Thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh trên biển - Ghji chép của Phạm Tiến Đặng

Ngày đăng: 09:16 04/06/2019 Lượt xem: 608
 THĂM BẢO TÀNG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN
 
                                                    Ghi chép của Phạm Tiến Đặng


 
      Xe đưa chúng tôi về tới trung tâm hành chính huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đúng 8 giờ. Cháu tài xế Sở Công an đã quá quen đường, nên cho xe quẹo vào khu Bảo tàng truyền thống một cách ngon lành. Bỗng anh Tư Việt vỗ trán - thôi chết ! Tôi quên khuấy hôm nay là ngày nghỉ, chắc chắn Bảo tàng không mở cửa. Anh giục vội tài xế: "Cháu quay xe lại UBND huyện để chú nhờ các đồng chí lãnh đạo điện cho người mở cửa chúng ta mới vào được."
      Xe tới Ủy ban Nhân dân, chúng tôi cùng vào gặp đồng chí Phó Chánh Văn phòng UBND huyện đang trực. Nghe đồng chí Tư Việt trình bày lý do chuyến đi. Đồng chí Phó Văn phòng UB huyện Ngọc Hiển liền gọi điện thoại cho bảo vệ khu nhà truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển mở cửa để anh em chúng tôi vào xem. Chúng tôi muốn trực tiếp tìm hiểu thêm tư liệu, cùng mục sở thị, ghi hình những hiện vật, mô hình chuyến tầu không số đầu tiên do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Bông Văn Dĩa quê ở ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Duyên Hải (nay là huyện Ngọc Hiển) làm thuyền trưởng. Cũng từ bến Vàm Lũng này, những con tầu không số đã từng đưa, đón một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của ta vào Nam ra Bắc an toàn. Như các đồng chí Lê Duẩn Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Giáo sư-bác sỹ Nguyễn Thiện Thành (ba ruột đồng chí Nguyễn Thiện Nhân -UVBCT, Bí thư TP Hồ Chí Minh hiện nay), đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam, nguyên Chủ tịch nước CHXHCNVN vv...)
          Để chuyến đi đúng kế hoạch thời gian, tôi ghi nhanh một số tấm hình trong bảo tàng rồi chụp vài kiểu ảnh cùng anh em đồng đội dưới chân tượng đài để làm lưu niệm.  Rồi mọi người lội bộ tiến nhanh về cầu cảng cá, nơi có chiếc xuồng máy thuê lại của dân đang neo chờ sẵn.
Sông Giành Hào ngập tràn nắng, gió. Bên bờ phía thị trấn huyện Ngọc Hiển nhà cửa đua chen san sát lấn cả ra sông. Những con thuyền to, nhỏ vận chuyển nông sản, trái cây, đồ tiêu dùng, vật liệu xây dựng vv... Ngược xuôi bồng bềnh theo sóng nước. Cây cầu lớn vắt qua sông Giành Hào tấp nập người, xe qua lại. Nói như đồng chí Nguyễn Quốc Việt "chẳng bù cho cái thời chiến tranh, lèo tèo vài chục cái nhà bé xíu, lụp xụp lợp lá dừa nước. Toàn thị trấn chỉ có vài ba căn nhà xây, dùng làm công sở của chính quyền ngụy". Lúc đó từ dân cho đến cán bộ chúng tôi chẳng ai tưởng tượng nổi chỉ sau mấy chục năm, vùng đất rừng U Minh nơi kênh rạch chằng chịt lại có đường nhựa, những cây cầu kiên cố, rộng rãi tỏa đi muôn nơi, điện lưới cho sản xuất và thắp sáng đến từng nhà dân trong rừng đước bạt ngàn. 
     Chúng tôi đi từ sông Giành Hào ra tới cửa Vàm Lũng khoảng chừng trên dưới 18 hải lý (trên ba mươi km). Hai bên sông là rừng Đước xanh ngắt bạt ngàn. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt gặp một vài xóm nhỏ người dân sinh sống ven sông. Như Ba Phong giải thích - đó là những hộ dân chuyên nghề đi biển và chài lưới, chăn nuôi thủy sản. Tư Quý im lặng từ lúc đi, đến giờ bỗng chép miệng lên tiếng: "Những khu rừng Đước nhỏ này là kiểm lâm mới cho trồng lại. Sau giải phóng bà con mình phá đi quá nhiều. Phần để lấy gỗ làm nhà, phần làm đất đai canh tác. Trước đây rừng bạt ngàn, có nhiều cây cao từ 15 đến 20m, với vài tầng, vài lớp. Lúc đó những con thuyền không số của chúng tôi chỉ cần canh giờ tránh bị bọn Tuần duyên phát hiện, lọt vào trong cửa Vàm Lũng. Được dân quân, du kích, nhân dân chặt cành ngụy trang thì có đến bố thằng Mỹ, thằng ngụy cũng phải bó tay dù có cho trực thăng và OV10 rà sát ngọn cây cũng chẳng thể nào tìm ra dấu tích. Nói rồi Tư Quý chỉ cho tôi xem phía xa xa trong rừng non mới trồng còn sót lại vài chòm cây Đước cổ thụ.
          Tôi mải mê ghi hình và nghe anh em kể chuyện. Chiếc xuồng máy đã đưa chúng tôi ra tới cửa Vàm Lũng. Nó khẽ trồng trành, trồi lên, nhịp xuống theo từng con sóng. Trước mắt tôi là mênh mông biển cả. Trời xanh trong, gió nhẹ. Xa xa chếch về phía Tây Nam, đảo Hòn Khoai xanh ngắt sừng sững, hiên ngang như một tiền đồn vững chắc trên biển đông canh giữ, bảo vệ miền đất cuối cùng miền cực nam Tổ quốc. Anh Tư Việt cho xuồng quay về rồi rẽ vào một con rạch nhỏ neo lại. Chúng tôi cùng lội trên một vùng đất nhão. Những cựu lính đường Hồ Chí Minh trên biển bồi hồi, xúc động. Các anh đang nhớ về những cuộc chiến đấu một mất, một còn với quân thù. Những kỷ niệm ai còn, ai mất của một thời đầy gian nan, máu lửa. Ai cũng giành nhau chỉ cho tôi xem nơi con tầu không số đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam do đồng chí Bông Văn Dĩa chở theo 30 tấn vũ khí cập bến an toàn; Rồi những con tầu kế tiếp, những kho hàng được cất dấu ngụy trang. Những nẻo đường thủy với những ngã tư, ngã năm chằng chịt mà bộ đội, nhân dân, du kích địa phương đã dùng xuồng ba lá vận chuyển vũ khí, trang thiết bị được bốc dỡ từ những con tầu không số tỏa đi muôn hướng để kịp thời chi viện cho các chiến trường. Tôi phải tập trung cao độ để vừa đưa vào ống kính những hình ảnh địa danh, lại vừa ghi chép lại những lời kể sống động, chân thực của những người trong cuộc. Thoáng chốc đã gần 12 giờ trưa, Chiếc xuồng máy hướng mũi quay về phía nhà thờ tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Bông Văn Dĩa - người đầu tiên mở ra Đường Hồ Chí Minh trên biển. 




