" Đoản khúc Trường Sơn" - Bút ký của Khiếu Quang

Ngày đăng: 06:19 05/08/2016 Lượt xem: 498

ĐOẢN KHÚC TRƯỜNG SƠN

Bút ký của KHIẾU QUANG 

 

 

 

        Không phải lúc nào và ai cũng có cơ hội một lần đến với Trường Sơn. Mà là đi dọc Trường Sơn lại càng hiếm. Cứ nghĩ tới Trường Sơn là dãy núi dài nhất đất nước với 1.100 ki-lô-mét lên lên xuống uốn khúc như con rồng khủng, kèm theo định ngữ “đại ngàn”, thì Trường Sơn, háo hức đấy mà cũng ngại ngùng đấy. Thế nên mới gọi chuyến đi là đi “xuyên Việt”.

      Dải Trường Sơn kéo dài từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào giáp Nghệ An tới tận cực nam Trung Bộ. Nó bao gồm toàn bộ cả các dãy núi nhỏ hơn ở bắc Trung Bộ và các khối núi cao nguyên nam Trung Bộ, xếp thành hình cánh cung lớn mà mặt lồi quay ra biển Đông. Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường SơnNam, ngăn cách bởi đèo Hải Vân và dãy núi Bạch Mã.

      Tôi đã có dịp hiếm có này. Cũng bởi Vũ Tiến bạn tôi khéo dụ. Anh là “chủ nhiệm” các chương trình mà anh gọi là “du - khảo”. Vừa du lịch phượt chất lượng cao vừa khảo cứu thật trúng với tâm ý đi để khám phá.

      Tôi đinh ninh từ địa phận Thanh Hóa, song hành cùng tiến về phương nam cho tới tận Tây Nguyên, thì liệu có thể coi rặng núi nhấp nhô vạn đỉnh khởi nguyên từ vùng núi đá Ninh Bình, rừng và núi hiểm trở, từng là nơi hội quân, là căn cứ địa của nghĩa quân thời phong kiến đánh quân xâm lược phương Bắc, và quân Việt Minh đánh Pháp, có con đường mòn chạy dọc chiều dài đất nước trong kháng chiến, nay đã hóa thành đường Hồ Chí Minh, bắt gặp màu xanh ngút ngàn của vườn quốc gia Cúc Phương, thì đó đã là điểm bắt đầu của Trường Sơn chưa? Chưa. Vũ Tiến giải thích. Với phương thức chia địa lý, thì khu vực này thuộc về dãy núi Hoàng Long, đặc thù địa chất và hệ thực vật tách biệt so với đại ngàn Trường Sơn. Cứ đi. Và rồi tôi hiểu.

      Rừng Trường Sơn chỉ thực sự khởi đầu khi đã chạm tới địa giới phía bắc tỉnh Nghệ An, nơi có con đường xuyên từ Mai Châu sang Phú Luông. Nó kích thích trí tưởng tượng của tôi bằng những cánh rừng mịt mù và dòng sông Mã gầm thét dưới sâu vách đá. Rừng tiếp rừng núi tiếp núi. Cho tới khi qua địa phận Nghệ An đến Hà Tĩnh rừng bỗng hiểm trở và bí ẩn hơn, nhất là vùng thuộc Quảng Bình với tên gọi là rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200 nghìn héc-ta. Diện tích vùng lõi Phong Nha - Kẻ Bàng đã rộng gần 86 ngàn héc-ta, và vùng đệm rộng gần 196 ngàn héc-ta. Dưới lòng núi Trường Sơn nơi đây có biết bao hang động hệ Ca-xtơ mà nay trở thành điểm du lịch thuyền đi xuyên động tuyệt vời. Còn trên mặt đất là rừng nguyên sinh cũng lưu giữ vô số điều kỳ diệu của hệ sinh thái cũng như truyền thống văn hóa bản địa.

