Ngày Thơ Việt Nam và bài thơ Nguyên tiêu của Bác

Ngày đăng: 08:52 11/02/2017 Lượt xem: 970

NGÀY THƠ VIỆT NAM VÀ BÀI THƠ NGUYÊN TIÊU

            CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Được sự chỉ đạo của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hội Nhà văn Việt Nam đã lấy ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch hằng năm là Ngày Thơ Việt Nam. Đây là ngày tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam.

Ngày  Thơ Việt Nam đầu tiên được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mùi 2003 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội. Mở đầu Ngày Thơ Việt Nam đầu tiên này là Lễ kéo lá cờ Thơ  rồi ngâm và đọc bài thơ  “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc những bài thơ hay nhất của đất nước và tiếp tục ngâm thơ , bình thơ…

Ngày  Thơ Việt Nam năm nay là Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 được tổ chức vào đúng ngày Rằm thánh Giêng năm Đinh Dậu tức là thứ bẩy, ngày 11 tháng 02 năm 2017 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Đến đây, nhiều bạn đọc yêu thơ rất muốn biết: Từ đâu mà có Ngày Thơ Việt Nam?

Xin thưa, chính bài thơ “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cội ban hành của Quyết định Ngày Thơ Việt Nam. Đây là bài thơ được đánh giá là một trong những bài thơ đứng hàng đầu trong những bài thơ hay nhất thế kỷ 20 do Trung tâm Văn hóa Danh nhân và Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn trong nền thi ca Việt Nam từ cổ xưa đến nay. Bác đã sáng tác bài thơ “Nguyên Tiêu” theo thể thất ngôn tứ tuyệt đúng vào đêm Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý 1948 tức đêm 24 tháng 02 năm 1948 tại Việt Bắc.

Bài thơ Nguyên Tiêu được viết bằng chữ Hán, nguyên tác (theo âm Hán - Việt) như sau:

 

          NGUYÊN TIÊU

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

 

Nhà thơ Xuân Thủy đã dịch bài thơ này sang thể lục bát rất sát ý và hay:

RẰM THÁNG GIÊNG

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

 

Để kết thúc bài viết và cũng giúp bạn đọc hiểu sâu về bài thơ này, tôi xin trích dẫn bài bình của Hoa Lê đã được Trang WEB  “Thơ Đường Đất Việt” của Hội Thơ Đường Luật Việt Nam đăng tải đưới đây:

 

Xuân Mậu Tý 1948, sau chiến dịch Thu - Đông, với chiến thắng sông Lô vang dội (10-1947), cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đã bước sang một giai đoạn mới. Và lúc này đây, vào đêm Rằm tháng Giêng, đêm trăng sáng đầu tiên, cũng là đêm trăng sáng nhất trong năm, Bác Hồ cùng các đồng chí Trung ương Đảng ngồi bàn việc quân, để hoạch định cho những chiến thắng tiếp theo; không phải trong một căn phòng kín với những người lính gác cẩn mật bên ngoài, mà trên một dòng sông xuân, trong một đêm trăng xuân... vẫn đảm bảo sự bí mật, kín đáo, nhưng cũng thật đẹp, thật thơ mộng. Bài thơ toát lên một tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự tất thắng, một sức sống xuân tràn trề. Đó là sự ung dung tự tại của Bác, vị Tổng Tư lệnh của dân tộc, linh hồn của cuộc kháng chiến... Đây chính là “cái thần” của bài thơ!


         Bài thơ “Nguyên tiêu” tràn ngập ánh trăng lồng lộng “nguyệt chính viên” trong khung cảnh đêm “Rằm tháng Giêng” ở núi rừng Việt Bắc. Bác bàn “việc quân” với các đồng chí Trung ương ở nơi “thâm xứ” để giữ bí mật, kế hoạch tiến công quân giặc đã cầm chắc chiến thắng trong tay. Trên đường về vui cảnh non sông, đất nước, ánh trăng vàng bát ngát trong đêm xuân, phong cảnh núi rừng Việt Bắc tuyệt đẹp. Hình ảnh Bác ngồi trên mạn thuyền, vầng trán cao, râu tóc bạc óng ánh dưới ánh trăng, giữa núi rừng, sông suối như một vị tiên ông, như một nhà hiền triết, tỏa sáng giữa “Thủ đô gió ngàn”. Lời thơ thanh thoát, gợi cảm, từng câu, từng chữ, từng hình ảnh như hòa quyện với nhau rất đẹp và khỏe khoắn. “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên” - nghĩa là sông xuân, nước xuân, trời xuân, láy lại ba chữ “xuân” - trời nước, giang sơn, Tổ quốc là xuân - xuân mới, xuân kháng chiến - xuân chiến thắng của cả dân tộc. “Khuya về” thì “trăng đã đầy thuyền” - Bác vui với cảnh non sông, đất nước, với ánh trăng ngàn Việt Bắc giữa đêm “Rằm tháng giêng” rất thiêng liêng, một mùa xuân đầy hứa hẹn của dân tộc.

     “Nguyên tiêu” được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, man mác phong vị Đường thi. Bài thơ có đầy đủ những yếu tố của bài thơ cổ: Một con thuyền, một vầng trăng, có sông xuân, nước xuân, trời xuân, có khói sóng. Điệu thơ thanh nhẹ. Không gian bao la, yên tĩnh… Chỉ khác một điều, ở giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình ấy, nhà thơ không có rượu và hoa để thưởng trăng, không đàm đạo thi phú từ chương, mà chỉ “đàm quân sự”. Bài thơ như một đoá hoa xuân đẹp trong vườn hoa dân tộc, là tinh hoa kết tụ từ tâm hồn, trí tuệ, đạo đức của Hồ Chí Minh. “Nguyên tiêu” là một trong những bài thơ hay của Bác. Hay ở cái tứ chặt chẽ và hình tượng đẹp: “Trăng ngân đầy thuyền” - Cái đẹp của thiên nhiên hòa nhập với vẻ đẹp cốt cách, uyên bác của Bác. Thơ của Bác, không chỉ tả cảnh thiên nhiên, bao giờ cũng phản ánh trí tuệ, tâm hồn rộng lớn của thời đại, của dân tộc. Bài “Nguyên tiêu” của Bác tràn ngập ánh trăng xuân của chiến khu Việt Bắc và bao la bát ngát tình trên khắp núi sông đất Việt. Bài thơ là niềm tin tưởng lạc quan của quân dân ta vào ngày chiến thắng huy hoàng và là ngày hội thơ của toàn dân tộc yêu thơ trên đất Việt.

 

                                                                       TRƯƠNG VĂN NHI

                                                                                          

 

tin tức liên quan