"Bước chân sư đoàn" trong tôi.

Ngày đăng: 10:49 21/05/2019 Lượt xem: 822
“BƯỚC CHÂN SƯ ĐOÀN” TRONG TÔI

Tản văn

Kỷ niệm 50 năm thành lập sư đoàn 968 anh hùng (28/6/1968-28/6/2018)
 
 
   
Sư đoàn chúng tôi đi,
Vượt Trường Sơn núi cao,
Về Nam Lào khói lửa,
Lập nên bao chiến công,
Tô thắm lá Quân kỳ
 
Chúng tôi về Tây Nguyên,
Chư Pông hay Đắc Cơ,
Cao nguyên một mầu xanh,
Che chở bước quân hành.
 
Trận đánh Xuân Bảy lăm
Mở đầu cho chiến dịch,
Đồn Tầm và Chốt Mĩ,
Còn ghi bao chiến công,
Sư đoàn Chín Sáu Tám anh hùng.
 
Dừa xanh Bình Định, Tam Quan,
Bước chân anh Giải phóng quân rộn ràng.
Anh đi qua phố qua làng,
Dưới chân anh đứng tan hoang đồn thù.
Quy Nhơn, Phù Cát reo hò,
Bài ca chiến thắng rực cờ chiến công.
 
Sư đoàn chúng tôi đi,
Vượt Trường Sơn núi cao,
Về Trung Lào nắng lửa,
Viết tiếp bản hùng ca,
Của đơn vị anh hùng….
 