      Trường Sơn bắc gồm nhiều dãy núi song song nhau theo hướng tây bắc - đông nam. Vốn chỉ là một địa máng giữa khối nâng Kon Tum và khối đông bắc, vận động uốn nếp hercynia đã tạo ra nếp uốn Trường Sơn bắc dính liền vào khối Kon Tum. Trải qua những giai đoạn bóc mòn và xâm thực khác nhau trong quá khứ nên Trường Sơn bắc trở thành dãy núi thấp và có một số bề mặt san bằng. Càng về phía nam dãy Trường Sơn càng sát bờ biển. Có nhiều dãy núi đâm ngang thẳng ra biển như Hoành Sơn ở giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, và Bạch Mã thì ở giữa Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Sườn phía đông dốc. Sườn phía tây thoai thoải. Đoạn từ Vinh, Nghệ An vào đến Đà Nẵng bề ngang đồng bằng chỉ 60 ki-lô-mét. Chỗ hẹp nhất là Đồng Hới tỉnh Quảng Bình chỉ khoảng 37 ki-lô-mét. Độ cao trung bình của Trường Sơn bắc khoảng 2.000 mét. Thỉnh thoảng có những đỉnh cao 2.500 mét. Các đỉnh núi cao nhất là Phu Xai Lai Leng ở biên giới Việt Lào, Phu Ma và Phu Đen Đin cùng ở Nghệ An.  Trường Sơn bắc là nơi gặp gỡ của hai luồng thực vật di cư từ Himalaya xuống, và từMalaysialên. Vì vậy thảm thực vật ở đây rất phong phú. Động vật cũng theo hai luồng thực vật di cư và hội tụ ở Trường Sơn bắc.

      Trường Sơn nam là hệ thống dãy núi và khối núi gờ núi cao bao bọc phía đông của Tây Nguyên, chạy dài từ khối núi Ngọc Linh đến Mũi Dinh. Các dãy núi và khối núi chính thuộc Trường Sơn nam là khối núi Ngọc Linh, dãy núi An Khê, Chư Đju, Chư Yang Sin. Sườn của các dãy núi và khối núi này đổ dốc xuống các đồng bằng duyên hải từ QuảngNamđến Nha Trang. Phần địa hình cao từ Kon Tum trở vào là khối nâng Kon Tum hay Tây Nguyên. Các đỉnh núi cao trong dãy Trường Sơn nam gồm Ngọc Linh và hơn mười ngọn khác cùng thuộc khối núi Ngọc Linh, Ngọc K’Rinh, Kon Ka Kinh, Vọng Phu, Chư Yang Sin, Bon Non, Chư Braian, M’non Lanlen, M’non Pantar. Địa hình phức tạp nên chế độ nhiệt độ, mưa, thủy văn, đất và lớp phủ thực vật khá đa dạng.

      Khi xe chúng tôi lên tới đỉnh Trường Sơn, nơi có dãy núi Bạch Mã chạy ra biển về phía đèo Hải Vân, bỗng bạn tôi nhà báo VTV Bắc Việt giọng ồm ồm gào lên vào không gian mênh mông có lẽ xúc cảm dâng trào không nén nổi:

                            Trường Sơn ơi ta đã về đây

                            Gặp em trên cao lộng gió

                            Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ…

       Đi trên đỉnh Trường Sơn mà thấy bầu trời đầy nắng chói chang. Tất thảy các thảm thực vật nay xanh ngăn ngắt bởi chiến tranh hủy diệt đã qua gần bốn chục năm rồi. Đại ngàn Trường Sơn hồi sinh và tất cả những triền cây lá đỏ, dương xỉ đã phủ kín thành rừng. Khí hậu ẩm ướt nên các thảm thực vật nhiều tầng cùng  phát triển tươi tốt. Qủa rằng có đi dọc Trường Sơn mới hiểu cái nghĩa thế nào là Trường Sơn hùng vĩ. Nó giống như chiếc xương sống nhiều đốt chạy dọc đất nước, cùng các dãy núi nối từ Trường Sơn chạy ra biển như những dẻ xương sườn. Dãy Trường Sơn cũng là dãy núi phân đôi cả về mặt phân thủy lẫn khí hậu giữa Việt Nam tức là bên đông Trường Sơn, và Lào là bên  tây Trường Sơn. Hai bên Trường Sơn phía dưới là những thung sâu tựa như những cái chảo khổng lồ đựng đầy mây trắng xốp, bồng bềnh. Những rặng cây thiên tuế cao cao như những chiếc ô trời. Hoa chuối rừng nhuộm đỏ bên đông Trường Sơn rạn nắng. Lặng lẽ nhìn cảnh sắc Trường Sơn kỳ bí thì tất cả những lời thơ và lời ca viết về nó trở nên mong manh, vì không thể nào đẹp bằng Trường Sơn hiện hữu lúc này đây. Cảm quan thì nghĩ thế. Cảm nghĩ mới thấy nó sâu lắng đấy. Nhất là tâm hồn thơ Phạm Tiến Duật về Trường Sơn đông - Trường Sơn tây.