     Từ hai ngày trước, khi tôi đi cùng anh Hồ Việt Lắm về làm giỗ ông cụ thân sinh ra bà xã trước đây của anh – Đồng chí Huỳnh Kim Lan (Tư Chờ ) hy sinh năm 1969, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9. Tôi đã được nghe anh giới thiệu về "Chiến khu rừng đước" nên tôi đã phần nào hình dung, dự đoán ra cuộc "hành quân" của chúng tôi hôm nay. Giữa trưa, sau khi dự đám giỗ đồng chí Phó Tư lệnh Quân khu 9, anh Hồ Việt Lắm cùng chúng tôi kéo nhau qua rừng U Minh đến quê nhà anh Trần Quốc Cường - Thạc sỹ, Phó Giám đốc đầu tư dự án TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu để thắp nhang tưởng niệm. Nhân ngày giỗ bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng có ba con trai là Liệt sỹ - trong đó ba của đồng chí Trần Quốc Cường là một trong ba người con đó. Tôi ăn bánh ú và bánh tét do chính tay các mẹ, các chị miền quê gói. Thấy quá ngon, tôi xin luôn một ít mang về. Người dân quê rất mộc mạc, chân thành, thảo ăn. Còn bao nhiêu bánh, các mẹ, các chị bỏ vào các bịch tặng cho anh em trong đoàn chúng tôi mang về hết. Riêng cái bịch của tôi cũng phải chừng trên bốn chục bánh ú và bánh tét. Trưa nắng, đã quá bữa. Ngồi trên thuyền tất cả anh em đều đói bụng. Chúng tôi cùng nhau mở bịch bánh ra ăn. Hương nếp quyện cùng đậu xanh, nước cốt dừa thơm lựng làm mấy ông đồng đội trên biển cứ suýt xoa. Lâu lắm rồi từ ngày rời đoàn tầu không số, giờ mới được thưởng thức lại hương vị của những chiếc bánh ngày xưa mỗi khi đoàn tầu cập bến !
 
Kỳ sau: Kình ngư - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa và những trận đánh của đoàn tầu không số.
 
 

tin tức liên quan