         Giữa cái nắng chói chang của đầu hạ năm 1981, chúng tôi hành quân bộ, rời đơn vị huấn luyện ở chân núi Các Sơn huyện Tĩnh Gia để tới ga Thị Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa lên tầu hỏa xuôi Nam. Cũng chỉ biết là được điều động, bổ sung cho một đơn vị đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, sau này khi đóng quân ở nam Seno của tỉnh Xavanakhet mới thấy địa bàn huấn luyện có phần giống về khí hậu, địa hình nước bạn. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, mọi thứ đều khó khăn. Tầu chợ, dành mấy toa chở lính gọi là toa quân sự thế nhưng đi ì ạch, mất cả hơn ngày đêm mới tới được thị xã Đông Hà của tỉnh Bình Thị Thiên.
          Chúng tôi được chỉ huy đơn vị huấn luyện phân về nhà dân ở, bây giờ chỉ còn nhớ hồi đó là phường 5, gần sân bay. Tiểu đội của tôi ở 1 gia đình có nhiều con, vợ chồng chủ nhà đi làm từ sáng đến tối, chỉ có đàn con lít nhít ở nhà chơi với các chú bộ đội. Cô con gái cả của gia đình tên là Diệu Trang, lúc đó mới chừng 12, 13 tuổi, gọi chúng tôi là chú và xưng con ngon lành, ngoài trông em còn nấu cơm giúp chúng tôi. 
         Nắng chói chang của miền Trung làm những làn hơi nóng bốc lên từ mặt đường băng, mái tôn lợp, thưng xung quanh những căn nhà tạm càng nóng hơn. Lần đầu tiên, đám lính trẻ người Bắc chúng tôi được thấy những hàng cây phượng vĩ đỏ rực rỡ hơn quê nhà. Và cũng lần đầu tiên, tôi được tặng 1 cuốn sổ tay, đó là từ cô bé Diệu Trang “con tặng chú cuốn tập”. Không biết bây giờ Diệu Trang còn nhớ đã tặng cuốn sổ tay cho chú bộ đội người Bắc trước khi sang Lào không?
          Sau 2 ngày ở Đông Hà, chúng tôi hành quân sang Lào. Đường số 9 bắt đầu từ Đông Hà, Quảng Trị tới thị xã Xavanakhet bên bờ sông Me Kông. Những địa danh nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ cứ lần lượt ở lại sau đoàn xe tải chở chúng tôi qua đất bạn, những Đakrông, Khe Sanh, Lao Bảo, Tà Khống, Mường Phìn, Đồng Hến, Sê Nô. Vẫn còn xác xe tăng ở bên cạnh đường 9. Tôi được phân công về tiểu đoàn 18 thông tin, trực thuộc sư đoàn, đóng quân ngay cạnh sư đoàn bộ, bên cạnh một cái hồ rộng ở huyện Outhamphone, phía nam Sê Nô. Ngay từ những buổi đầu sinh hoạt tiểu đoàn, tôi đã được nghe những giai điệu của một bài hát do 1 sỹ quan trẻ, người dong dỏng cao vừa hát vừa đánh đàn ghi ta và nhanh chóng thuộc lòng.
   Sư đoàn chúng tôi đi
Vượt Trường Sơn núi cao.
Về Nam Lào khói lửa,
Lập nên bao chiến công,
Tô thắm lá quân kỳ.
                 Một bài hát mang tính chất sư đoàn ca, đúng ra phải là hành khúc có tiết tấu nhanh, mạnh thì ở đây lại có hơi hướng solo, chậm rãi, giọng la thứ.... Chúng tôi say mê hát theo bởi lời ca mộc mạc, giản dị như công việc chúng tôi làm hàng ngày. Huấn luyện, truy lùng phỉ, dân vận … cả một vùng đất mênh mông ở Nam Lào do sư đoàn 968 đảm nhiệm. Khi ấy là thời kỳ hết sức khó khăn cho cách mạng Lào và Campuchia. Tại Campuchia, chế độ Khome đỏ mặc dù bị lật đổ nhưng quân số gần như còn nguyên vẹn, chúng dạt sang và dựa vào Thái Lan để phản kích. Tại Lào cũng không yên, phía Bắc bên kia biên giới là quân Trung Quốc áp sát, phỉ Vàng Pao quấy rối hầu khắp vùng Thượng Lào. Biên giới phía Tây giáp với Thái Lan thì quân đội Hoàng gia Thái Lan đóng dọc sông Mê Kong, phỉ Bun Ùm, Khăm Bu, Thao Chíp, ngụy quân Sài Gòn lưu vong, biên giới phía Nam thì tàn quân Khơ Me đỏ đánh lên. Trong hoàn cảnh đó, tháng 12/1977 theo yêu cầu của chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào, Sư đoàn bộ binh 968 lần thứ 2 lại hành quân sang giúp bạn. Khi chúng tôi sang Lào thì biên chế Sư đoàn khi đó có 5 trung đoàn, bao gồm 3 trung đoàn bộ binh: Trung đoàn 830 mới thành lập đóng ở Đồng Hến, bảo vệ đường 9 khu vực Sê Băng Hiêng, trung đoàn 9 và trung đoàn 19 bảo vệ nam Xavanakhet, Xalavan. Ngoài ra có trung đoàn 4 pháo binh đóng quân gần sư đoàn bộ và một trung đoàn 425 tăng gia (quân số thiếu) ...