                             Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

                             Hai đứa ở hai đầu xa thẳm…

                             Trường Sơn đông anh đi

                             Thương em bên ấy mưa nhiều…

                             Còn em thương bên tây anh mùa đông

                             Nước khe cạn bướm bay lèn đá…

                             Như tình yêu nối lời vô tận

                             Đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn…

      Có một thời. Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ bắc vào nam đi qua miền trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia. Hệ thống này xem như dòng chảy lương thực và vũ khí, khí tài chi viện cho Quân Giải phóng và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong 16 năm, từ năm 1959 đến năm 1975 trong chiến tranh chống Mỹ. Binh đoàn Trường Sơn - Đoàn 559 Quân đội Nhân dân Việt Nam là “anh tổng” quản lý triển khai các “anh nhỏ” công binh, thanh niên xung phong, hậu cần, y tế, bộ binh, phòng không để bảo đảm hoạt động của hệ thống đường này. Đường Trường Sơn còn được những người lính trong cuộc chiến gọi  là “tuyến lửa”. Tôi bỗng nhớ tới bài hát của nhạc sĩ Văn Dung:

                            Ơi cô gái Trường Sơn

                            Bao đêm em đi mở đường

                            Cho từng chuyến xe anh qua…

                           Dù bom rơi mưa giông nắng lửa

                           Vượt hiểm nguy em băng băng qua

                           Mở đường xe anh ra tiền tuyến

       Nhà thơ Triệu Nguyễn bạn tôi có một bài thơ hay được giải trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ “Cô gái gác đầu đường”, có câu mà chúng tôi đùa anh là “gian tà”. Tất nhiên rồi hồi đó chưa có ca-ve:

                                     Ở đâu  tôi cũng  gặp em

                               Một nơi nào đó một đêm tối trời

       Cô gái gác đầu đường. Trong đêm tối không ánh đèn. Chỉ hai chiếc cờ hiệu hai tay hướng dẫn cho xe vượt qua trọng điểm bom vừa đánh phá. Triệu Nguyễn đã viết trong nước mắt khi nghe tin cô đã hy sinh ít ngày sau đó.

 

 

       Còn “Bước chân trên dải Trường Sơn” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, thì:

                            Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn

                            Đá mòn mà đôi gót không mòn

      Về sau hệ thống này có thêm tên gọi “Đường mòn Hồ Chí Minh”, tên gọi có nguồn gốc từ phía Mỹ. Đường mòn Hồ Chí Minh đi qua 20 tỉnh miền Nam: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang.

      Trong chiến tranh Việt Nam lực lượng quân sự Mỹ và ngụy đã đánh phá hệ thống giao thông này bằng các chiến dịch bộ binh và không quân, cùng sự hỗ trợ của một hệ thống máy móc điện tử được gọi là “hàng rào điện tử Mc.Namara” giúp hướng dẫn máy bay ném bom. Ngoài ra chất độc màu da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác cũng được rải xuống nhiều vùng rừng trên đường Trường Sơn làm trụi lá cây, để không còn “rừng che bộ đội – rừng vây quân thù”. Các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường. Theo văn bản lịch sử chính thức của cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ, thì đường Trường Sơn được coi là một trong những “thành tựu vĩ đại” của nền kỹ thuật quân sự ViệtNamở thế kỷ XX.

      Năm 2000, Đường Hồ Chí Minh, con đường xuyên Việt thứ hai sau Quốc lộ 1, bắt đầu được xây dựng trên tuyến đông Trường Sơn. Và nó đã hoàn thành giai đoạn 1 từ Hà Nội tới Bình Phước mà chúng tôi đang thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt trên con đường huyền thoại đó.         

