Tiếng thơ - tiếng lòng!
|
CÚC ƠI
Tiểu đội về xếp một hàng ngang
Cúc ơi
Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt:
Nhỏ - Xuân - Hà
Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
( Chín bỏ làm mười răng được?)
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng.
Cúc ơi, em ở đâu?
Đất nâu lạnh lạnh lắm
Da em thì xanh
Áo em thì mỏng
Cúc ơi, em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước trong Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu, cắt cỏ
Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn.
Em ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em: đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khản cả giọng rồi
Cúc ơi…ời…ơi!
Ngã ba Đồng Lộc, 25-7- 1968
Yến Thanh ( Nguyễn Thanh Bính)
|
Lời bình:
Những ngày tháng bảy, khí trời oi bức của nắng lửa gió Lào, khi những cơn giông ầm ì cuối trời xa, khi những đám mây ngổn ngang trên vòm trời mùa hạ. Tôi đọc lại bài thơ “Cúc ơi” của Yến Thanh và dư âm của cuộc chiến tranh cách đây hơn 40 năm, tiếng vọng của những va chấn tâm hồn, tiếng nấc nghẹn ngào của tình đồng đội cứ vọng về, cứ day dứt như một điệp khúc lay thức mãi trong tôi: “Cúc ơi”.
Tác giả Yến Thanh kể rằng: Trưa ngày 25-7-1968, ông bấy giờ là cán bộ kỹ thuật giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc, ngồi trong khu vườn lá cọ ở một xóm sơ tán nhìn mười cỗ quan tài xếp hàng ngang. Chín cỗ đã “đũa găm cơm úp” chỉ còn một chưa tìm được chủ nhân là Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc. Nghẹn ngào ông bật ra tiếng gọi quặn thắt: “Cúc ơi” và cứ thế mạch thơ tuôn chảy như một lời khấn cầu gọi hồn trong đầm đìa nước mắt. Bấy giờ ông không nghĩ là làm thơ mà chỉ mong sao những lời mình viết ra vọng lại âm dương cách biệt thấu đến linh hồn người đã mất cầu mong trở về với chín chị em. Vì thế câu thơ đầu tiên đến với Yến Thanh là một hình ảnh trực tiếp: “Tiểu đội về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp”.
Có lẽ đây là một trong số ít bài thơ viết trực tiếp về một con người, có lý lịch, có thân phận gây xúc động lòng người. Bởi với Yến Thanh, cô thanh niên xung phong có cái tên một loài hoa khiêm nhường thân thiết, quá quen nhau và hiểu rõ hoàn cảnh của nhau. Nhịp điệu của bài thơ dài ngắn như nhịp của từng nhát cuốc bổ vào lòng đất để tìm thi thể đồng đội. Và đây có lẽ là lúc họ nghỉ tay giữa chừng để nói với nhau, để nói với Cúc: “Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/ Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng”. Từ “chùng” như làm cả tứ thơ võng xuống. Võng xuống, chùng xuống cả trong lòng người, một khoảng trống, khoảng lặng day dứt. “Chùng” từ “vẹt” cuốc. Chưa bao giờ ngôn ngữ thường ngày chỉ động thái ở phút giây này bỗng trở nên thiêng liêng với bao cảm thông sâu sắc. Tiếng gọi đồng đội: “Cúc ơi em ở đâu” được lặp đi lặp lại như tiếng lòng thổn thức và cao hơn là một lời cầu nguyện, một mong mỏi, một kiếm tìm, một nghẹn thắt. Yến Thanh đã đặc tả trong nghẹn ngào, trong ước đoán thầm thì: “Đất nâu lạnh lắm/ Da em thì xanh/ Áo em thì mỏng”. Màu phù sa ruộng đồng, màu nâu của đất, màu xanh tái mét của da còn ngấm những cơn sốt rét đã tạo ra những gam màu, gam trầm bình dị những quặn thắt nhói lòng. Nhưng “Áo em thì mỏng” đã có một hình hài bao bọc. Ở đây “áo mỏng” như đối trọng lại cả bạt ngàn đất đá lấp vùi người con gái đang tuổi thanh xuân càng nhân lên tội ác của quân thù.
Yến Thanh gọi “Cúc ơi” mà như muốn vỗ về một người em gái. Một sự nâng niu: “Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố/ Ăn quýt đỏ Sơn Bằng” dòng sông quê hương, đặc sản quê hương và cả thổ ngữ của quê hương (chín bỏ làm mười răng được!) tất cả hiện về lúc này thật có lý và càng nhân lên vẻ đẹp tinh khiết cội nguồn sâu thẳm của người nữ thanh niên xung phong. Những ký ức, kỷ niệm về thân phận một con người cụ thể tất cả còn dang giở. Từ cái tuổi: “Chăn trâu cắt cỏ/ Bài toàn lớp năm em còn chưa nhớ” đến “Gối còn thêu dở/ Cơm chiều chưa ăn”. Tất cả đồng hiện cứ trang trải, cứ giãi bày trong tiếng nấc nghẹn ngào. Chính những dòng tự sự tỉ tê này đã thấm, đã ngấm như những giọt nước mắt nhỏ vào lòng đất, như để người đã mất động lòng và thấu hiểu. Từ cấp độ: “Cúc ơi em ở đâu” như tiếng khóc gào của đồng đội đến “Ở đâu hỡi Cúc” ta hình dung ra gương mặt thất thần của những người đi tìm bạn mình nuốt lại nước mắt và nhịp thơ ngắn dần như nỗi đau nén chặt: “Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khản cổ cả rồi”. Và cho đến cuối bài, dòng thơ chỉ còn như tiếng nấc khi giọng đã khàn lịm dần: “Cúc ơi.. ời.. ơi..
Với “Cúc ơi”, Yến Thanh đã góp cho thi ca Việt Nam đương đại một giọng trầm sâu lắng khi viết về sự hy sinh. Nghẹn ngào, nức nở mà không bi lụy. Bởi cao hơn hết đó là tấm lòng của người viết. Tiếng thơ chính là tiếng lòng!
Hà Tĩnh, ngày 14-7-2016
Nguyễn Ngọc Phu