Tháng năm này con về thăm quê Bác. Bài của Bùi Văn Hoằng CTV trang TT & BT TS
Tháng năm này con về thăm quê Bác
“Đường vô xứ nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
Câu thơ trên quả là không sai chút nào, đường về quê Bác như một bức tranh thủy mặc gợi cho mỗi người con khi về đây một cảm giác vừa lạ lại vừa quen, tuy xa nhưng lại rất gần gũi thân thương. Một bức tranh của làng quê Việt nam mà dù bất cứ du khách nào khi đến nơi đây cũng có cảm giác như vậy.
Giữa những ngày tháng năm lịch sử này trên các nẻo đường đổ về quê Bác rất nhiều các đoàn khách ở khắp mọi miền đất nước, từ Cao Bằng nơi địa đầu Tổ quốc đến Hải Phòng nơi có cảng biền đưa đón những con tầu đi khắp dại dương, đến những đoàn khách từ Nam Bộ, Tây Nguyên , Hà Nội, Thái Bình, Phú Thọ…mọi tầng lớp nhân dân khi về quê Bác họ đều mang những bó hoa tươi thắm dâng lên Bác như những người con đi xa trở về quê vậy. Khi bước chân về làng Hoàng Trù, làng Sen mọi người đều thấy thân quen như bước chân về làng quê mình. Từ những bờ dâm bụt, hàng tre, hàng cau cao vút cho đến mái nhà tranh nhỏ xinh xinh dấu ấn một thời Bác đã sinh ra và lớn lên. trong căn nhà nhỏ xinh ấy đã có nhiều kỷ vật đáng quí từ bộ án thư đến khung cửu dệt vải của cụ Hoàng Thị Loan thân sinh ra Bác rồi bộ phản gỗ hay cái chum nhỏ đựng nước… Tất cả đã được nhân dân nơi đây gìn giữ bảo quản và chăm sóc để cho các thế hệ mai sau khi về thăm quê Bác thấy được cuộc sống sinh hoạt đơn giản mộc mạc nhưng rất gần gũi thân quen của làng quê Việt Nam, cũng như thấy được lẽ sống bình dị nhưng rất thanh cao của một con người vĩ đại.
Có lẽ một diều mà bất cứ du khách nào khi về quê Bác đều thấy xúc động là sự đón tiếp của các cô hướng dẫn viên, cũng như những lời giới thiệu về cuộc đời sự nghiệp của Bác, Các cô gái đều là những người con xứ Nghệ, chất giọng ngọt ngào nhẹ nhàng mà sâu lắng, lắng đậm tình người tình dất nơi đây. Các cô kể về Bác và những người thân trong gia đình Bác, về thời thơ ấu của Bác cũng như cuộc đời thanh cao của Bác một con người vĩ đại, bằng chất giọng ngọt ngào nhưng rất tự nhiên. Mọi người cứ như cuốn hút muốn nuốt lấy từng lời, không gian im lặng như trở về với một thời thơ ấu của Bác, từ đây Bác đã vào Huế rồi đi dọc miền Trung và một ngày năm 1911 Bác đã lên tầu ra đi tìm đường cứu nước. Có những câu chuyện sau bao năm bôn ba khắp năm châu bốn biển đi tìm đường cứu nước, ngày đất nước độc lập Bác có về thăm quê, được các cô hướng dẫn viên kể lại đầy xúc động, Bác không chỉ quan tâm đến đời sống hiện tại của bà con mà Bác còn nhắc nhở bà con muốn xây dựng quê hương, đất nước giầu mạnh thì trước hết phải hăng hái sản xuất, tiết kiệm, mọi người phải đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, những việc gì làm tốt thì phát huy, những gì làm chưa tốt thì phải khắc phục sửa chữa, Bác thăm hỏi các cụ già, các cháu nhỏ…
Một lần khi Bác về thăm quê sau khi đi thăm lại một số nơi trong căn nhà, Bác dừng lại ở mảnh vườn trước cửa, Bà con có ý muốn đề nghị Bác cho bà con trồng hoa trong vườn nhà, Bác cười và đồng ý nhưng phải trồng hoa khoai, Bác thấy hoa khoai rất đẹp. Bà con hiểu ý từ đó chỉ trồng khoai, lạc đậu trong vườn thôi.Bác Hồ của chúng ta là vậy đấy, một con người suốt đời vì dân, vì nước luôn sống giản dị, bên cạnh nhà Bác nhân dân Nghệ An đã xây dựng khu lưu niệm để cho con cháu thập phương mỗi lần về đây đều tận mắt nhìn thấy cuộc đời một con người vĩ đại và cũng là được dâng lên Bác một bông hoa, một nén nhang trầm thơm ngát, để tỏ lòng thành kính với Bác. Tháng năm chúng ta về thăm quê Bác tất cả du khách có một cảm nhận nơi đây rất bình dị như chính ở nhà mình. Trong căn nhà bình dị ấy hương sen từ ao làng, mùi hoa cúc và mùi lá cây trong vườn ngan ngát thơm. Căn nhà tranh, vách ván, cửa liếp và khoảng sân kia đã nuôi dưỡng một nhân cách, một tầm vóc văn hóa của nhân loại. Không gian từ làng Sen làm cho người ta thấy thức dậy những cảm xúc dân dã, bình dị có sẵn trong bản thân mình ./
Bùi Văn Hoằng
CTV trang TT & BT TS
Email: hoang1592@gmail.com