      Trường Sơn nam để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Nó như một thế giới riêng. Đến nỗi các tác giả văn học nghệ thuật đã sản sinh ra nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian nói về khu vực đặc thù này. Nó là thế giới của các dân tộc người Vân Kiều, Pa Cô, Chứt, Rục…sinh sống dưới tán cây rừng vẫn còn khiến giới nghiên cứu phải bỏ công tìm hiểu những tục lệ có nguồn gốc từ thời nguyên thủy cho tới nay còn tồn sinh những lề lối sinh hoạt xuất phát từ căn thói du canh du cư in dấu trong đời sống hằng ngày. Giữa vùng lõi của vùng lõi rừng Tây Nguyên chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, nhất là các đoàn kinh tế quốc phòng phải lặn lội để tiếp cận với các nhóm tộc người mới từ bỏ hang đá về định cư trong bản làng, dạy cho trẻ em học chữ và thuyết phục đồng bào bỏ những tục lệ lạc hậu. Khi mà chỉ cách đó trăm ki-lô-mét sóng wifi đã phủ trên thành phố, thì trong rừng sâu cư dân P’ru, Vân Kiều, Chít, Rục vẫn còn quen dùng bột cây báng để làm thực phẩm. Chiết rượu từ ngọn cây đóoc, và quen xử mọi rắc rối trong cộng đồng bằng luật tục. Tuy nhiên, rừng phía Trường Sơn nam lại khiến người phương xa xúc động bởi vẻ đẹp của những cánh rừng khộp, săng lẻ thân cao vút trụi lá vào mùa khô. Và bây giờ rừng cao su, cà phê, hồ tiêu làm thay đổi nếp canh tác của họ điển hình là biết trồng lúa nước. Tây Nguyên, dải đất mang bản sắc văn hóa riêng chưa năm nào vắng tiếng cồng chiêng, thấp thoáng những mái nhà rông cao vút như lưỡi rìu vung lên trời xanh, quê hương của những tộc người Bana,Ede, S’rai, M’nong, dũng mãnh và lãng mạn, nơi sử thi vẫn chảy mạch trong huyết quản con người. Rừng nơi đó không còn hoang sơ như cách nay một thế kỷ song vẫn chứa đựng những nhịp sống riêng nuôi dưỡng những nhịp múa của những cô gái vung cánh tay tròn lẳn quanh đống củi lửa cháy đùng đùng, tiếng ngân nhịp chiêng, rộn ràng âm thanh tơ-rưng, vọng xa tiếng hú gọi voi nhà của các gơ hu, luôn là huyền thoại. Đến nỗi giữa Thủ đô Hà Nội còn dành hẳn một khu đất rộng mênh mông cho Bảo tàng Dân tộc học, mà ở đó có một phần tái hiện tất cả những gì gọi là văn hóa Tây Nguyên. Mà ai đó chưa có dịp đến Tây Nguyên thì hãy đến “Tây Nguyên ở Hà Nội” mà chiêm ngưỡng, mà rưng rưng. Những ngôi nhà sàn nhà dài, những lễ hội, những nếp sống ăn ở, những pho tượng gỗ vạc thô bằng rìu phô bầy phồn thực đầy nghệ thuật.

     Tôi tiết lộ với mọi người, rằng một phóng viên VTC News có một bài viết trong chuyên mục khám phá, rằng bên dòng Dak- krong có một bản làng mà ở đó phụ nữ ở trần, đàn ông đóng khố như những bộ lạc cổ xưa, đó là Tà Rục. Chuyện tôi kể gây hiệu ứng như một cái nhấp chuột, được “search” ngay vào kho dữ liệu “du khảo” của Vũ Tiến. Anh thao thao. Ấy là tộc người Kơ Tu. Kơ Tu là tộc mà tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Người Kơ Tu, Kơ Nông đều sống ven suối, y phục con trai đóng khố, con gái thường để ngực trần, xin lưu ý là chỉ con gái đã có chồng nhé, giống như tộc người Kơ Tu Lào, và khi họ vung chày giã gạo, không phải là giã gạo bằng cối cần đạp chân ở đồng bằng Bắc Bộ, mà là giã bằng cây chày gỗ dài cầm hai tay vung lên giỗ xuống cối đá. Mỗi lần vung chày như thế đôi vú họ cũng vung theo. Năm này qua năm khác đôi vú ấy trễ xuống. Nhìn độ trễ mà đóan được tuổi họ. Trong những đêm hội quanh đống lửa củi cháy bập bùng, người con trai ở trần đóng khố mang một cái trống ngang bụng lom khom vỗ vào hai mặt trống vài nhịp lại hú lên. Người con gái vũ điệu không uốn dẻo như người Thái, mà vung đôi tay lên cao lộ ra đôi bầu vú săn căng. Họ thể hiện sức mạnh của núi rừng trong ngôn ngữ hình thể. Kể rồi Vũ Tiến cười hi hi “Thú vị chưa?”