          Bài hát Bước chân sư đoàn nguyên tác là bài thơ của người sỹ quan trẻ Đinh Thanh Niên sáng tác, sau được chính anh phổ nhạc. Khi ấy anh Niên là đại đội trưởng đại đội 2 hữu tuyến điện của tiểu đoàn tôi. Nói thêm một chút về tiểu đoàn 18 thông tin, khi đó chỉ có 2 đại đội, sau này vào năm 1983 thành lập thêm đại đội 3 chuyên huấn luyện chiến sỹ thông tin. Tôi được biên chế về Đại đội 1 Vô tuyến điện, công tác được mấy tháng, sau được điều lên Tiểu đoàn bộ đến khi phục viên, còn anh Niên cuối năm 1982 được điều động về Trung đoàn 425 làm trưởng ban Thông tin. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó.
          Các địa danh được nhắc đến là nơi ghi lại những chiến công oanh liệt của sư đoàn trong những ngày mở đầu cho đại thắng mùa xuân 1975. Theo cuốn lịch sử sư đoàn 968 do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 2003 thì Tây Nguyên là nơi sư đoàn về nước lần thứ nhất để tham gia chiến đấu cuối tháng 12 năm 1974. Ở Tây Nguyên, sư đoàn 968 thay thế sư đoàn 320 và sư đoàn 10 ở Pleiku và Kon Tum để 2 sư đoàn này cơ động về Ban Mê Thuột chuẩn bị hướng chính mở màn chiến dịch Tây Nguyên. Các cứ điểm Đồn Tầm, chốt Mỹ, điểm cao 605 (Chư Gôi) là một loạt cứ điểm tiền duyên nằm trên trục Đường 19 giáp với quận lỵ Thanh Bình, Thanh An; là cứ điểm quan trọng hàng đầu và cũng là cứ điểm chắc chắn nhất, cách bộ tư lệnh quân khu 2 của địch khoảng 20 km do Liên đoàn 4 biệt động quân trấn thủ và 1 tiểu đoàn pháo binh đóng ở Thanh An bảo vệ. 16 giờ chiều 1/3/1975 chiến sỹ trung đoàn 19 nổ súng, đến 17 giờ 15 phút thì trận đánh kết thúc, toàn bộ các cứ điểm quan trọng đều thuộc quân ta. Trận đánh làm rúng động hệ thống phòng thủ của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu 10 ngày sau đó. Ngày 10/3/1975 đại quân ta đồng loạt nổ súng tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột và giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975. Như vậy, trận đánh mở màn của sư đoàn 968 có ý nghĩa chiến lược, được Trung ương theo dõi chặt chẽ và đánh giá hết sức quan trọng, nên ngay hôm sau, ngày 2/3/1975, Trung đoàn 19 được Bộ Quốc phòng đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Có lẽ Lãnh đạo Bộ Quốc phòng khi đó đã hình dung trận đánh của sư đoàn 968 mở màn cho Đại thắng mùa xuân 1975.
          Anh lính trẻ Đinh Thanh Niên khi tham gia các chiến dịch giải phóng miền Nam, ngày đó là binh nhất, chiến sỹ đại đội 2, tiểu đoàn 18 thông tin, sau này dù biết chưa hết lịch sử oai hùng, những chiến công hiển hách của sư đoàn, nhưng đã viết những câu thật sảng khoái:
   Dừa xanh Bình Định, Tam Quan,
Bước chân anh Giải phóng quân rộn ràng.
Anh đi qua phố qua làng,
Dưới chân anh đứng tan hoang đồn thù.
Quy Nhơn, Phù Cát reo hò,
Bài ca chiến thắng rực cờ chiến công.
         Trong đội hình của quân đội nhân dân Việt Nam, sư đoàn bộ binh 968 có một vị trí quan trọng. Là đơn vị được sinh ra từ đất Lào, 17 năm làm nhiệm vụ quốc tế, chiến đấu, giải phóng và bảo vệ Trung-Hạ Lào, trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, xứng đáng với truyền thống: “Kiên trì bền bỉ, mưu trí dũng cảm, bạn tin dân mến, đã đánh là thắng” và”Cơ động liên tục, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, trọn vẹn nghĩa tình, dân tộc- quốc tế”. Mười năm làm nghĩa vụ quốc tế lần thứ 2, từ 1977-1987, sư đoàn nổ súng 897 lần, tiêu diệt 1.029 tên địch, bắn bị thương 476 tên, bắt sống 257 tên, thu 811 khẩu súng và 12.091 viên đạn các loại, thanh lọc 2.235 tên địch ngầm, vận động 1.311 tên ra đầu thú. Ngoài ra đã bồi dưỡng chính quyền các cấp của bạn, huấn luyện cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, xóa nạn mù chữ, cấp cứu, điều trị cho 29.324 lượt người dân trên các địa phương nơi sư đoàn đóng quân….
