
Phó Chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP tỉnh Nam Định
 
VÀI HÌNH ẢNH GHI LẠI TỪ BUỔI ĐÓN BUN PIMAY TẠI THÁI BÌNH





Tác giả Lê Lợi (Thứ 2 trái sang)
 

tin tức liên quan