      Một đêm ngủ ở Trung Lương. Tôi rủ Vũ Tiến và Bắc Việt, cánh hẩu với nhau, tìm một quán nhậu có tên “Làng nướng Tây Nguyên”, để trải nghiệm hai món lạ.

     Rượu Tà Vạc, là món quà của núi rừng Trường Sơn, được xem là đồ uống đặc trưng của đồng bào dân tộc Kơ Tu, có màu trắng như rượu nếp của người Kinh, có vị nhè nhẹ, mát mát, thơm thơm như bia. Nó còn có tên gọi khác là rượu cây, lính tráng ngày trước phong là bia Trường Sơn. Ông chủ quán “Làng nướng Tây Nguyên” nói thế. Loại rượu này được lấy trực tiếp từ cây Tà Vạc, sống nhiều ở dãy Trường Sơn của miền Trung, có thân to, nhiều đốt dày, lá thưa, rễ chùm và sống ở gần khe, hố. Món đặc sản của đất trời này người Kơ Tu thường chỉ dùng đãi khách quý mỗi khi đến bản làng hay trong những dịp cúng tế. Rượu Tà Vạc có nồng độ thấp tựa như rượu vang, xem như vị thuốc quý đất trời ban cho người dân nơi đây. Bởi đàn ông Kơ Tu uống rượu Tà Vạc thì mập mạp. Thanh niên uống thì có sức khỏe để săn thú bắt chim. Đàn bà con gái uống rượu Tà Vạc giúp họ có làn da trắng như trứng gà bóc, tóc đen như mun. Người già uống rượu Tà Vạc trở nên minh mẫn. Rượu Tà Vạc thường chỉ uống trong ngày và tại chỗ. Không thể vận chuyển đi xa vì bị xóc rượu sẽ chua và hỏng. Nên hầu như ở dưới vùng xuôi không thể có Tà Và mà uống được. Chính vì vậy muốn uống rượu Tà Vạc chỉ có mỗi một cách, là về với núi rừng của đại ngàn Trường Sơn, và khi uống rồi sẽ không thể nào quên được hương vị đặc trưng.

      Món thứ hai ông chủ “Làng nướng Tây Nguyên” cho chúng tôi thưởng thức, là món diềm nướng của người Vân Kiều, hẳn không bao giờ quên món ăn lạ thơm ngon ngai ngái mùi thịt, rau, gia vị của núi rừng. Món diềm nướng thường xuất hiện trong bữa tiệc rượu hay bữa tiếp khách của người Vân Kiều. Sau khi mổ lợn, người ta lọc lấy diềm, là thớ thịt săn chắc lóc ra từ phần ngấn cổ con lợn. Tiếng địa phương gọi là nọng nọ. Thịt diềm của một con lợn béo cũng không lọc được quá 5 ki-lô-gam niên niêm. Diềm nửa nạc nửa mỡ nên khi nướng lên săn ròn béo ngậy. Diềm chỉ cần rửa sơ qua nước lã và xát muối sống cho sạch trước khi chế biến. Thịt màu trắng đục, khi nướng miếng diềm dần đổi sang màu đỏ gạch. Trong các nhà hàng “Làng nướng”, món diềm nướng của núi rừng được nhiều người yêu thích bởi mùi thơm của nòng nọ khi đang nướng trên bếp than hoa phát ra  tiếng xèo xèo vui tai của nước nòng nọ nhỏ xuống than cháy hồng bốc hương thơm cho cảm giác háo hức chờ đón từng miếng thịt bóng ngậy chín tới. Nướng diềm cũng cần có kinh nghiệm để không chín quá mà cũng không non.