            Cũng cần nói thêm một chiến công tuy nhỏ nhưng hiện vẫn còn ý nghĩa to lớn, đó là vào tháng 4/1984 cán bộ chiến sỹ sư đoàn bảo vệ thành công chuyến công tác của Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Xavanakhet, ông Bounnhang Volachit khi bị địch phục kích dọc đường 13. Hiện nay ông Bounnhang Volachit là Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
          Mười bẩy năm giúp bạn, mặc dù vừa kết thúc chiến tranh chống Mỹ lại phải bước vào cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược, máu vẫn đổ, xương vẫn tan, những người lính tình nguyện sư đoàn 968 chúng tôi vẫn phát huy được truyền thống anh hùng, điều mà cuối bài thơ, bài hát anh Niên viết từ những năm trước, khổ thơ được lặp lại nhạc điệu nhưng đầy tự hào:
   Sư đoàn chúng tôi đi,
Vượt Trường Sơn núi cao,
Về Trung Lào nắng lửa,
Viết tiếp bản hùng ca,
Của đơn vị anh hùng….
          Trong chiến thắng của cách mạng Việt Nam và Lào có sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ sư đoàn bộ binh 968 anh hùng, như lời của Đại tướng Khăm Tày Xi Phăn Đon, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào nhấn mạnh trong buổi gặp gỡ Quân Tình nguyện Việt Nam tại Lào 6/3/1983: “Giúp Lào một lần nữa, các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam đã nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, về tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, xả thân vì bạn"
          Tự hào là chiến sỹ của sư đoàn 968 anh hùng, là chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, dù đã chia tay với sư đoàn trên 30 năm. Tôi nhớ những cánh rừng săng lẻ, rừng le ở Nam Lào, nhớ khẩu súng AK quen thuộc làm bạn với tôi 4 năm trời gắn bó. Và tôi mãi không quên cánh rừng khộp gần tiểu đoàn 3 xe tăng, nơi chúng tôi suốt đêm bổ những nhát cuốc chim xuống đất ba zan đầy sỏi đá, đào huyệt chôn cất đồng đội tử vong do sốt rét ác tính, trung sĩ Đặng Ái.
          Tháng 11 năm 2014, nhân dịp đi công tác tại Quảng Bình, tôi vào Quảng Trị, ghé thăm anh Niên mới được nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá. Anh đưa tôi vào thăm doanh trại sư đoàn, sư đoàn 968 về Việt Nam từ năm 1987, hiện sư đoàn bộ ở đường 9 Đông Hà.
      Bao kỷ niệm thời anh Bộ đội tình nguyện ùa về, tôi viết bài thơ Về thăm sư đoàn 968 với đầy cảm xúc. 
  Thế mà đã ba mươi năm,
Hôm nay mới lại về thăm sư đoàn.
Đông Hà, trời đất mênh mang,
Rưng rưng kỷ niệm lệ tràn ướt mi.
 
Nam Lào, ngày ấy tôi đi,
Xương tan, máu đổ tiếc gì tuổi xuân.
Bốn năm mưa, nắng hành quân,
Se No, Đồng Hến, Pha Lan, Mường Phìn.
 
Sư đoàn dân mến, bạn tin,
Đã đánh là thắng, hành trình vinh quang.
Viết nên truyền thống sư đoàn,
Trăm trận trăm thắng, vững vàng miền Tây.
 
Mưa thối đất, nắng cháy cây,
Đạn bom thù dội đêm ngày chiến tranh.
968, khúc quân hành,
Nhân dân hai nước vinh danh anh hùng.
 
Bây giờ đã ba mươi năm,
Đồng đội ơi, nhớ người nằm lại đây.
Đất trời, rừng núi, cỏ cây
Nghĩa tình Lào Việt, đất này nở hoa.
 

Lê Lợi, Bác sỹ Chuyên khoa I,
Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định
Nguyên Trung sỹ, Thống kê Chính trị, Tiểu đoàn 18 Thông tin, Sư đoàn 968 tại Nam Lào
 
 

tin tức liên quan