      Rừng Trường Sơn, dải núi rừng thiêng liêng của người Viêt, nguồn gốc của biết bao nhịp sống, nơi gìn giữ môi trường cho con người. Dù có lúc lãng quên, dù có lúc không được lưu tâm tới, song rừng luôn lặng lẽ giang rộng vòng tay bao bọc đời sống con người trong sự hòa hợp muôn loài. Nhìn trên bản đồ hệ sinh thái khu vực miền trung Tây Nguyên, Quảng Namlà một trong số ít địa phương còn giữ được sự đa dạng của rừng trên đại ngàn Trường Sơn với sự có mặt của các loài cây có giá trị cao như pơ mu, lim xanh, gõ, sồi. Thế giới của nhiều loại loài sao la, voọc chà vá, voi, báo, chồn…Lần đầu tiên một bảo tàng thiên nhiên khu vực duyên hải miền trung được xây dựng ở Thừa Thiên – Huế. Đây sẽ là nơi trưng bày giới thiệu với người dân và du khách một cách chân thực chuyên sâu nhất về hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới tiêu biểu của Việt Nam phân bố dọc theo dãy Trường Sơn, và hệ đầm phá tiêu biểu nhất trong 12 đầm phá nhiệt đới ven biển của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. Riêng hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới phân bố dọc theo dãy Trường Sơn có các sinh cảnh nổi tiếng nhất thế giới về mặt sinh học và được xác định như những cảnh quan ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học. Đây cũng là nơi được bao phủ bởi các sinh cảnh rừng rất đa dạng và là nơi rừng nguyên sinh còn lại nhiều nhất ở Việt Nam. Vào cuối năm 2007 thế giới đã hết sức ngỡ ngàng về 11 loài sinh vật mới được phát hiện ở dãy rừng trung Trường Sơn thuộc khu vực hành lang xanh ở Thừa Thiên – Huế, do WWF Criter Mekong công bố trên mạng Toàn cầu, trong đó có loài hoa tỏi rừng, được ví là ngọc đen của rừng già, và năm loài lan nổi tiếng của thế giới, cùng một số loài động vật khác.

      Vào năm 1953 nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bản “Tình ca” về Trường Sơn có ca từ: “Đất nước tôi dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn / Đất miền tây chờ sức người vươn / Đất ơi…”. Ông dự kiến viết một Trường ca về nó nhưng rồi thời cuộc biến đổi đời ông rời xa Tổ quốc. Cho tới khi ông trở lại không biết ông có khởi động lại được cảm xúc không? Chỉ biết khi ông từ giã cõi đời này trường ca trong mơ ấy đã theo ông nằm sâu trong lòng Đất Mẹ. Trong khi chị nữ Tiến sĩ Sinh hóa được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đi cùng tôi, lại không bao giờ quên “Lời ru trên nương” của nhạc sĩ Trần Hoàn viết trong thời máu lửa của cuộc chiến chống Mỹ. Bởi chị đã thổn thức hát khe khẽ khi đi qua và ngắm nhìn cảnh sắc Tây Nguyên.

                                Ngủ ngoan Akay ơi

                                Mẹ thương Akay mẹ thương bộ đội

                                Con mơ cho mẹ hạt lúa lên bông

                                Mai sau con lớn vung chày lún sân

                                Ngủ ngoan Akay ơi

                               Lưng núi thì to lưng mẹ thì nhỏ

                               Đừng làm mẹ ngã. Mẹ chỉa bắp trên nương

                               Mặt trời của bắp thì nằm lưng núi

                               Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng

      Có lẽ Trường Sơn bây giờ hùng vĩ quá đáng yêu quá đã làm chị nhớ về Trường Sơn trong chiến tranh chăng? Bởi bố chị đã từng chiến đấu nơi núi rừng Trường Sơn nam có Tây Nguyên, và ông đã nằm lại nơi ấy. Và không nghi ngờ gì nữa rằng ông đã từng ăn hạt bắp của mẹ Akay chỉa trên nương thời kỳ gian khó ấy rồi.

 

 

KQB              

PS sưu tầm

tin tức liên quan